4.6. Đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi của các trạng thái rừng tại khu vực nghiên cứu
4.6.3. Nhóm giải pháp lâm sinh
Các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên thực hiện theo nội dung quy định tại Luật Lâm nghiệp, các Nghị định, Thông tư số 28/2018/TT- BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 quy định về quản lý rừng bền vững;
các văn bản quy phạm pháp luật, các Chỉ thị, Nghị quyết từ Trung ương đến địa phương như Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Các giải pháp lâm sinh như khoanh nuôi bảo vệ đối với những diện tích rừng có khả năng phục hồi tự nhiên, không cần tác động của con người;
khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp với trồng bổ sung những loại cây có mục đích đối với những khu rừng dễ phục hồi tự nhiên hoặc phát triển chậm;
làm giàu, nuôi dưỡng rừng bằng cách đưa nhiều loại cây đa mục đích, cây bản địa như lấy gỗ, thuốc; cải tạo rừng thông qua các biện pháp kỹ thuật lâm sinh bằng cách phát quang dây leo, bụi rậm, tỉa bớt những loại cây sâu bệnh và vận dụng linh hoạt các giải pháp nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả phục hồi rừng tối ưu cho các trạng thái rừng tại khu vực nghiên cứu, cụ thể:
a) Đối với trạng thái IIIB
- Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ duy trì và phát triển vốn rừng.
- Thực hiện các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, bảo tồn để duy trì diễn thế tự nhiên đối với thảm thực vật rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới ít bị tác động IIIB. Đây là kiểu rừng có cấu trúc hướng tới ổn định, tổ thành loài cây phong phú, có nhiều loài cây có giá trị bảo tồn.
- Mặc dù trữ lượng rừng khá cao, nhưng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp đối với VQG là không được khai thác lâm sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; không khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ trong phân khu phục hồi sinh thái; chỉ được khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, nấm trong phân khu dịch vụ, hành chính và gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong phạm vi diện tích giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình hoặc sử dụng vào mục đích khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy đối tượng rừng giàu không phù hợp để khai thác gỗ mà thực hiện quản lý, bảo vệ để duy trì và phát triển vốn rừng với mục tiêu phòng hộ và bảo tồn.
- Cần tiếp tục theo dõi cấu trúc và tái sinh rừng phục hồi trong khu vực để có những giải pháp phù hợp với đặc điểm cấu trúc rừng cho từng thời điểm. Các giải pháp phải mang tính đồng bộ và hài hòa về mặt kỹ thuật - kinh tế và xã hội.
b) Đối với trạng thái IIIA2
- Thực hiện nuôi dưỡng rừng, vệ sinh rừng.
- Phương pháp và đối tượng chặt nuôi dưỡng là giữ nguyên mật độ cây tầng cao, chỉ chặt điều chỉnh cấu trúc rừng với đối tượng chặt là những cây phẩm chất C, cây cong queo sâu bệnh… kết hợp vệ sinh rừng, luỗng phát dây leo, bụi rậm, tỉa thưa cây tái sinh có chất lượng ở những nơi có mật độ dày, tận dụng cây tái sinh có giá trị phòng hộ, giá trị đa dạng sinh học cao tham gia vào tầng cây nuôi dưỡng, kế cận cho các luân kỳ tiếp theo. Điều chỉnh độ tàn
che tạo điều kiện cho cây tái sinh sinh trưởng phát triển tốt, điều tiết tổ thành cây tái sinh thông qua việc xúc tiến tái sinh, nuôi dưỡng những loài cây mục đích, loại bỏ những cây phẩm chất kém, cây sâu bệnh. Tạo điều kiện cho cây tái sinh có không gian dinh dưỡng để sinh trưởng. Song việc điều tiết phải bảo đảm yêu cầu mật độ cây tái sinh có triển vọng, có giá trị đạt trên 1000 cây/ha.
- Tiếp tục theo dõi cấu trúc và tái sinh rừng phục hồi trong khu vực để có những giải pháp phù hợp theo từng giai đoạn, từng thời điểm. Các giải pháp phải mang tính đồng bộ và hài hòa về mặt kỹ thuật - kinh tế và xã hội.
c) Đối với trạng thái IIIA1
- Thực hiện làm giàu rừng, quản lý, bảo vệ duy trì và phát triển vốn rừng. Kỹ thuật làm giàu rừng là một trong những giải pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng bằng cách trồng thêm vào thảm rừng cũ một số lượng nhất định những loài cây gỗ bản địa, có giá trị kinh tế, đồng thời tác động một cách hợp lý nhất để có thể phát huy tối đa tiềm năng sinh học của chúng (Phạm Ngọc Lân, Một số biện pháp kỹ thuật làm giàu rừng 2011).
