Tăng cường công tác quản lý theo phương pháp thu

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ quản lý kinh tế quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể tại chi cục thuế huyện bắc hà (Trang 96 - 103)

CHƯƠNG 4: GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THU THUẾ

4.1. Phương hướng, mục tiêu quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể tại

4.2.3. Tăng cường công tác quản lý theo phương pháp thu

Qua việc nghiên cứu thực trạng quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể tại huyện Bắc Hà cho thấy phần lớn các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, tỷ lệ hộ nộp thuế theo phát sinh không nhiều. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể luôn có những biến động, thay đổi theo thời gian. Vì vậy, nếu không kịp thời nhận biết và nắm bắt những thay đổi đó sẽ dẫn đến việc khoán doanh thu không đúng với thực tế, gây thất thu cho Ngân sách nhà nước. Để khắc phục vấn đề này Chi cục Thuế huyện Bắc Hà có thể thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo doanh thu khoán: Chi cục cần tổ chức việc khảo sát, điều tra thí điểm về doanh thu kinh doanh của một số hộ cùng kinh doanh lĩnh vực giống nhau để dễ đối chiếu, so sánh. Đồng thời, có thể kết hợp với doanh thu kê khai của đối tượng nộp thuế có thực hiện chế độ kế toán để đánh giá mức độ chênh lệch với kê khai của hộ khoán để xác định mức doanh thu khoán phù hợp, hạn chế tối đa thất thu do ấn định mức doanh thu khoán thấp hơn so với thực tế.

Thứ hai, hằng năm, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế địa phương cũng như chính sách của Nhà nước, Chi cục giao chỉ tiêu phấn đấu cho đội thuế

liên xã, thị trấn tăng mức thu thuế đối với nhóm hộ nộp thuế theo hình thức khoán. Mức tăng ít nhất phải đạt 5%/năm.

Thứ ba, cần đẩy mạnh và tăng cường sự phối hợp giữa Chi cục Thuế và chính quyền địa phương, ban quản lý các chợ… để triển khai hiệu quả việc rà soát các hộ có thực tế hoạt động kinh doanh trong diện phải nộp thuế.

Thứ tư, đối tượng hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán doanh thu thường là những hộ kinh doanh ở quy nhỏ, người mua không đòi hỏi về hóa đơn. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực kinh doanh như ăn uống thì nhu cầu về hóa đơn thường cao thì nên khuyến khích hộ chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp nhỏ thực hiện để thực hiện chế độ sổ sách kế toán và nộp thuế theo kê khai hoặc có biện pháp kiểm soát để tránh hiện tượng hộ lập hoá đơn chứng từ không trung thực với thực tế phát sinh nhằm mục đích trốn lậu thuế.

4.2.4. Duy trì và giữ nghiêm kỷ luật ngành

Công việc trong ngành thuế, đặc biệt là quản lý thu thuế liên quan trực tiếp tới số tiền thuế mà các đối tượng nộp vào ngân sách Nhà nước. Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ và phòng ngừa, xử lý phù hợp thì rất dễ có thể xuất hiện hành vi trục lợi, tham nhũng của cán bộ, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc duy trì và giữ nghiêm kỷ luật ngành là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Để thực hiện được giải pháp này Chi cục cần tập trung vào một số cách thức sau:

Thứ nhất, thường xuyên quán triệt quy định, tiêu chuẩn văn hóa công sở và đạo đức công chức, viên chức ngành thuế theo Quyết định số 2181/QĐ- TCT của Tổng cục Thuế. Hình thức quán triệt có thể thông qua các cuộc họp định kỳ của Chi cục, gửi văn bản đến từng cá nhân nghiên cứu, yêu cầu các cán bộ làm cam kết bằng văn bản việc thực hiện.

Thứ hai, lãnh đạo Chi cục, lãnh đạo các đội chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ do mình phụ trách trong thực hiện công vụ, có biện pháp

phòng ngừa, xử lý kịp thời khi phát hiện ra những hành vi nghi vấn, ngăn chặn kịp thời những vi phạm có thể xảy ra.

