CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN
3.1 Giả thuyết nghiên cứu
Các yếu tố “Đặc điểm cá nhân của người vay” có hai biến số là tình trạng hôn nhân và tuổi tác.
Tình trạng hôm nhân (HN)
Đây là biến giả và được xác định là 1 nếu khách hàng vay đã kết hôn, là 0 nếu ngược lại. Việc kết hôn sẽ giúp cho các gia đình có kế hoạch vay và sử dụng các khoản vay hợp lý hơn và điều này sẽ tác động cùng chiều đến khả năng trả nợ tín dụng. Các nghiên cứu của Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình (2011), Quan Minh Nhựt (2013) cũng chỉ ra kết quả tương tự. Do đó, tác giả đặt giả thuyết như sau.
H1: Nếu khách hàng cá nhân vay vốn đã kết hôn thì khả năng trả nợ đúng hạn sẽ cao hơn.
Độ tuổi (DT)
Độ tuổi được xác định từ thời điểm vay trừ đi năm sinh (Kohansal và Mansoori, 2009). Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình (2011) cho rằng độ tuổi người vay càng lớn thì rủi ro của khoản nợ càng thấp do tính thận trọng, kinh nghiệm và trải nghiệm tăng lên theo độ tuổi và kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố này tác động cùng chiều với khả năng trả nợ của khách hàng. Nghiên cứu của Quan Minh Nhựt (2013) cũng cho ra kết quả tương tự. Điều này phù hợp với đặc điểm xã hội của Việt Nam khi những người càng lớn tuổi càng có xu hướng an phận thủ thường, động cơ kiếm tiền giảm, sự năng động giảm, và cơ hội tạo ra thu nhập sẽ thấp hơn so với người trẻ.
H2: Khách hàng có độ tuổi càng cao thì khả năng trả nợ đúng hạn càng cao.
Nhóm yếu tố về “năng lực của người vay” bao gồm ba biến như sau.
Số năm kinh nghiệm (KN)
Đây là biến giả, khách hàng có số năm kinh nghiệm dưới 1 năm nhận giá trị 0, từ 1 năm đến dưới 3 năm nhận giá trị 1, từ 3 năm đến dưới 4 năm nhận giá trị 2, từ 4 năm đến dưới 5 năm nhận giá trị 3, từ 5 năm trở lên nhận giá trị 4. Khi khách hàng có số năm kinh nghiệm càng nhiều, thì khả năng trả nợ càng cao (A.
Wongnaa, D. Awunyo-Vitor, 2013).
H3: Số năm kinh nghiệm càng cao thì khả năng trả nợ đúng hạn của người vay càng cao
Trình độ học vấn (HV)
Đây là biến giả. Biến này nhận các giá trị tương ứng như sau: Chưa tốt nghiệp PTTH nhận giá trị 0, Tốt nghiệp PTTH nhận giá trị 1, Trung cấp (hoặc tương đương) nhận giá trị 2, Cao đẳng (hoặc tương đương) 3, Đại học và trên đại học nhận giá trị 4 (Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình, 2011). Trình độ học vấn càng cao, khả năng trả nợ càng cao vì với khoa học kỹ thuật, có tính toán đến hiệu quả khi vay vốn nên khả năng trả nợ của họ cũng cao hơn. Điều này đã được các tác giả Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình (2011), Bùi Văn Thịnh, (2010), Nguyễn Quốc Nghi (2013) chỉ ra trong nghiên cứu của mình.
Do đó, giả thuyết nghiên cứu đối với biến số này như sau.
H4: Trình độ học vấn càng cao, khả năng trả nợ đúng hạn càng lớn.
Thu nhập (TN)
Tổng thu nhập của người vay, bao gồm các khoản thu từ lương, trợ cấp, cho thuê tài sản, ...trung bình hàng tháng của khách hàng. Nghiên cứu của Maharjan (1983), Kohansal và Mansoori (2009) chỉ ra yếu tố này có tác động cùng chiều với khả năng trả nợ của người vay. Cùng với quan điểm này Vương Quân Hoàng và cộng sự (2006), Nguyễn Quốc Nghi (2013), Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình (2013) cũng chỉ ra người vay có thu nhập càng cao thì khả năng trả nợ của họ càng cao. Biến này được kỳ vọng có hệ số dương, vì khi thu nhập của khách
hàng càng cao, đồng nghĩa với khách hàng có khả năng tích lũy cao, vì vậy, họ sẽ có khả năng trả nợ.
H5: Thu nhập càng cao khách hàng có khả năng trả nợ đúng hạn cao.
Nhóm yếu tố về “Đặc điểm của khoản vay” gồm 5 biến nghiên cứu như sau.
Số tiền vay (ST)
Số tiền vay là biến số thể hiện tổng giá trị khoản vay của khách hàng.
Quy mô của khoản cho vay được kỳ vọng là ảnh hưởng dương đối với khả năng trả nợ do khoản vay lớn sẽ giúp cho người vay dễ dàng tạo ra giá trị hơn so với những khoản vay nhỏ do những người vay các khoản nhỏ lẻ thường dùng cho các mục đích tiêu dùng hoặc các mục đích mang tính rủi ro cao (Oni, 1999).