* Biện pháp Làm giàu rừng
Thực hiện theo Quy phạm 14-92, làm giàu rừng theo rạch, biện pháp cụ thể là:
- Tạo rạch trồng cây: Rạch trồng cây phải bố trí cách đều, chiều rộng rạch từ 4-8 m. Phải căn cứ vào tính chịu bóng của cây trồng và chiều cao của băng chừa sau khi xử lý để xác định chiều rộng rạch. Phải chặt sạch cây trong rạch, nhưng chừa lại toàn bộ cây có giá trị kinh doanh cao. Sau khi tận dụng gỗ củi phải thu dọn để làm đất.
- Xử lý băng chừa: Chiều rộng băng chừa từ 8 - 12m. Băng chừa phải được xử lý đồng thời với tạo rạch trồng cây theo các nội dung sau: Luỗng dây leo có hại; chặt loại bỏ cây phi mục đích, giữ lại toàn bộ cây có giá trị kinh doanh.
- Loài cây trồng: Chọn các loài cây bản địa như Lim xanh, Re, Mỡ,
Cồng. Ngoài ra có thể trồng các loài cây dược liệu (như …) hoặc cây lâm sản ngoài gỗ (như …) trong các rạch mở trong các năm đầu khi rừng chưa khép tán. Tuy nhiên việc trồng xen này phải đảm bảo để không ảnh hưởng đến sinh trưởng của các loài cây bản địa.
- Mật độ trồng: Mỗi rạch trồng 1 hàng cây. Cự ly cây trong hàng bằng 1/3 đến 1/2 lần đường kính bình quân tán lá ở tuổi khai thác.
- Tiêu chuẩn cây trồng. Cây trồng phải được tuyển chọn kỹ, phải loại bỏ cây không đạt tiêu chuẩn. Cây trồng phải đạt chiều cao 0,8 - 1,0 m trở lên.
Được phép gieo thẳng hoặc trồng cây có chiều cao nhỏ hơn với điều kiện sau 1 năm tăng trưởng chiều cao bình quân của cây phải đạt trên 1 m. Trồng bằng cây con có bầu hoặc rễ trần, nhưng kích thước hố trồng cây tối thiểu là 40x40x40 cm.
- Thời gian chăm sóc: 2 lần/năm trong thời gian 4 năm.
- Bảo vệ rừng trồng:
+ Phòng chống mối: Sau khi trồng 20 - 30 ngày tiến hành kiểm tra định kỳ, nếu phát hiện có mối hại dưới 10% phải rắc thuốc mối cho số cây bị hại.
Nếu tỉ lệ số cây bị nhiễm mối từ 10% trở lên phải rắc thuốc mối cho toàn bộ số cây trồng. Liều lượng 5 gam/hố; tiến hành rắc và trộn đều 1/3 đất đã lấp phần trên của hố. Thuốc mối được sử dụng phổ biến hiện nay là Diaphot - 10H dạng bột.
+ Phòng trừ sâu bệnh hại: Sau khi trồng xong phải thường xuyên theo dõi tình hình sâu, bệnh hại của cây trồng. Khi phát hiện có sâu, bệnh hại phải kịp thời xử lý, tùy theo mức độ nhiễm bệnh mà có các biện pháp phòng, trừ thích hợp. Nếu nhiễm bệnh rải rác phải nhổ cây bị bệnh, gom thành đống nhỏ và đốt cháy sạch. Phun phòng trên toàn bộ diện tích. Nếu nhiễm sâu bệnh hại phải nghiên cứu, xử lý kịp thời tránh nguy cơ lan nhiễm.
- Tiếp tục theo dõi cấu trúc và tái sinh rừng phục hồi trong khu vực để có những giải pháp phù hợp. Các giải pháp phải mang tính đồng bộ và hài hòa về mặt kỹ thuật - kinh tế và xã hội.
