Các thành phần dân tộc

Một phần của tài liệu Mạng lưới chợ nông thôn ở quảng yên trước năm 1945 (Trang 35 - 38)

Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ QUẢNG YÊN

1.3. Các thành phần dân tộc

Quảng Yên là một vùng đất có bề dày lịch sử, lại ở vị trí thuận lợi cho việc giao lưu Bắc - Nam nên từ lâu đã có con người đến đây để cư trú. Theo kết quả khảo cổ học, thì nơi đây vào thời đại đá mới cách ngày nay từ 3.000 đến 5.000 năm, đã có nền văn hóa tiền sử - Văn hóa Hạ Long. Trước Văn hóa Hạ Long, nhiều di chỉ lại chứng tỏ có con người ở sớm hơn, tiêu biểu là di chỉ Soi Nhụ. Gần đây các nhà khảo cổ có khuynh hướng khá thống nhất là xác định Quảng Yên xưa tức Quảng Ninh bây giờ có Văn hóa Soi Nhụ cách nay từ 7.000

- 8.000 năm đến trên dưới 10.000 năm. Lớp cư dân tạo nên những nền văn hóa ấy được coi là lớp cư dân bản địa, một bộ phận của người Việt Cổ. Ngoài những người Việt Cổ, vùng này trải qua hàng ngàn năm lịch sử, luôn là địa bàn

hấp dẫn, thu hút người dân thuộc các tộc người khác nhau từ nhiều miền đất khác đến làm ăn sinh sống như: người Hoa, Nùng, Mán, Thổ… [53; tr.349].

Trước năm 1945, dân cư ở tỉnh Quảng Yên tập trung đông ở khu vực đồng bằng ven biển và thưa thớt ở vùng núi cao, hải đảo.

Do trong quá trình hình thành và phát triển địa giới hành chính của Quảng Yên bị thay đổi quá nhiều lần nên việc thể hiện dân cư, dân số của tỉnh lúc bấy giờ rất khó khăn và phức tạp. Đến nay cũng chưa có một công trình nào công bố về dân cư, dân số cụ thể của khu vực này trước năm 1945.

Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Quảng Yên Quảng Ninh ngày nay đã có 22 thành phần dân tộc cùng sinh sống với tổng dân số năm 2018 là: 1.320.324 người. Trong đó, người Kinh đông nhất với 1.011.794 người, tiếp sau đó là người Dao với 59.156 người, người Tày 35.010 người, Sán Dìu có 17.946 người, người Sán Chay có 13.786 người, người Hoa có 4.375 người. Ngoài ra còn có các dân tộc ít người như người Nùng, người Mường, người Thái…[4].

Sách “Đại Nam nhất thống chí” biên chép: “Châu Tiên Yên, người Nùng người Thổ ở xen lẫn với nhau. Cứ đầu năm chưa động thổ, đi đêm không dám đốt đèn, gặp trời mưa không dám che nón. Chọn ngày tốt tổ chức đánh đu. Đến Tết Đoan ngọ, hái lá ngải treo ở cửa. Hái hàng trăm thứ cỏ để làm chè (trà uống nước). Nấu rượu cỏ bồ đề tế tổ.

Người Thổ người Nùng ở châu Vạn Ninh, tục hôn thú cũng giống như châu Tiên Yên. Duy có các phố Thác Mang, Yên Lạc, Lạc Tụ, Đại Hoàng, có người Thanh ở xen vào, cứ đến ngày cưới, sắm sửa đủ tư trang, chia của cho con gái. Khi con gái ra khỏi cửa, thì đánh thanh la, thổi kèn gỗ, trống đánh râm ran. Cha mẹ và người trong họ cùng đi đưa dâu, tiếng kèn sáo nghe có vẻ thương nhớ, là theo tục người Thanh” [39; tr.1304-1305]. Qua đó có thể thấy được một phần phong tục tập quán của cư dân ở Quảng Yên và đời sống vật chất họ còn rất nghèo nàn, nhưng đời sống tinh thần lại phong phú, đa dạng, đặc biệt họ rất coi trọng những lễ nghi, tín ngưỡng, tôn giáo.

Trên cơ sở tài liệu lịch sử đã được ghi chép, có thể khái quát về nguồn gốc các thành phần cư dân ở khu vực Quảng Yên như sau:

Người Việt cổ có công khai khẩn vùng đất này từ nhiều ngàn năm về trước.

Hàng loạt di chỉ khảo cổ đã cho thấy họ nối tiếp cư ngụ từ trên một vạn năm, rất có thể là từ thời kì đồ đá giữa các giữa qua các giai đoạn của thời kì đồ đá mới đến đại kim khí. Họ là chủ nhân của nền văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo, văn hóa Hạ Long và sau đó là thời đại Hùng Vương. Hoạt động kinh tế chủ yếu của họ là đánh bắt hải sản, trồng trọt, chăn nuôi và khai thác lâm sản nhưng vẫn là một vùng thưa thớt dân cư. Sau đó, trong quá trong phát triển của lịch sử, nhiều nhóm người Việt từ đồng bằng Bắc bộ và từ ven biển miền Bắc Trung Bộ… lúc thì ồ ạt, lúc thì thưa thớt đã đi chuyển đến nơi đây [53; tr.349-350]

Các tộc người thiểu số: Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Chay, Hoa, Nùng, … Các dân tộc thiểu số có mặt trên đất Quảng Yên xưa nay là Quảng Ninh

phần lớn có nguồn gốc từ phương Bắc. Họ đến đây bằng nhiều con đường, từ nhiều địa phương, với các mốc thời gian khác nhau, nhưng đều nhằm một mục đích tìm kế sinh nhai và tìm chốn nương thân, tránh sự áp bức bóc lột, truy lùng, săn đuổi của các vương triều phương Bắc, các thế lực và các dân tộc nơi đất cũ mỗi khi có những biến động về chính trị, những cuộc phản kháng, khởi nghĩa hoặc xung đột tộc người mà họ thuộc thân phận những kẻ yếu thế [53].

Ngay từ xưa trên vùng đất Quảng Yên lịch sử bên cạnh sự cư trú của người Kinh thì còn có mặt của các dân tộc thiểu số khác. Mặc dù có nguồn gốc, ngôn ngữ, phong tục tập quán, khác nhau nhưng khi đến khu vực này họ đã đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, để cùng sát cánh xây dựng quê hương, xóm làng, thôn bản; bảo vệ vững chắc vùng biên cương thiêng liêng của đất nước; giữ gìn, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng như tạo dựng một nền văn hóa “đa dạng trong thống nhất” mang đậm bản sắc dân tộc.

Một phần của tài liệu Mạng lưới chợ nông thôn ở quảng yên trước năm 1945 (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(106 trang)
w