Thứ ba, nếu phát hiện ra cán bộ vi phạm kỷ luật ngành cần kiên quyết xử lý, đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần đưa ra khỏi ngành. Đối với những cán bộ thoái hoá biến chất, yếu kém về năng lực chuyên môn, giữ vững sự trong sạch trong đội ngũ cán bộ. Đồng thời, ngành và bản thân Chi cục cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, đạo đức và đề cao ý thức trách nhiệm và xây dựng tác phong chuẩn mực cho cán bộ thuế.

Giữ nghiêm được ý thức tổ chức kỷ luật của ngành là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý thu thuế nói chung, quản lý thu thuế đối với đối tượng hộ kinh doanh cá thể nói riêng. Để thực hiện được giải pháp này đòi hỏi cả lãnh đạo và cán bộ của Chi cục phải quyết tâm, nghiêm túc, tự rèn luyện, phấn đấu để hoàn thiện bản thân.

4.2.5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Kiểm tra giám sát là một khâu trong quá trình quản lý nhằm đảm bảo cho hoạt động quản lý được thực hiện đúng quy định, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm tra thuế thì cần xây dựng kế hoạch kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tượng có nghi vấn vi phạm hoặc những lĩnh vực dễ xảy ra những vi phạm. Chi cục Thuế huyện Bắc Hà có thể thực hiện việc phân loại các hộ kinh kinh doanh cá thể theo nhiều tiêu chí khác nhau, tiến hành đánh giá dựa trên những tiêu chí đó để phân tích, tìm ra những đối tượng có khả năng vi phạm quy định về pháp luật thuế để tập trung kiểm tra. Đồng thời, cần đầu tư cho việc tăng cường, nâng cao các kỹ năng thanh tra, kiểm tra thuế có tính chất chuyên sâu vào từng lĩnh vực, từng loại vi phạm để đảm bảo việc thu thập, phân tích thông tin, xây dựng báo cáo, kết luận chính xác, nhanh chóng và đầy đủ.

Việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể phải được thực hiện nghiêm túc nhằm phát hiện và xử lý

nghiêm khắc đối với những trường hợp hộ kinh doanh cá thể không chấp hành đúng các quy định về pháp luật thuế của Nhà nước, không nộp thuế trung thực với thực tế đã phát sinh nhằm mục đích trốn lậu thuế, vi phạm gian lận hoá đơn chứng từ. Trường hợp phát hiện phát hiện những hộ vi phạm thì ngoài việc xử lý vi phạm hành chính cần phải cần phải có các hình phạt bổ sung nghiêm khắc để đảm bảo cho việc quản lý thu thuế được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc “thu đúng thu đủ”, chống thất thu.

Bên cạnh về cách thức tiến hành kiểm tra, giám sát thì số lần kiểm tra cũng cần được tăng lên cho phù hợp với thực trạng. Hiện nay, tình trạng vi phạm về thuế xảy ra tương đối phổ biến và có xu hướng ngày càng tinh vi và phức tạp. Để khắc phục và ngăn ngừa tình trạng này, Chi cục cần tăng cường cả về số lượng và chất lượng các cuộc kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vi phạm. Vì vậy, ngoài việc lên kế hoạch và chuẩn bị tốt cho công tác kiểm tra thì cũng cần tăng cường công tác bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn cho các cán bộ phụ trách công tác này.

Bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra đối với đối tượng hộ kinh doanh cá thể, Chi cục Thuế huyện Bắc Hà cũng cần quan tâm đến việc đẩy mạnh công tác kiểm tra nội bộ nhằm kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện của cán bộ thuế “lợi dụng quyền hạn gây khó khăn” cho hộ

kinh doanh trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời kiên quyết tiến hành xử lý nghiêm khắc những cán bộ thuế thoái hoá biến, gây mất uy tín cho tổ chức.

Bên cạnh đó, đối với những cá nhân, đơn vị có thành tích cần được biểu dương, khen thưởng kịp thời để tiếp tục phát huy.

