Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.2. Một số hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong phát triển làng nghề chè ở huyện Đồng Hỷ
3.2.1. Một số hạn chế, yếu kém
Làng nghề chè huyện Đồng Hỷ đang phát triển. Tuy nhiên sự phát triển này chưa thực sự mạnh mẽ, thể hiện thông qua một số hạn chế, yếu kém sau đây:
3.2.1.1. Hạn chế về kinh tế
- Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của các hộ dân trong các làng nghề đạt mức khá cao, song chưa tương xứng với tiềm năng của các làng nghề chè. Chất lượng sản phẩm của làng nghề chè chưa cao, không có sự đồng đều về chất lượng sản phẩm, mẫu mã đơn điệu. Chưa đa dạng sản phẩm được chế biến từ chè (sản phẩm chè của các làng nghề chè hiện nay là búp tươi và chè xanh)...
- Doanh thu và lợi nhuận của các hộ dân làng nghề được đánh giá khá đồng đều. Doanh thu bình quân/năm của hộ làm nghề chè trong làng nghề chè năm 2017 là 148,9 triệu đồng/hộ, năm 2018 đạt 154,9 triệu đồng/hộ, mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm hộ tham gia HTX, hộ gia đình không tham gia HTX.
- Chính sách tín dụng cho các hộ dân làng nghề chưa cụ thể dẫn đến các hộ dân trong các làng nghề chè khó tiếp cận với các nguồn tín dụng. Chưa có cơ chế thu hút các nguồn vốn tín dụng phi chính thức, chưa có nguồn kinh phí riêng để phục vụ cho phát triển làng nghề chè.
- Công nghệ sản xuất ở các làng nghề chè còn lạc hậu, dù các hộ dân trong làng nghề đã áp dụng máy móc thiết bị cho một số công đoạn cho sản xuất và chế biến chè, song hiệu quả chưa thực sự cao.
- Kiến thức thị trường, tính năng động trong tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm nghề chè còn thấp. Chưa tìm tòi phát triển sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
- Các làng nghề chè chưa quan tâm chú trọng đến công tác xây dựng và phát triển thương hiệu. Các sản phẩm của làng nghề chè chưa được quảng bá rộng rãi và tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao.
- Vai trò của HTX còn chưa thực sự được thể hiện hết. Hiệu quả của các HTX chưa cao; tỷ lệ các hộ áp dụng sản xuất chè an toàn chưa phải hoàn toàn; mặc dù HTX đóng vai trò liên kết hợp tác, hiệu quả điều phối giám sát chưa được thường xuyên, dẫn đến có tiến bộ hơn (đồng đều hơn) nhưng chưa đồng nhất.
- Các hình thức tổ chức kinh tế trong và ngoài làng nghề liên quan đến hoạt động nghề chè của tỉnh hoat động chưa thực sự hiệu quả, một số doanh nghiệp, HTX còn hoạt động cầm chừng, có tư tưởng ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước. Các mối liên kết giữa các tổ chức kinh tế còn lỏng lẻo.
- Ngân sách địa phương để hỗ trợ cho đầu tư cho phát triển làng nghề còn thấp. Nội dung công tác khuyến công mới đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển nghề và làng nghề. Đối tượng được hưởng ưu đãi còn đang là vấn đề tranh luận nhiều trong các hộ dân làng nghề chè hiện nay.
- Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về vai trò của nghề và làng nghề chưa toàn diện. Các cấp, các ngành chưa tập trung cao cho công tác phát triển nghề, làng nghề.
3.2.1.2. Hạn chế về xã hội
- Lao động tại các làng nghề đang có xu hướng già hóa. Số lao động trẻ theo nghề chè đang có nguy cơ thiếu hụt (lao động trẻ tại các làng nghề không theo nghề chè mà làm việc tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, hoặc đi xuất khẩu lao động).
- Công tác đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động được đào tạo mang tính chuyên nghiệp còn ít, phần lớn người lao động được đào tạo qua phương pháp “cầm tay chỉ việc”.
- Vai trò của nghệ nhân nghề chưa thực sự được chú trọng. Tính đến nay, huyện Đồng Hỷ chưa công nhận nghệ nhân nghề chè.
- Làng nghề chè được công nhận theo TT 116/ BNN-PTNN thông qua Hiệp hội làng nghề. Tuy nhiên, làng nghề hiện nay chưa có tư cách pháp nhân, nên người dân không thể thông qua làng nghề đại diện như một tổ chức kinh tế để hoạt động kinh doanh.
