Tình hình kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Mạng lưới chợ nông thôn ở quảng yên trước năm 1945 (Trang 38 - 44)

Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ QUẢNG YÊN

1.4. Tình hình kinh tế - xã hội

Quảng Yên xưa là một tỉnh miền núi, ven biển, biên giới phía Đông Bắc nước Việt Nam. Về vị trí địa lý, vùng đất này được coi là mặt tiền, là cửa ngõ giao lưu với các nước bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Từ ngàn xưa, Quảng Yên là vùng đất có đặc điểm riêng về kinh tế - xã hội, một vùng đất “Ngư diêm như thổ dân xu tiện, hòa đạo vô điền phú bạc chinh” (Lê Thánh Tông). Đào Duy Anh dịch là “Đất nhiều các muối dân no đủ.

Ruộng thiếu hoa mầu, thuế nhẹ nhàng. Còn Phan Huy Chú viết rằng: “Đất trong phủ (Hải Đông) núi biển nhiều mà ruộng nương ít, dân buôn bán kiếm lợi, làm ruộng trồng dâu ít. Việc đánh thuế không như các trấn” [53].

Theo “Đồng Khánh địa dư chí” biên chép: “Tỉnh hạt ở vùng núi biển xa xôi hoang vắng, ruộng đồng hiếm ít, người dân tùy theo hoàn cảnh mà làm ăn, quá nửa sinh sống bằng nghề buôn bán, chài lưới, đánh cá, làm muối mắm;

trồng trọt chỉ là thứ yếu” [37; tr.398]

Nông nghiệp: Theo những phát hiện mới của khảo cổ thì nông nghiệp khu vực này đã nảy sinh từ thời kỳ Văn hóa Soi Nhụ (Thời đại đá giữa). Ở giai đoạn đầu chủ yếu là trồng rau, củ; đến thời đại Đá mới đã phát triển việc trồng lúa. Từ đây, con người biết khai phá ruộng đất để trồng trọt “Miền duyên hải thì cứ tháng 6 cấy, tháng 10 gặt, còn miền núi thì cứ tháng 5 cấy, tháng 9 gặt, sớm muộn không giống nhau” [39, tr.1034]. Tuy nhiên “Quảng Yên là nơi bờ

biển hẻo lánh, ruộng đất ít ỏi cho nên gạo cho dân đều nhờ ở Hải Dương, Nam Định” [38]. Sản xuất nông nghiệp của cư dân tồn tại dưới hai hình thức canh tác là nương rẫy và ruộng nước.

Canh tác nương rẫy: là loại hình canh tác phổ biến ở châu Tiên Yên, huyện Hoành Bồ xưa và được bảo tồn tới tận ngày nay. Do địa hình là vùng đất núi vốn có mặt dốc, không có điều kiện làm thủy lợi thâm canh nên bà con khu vực này đã khai phá đất đai bằng cách chặt cây cối, phơi khô, dùng lửa đốt chúng thành tro than, rồi chọc lỗ, gieo hạt. Những chân ruộng bậc thang, những

bãi nương trồng lúa chạy dài theo sườn núi. Vì những nương rẫy nằm ở sườn cao nên khi thu hoạch lúa người dân phải sử dụng gùi để đem nông sản về nhà.

Canh tác ruộng nước là loại hình canh tác phổ biến ở huyện Yên Hưng và các địa phương nơi có đất đai ven biển và hải đảo ở các châu Tiên Yên, Hải Ninh. Đối với loại ruộng này, người dân địa phương thường áp dụng phương thức canh tác bằng cách dùng lưỡi cày và sức kéo của trâu bò. Để có nước cho lúa, người dân còn biết đắp bờ giữ nước, xây dựng kênh, đập, mương, phai để tưới nước và tiêu nước khi cần thiết. Ngoài ra, họ còn đắp đê để ngăn lũ tràn vào ruộng.

Để tăng độ phì nhiêu cho đất, ngoài việc đốt cỏ ở ruộng, đốt cây cối ở nương rẫy, dùng tro than của cỏ cây để bón ruộng thì cũng giống như nhân dân

ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam, người dân Quảng Yên xưa đã biết dùng phân gia súc và “phân bắc” để bón cho cây trồng.

Ngoài lúa, nông dân còn làm muối, trồng rau màu, cây làm thuốc, cây ăn quả như: khoai lang, khoai sọ, cây bột đao, mía, dứa, gừng, rau muống, đu đủ, chuối, cam, vải, nhãn…

Bên cạnh hoạt động trồng trọt thì cư dân quảng Yên còn chăn nuôi thêm các loài gia súc, gia cầm để lấy thịt và làm sức kéo phục vụ nhu cầu sản xuất như: trâu, bò, lợn, gà, vịt,…

Thủ công nghiệp: Là hoạt động sản xuất truyền thống nhằm bổ trợ cho kinh tế nông nghiệp và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Quảng Yên, với các nghề đã có từ lâu đời như: đan thuyền, đan lờ, đan đó, đan đăng, đan lưới để đánh bắt cá và các loài thủy hải sản trên sông, ngoài biển; nghề rèn, nghề làm vàng mã, nấu rượu…