KẾT LUẬN, TỒN TẠI VÀ KHUYẾN NGHỊ 1. Kết luận
1.1. Một số chỉ tiêu về nhân tố điều tra lâm phần
Trong nghiên cứu này có tổng cộng có 712 cây đã được xác định từ 06 ô tiêu chuẩn (OTC). Mật độ cây trên các OTC dao động từ 212 cây/ha cây đến 258 cây/ha. Đường kính trung bình dao động từ 20,0 cm đến 30,8 cm, chiều cao trung bình nằm trong khoảng từ 12,3 m đến 17,0 m, tổng tiết diện ngang lâm phần từ 7,8 m2/ha đến 27,2 m2/ha và trữ lượng biến động từ 51,3 m3/ha đến 274,0 m3/ha. Như vậy, dựa vào tiêu chuẩn phân loại rừng của Loetschau thì đối tượng trong nghiên cứu này là rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới kiểu IIIA1, kiểu IIIA2 và kiểu IIIB. Theo Thông tư số 33/2018/TT- BNNPTNT ngày 16/11/2018 thì ba trạng thái rừng này thuộc rừng nghèo (trạng thái IIIA1), rừng trung bình (trạng thái IIIA2) và rừng giàu (trạng thái IIIB).
1.2. Kết quả nghiên cứu cấu trúc tổ thành tầng cây cao
a) Cấu trúc tổ thành tầng cây cao theo phần trăm số cây
- Đối với trạng thái IIIA1: Số loài cây gỗ xuất hiện ở hai OTC biến động từ 49 đến 57 loài nhưng số loài tham gia vào công thức tổ thành của 2 OTC chỉ có 4 loài. Các loài tham gia vào công thức tổ thành chủ yếu là Hoa khế, Ngát, Trâm, Chẹo, ...
- Đối với trạng thái IIIA2: Số loài cây gỗ xuất hiện ở hai OTC biến động từ 46 đến 47 loài nhưng số loài tham gia vào công thức tổ thành chỉ có từ 6 – 7 loài. Các loài tham gia vào công thức tổ thành chủ yếu là Chành chành, Lọ nghẹ, Chua lào, Du, Nhọc, Cà lồ, Mức, ....
- Đối với trạng thái IIIB: Số loài cây gỗ xuất hiện ở hai OTC biến động từ 36 đến 40 loài nhưng số loài tham gia vào công thức tổ thành chỉ có từ 4 – 5 loài. Các loài tham gia vào công thức tổ thành chủ yếu là Lọ nghẹ, Nang, Ô rô, Sang quýt, Sấu, Vò vọ, ....
b) Cấu trúc tổ thành tầng cây cao theo chỉ số độ quan trọng IV%
Số loài cây trong mỗi OTC biến động từ 36 đến 59 loài nhưng số loài cây tham gia vào công thức tổ thành chỉ có từ 4 đến 7 loài.
Giá trị về chỉ số quan trọng IV% của các loài ưu thế có biến động từ 3,9% (loài Trâm ở OTC 1 trạng thái rừng IIIA1) đến 21.1% (loài Chành chành ở OTC 3 trạng thái rừng IIIA2). Thành phần loài trong CTTT của 3 trạng thái rừng không khác nhau nhiều, tuy nhiên tỷ lệ tổ thành của mỗi loài lại có sự khác nhau và ít loài cây có giá trị về mặt kinh tế. Ở trạng thái rừng IIIA1, các loài cây ưu thế chủ yếu là Cồng sữa và Trâm. Các loài cây ưu thế ở trạng thái rừng IIIA2 chủ yếu là Chành chành, Ngát, Cà lồ, Mức và trạng thái rừng IIIB là Sấu, Lọ nghẹ, Nang
c) Đánh giá mức độ đồng nhất giữa tổ thành theo phần trăm số cây và theo chỉ số độ quan trọng
Ở cả ba trạng thái rừng, đa phần những loài tham gia vào CTTT theo phần trăm số cây N% cũng đã xuất hiện trong CTTT theo IV%. Số loài xuất hiện trong cả hai CTTT ở các OTC biến động không lớn.
d) Phân loại loài theo trạng thái rừng
Với cả 3 trạng thái rừng thì trạng thái rừng IIIA2 có nhiều loài tham gia vào công thức tổ thành nhất với 13 loài, sau đó đến trạng thái rừng IIIB với 9 loài và cuối cùng là trạng thái rừng IIIA1 với 7 loài. Trong đó có loài chỉ xuất hiện tại 02 trạng thái rừng như Dẻ, Ngát (trạng thái rừng IIIA1, IIIA2), Cà lồ, Nang (trạng thái rừng IIIA2, IIIB); có một số loài đặc trưng chỉ tham gia vào công thức tổ thành ở trong một trạng thái rừng mà không có xuất hiện lại trong các trạng thái rừng khác như: Chẹo, Cồng sữa, Dâu da lá nhỏ, … (trạng thái rừng IIIA1); Chành chành, Chua lào, Du, … (trạng thái rừng IIIA2); Choại, Lọ nghẹ, Ô rô, … (trạng thái rừng IIIB).