3.2.1.3. Hạn chế về môi trường
- Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và sản xuất chè an toàn chưa cao.
- Nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ xử lý môi trường tại khu vực nông thôn nói chung và khu vực làng nghề nói riêng chưa được chú trọng.
3.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế
Những hạn chế ở làng nghề chè trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
3.2.2.1. Về kinh tế
Thứ nhất, công tác quy hoạch vùng chè nguyên liệu chưa gắn với phát triển làng nghề dẫn đến làng nghề phát triển song chưa tương xứng với tiềm năng của làng nghề chè. Hiện nay, rất nhiều hộ dân trong làng nghề chè đã bỏ đồi chè để trồng các cây trồng lâu năm (cam, bưởi, ổi, keo, bạch đàn,... do thiếu quy hoạch của địa phương).
Thứ hai, các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả của các hộ dân sản xuất kinh doanh chè trong các làng nghề chè chưa thực sự được chú trọng, gồm: yếu tố thị trường; yếu tố chi phí nguyên liệu cho sản xuất và chế biến chè; yếu tố vùng miền; yếu tố liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè; yếu tố trình độ học vấn của chủ hộ; yếu tố chính sách; yếu tố chi phí tư liệu lao động; chi phí lao động; hộ tham sản xuất chè an toàn; số năm kinh nghiệm của chủ hộ.
Thứ ba, nguồn vốn của các hộ dân tại các làng nghề chè còn hạn chế, chủ yếu là nguồn vốn tự có, một phần nhỏ huy động từ anh em họ hàng. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng còn rất hạn chế. Do vậy, khó khăn cho các hộ dân trong làng nghề mở rộng quy mô sản xuất.
Thứ tư, việc phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng vào sản xuất gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí thấp.
Thứ năm, thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề chè tại các làng nghề chè chủ yếu thị trường nhỏ hẹp, phần lớn là tiêu thụ trong nước thông qua tư thương. Các hộ nghề rất thụ động trong việc tiêu thụ sản phẩm do thiếu thông tin thị trường.
Thứ sáu, nhận thức của các hộ dân làng nghề chè về thương hiệu chưa cao. Vai trò của các cấp các ngành trong việc tuyên truyền các hộ nghề tham gia các tổ chức kinh tế trong làng nghề để phát triển thương hiệu chè chưa thực sự hiệu quả.
Thứ tám, các tổ chức kinh tế trong và ngoài làng nghề tham gia sản xuất kinh doanh tại các làng nghề chè hoạt động chưa hiệu quả, nguyên nhân do trình độ quản lý yếu kém, cộng với thiếu vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, công nghệ lạc hậu,...
3.2.2.2. Về xã hội
Thứ nhất, về thu hút lao động trẻ tham gia nghề: Hiện nay, tại các làng nghề chè của huyện Đồng Hủy, lực lượng lao động trẻ tham gia nghề đang có xu hướng giảm do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là do các lao động trẻ đi làm việc tại các doanh nghiệp với thu nhập trung bình 6 triệu - 8 triệu/ lao động/ tháng, cao hơn so với thu nhập của lao động làm nghề. Do vậy, nguy cơ thiếu hụt lao động nghề trong thời gian tới tại các làng nghề chè của địa phương.
Thứ hai, về đào tạo nguồn nhân lực cho làng nghề chưa hiệu quả, do trình độ văn hóa lao động nghề thấp; quy mô đào tạo và hình thức đào tạo chưa phù hợp với đối tượng là lao động nông thôn và làm nghề chè; chính sách hỗ trợ đào tạo còn nhiều bất cập, đối tượng dạy nghề không phải là người trực tiếp làm nghề dẫn đến hiệu quả công tác đào tạo nghề chưa cao.
Thứ ba, về bảo tồn các giá trị văn hóa nghề chưa thực sự được chú trọng:
Việc lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa làng nghề chè chưa thực sự được quan tâm do chính quyền địa phương chưa có các chính sách cụ thể để bảo tồn và phát triển; vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi chưa được phát huy, thủ tục xét công nhận nghệ nhân nghề còn rườm rà.
3.2.2.3. Về môi trường
Một là, Nhận thức của cán bộ các cấp cơ sở còn hạn chế nên công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về môi trường chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao.
Hai là, Công tác thu gom, xử lý rác thải tại các làng nghề còn nhiều bất cập, rác thải từ sản xuất nghề và rác thải sinh hoạt còn chưa được xử lý, chủ yếu là các hộ dân tự chôn lấp rác, hệ thống cấp thoát nước chưa đồng bộ.