Chương 3: VAI TRÒ CỦA MẠNG LƯỚI CHỢ NÔNG THÔN ĐỐI VỚI KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA QUẢNG YÊN
3.1. Đối với kinh tế, xã hội
3.1.1. Thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa
Chợ ra đời và phát triển cùng với nền sản xuất hàng hóa xã hội. Trong quá trình vận động của hàng hóa, từ sản xuất đến tiêu dùng, chợ không chỉ nằm ở vị trí trung gian, mà còn là trung tâm của mạng lưới các tổ chức lưu thông hàng hóa trên một địa bàn nhất định. Đặc biệt, ở vùng nông thôn, vị trí của chợ lại càng quan trọng. Chợ vừa là nơi để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thu hồi vốn, cung ứng vật tư đầu vào, phản ánh tín hiệu của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, vừa đóng vai trò định hướng cho sản xuất, thúc đẩy sản xuất tiếp tục phát triển. Không những vậy, Chợ còn là nơi để bán hàng tiêu dùng cho cộng đồng cư dân, đồng thời đóng vai trò định hướng cho tiêu dùng, thúc đẩy tiêu dùng ngày càng phát triển cả về lượng và chất, cả về quy mô và trình độ. Với vai trò đó, xét trên một địa bàn nhất định, chợ sẽ là hạt nhân làm cho mua bán trở nên nhộn nhịp, kích thích, các hoạt động kinh tế, cải thiện tiêu dùng và kéo theo nó là các quan hệ xã hội từng bước phát triển. Đặc biệt, ở khu vực nông thôn nơi mà điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, sự xuất hiện chợ kích thích sản xuất, làm hưng thịnh một loạt ngành nghề sản xuất và làm giàu cho một bộ phận cộng đồng cư dân.
Như vậy, với tư cách là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, giữa người sản xuất với người sản xuất, giữa người sản xuất với ngươi tiêu dùng chợ nông thôn đã trở thành nhân tố thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa.
Người nông dân có thể đem đến chợ bán bất cứ một loại hàng hóa gì mà họ chưa dùng đến hoặc đang dư thừa để kiếm một ít tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và mua về các mặt hàng cần thiết phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của gia đình. Qua đó, góp phần điều tiết những bất hợp lý trong nền
kinh tế, thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa, từng bước cân bằng và ổn định thị trường, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
Trước năm 1945, nền kinh tế của cư dân ở khu vực Quảng Yên chủ yếu là nông - lâm - ngư nghiệp và thủ công nghiệp. Các thành phần kinh tế này có quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau, nếu thiếu một trong các yếu tố trên sẽ gây ra khó khăn cho đời sống của con người. Mặt khác, do ở thời điểm này, dân cư còn chưa đông đúc, sản xuất của bà con chủ yếu là sản xuất nhỏ, phân tán mang tính chất tự cung, tự cấp, cho nên chợ giữ một vị trí quan trọng là nơi tập hợp và phân phối hàng hóa đến mọi tầng lớp nhân dân, làm cho các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp và thủ công nghiệp có điều kiện chuyển thành hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển. Đồng thời, chợ còn tạo ra môi trường cho người dân nơi đây được trao đổi kinh nghiệm sản xuất, bước đầu làm quen với nền kinh tế thị trường “quy luật cung - cầu” để có kế hoạch sản xuất ra những sản phẩm thiết yếu ở các chợ hoặc là thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đi chợ, tránh tình trạng “cung không đáp ứng được cầu hay cung vượt quá xa cầu”, qua đó đem lại giá trị kinh tế cao hơn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Chợ ở khu vực Quảng Yên xưa kia có hai loại chợ: chợ họp hàng ngày và chợ phiên. Tại các buổi họp chợ thành phần mua bán rất đa dạng ngoài các tộc người ở dân địa phương, và các vùng lân cận, còn có những lái buôn Trung Quốc mang hàng đến để trao đổi, các mặt hàng mua bán tại chợ rất phong phú, từ các sản phẩm như: gạo, ngô, khoai, sắn, đỗ tương; các loại quả nhãn, chuối, na; các loại hải sản tôm, cua, cá, ngán, sò, ốc…; hay các loại gia súc, gia cầm:
lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng… đến các mặt hàng thủ công truyền thống như rèn, đan lát, vàng mã, rượu… cũng được mua bán, trao đổi thường xuyên tại các chợ. Điều này đã góp phần thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa giữa các châu, huyện, đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân ở Quảng Yên.
