Chương 3: VAI TRÒ CỦA MẠNG LƯỚI CHỢ NÔNG THÔN ĐỐI VỚI KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA QUẢNG YÊN
3.3. Những hạn chế trong hoạt động của mạng lưới chợ nông thôn
Có thể nói, ở Quảng Yên mạng lưới chợ nông thôn được hình thành và phát triển từ rất sớm nên đã giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng lưới chợ nông thôn ở Quảng Yên trước năm 1945 cũng tồn tại những hạn chế nhất định.
Trước năm 1945, mạng lưới chợ nông thôn ở Quảng Yên phân bố không đồng đều tập trung chủ yếu ở huyện Yên Hưng, chính vì vậy, hầu hết các chợ nơi đây không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi của một làng, một xã, một huyện, một châu là có sự trao đổi thường xuyên giữa các nơi. Mặt khác, đây cũng là vùng đất sinh sống của nhiều tộc người nên trong quá trình tham gia hoạt động tại chợ khó tránh khỏi được những va chạm, tranh chấp dẫn đến những mâu thuẫn, thậm chí tranh cãi, xung đột ảnh hưởng xấu tới không gian chợ. Đây chính là điểm yếu để các thế lực phản động lợi dụng kích động, gây chia rẽ các tộc người, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, bà con thân thuộc, để thực hiện âm mưu chống phá nhà nước gây xáo trộn trong cuộc sống của cư dân nơi đây.
Trong quan niệm của cư dân Quảng Yên, chợ là một trong 3 không gian công linh thiêng và quan trọng, nơi giúp con người vượt qua những vất vả, khó khăn, cực nhọc trong cuộc sống. Vận dụng câu thành ngữ - tục ngữ “có thờ có
thiêng, có kiêng có lành”, bên cạnh thói quen thờ cúng thần cai quản chợ người dân nơi đây còn thực hiện những kiêng kỵ như:
Tục đốt vía, đánh vía: bà con buôn bán ở chợ quan niệm rằng: khách hàng có người vía lành, vía tốt nhưng cũng có người vía xấu, vía dữ. Nên nếu chẳng maykhách mở hàng rơi đúng vào người vía xấu, vía dữ thì điều đó thật xui xẻo bởi nó sẽ đưa đến rất nhiều bất lợi, sự ế ẩm cho cả ngày buôn bán. Để hóa giải tình trạng đó, những người buôn bán ở chợ thường thực hành một dạng ma thuật thương mại là đốt vía, giải vía xấu. Có nhiều hình thức cho việc đốt vía, trong đó phổ biến nhất là lấy con dao vung khắp tứ phía rùi miệng lẩm nhẩm đọc:
Đốt vía, đốt van, lành vía thì ở,
dữ vía thì đi.
Hay
Đốt vía chạm vía Vía lành thì ở
Vía dữ thì đi.
Ngược lại, nếu gặp người mở hàng mang vía tốt, vía mát thì may mắn, thuận lợi cho cả ngày buôn. Do đó, trong hoạt động buôn bán ở chợ, những người được cho là vía tốt, vía lành - tức những khách xông xênh, dễ tính, ít khi mặc cả - bao giờ cũng là thượng khách của nhà buôn.
Bên cạnh đó, người chạy chợ ở khu vực Quảng Yên có quan niệm, kiêng kỵ khác như: khi đi chợ không được làm gãy đòn gánh, đi chợ ra khỏi cửa mà gặp người có vía xấu, vía dữ, thì tốt nhất là quay về nhà đợi một lúc rồi mới bước chân ra “đi lại”. Họ còn cố gắng thuyết phục khách hàng đến mua hàng đầu tiên trong ngày trả một, hai giá nếu buộc phải bán rẻ để mở hàng lấy may.
Đối với những người dân làm nghề buôn bán thì nhất định không được đi vào những ngày xấu trong tháng thông qua các câu tục ngữ:
Dù ai buôn bán trăm bề
Gặp ngày con nước cũng về tay không.
