Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH MÔN HỌC CHO GIÁO VIÊN TRƯỜNG
1.2. Khái niệm cơ bản
1.2.2. Năng lực phát triển chương trình môn học
- Môn học: Môn học là “Bộ phận của chương trình giáo dục bao gồm những tri thức về một khoa học nhất định”. Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002), môn học được định nghĩa là hệ thống (hoặc bộ phận tri thức) về một lĩnh vực khoa học được sắp xếp theo yêu cầu sư phạm để truyền thụ cho người học, mang các đặc điểm: phản ánh các sự kiện, tri thức, quy luật của khoa học tương ứng phù hợp với mục đích, nhiệm vụ dạy học và khả năng nhận thức của học sinh; các câu hỏi, bài tập v.v. giúp học sinh tự kiểm tra luyện tập kĩ năng, kĩ xảo.
- Chương trình: Theo Đại từ điển Tiếng Việt (1999), chương trình là “Các mục, các vấn đề, các nhiệm vụ đề ra và được sắp xếp theo trình tự thực hiện trong một thời gian”. Là: “Nội dung kiến thức về một môn học ấn định cho từng
lớp, từng cấp, trong từng năm” [37].
- Chương trình môn học:
+ Chương trình môn học là: “Văn bản Nhà nước quy định với từng môn học về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, khối lượng kiến thức và kĩ năng, kế hoạch phân bổ, thời lượng cần thiết, phương pháp thích hợp, phương tiện tương ứng theo từng lớp học, bậc học. Chương trình bộ môn của mỗi lớp (năm) học được trình bày theo trình tự chương, mục, chủ đề, vấn đề song song với bảng phân bố thời lượng tương ứng” [2]. Chương trình môn học được chia làm 3 loại:
+ Môn học bắt buộc: là môn học chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của chương trình giáo dục, bắt buộc tất cả học sinh đều phải học.
+ Môn học tự chọn bắt buộc: là môn học chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết nhưng học sinh được tự chọn một số lượng môn học nhất định trong số nhiều môn học tự chọn bắt buộc, sao cho phù hợp nhất với định hướng phát triển năng lực và nhu cầu mở rộng kiến thức của bản thân.
+ Môn học tự chọn tuỳ ý: là môn học có trong chương trình giáo dục do học sinh tự lựa chọn theo sở thích, nhu cầu, nguyện vọng bản thân. Chương trình môn học là văn bản xác định vị trí, vai trò môn học trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung cốt lõi của môn học mỗi lớp hoặc cấp học đối với tất vả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng kế hoạch dạy học môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục của môn học [2].
Định hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, quan điểm chủ đạo là: “Chương trình được thiết kế theo hướng tăng cường tích hợp ở cấp Tiểu học và cấp Trung học cơ sở, phân hoá rõ dần từ cấp Tiểu học đến cấp Trung học cơ sở và sâu hơn ở cấp Trung học phổ thông. Giảm số lượng môn học bắt buộc trong mỗi cấp học, lớp học và tăng các môn học, các chuyên đề học tập tự chọn đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, kĩ năng, năng khiếu, tiếp cận nghề nghiệp của HS” [2].
Như vậy đó là chương trình chung cho toàn quốc. Ở mỗi địa phương có
những đặc điểm khác nhau về trình độ học sinh, cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ giáo viên, chế độ và chính sách đối với đội ngũ giáo viên… Vì thế, để phát huy tối đa những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, đòi hỏi mỗi địa phương phải xây dựng được một chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh ở địa phương đó mà cụ thể là ở chương trình của mỗi môn học.
- Phát triển chương trình môn học:
+ Phát triển chương trình môn học là một quá trình làm cho chương trình hoàn thiện, thông qua việc thiết kế chương trình hoặc điều chỉnh chương trình, là một quá trình liên tục, kép kín. Quy trình phát triển chương trình môn học bao gồm 5 bước: Phân tích tình hình, đánh giá nhu cầu; xác định mục tiêu; thiết kế xây dựng; thực thi đánh giá cải tiến.
+ Phát triển chương trình môn học là quá trình cụ thể hóa, làm cho chương trình giáo dục Quốc gia phù hợp với thực tiễn của địa phương. Trên cơ sở đảm bảo yêu cầu chung của chương trình Quốc gia, nhà trường lựa chọn, xây dựng nội dung và cách thức thực hiện, phản ánh đặc trưng và phù hợp với thực tiễn nhận thức, cũng như xu thế và thành tựu hiện đại của khoa học giáo dục và công nghệ. Đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
1.2.3. Khái niệm bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình môn học cho giáo viên
- Năng lực: Là tổng thể những thuộc tính độc đáo của một cá nhân phù hợp với một hoạt động, một lĩnh vực nhất định và làm cho hoạt động đó đạt hiệu quả. Trong tâm lí học, khái niệm năng lực được hiểu như là một tổ hợp các phẩm chất sinh lí - tâm lí phù hợp với yêu cầu của một hoạt động hoặc một lĩnh vực hoạt động nào đó, nó là cơ sở đảm bảo cho hoạt động của con người đạt hiệu quả cao. Năng lực của con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, phần lớn do công tác, do tập luyện, bồi dưỡng.
Như vậy, năng lực phát triển chương trình môn học của người giáo viên
THPT bao gồm: Trình độ, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; kỹ năng phân tích, đánh giá; kỹ năng xác định mục tiêu; kỹ năng thiết kế xây dựng chương trình; kỹ năng thực thi chương trình và kỹ năng cải tiến chương trình phù hợp với đặc điểm địa phương, nhà trường.
