Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp của một số địa phương

Một phần của tài liệu Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyên quang (Trang 27 - 35)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

1.2. Cơ sở thực tiễn về phát triển doanh nghiệp

1.2.1. Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp của một số địa phương

Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện hiệu quả công tác phát triển doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập hàng năm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng: năm 2015 là 146 doanh nghiệp, năm 2016 là 189 doanh nghiệp, năm 2017 là 212 doanh nghiệp, năm 2018 là 255 doanh nghiệp và và 2019 là 206 doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tỉnh đã quan tâm tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi nghiên cứu, khảo sát thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhằm giúp các doanh nghiệp trong tỉnh gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, tiến tới ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tăng thị phần sản phẩm xuất khẩu trên thị trường.

Mặt khác, tỉnh đã mời các đoàn doanh nghiệp của Trung Quốc kết nối, giao thương tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp trong tỉnh; tăng cường

mối quan hệ tham tán thương mại ở các nước để quảng bá các sản phẩm của tỉnh Yên Bái tới thị trường thế giới; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ Việt Trung - Trung Việt, Việt - Lào...

Các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước: tham gia các hội chợ trong nước, trong tỉnh, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, giúp tăng thị phần cung cấp hàng hóa.

Tỉnh Yên Bái cũng quan tâm tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh bạn; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tại tỉnh để giúp các doanh nghiệp kết nối giao thương mở rộng thị trường, bước đầu đã đưa một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tiêu thụ tại hệ thống Siêu thị Big C, Vinmart, Hapro khu vực phía Bắc; hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp tại thị trường trong và ngoài nước thông qua các đoàn khảo sát, thị trường, xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế.

Việc phát triển nguồn nhân lực quản lý thương mại trên địa bàn cũng được chú trọng thông qua các lớp tập huấn, đào tạo, hội thảo... nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về phát triển thương mại chuyên ngành trên địa bàn tỉnh thuộc nhiều lĩnh vực cho nhiều đối tượng như: cán bộ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh hộ gia đình, các đơn vị quản lý chợ, tiểu thương kinh doanh tại chợ... để nâng cao năng lực, nhận thức và phát triển thị trường trong giai đoạn hiện nay.

Từ những điều kiện thuận lợi cho phát triển và sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tích cực đầu tư, mở rộng thị trường, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, tích cực tham gia có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Những nỗ lực của tỉnh Yên Bái trong công tác phát triển doanh nghiệp đã đem lại những kết quả to lớn: đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 2.147 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 25.000 tỷ đồng.

1.2.1.2. Kinh nghiệm của tỉnh Phú Thọ

Theo Kế hoạch Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 (Kế hoạch số: 2363/KH-UBND) của UBND tỉnh Phú Thọ ngày 8/6/2017 [12]

thì công tác phát triển doanh nghiệp của tỉnh Phú Thọ như sau.

Tỉnh Phú Thọ đã xác định doanh nghiệp là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; các cấp, các ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng cao về số lượng, quy mô, chất lượng lẫn tỷ trọng trong GRDP của tỉnh; từng bước hình thành đội ngũ doanh nhân Đất Tổ có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng vững mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Các mục tiêu cụ thể trong công tác phát triển doanh nghiệp của tỉnh Phú Thọ là phấn đấu đạt mức độ tăng trưởng số doanh nghiệp thành lập mới trên 8%/năm; đến năm 2020 có trên 8 nghìn doanh nghiệp; số doanh nghiệp hoạt động có lãi đạt trên 70%; đóng góp của doanh nghiệp vào GRDP của tỉnh đạt từ 60 đến 70%; đóng góp trên 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 75% tổng thu ngân sách của tỉnh; tạo việc làm thường xuyên cho 150 nghìn lao động và tạo việc làm mới hàng năm cho khoảng 5 nghìn lao động; thu nhập bình quân cho người lao động đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Để có thể đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Phú Thọ tiến hành các nhiệm vụ sau đây:

1. Hoàn thiện khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính và cơ chế tài chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng; thiết lập cơ chế bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai, tài nguyên...; Khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

2. Đánh giá tác động của các chính sách đối với các doanh nghiệp, định kỳ tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, qua đó hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

3. Cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh, tăng cường bảo vệ môi trường thông qua việc lập và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ sản xuất (đường giao thông, điện, nước..) để có quỹ đất sạch, thuận lợi cho thu hút đầu tư; hỗ trợ di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội thành, nội thị.

4. Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao, đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm, chứng chỉ quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

5. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Xây dựng mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đảm bảo gắn kết giữa nhu cầu doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học nghề;

trang bị những kiến thức quản trị và hội nhập cho cán bộ quản lý doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đất tổ vừa có tâm, vừa có tầm.

6. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận và thụ hưởng các gói tín dụng quốc gia, các quỹ đầu tư khác. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp. Xây dựng một số cơ chế chính sách mới về tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp (như thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp..).

7. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác thông tin và tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu theo hướng nâng cao khả năng tiếp thị, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và các doanh nghiệp trong vùng để phát triển chuỗi cung ứng. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, tham gia mạng lưới liên kết sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm định hướng xuất khẩu.