Dù ai buôn bán trăm bề Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba.
Mùng năm mười bốn hăm ba Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn. [50]
Ngoài ra, người dân Quảng Yên còn cho rằng nếu phụ nữ đang trong thời kì kinh nguyệt mà đi chợ, đặc biệt là những chợ họp ở trước của đình thì sẽ gặp điều chẳng lành hay khi đi chợ ra khỏi cửa mà gặp phụ nữ thì hôm đó mua bán sẽ không thuận lợi.
Trước năm 1945, đơn vị cân đong, đo lường ở khu vực Quảng Yên còn chưa thống nhất nên tại các phiên chợ, buổi chợ mỗi người dân khi đến chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa lại mang theo những dụng cụ đo lường riêng của mình vì thế cách thức đo lường thiếu thống nhất giữa các chợ có khi ngay ở trong một chợ cũng có sự khác nhau gây khó khăn cho quá trình trao đổi, mua bán tại chợ.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, nền kinh tế của Quảng Yên xưa là tỉnh Quảng Ninh đã có bước phát triển mới. Theo đó, bức tranh về mạng lưới chợ nông thôn trước năm 1945 ở nơi đây cũng thay đổi rất nhiều.
Ngoài những chợ không còn hoạt động nữa thì các chợ còn lại được xây dựng khang trang, mở rộng về quy mô, hàng hóa cũng đa dạng hơn nhiêu. Tuy nhiên hoạt động của mạng lưới chợ vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và vai trò trong trao đổi, mua bán hàng hóa. Từ thực tế nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy để khắc phục những hạn chế nêu trên cần có những giải pháp phù hợp:
Thứ nhất: Các cấp chính quyền cần chú ý quy hoạch xây dựng các chợ có quy mô hợp lý, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương. Đối với các chợ cần di chuyển địa điểm thì phải được xây dựng mới tại những nơi giao thông thuận lợi cho hoạt động trao đổi, mua bán của người dân. Vì chợ khác
bệnh viện, khác trường học, khác cơ quan hành chính nhà nước, xây ở đâu thì học sinh, bệnh nhân, người dân cần vẫn phải đến. Chợ có đặc thù riêng, nếu không phù hợp với tập quán tiêu dùng, không thuận tiện cho người mua, người bán, hiệu quả mang lại sẽ rất thấp. Tránh tình trạng chợ được xây dựng lên nhưng thương nhân và người dân không đến chợ để kinh doanh, mua bán, trao đổi. Đối với những xã chưa có chợ cần xem xét, khảo sát, để có kế hoạch xây dựng chợ riêng, tránh tình trạng sản phẩm người dân sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương.
Thứ hai: Xây dựng giá thuê diện tích kinh doanh trong chợ hợp lý, có những chính sách khuyến khích riêng cho những bà con kinh doanh lâu năm ở chợ để đảm bảo thu hút được các hộ đến tham gia kinh doanh.
Cần có giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng cho các chợ và các tuyến đường giao thông khu vực vành đai biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hai nước mua bán, trao đổi hàng hóa; Nghiên cứu nâng cấp các cửa khẩu tiểu ngạch hướng tới phát triển khu kinh tế cửa khẩu các cặp chợ biên giới.
Trong đó cần lưu ý tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí, không phù hợp với điều kiện kinh tế và tập quán mua, bán hàng hóa của người dân
Thứ ba: Để xây dựng được một chợ mới đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn nên cần có biện pháp vận động các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn tiêu dùng nhàn rỗi đầu tư vào chợ, thông qua hình thức doanh nghiệp cổ phần hoặc hợp tác xã.Đối với các chợ mới được thị xã đầu tư để thực hiện kế hoạch di dời các chợ cũ thì thực hiện phương án nhà nước và nhân dân cùng làm trên cơ sở thống nhất của hộ tiểu thương về quy mô chợ, mức đóng góp xây dựng của hộ tiểu thương, tránh tình trạng kiện tụng, phản đối của các hộ dân kinh doanh trong chợ.