- Bồi dưỡng là một khái niệm được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
Theo UNESCO, khái niệm bồi dưỡng được hiểu là: “Bồi dưỡng với ý nghĩa nâng cao nghề nghiệp. Quá trình này chỉ diễn ra khi cá nhân và tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức hoặc kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu lao động nghề nghiệp”.
Theo "Từ điển tiếng Việt": "Bồi duỡng là làm cho tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất". Bồi dưỡng là làm nâng cao trình độ nghề nghiệp” [37]. Quá trình này chỉ diễn ra khi cá nhân và tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức hoặc kỹ năng chuyên môn của bản thân để đáp ứng nhu cầu lao động nghề nghiệp.
Từ quan niệm trên, ta thấy:
+ Chủ thể bồi dưỡng là những người đã được đào tạo và có trình độ chuyên môn nhất định.
+ Bồi dưỡng thực chất là quá trình bổ sung tri thức, kỹ năng để nâng cao trình độ trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn nào đó nhằm đáp ứng yêu cầu mới của chuyên môn nghiệp vụ.
+ Mục đích bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất và năng lực chuyên môn để người lao động có cơ hội củng cố, mở mang nâng cao hệ thống kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ có sẵn, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc đang làm.
Như vậy, có thể nói: "Bồi dưỡng thực chất là bổ sung, bồi đắp những thiếu hụt về tri thức, cập nhật cái mới trên cơ sở “nuôi dưỡng” những cái đã có để mở mang chúng, làm cho chúng phát triển thêm, có giá trị làm tăng hệ thống những tri thức, kỹ năng, nghiệp vụ, làm giàu vốn hiểu biết, nâng cao hiệu quả lao động".
- Bồi dưỡng năng lực cho giáo viên: Là trang bị thêm kiến thức và
kỹ năng nhằm hoàn thiện và nâng cao năng lực cho giáo viên.
+ Hoạt động bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao năng lực, khả năng cống hiến của người giáo viên cho kết quả hoạt động của nhà trường.
Bồi dưỡng là hoạt động có kế hoạch, có tổ chức nhằm cung cấp cho giáo viên những kiến thức và kỹ năng mới nhằm nâng cao chất lượng công việc.
+ Công tác bồi dưỡng năng lực cho giáo viên nếu được thực hiện một cách nghiêm túc sẽ mang lại nhiều lợi ích:
Lợi ích cho nhà trường: tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, tạo ra động lực làm việc và niềm tin ở đội ngũ; xây dựng được đội ngũ giáo viên có tay nghề cao, năng động, sáng tạo và có khả năng thích ứng với cái mới và kết quả là nâng cao hơn chất lượng giáo dục của nhà trường.
Lợi ích cho cá nhân: Khi được bồi dưỡng để thực hiện công việc ngày càng tốt hơn sẽ khiến mỗi người giáo viên cảm thấy công việc thú vị và hấp dẫn hơn, họ luôn tự hào vì năng lực chuyên môn vững vàng của mình từ đó có thái độ và động cơ làm việc tích cực.
Như vậy, bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình môn học cho giáo viên THPT là trang bị thêm kiến thức và kỹ năng nhằm hoàn thiện và nâng cao năng lực phát triển chương trình môn học cho giáo viên THPT. Giáo viên căn cứ vào nhu cầu đào tạo, mục tiêu giáo dục, điều kiện thực tế của nhà trường, điều chỉnh chương trình hiện có để có một chương trình mới phù hợp với thực tiễn của địa phương, của nhà trường và trình độ học sinh.
1.2.4. Quản lý bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình môn học
- Quản lý hoạt động bồi dưỡng phát triển chương trình môn học cho giáo viên THPT là sự tác động có định hướng, có mục đích của chủ thể quản lý (người hiệu trưởng) tới khách thể quản lý (hoạt động bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình cho GV) thông qua việc thực hiện chức năng quản lý bằng công cụ quản lý, phương pháp quản lý mang tính đặc thù nhằm đạt được mục tiêu quản lý đề ra.
- Quản lý bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình môn học cho
giáo viên THPT là quá trình triển khai các hoạt động (xây dựng kế hoạch, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, người thực hiện...) để bồi dưỡng, cập nhật hóa hoặc củng cố kiến thức, các kỹ năng, kỹ xảo về phát triển chương trình môn học nhằm nâng cao trình độ và năng lực dạy học của đội ngũ giáo viên đáp ứng ngày càng cao sự phát triển của nền giáo dục.
- Trong quá trình quản lý và dạy học, để thực hiện chức năng của mình hiệu trưởng các trường THPT phải tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đồng thời người giáo viên phải thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng đặc biệt là bồi dưỡng năng lực phát triển nhà trường bằng nhiều hình thức khác nhau:
Tập trung, tập thể, cá nhân, trong giờ, ngoài giờ, trao đổi, rút kinh nghiệm, tham quan, hội thảo...qua đó nhằm phát triển năng lực học sinh, đáp ứng mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tóm lại, quản lí hoạt động bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình môn học cho giáo viên là việc thực hiện các chức năng quản lí trong quá trình tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên, từ chức năng lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo đến khâu kiểm tra đánh giá để công tác bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình môn học cho giáo viên đạt được mục tiêu và hiệu quả.