Theo nghiên cứu của Vương Quân Hoàng và cộng sự (2006), Kohansal và Mansoori (2009), thì kích cỡ khoản vay tác động ngược chiều đến khả năng trả nợ của người vay. Do vậy, giả thuyết nghiên cứu như sau.
H6: Khoản vay càng lớn sẽ làm cho khả năng trả nợ đúng hạn khoản vay càng thấp/ càng cao và ngược lại.
Thời gian vay (TG)
Thời gian vay tính từ lúc khách hàng nhận tiền vay lần đầu tiên đến khi kết thúc hợp đồng vay. Các khoản nợ càng ngắn hạn sẽ khiến cho khả năng trả nợ của khách hàng càng giảm do áp lực về thời gian trả nợ sẽ khiến cho khách hàng không đủ khả năng xoay sở tìm kiếm nguồn trả nợ. Nghiên cứu Kohansal và Mansoori (2009), Kenneth Ogol Ochung (2013) chỉ ra kỳ hạn vay có mối quan hệ cùng chiều với khả năng trả nợ của khách hàng tức là kỳ hạn vay càng lâu thì khả năng trả nợ cho ngân hàng càng lớn. Vì vậy tác giả, đặt giả thuyết nghiên cứu như sau.
H7: Thời gian vay càng ngắn dẫn tới khả năng trả nợ đúng hạn của khách hàng càng thấp và ngược lại.
Lãi suất vay (LS)
Lãi suất của khoản vay là lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng được tính theo lãi suất trung bình trong kỳ vay. Nghiên cứu của Kenneth Ogol Ochung (2013), Kohansal và Mansoori (2009) chỉ ra rằng, lãi suất khoản vay có tác động ngược chiều với khả năng trả nợ của người vay. Kêt quả nghiên cứu tương tự cũng được chỉ ra bởi Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình (2011), Nguyễn Quốc Nghi (2013). Theo nghiên cứu này, tác giả nhận định lãi suất vay lớn sẽ làm khách hàng trả nợ với số tiền cao hơn nên sẽ làm khách hàng khó trả nợ đầy đủ cho ngân hàng.
H8: Lãi suất vay càng lớn dẫn tới khả năng trả nợ đúng hạn của khách hàng càng thấp và ngược lại.
Loại hình vay (LH)
Đây là biến giả, loại hình vay mua phương tiện đi lại nhận giá trị 0, vay bất động sản và tiêu dùng nhận giá trị 1, vay cho mục đích sản suất nông nghiệp nhận giá trị 2, vay kinh doanh nhận giá trị 3 (Antwi và cộng sự, 2012),.
H9: Loại hình vay ảnh hưởng cùng chiều với khả năng trả nợ đúng hạn của khách hàng cá nhân.
Tài sản thế chấp (TS)
Theo Nguyễn Văn Tiến (1999), Antwi và cộng sự (2012), Trương Đông Lộc (2010), Trương Đông Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2011) thì khả năng thu hồi nợ của các khoản vay có đảm bảo chắc chắn hơn các khoản vay không có tài sản đảm bảo. Biến tài sản đảm bảo là biến giả nhận giá trị 1 tức khoản vay có tài sản đảm bảo và 0 khi khoản vay không có tài sản đảm bảo. Nghiên cứu của Trương Đông Lộc (2010) chỉ ra rằng, tài sản đảm bảo có quan hệ cùng chiều với khả năng trả nợ của khách hàng. Khách hàng có tài sản đảm bảo có khả năng trả nợ đúng hạn cao hơn khách hàng không có tài sản đảm bảo. Tức là tài sản đảm bảo có tác động cùng chiều với khả năng trả nợ của khách hàng.
Giả thuyết H10: Khách hàng có tài sản đảm bảo thì có khả năng trả nợ đúng hạn sẽ tăng.
Yếu tố “Rủi ro tư cách người vay” , gồm biến độc lập sau
Sử dụng vốn đúng mục đích (MD)
Biến này được thể hiện qua kiểm tra mục đích sử dụng vốn (Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình, 2011) của khoản vay. Đây là một biến giả đạt hai giá trị 1 và 0. Nếu khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích trong quá trình vay thì biến số này đạt giá trị 1, bằng 0 nếu ngược lại. Nghiên cứu của Bùi Văn Thịnh (2010), Nguyễn Quốc Nghi (2013) cho rằng khi khách hàng sử dụng vốn sai mục đích ban đầu sẽ dẫn tới rủi ro không trả được nợ tăng lên. Điều này cũng được chỉ ra trong nghiên cứu của Kohansal và Mansoori (2009).
H11: Khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, khả năng trả nợ đúng hạn sẽ tăng.
Yếu tố “Rủi ro từ phía ngân hàng”, có biến độc lập như sau.
Chấm điểm xếp hạng tín dụng (XH)
Đây là biến giả. Nếu khách hàng có điểm xếp hạng tín dụng tốt nhận giá trị 1, ngược lại nhận giá trị 0.
H12: Kết quả chấm điểm xếp hạng tín dụng cao làm cho khả năng trả nợ đúng hạn khoản vay cao.