Những nỗ lực của tỉnh Phú Thọ đã đem lại những kết quả to lớn. Tới nay, trên địa bàn tỉnh có 12.640 công ty và doanh nghiệp đang hoạt động đóng trên 13 huyện, thành, thị. Các công ty và doanh nghiệp hoạt động tỉnh Phú Thọ tập trung chủ yếu ở TP. Việt Trì (5.326 công ty), huyện Phù Ninh (1.020 công ty), huyện Lâm Thao (771 công ty), huyện Thanh Sơn (761 công ty), huyện Đoan Hùng (746 công ty), thị xã Phú Thọ (643 công ty). (Đào Thanh, 2020)

1.2.1.3. Kinh nghiệm của tỉnh Cao Bằng

Theo Trang thông tin điện tử tổng hợp Khoa học và Công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng tình hình phát triển doanh nghiệp của tỉnh như sau.

Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về định hướng hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã giai đoạn 2016-2020, đến nay, số lượng và chất lượng của doanh nghiệp và hợp tác xã đã có bước phát triển mới, quy mô ngày càng mở rộng, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, từng bước khẳng định rõ vai trò của doanh nghiệp và hợp tác trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhằm cụ thể hoá mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã ban hành Chương trình định hướng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã giai đoạn 2016-2020, Chương trình được thực hiện đã khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể. Từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí, lợi ích và tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Qua 5 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã thành lập mới được 684 doanh nghiệp, vượt 36,8% mục tiêu của chương trình, tăng 51% so với giai đoạn 2011-2015;

thành lập mới được 141 hợp tác xã, vượt 88% mục tiêu của chương trình, tăng 25,9%

so với giai đoạn 2011-2015. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 1.650 doanh nghiệp, 356 hợp tác xã; trong đó, có khoảng 680 doanh nghiệp, 78 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, dịch vụ thương mại và du lịch. Giải quyết việc làm cho 60.000 lao động, thu nhập bình người lao động khối doanh nghiệp đạt 4 triệu đồng/

người/ tháng, hợp tác xã đạt trên 3,8 triệu đồng/người/tháng. Nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 ước đạt 3.305 tỷ đồng, trung bình 9,5%/năm.

Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm từ 10- 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định đối với đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, cấp phép quy hoạch, cấp phép xây dựng, đất đai, tài nguyên, thuế, hải quan… tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Tỉnh đã ban hành các quyết định công bố thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, niêm yết công khai, đầy đủ, đúng quy định trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, đạt 100%.

Tổ chức gặp gỡ đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư theo chuyên đề ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc điểm từng ngành để nâng cao hiệu quả, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính.

Công tác xây dựng, rà soát, ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phát triển, đầu tư kinh doanh, như: Chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo Luật đầu tư; Chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp;… Kết quả, giai đoạn 2016-2020, đã có 158 dự án đầu tư được cấp quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, nâng tổng số dự án trên địa bàn tỉnh lên trên 300 dự án với số vốn đăng ký trên 40.000 tỷ đồng. Đặc biệt, thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút thêm được 40 dự án với tổng vốn đăng ký trên 6.600 tỷ đồng; tính đến hết năm 2020, tổng số dự án đầu tư vào nông nghiệp toàn tỉnh lên 70 dự án, với tổng số vốn đăng ký hơn 8.000 tỷ đồng…

Phát huy hiệu quả nguồn vốn các Quỹ để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển, như: Tỉnh đã bố trí 10 tỷ đồng để thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã với số vốn ban đầu là 5 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp, đến hết năm 2019, đã giải ngân cho 16 hợp tác xã thành viên vay vốn với số tiền

4,7 tỷ đồng; có 09 hợp tác xã vay vốn với số tiền 1,4 tỷ đồng từ Quỹ cho vay giải quyết việc làm nguồn từ Liên minh hợp tác xã Việt Nam. Bằng nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã cấp tỉnh thực hiện 12 dự án, cấp huyện thực hiện 68 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các loại cây trồng, vật nuôi ưu thế của tỉnh,…

Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình định hướng hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã còn có hạn chế: Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển chưa cao; sự gia tăng số lượng của doanh nghiệp, hợp tác xã chưa gắn với sự đột phá về chất lượng phát triển, đa dạng hoá cơ cấu doanh nghiệp còn hạn chế; phần lớn doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quy mô lao động thấp, vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu; số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã và các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ít; thu hút đầu tư vào du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

Với những kết quả đã đạt được cũng như hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình, tỉnh đã xác định được một số bài học kinh nghiệm, như: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, sự hỗ trợ trong quản lý điều hành của Nhà nước đối với việc định hướng hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; chú trọng công tác tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm bảo tăng về số lượng và chất lượng, khơi thông nguồn vốn, có giải pháp kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và kinh doanh hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, không ngừng cải tiến, đổi mới phong cách, phương pháp làm việc; các chính sách của nhà nước phải đồng bộ và bố trí đủ nguồn lực để thực thi; cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh…

Một phần của tài liệu Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyên quang (Trang 27 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)