Tóm lại, chợ đã trở thành khâu trung gian, nơi tập hợp và phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng, nhờ có chợ mà người dân được thỏa mãn nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa của bản thân. Đồng thời, chợ còn tạo ra môi trường để người dân, giao lưu, trao đổi, tiếp xúc, làm quen với kinh tế thị trường, thúc đẩy họ thay đổi tư duy và tập quán sản xuất cũ từ chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún theo hình thức tự cung tự cấp, sản phẩm dư thừa đem bán sang hình thức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường, thực hiện liên kết tiêu thụ giữa người sản xuất và người thu mua, tiêu dùng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, từng bước nâng cao đời sống người dân trong khu vực.
3.1.2. Củng cố mối liên hệ giữa các tộc người
Có thể nói, mối liên hệ giữa các tộc người là một hiện tượng tất yếu mang tính lịch sử. Bởi lẽ, trong quá trình tồn tại và phát triển họ luôn có nhu cầu tiếp xúc, giao thoa về mặt văn hóa, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất cũng như đoàn kết đấu tranh chống những biến thiên nhiên hay sự xâm lấn của các thế lực ngoại xâm… Tất cả điều đó tạo nên sức mạnh, sự phát triển bền vững của một đất nước.
Trong xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, mỗi làng xã, thậm chí mỗi gia đình là đơn vị kinh tế. Tính chất tự cung tự cấp của nền kinh tế tiểu nông là phổ biến. Sự xuất hiện những chợ, những địa điểm trao đổi cố định, thường kỳ đã từng bước làm thay đổi tính tự cấp, tự túc trong làng xã và cộng đồng cư dân. Sự phát triển của mạng lưới chợ là biểu hiện tập trung của sự phát triển kinh tế hàng hóa. Chợ không chỉ là nơi trao đổi vật phẩm, hàng hóa mà còn là môi trường tiếp xúc xã hội thường xuyên, nơi thông đạt tin tức, nơi truyền bá văn hóa. Giữa nông thôn tĩnh mịch, các chợ làng nổi lên thành những điểm thu hút tập hợp dân cư trong vùng, tạo nên những nhịp cầu tiếp xúc, nối liền các làng xã sống cô lập và khép kín. Qua đó, ý thức tộc người, tâm lý tộc người và nền văn hoá riêng của cộng đồng làng xã cũng hình thành và hoà vào dòng chảy chung của văn hoá dân tộc.
Quảng Yên là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, nơi mà tộc người Kinh và nhiều tộc người thiểu số khác cùng sinh sống như: Dao, Tày, Hoa, Nùng, Thổ… Do là tỉnh biên giới giáp Trung Quốc nên người dân Quảng Yên thường xuyên phải đấu tranh chống lại âm mưu xâm lược của kẻ thù đồng thời trong quá trình mưu sinh để tồn tại họ còn phải liên tiếp phòng chống thiên tai như gió bão, triều dâng, hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh, dịch bệnh. Điều này, đòi hỏi người dân nơi đây cần có sự đoàn kết, chung sức, chung lòng để vượt qua khó khăn, thử thách.
Theo lời kể của các cụ cao niên, chợ xuất hiện từ rất sớm ở Quảng Yên.
Trước khi có chợ, nền kinh tế nơi đây chủ yếu là tự cung tự cấp, sự giao lưu, tiếp xúc giữa người với người còn hạn chế, phần lớn xoay quanh vấn đề chung của làng, xã. Đặc biệt ở khu vực miền núi, nơi bà con các dân tộc thiểu số sinh sống thì sự giao lưu, tiếp xúc đó càng hạn chế hơn. Chính vì vậy, sự xuất hiện của chợ đã trở thành cầu nối gắn kết mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, giữa các tộc người sống ở Quảng Yên xưa. Bà con đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi mà còn để gặp gỡ, chuyện trò, chia sẻ những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống,... Qua đó, làm cho mối liên hệ giữa con người với con người nơi đây không chỉ đơn thuần là sự thân tình của bà con trong họ hàng, dòng tộc, tộc người mà cao hơn, là sự gắn kết của tình làng, nghĩa xóm, cộng đồng.
Như vậy, chợ nông thôn không chỉ là nơi người dân được thỏa mãn những nhu cầu giao lưu, mua bán, trao đổi về hàng hóa mà chợ còn là nhân tố để kết nối tình cảm của một cộng đồng người, xóa đi sự cách biệt về không gian lãnh thổ, khắc phục tình trạng khép kín của các gia đình, làng bản, làng xã, thúc đẩy sự hình thành ý thức dân tộc, tâm lý dân tộc cũng như ngôn ngữ dân tộc và tiến tới ngày càng đồng nhất về văn hóa.