Ngư nghiệp: Do điều kiện tự nhiên thuận lợi: giáp biển, có nhiều sông, đảo; từ xa xưa cư dân Quảng Yên đã biết đến nghề biển. Lúc đầu, con người bám vào tre, cây gỗ, dần biết kết thành bè, thành mảng, sau nữa là biết đan thuyền nan, đóng thuyền gỗ, từ không có buồm đến có buồm để đánh bắt thủy

hải sản cũng như khác thác các tài nguyên do biển đem lại như: mò ngọc trai, ngán, sò, ốc, đào sá sùng, đâm cá song, quăng lưới bắt cá, tôm,…

Lâm nghiệp: Là một ngành kinh tế có truyền thống lâu đời Quảng Yên.

Nghề này đặc biệt phổ biến ở huyện Yên Hưng, châu Tiên Yên, châu Vạn Ninh.

Người dân đã thường xuyên vào rừng để lấy mật ong, khai thác các loại lâm sản quý cũng như đánh bắt các loài thú phục vụ cho nhu cầu của gia đình và đem ra chợ buôn bán để đổi lấy các vận dụng cần thiết cho cuộc sống.

Thương nghiệp: Theo Đồng Khánh địa dư chí, người Quảng Yên quá nửa sống bằng buôn bán, chài lưới, đánh cá, làm muối mắm, trồng trọt chỉ là thứ yếu [37; tr.398]. Đây là cơ sở để duy trì và phát triển hoạt động trong các chợ

Từ vị trí cửa ngõ, từ những thuận lợi về cảng biển và giao thông thủy bộ, nhưng quan trọng hơn là từ những yêu cầu của sản xuất và đời sống nên suốt chiều dài lịch sử Quảng Yên xưa, thương mại đã xuất hiện từ rất sớm và phát triển. Trong đó, sôi động và nhộn nhịp nhất phải kể đến thương cảng ở Vân Đồn thời Lý - Trần. Tuy nhiên, từ thời nhà Lê và đặc biệt là thời Nguyễn do chính sách” bế quan tỏa cảng” nên sự hưng thịnh trong hoạt động thương mại ở Vân Đồn đã bị hạn chế, các việc giao lưu hàng hóa ở đây lại gắn với hoạt động tại các buổi chợ, phiên chợ. Bên cạnh việc có vai trò quan trọng trong việc trao đổi hàng hóa, các sản phẩm tiêu dùng, chợ còn là nơi giao lưu văn hóa, tình cảm giữa các vùng miền, địa phương trong nước và với cả Trung Quốc.

Giáo dục

Trước năm 1945, Quảng Yên là vùng giáo dục chậm phát triển. Cả tỉnh chỉ có một trường học “Trường phủ Định Sơn: Ở xã Quỳnh Khê, phía Đông tỉnh thành. Nguyên là nha Học chính, làm năm Minh Mạng thứ 10 (1829), sau bỏ Học chính, làm nhà học cho Huấn đạo huyện Yên Hưng. Năm Tự Đức thứ hai (1849), bỏ Huấn đạo, đặt chức Giáo thụ, làm trường học của phủ” [39;

tr.1305]. Đây chính là nơi đào tạo ra một số người đỗ đạt ở Huyện Yên Hưng mà tên tuổi của họ đã được khắc vào văn bia tại các nhà thờ tổ của dòng

họ. Ngoài ra, hầu hết cư dân ở đây còn chưa biết tới con chữ, đặc biệt là đồng bào ở vùng núi xa xôi hẻo lánh trên địa bàn của tỉnh. Các huyện Hoành Bồ, Tiên Yên, Hải Ninh hơi hiếm nơi hiếu học, thói tục quê mùa hà tiện. Dân ở đó thì người Thanh, người Kinh (Việt), Mán, Nùng ở xen với nhau [37; tr.398].

Tuy nhiên, dân hai huyện Yên Hưng và Nghiêu Phong được biết đến là khá hiếu học [37; tr.398].

Sang thời Pháp thuộc, ở khu vực Quảng Yên cũ đã xuất hiện một số trường công và trường tư nhưng rất ít, cao nhất là trình độ cao đẳng tiểu học.

Tính chung lại hơn 95% người dân vẫn mù chữ, riêng ở các vùng núi cao, hải đảo và các vùng nông thôn hẻo lánh thì 100% đồng bào mù chữ [55].

Ngày nay, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, hệ thống giáo dục ở tỉnh Quảng Ninh đã khá hoàn chỉnh từ vùng duyên hải đến miền núi, hải đảo đều có cơ sở giáo dục. Toàn tỉnh có 660 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, trong đó: 218 trường mầm non,

179 trường tiểu học, 1 trường liên cấp mầm non - tiểu học, 186 trường trung học cơ sở, 59 trường có cấp trung học phổ thông, 13 trung tâm GDNN- GDTX cấp huyện, 1 trung tâm HN-GDTX tỉnh, 2 trường đại học, 1 phân hiệu đại học.

Năm 2017, 100% đơn vị cấp xã trong tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ [4].