1.3. Nghiên cứu một số quy luật kết cấu lâm phần a) Kết quả các đặc trưng thống kê cơ bản của D1.3
Đường kính trung bình của trạng thái rừng IIIA1 tại khu vực nghiên cứu dao động từ 19,99 – 25,03 cm, sai tiêu chuẩn S = 7,20 – 9,88 cm; phương sai S2 = 51,75 – 97,93 cm2; phạm vi biến động đường kính từ 38,74cm đến 43,61cm. Các giá trị này ở trạng thái rừng IIIA2 là 26,71 – 28,05 cm; S = 11,18 – 13,05 cm; S2 = 124,99 – 170,37 cm2; R = 48,54 - 54,75cm; và của trạng thái rừng IIIB là 30,63 – 30,77 cm, S = 19,49 – 20,22 cm; S2 = 379,86 – 408,86 cm2; R = 90,40 - 104,09 cm. Cả ba trạng thái đều có giá trị độ lệch phân bố SK > 0, chứng tỏ phân bố N/D1.3 của ba trạng thái rừng có dạng 1 đỉnh lệch trái so với phân bố chuẩn và có giá trị độ nhọn phân bố Ex > 0, chứng tỏ phân bố N/D1.3 nhọn hơn so với phân bố chuẩn
b) Quy luật phân bố số cây theo cỡ đường kính (N/D1.3 )
Hàm Weibull ba tham số mô phỏng tốt cho phân bố N/D1.3 cho 5/6 OTC. Hình dạng phân bố N/D1.3 ở các OTC khá giống nhau và số lượng cây đạt cực đại tại cỡ kính tại cỡ đường kính 12 cm hoặc cỡ đường kính 16 cm) và giảm dần khi cỡ đường kính tăng lên.
c) Kết quả các đặc trưng thống kê cơ bản của Hvn
- Chiều cao vút ngọn trung bình của 2 OTC ở trạng thái rừng IIIA1 tại khu vực nghiên cứu dao động từ 12,31 – 14,74 m, sai tiêu chuẩn S = 2,24 – 3,76 (m); phương sai S2 = 5,15 – 14,15 (m2); phạm vi biến động chiều cao từ 11,5 m đến 18,0 m. Các giá trị này ở trạng thái rừng IIIA2 là 14,21 – 15,40 m, S = 4,73 – 5,01 (m); S2 = 22,38 – 25,14 (m2); R = 21,5 - 25,0 m, và của trạng thái rừng IIIB là 16,30 – 17,03 m, S = 4,67 – 5,70 (m); S2 = 21,78 – 32,47 (m2); R = 23,0 - 25,0 m. Cả 6/6 OTC của ba trạng thái rừng đều có giá trị độ lệch phân bố SK > 0, cho thấy phân bố N/Hvn của ba trạng thái rừng có dạng 1 đỉnh lệch trái so với phân bố chuẩn, 4/6 OTC có giá trị độ nhọn phân bố Ex >
0, chứng tỏ phân bố N/Hvn của 4/6 OTC nhọn hơn so với phân bố chuẩn, OTC
3 và OTC 5 có giá trị độ nhọn phân bố Ex < 0, chứng tỏ phân bố N/Hvn của 2 OTC này tù hơn so với phân bố chuẩn
d) Quy luật phân bố số cây theo cỡ đường kính (N/Hvn )
Phân bố Weibull ba tham số mô phỏng tốt cho phân bố N/Hvn cho 4/6 OTC, chiều cao cây của cả 3 trạng thái rừng tập trung chủ yếu vào cây có chiều cao từ 15 m đến 20 m.