Thứ tư: Các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số trước đây như múa khèn, hát giao duyên... tại các phiên chợ cho đến nay đang dần bị mai một, phần lớn lớp trẻ không thuộc, không biết
hát các làn điệu dân ca của tộc người mình, thậm chí còn thờ ơ với văn hóa truyền thống, chạy theo văn hóa ngoại nhập. Vì vậy ngành văn hóa cần phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản văn hóa truyền thống của các tộc người. Đồng thời, tiến hành sưu tầm, nghiên cứu truyền dạy văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ, tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, các trò chơi dân gian tại chợ phiên nhằm đảm bảo cho nền văn hóa đặc sắc của mỗi tộc người được lưu truyền và phát huy.
Chợ ở Quảng Yên xưa, nay là tỉnh Quảng Ninh với những nét văn hóa đa dạng, độc đáo cũng là điểm du lịch nhân văn hấp dẫn của du khách. Để phát huy thế mạnh các ngành chức năng cần chú ý tới việc quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch, gắn với việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của chợ, để chợ phiên vừa là nơi thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời cũng là nơi góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các tộc người.
Thứ năm: Cần tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển chợ, cho các thương nhân và mọi người được biết để họ hiểu biết rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình khi tiến hành các hoạt động kinh doanh, mua bán ở chợ, tránh tình trạng trốn thuế, buôn gian bán lận cũng như thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân Quảng Ninh ngày càng tăng nhanh, dẫn đến sự ra đời của các loại hình chợ mới như: chợ cóc, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa…. Qua đó, làm giảm số lượng người dân đến chợ truyền thống. Vì vậy, cần đa dạng hóa các hình thức bán buôn, bán lẻ tại chợ để đáp ứng tối đa nhu cầu của người mua sắm của người tiêu dùng để phần nào khắc phục tình trạng trên.
Thực hiện nếp sống văn minh, lịch sử ở chợ để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh những mâu thuẫn, xung đột không đáng có gây ảnh hửng đến không gian chợ.
Tiểu kết chương 3
Trước năm 1945, mạng lưới chợ nông thôn đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực Quảng Yên. Chợ ra đời và phát triển đã trở thành nơi trao đổi, mua bán hàng hóa, thỏa mãn những nhu cầu kinh tế của người dân, là nhân tố thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa, góp phần quan trọng vào việc phá vỡ nền kinh tế khép kín tự cung, tự cấp, đồng thời từng bước cải thiện đời sống và nâng cao nhận thức của bà con nơi đây.
Cùng với việc thực hiện chức năng kinh tế, chợ cũng là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng những nhu cầu giao tiếp, trao đổi, cập nhật thông tin, giải trí, làm cho đời sống tinh thần của người dân khu vực Quảng Yên thêm đa dạng và phong phú.
Là tỉnh ven biển miền núi, trung du, hải đảo nên chợ quảng Yên vừa là cầu nối liên kết tình cảm giữa các tộc người, vừa là nơi là nơi hun đúc tình làng, nghĩa xóm đậm đà để rồi cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách của thiên nhiên.
Bên cạnh đó, trước năm 1945, chợ ở khu vực Quảng Yên còn là nơi để các cán bộ cách mạng tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, xảo trá của kẻ thù, làm thất bại âm mưu mua chuộc dụ dỗ nhân dân xa rời cách mạng chúng, gây dựng những cơ sở cách mạng của Đảng tiến tới giành chính quyền ở các địa phương trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Mặc dù trong quá trình hình thành và phát triển mạng lưới chợ nông thôn ở Quảng Yên trước năm 1945 còn có những hạn chế nhất định do lịch sử mang lại. Song không thể phủ nhận vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ gìn và bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa khu vực trong những giai đoạn sau.