Y tế

Trước năm 1945, Quảng Yên là nơi điển hình về bệnh tật, hết dịch bệnh này đến dịch bệnh khác hoành hành. Trong khi đó, chính quyền cũ lại không mấy quan tâm đến sức khỏe của người dân.

Do điều kiện lịch sử, dưới các triều đại phong kiến người dân Quảng Yên khi ốm đau, bệnh tật chỉ trông chờ vào thần thánh (thông qua hoạt động cúng bái) và các bài thuốc dân gian được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như:

Quế:còn gọi là quế nhục, quế đơn, quế bì hay ngọc thụ. Quế có trong rừng tự nhiên ở châu Tiên Yên, Vạn Ninh... Để quế trở thành vị thuốc chữa bệnh người

dân phải bóc vỏ, phơi khô nơi râm mát, sau đó đóng gói mang tiêu dùng. Quế là một vị thuốc bổ, chữa đau mắt, ho hen, bồi bổ sức khỏe phụ nữ sau khi sinh nở, chữa bệnh đau bụng đi ngoài. Quế có vị cay, ngọt, tịnh đại nhiệt vào hai kinh cam, thận, chuyên trị trầm hàn, chân tay co quắp, lưng gối mỏi, bụng quặn đau, kinh nguyệt bế tắc, tiểu tiện bất lợi, người có trạng âm hư, dương thịnh…

Ngoài quế, táo rừng được nhân dân sử dụng làm thuốc. Nhân dân vùng cao còn gọi là mận rừng, vang trầm. Có nhiều ở đồi rừng châu Tiên Yên, châu Vạn Ninh, huyện Hoành Bồ. Nhân dân Quảng Yên thường thu hái lá và rễ táo rừng về làm thuốc. Lá táo rừng thường dùng tươi, còn rễ đào về rửa sạch đất, bóc lấy vỏ thái nhỏ, phơi khô hoặc sao sấy khô. Có thể dùng táo rừng chữa hắc lào dưới dạng vỏ rễ khô ngâm với rượu hoặc dấm, cũng có thể chữa lang ben. Ngoài ra còn chữa lở, ngứa bằng cách dùng lá táo rừng tươi nấu nước tắm ngày 1 lần, liên tục trong 5 ngày sẽ khỏi bệnh.

Thời Pháp thuộc, công tác y tế, chữa trị bệnh tật ở một số khu vực trong tỉnh bắt đầu có những bước tiếp cận với nền y học phương Tây. Trong những năm thập kỷ 1930, đã xây dựng một bệnh viện, song chủ yếu phục vụ cho những người trong bộ máy cầm quyền thực dân Pháp. Việc chữa bệnh trong nhân dân vẫn chủ yếu bằng các phương pháp dân gian truyền thống. Sự lạc hậu và thiếu thốn về y tế khiến cho dịch bệnh (ho lao, tả, thương hàn…) thường xuyên xảy ra gây chết người hàng loạt.

Ngày nay hệ thống cơ sở vật chất của ngành y tế tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân địa phương. Toàn tỉnh có 224 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có: 12 bệnh viện, 10 phòng khám đa khoa khu vực, 10 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 14 trung tâm y tế tuyến huyện, 186 trạm y tế xã, phường [4].

Tiểu kết chương 1

Như vậy có thể nói, ngay từ thời xa xưa với vị trí địa lý ở vùng cửa ngõ sông nước trọng yếu của tổ quốc, Quảng Yên đã trở thành quan ải che chắn, bảo vệ cho Kinh thành Thăng Long. Đồng thời là nơi các vương triều đóng đô ở Thăng Long đặt làm cơ sở triển khai các chiến lược bảo vệ vùng biên cương, vươn ra biển, trấn giữ các vùng biển đảo của đất nước. Bên cạnh điều kiện thuận lợi cho giao thương, Quảng Yên cũng gặp trở ngại khi ruộng đồng hiếm ít, người dân tùy hoàn cảnh mà làm ăn [37; tr.398]. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hạn chế sự dồi dào của hàng hóa khi tham gia hoạt động chợ.

Quảng Yên về cơ bản có một nền kinh tế nông nghiệp. Đời sống của người dân gắn liền với đồng ruộng, nương rẫy, cùng với các nghề ngư nghiệp và thủ công truyền thống, qua đó, cung ứng các sản phẩm nông - lâm - thủy hải sản ra chợ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời từng bước khai thông và mở rộng thị trường trao đổi buôn bán trong khu vực.

Với những lợi thế về vị trí địa lý cùng với tiềm năng tài nguyên phong phú, đa dạng là cơ sở quan trọng để thúc đẩy kinh tế Quảng Yên phát triển, phá vỡ nền kinh tế khép kín, tạo môi trường thuận lợi để các hoạt động thương mại, nhất là sự trao đổi hàng hóa tại các chợ phát triển nhanh với qui mô và phạm vi lớn hơn.

Chương 2

Một phần của tài liệu Mạng lưới chợ nông thôn ở quảng yên trước năm 1945 (Trang 38 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(106 trang)
w