1.4. Nghiên cứu đa dạng loài tầng cây cao a) Mức độ đa dạng loài ở tầng cây cao
Đa dạng loài cây không thay đổi nhiều giữa các trạng thái rừng trên toàn bộ khu vực nghiên cứu (3 ha). Giá trị số loài, mức độ phong phú, chỉ số đa dạng Shannon - Wiener và chỉ số đa dạng Simpson thấp nhất là ở trạng thái rừng IIIB với giá trị của các chỉ số này lần lượt là 56; 3,810; 3,325; 0,940;
trong khi các giá trị này cao nhất là ở trạng thái rừng IIIA1 (82; 5,579; 4,027;
0,973). Trạng thái rừng IIIB ít đa dạng nhất có thể được giải thích bởi sự ưu thế của một số loài cây như Lọ nghẹ (IV% = 14,7% ở OTC 5; 10,1% ở OTC 6), Nang (IV% = 14,0% ở OTC 5; 14,7% ở OTC 6).
b) Hiện trạng các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại vực nghiên cứu
Trong khu vực nghiên cứu có 13 loài cây ở tầng cây cao có mặt trong Danh lục của IUCN, Sách đỏ Việt Nam và Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Các cây có trong Danh lục sách đỏ IUCN (2017), Sách đỏ Việt Nam (2007) và Nghị định 06/2019/NĐ-CP ở khu vực nghiên cứu đều có giá trị lấy gỗ. Ngoài ra, có 01 loài cho tinh dầu (Re hương), có 04 loài có giá trị làm thuốc (Máu chó, Máu chó lá to, Ươi, Trám đen).
1.5. Nghiên cứu đặc điểm tái sinh tự nhiên tại khu vực nghiên cứu a) Cấu trúc tổ thành, mật độ tái sinh
Số loài cây tái sinh trong mỗi OTC dao động từ 3 đến 19 loài, số loài cây tham gia vào công thức tổ thành từ 3 đến 8 loài, số loài ưu thế xuất hiện
không đồng đều ở các OTC. Một số loài cây chiếm tỷ lệ cao như Mò hương, Bứa, Cà lồ, Chắp xanh, Lộc mại, Thừng mực, Lọ nghẹ, Nhọ nhòe, Sảng lá nhỏ, …. Lớp cây tái sinh phía dưới vẫn chủ yếu là những loài tiên phong, ưa sáng, mọc nhanh. Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện một số loài cây gỗ lớn có giá trị như Dẻ (OTC 5, trạng thái IIIB), tuy nhiên tỷ lệ phần trăm của loài này trong công thức tổ thành là chưa lớn.
Kết quả cho thấy, tổ thành tầng cây tái sinh khá phức tạp, số loài cây có mặt trong lâm phần khá lớn, số lượng loài và số lượng cá thể trong mỗi loài cây ưu thế xuất hiện ở từng OTC có sự khác biệt, cây có giá trị về mặt bảo tồn có số lượng không đủ tham gia vào công thức tổ thành.
b) Phân bố cây tái sinh theo cấp chiều cao
Trạng thái rừng ở khu vực nghiên cứu có mật độ cây tái sinh khá cao, biến động từ 3.333 cây/ha đến 10.833 cây, ở trạng thái IIIA1, 2.500 cây/ha – 4.583 cây/ha, ở trạng thái IIIA2 và 7.917 cây/ha – 10.417 cây/ha, ở trạng thái IIIB.
Số cây tái sinh tập trung nhiều ở các cấp I (<1m) và cấp II (1m-1,5m).
Mật độ cây tái sinh có sự biến đổi theo cấp chiều cao, ở các OTC tại trạng thái IIIA1 và IIIA2 mật độ cây tái sinh giảm dần khi chiều cao tăng lên. Còn ở các OTC tại trạng thái IIIB mật độ cây tái sinh ở cấp chiều cao 1m – 1,5m lại là cao nhất.
c) Phân bố cây tái sinh theo nguồn gốc
Ở trạng thái IIIA1, nguồn gốc cây tái sinh bằng chồi chiếm tỷ lệ từ 3,8% - 12,5%, nguồn gốc cây tái sinh bằng hạt chiếm tỷ lệ 87,5% - 96,2%.
Trạng thái IIIA2, nguồn gốc cây tái sinh bằng chồi chiếm tỷ lệ từ 16,7% - 45,5%, nguồn gốc cây tái sinh bằng hạt chiếm tỷ lệ 54,5% - 83,3%. Trạng thái IIIB, nguồn gốc cây tái sinh bằng chồi chiếm tỷ lệ từ 31,6% - 64,0%, nguồn gốc cây tái sinh bằng hạt chiếm tỷ lệ 36,0% - 68,4%. Nguồn gốc cây tái sinh ở khu vực nghiên cứu chủ yếu có nguồn gốc từ hạt.