4.2.6. Tăng cường sự phối hợp giữa Chi cục Thuế với các ban ngành, tổ chức liên quan trong công tác quản lý thu thuế

Việc triển khai công tác quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể không chỉ là mối quan hệ giữa cơ quan thuế với người nộp thuế mà còn có sự tác động của các đơn vị khác, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện. Để

công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp chặt chẽ không chỉ giữa các đội chức năng trong Chi cục Thuế mà còn cần có sự phối hợp của các cơ quan hữu quan khác như: UBND các cấp, kho bạc, ngân hàng, hệ thống thông tin, truyền thông, lực lượng công an... Việc phối hợp này giúp cho quá trình thực thi nhiệm vụ được thuận lợi đồng thời làm tăng tính chặt chẽ, chính xác của thông tin. Bên cạnh đó, Chi cục Thuế không có đủ quyền hạn và khả năng để xử lý tất cả các trường hợp phát sinh, đòi hỏi cần cần có sự can thiệp của nhiều cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp đỡ, đặc biệt trong việc cưỡng chế thu hồi nợ thuế. Vì vậy, sự hợp tác giữa cơ quan thuế và chính quyền địa phương, các Sở, ban, ngành sẽ đảm bảo cho công tác quản lý thuế đối với hộ

kinh doanh cá thể được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

4.2.7. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế

Nhận thức của người nộp thuế có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý thu thuế. Khi đối tượng nộp thuế hiểu được về ý nghĩa cũng như nghĩa vụ nộp thuế sẽ nghiêm túc chấp hành theo quy định. Vì vậy, muốn việc quản lý thuế được thực hiện thuận lợi Chi cục thuế cần chú trọng vào việc phổ biến, tuyên truyền các thông tin, kiến thức cũng như hỗ trợ cho người nộp thuế. Để thực hiện việc này Chi cục cần tăng cường phối hợp với Đài truyền thanh, truyền hình huyện để việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về thuế đến mọi tầng lớp nhân dân một cách thường xuyên, liên tục. Ngoài việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, báo chí, Chi cục thuế có thể bổ sung thêm hình thức bằng các pano, áp phích tại các khu dân cư, các điểm kinh doanh tập trung nhiều hộ kinh doanh. Bên cạnh việc tuyên truyền về pháp luật thuế, Chi cục có thể định kỳ tổng kết và tổ chức tuyên dương, khen thưởng các hộ kinh doanh chấp hành tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, đồng thời công bố thông tin rộng rãi các hộ không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ.

Bên cạnh việc tuyên truyền, Chi cục Thuế cần mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và các dịch vụ cung cấp thông tin, tư vấn thuế. Hình thức hỗ trợ cần đa dạng, như tư vấn trực tiếp tại Chi cục Thuế, qua điện thoại, bằng văn bản, email, tổ chức trao đổi tại các hội nghị đối thoại, tập huấn... Các vướng mắc của người nộp thuế được giải quyết kịp thời sẽ góp phần từng bước tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc Luật Thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho Chi cục trong công tác quản lý.

4.2.8. Đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị và áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế

Việc quản lý thu thuế hiện nay mới tập trung hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong lĩnh vực quản lý đối với đối tượng doanh nghiệp, trong đó cải tiến mạnh mẽ nhất là trong khâu kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, đối với đối tượng hộ kinh doanh cá thể thì việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện địa còn chưa được quan tâm đúng mức. Cần có sự đầu tư thích đáng và áp dụng công nghệ hiện đại đối với đối tượng này nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý.

Để thực hiện việc này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ và chỉ đạo của Cục thuế Lào Cai cũng như Tổng cục Thuế trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh cá thể một cách đầy đủ, chính xác và thống nhất trên phạm vi toàn cả tỉnh. Từ đó việc áp dụng những tiến bộ trong khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ nghệ thông tin mới khả thi và đem lại hiệu quả cao. Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phải đáp ứng tự động hoá từ 90% nhu cầu xử lý thông tin quản lý thuế trở lên, tất cả các chức năng trong quản lý thuế phải được ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tốc độ xử lý cũng như giải quyết công việc.

Bên cạnh việc hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ ngành thuế, cần triển khai các dự án công nghệ thông tin kết nối hiệu quả với các bên liên quan như Kho bạc Nhà nước, Phòng Tài chính huyện, các ngân hàng... để đảm bảo việc quản lý được thống nhất và thông suốt.

Ngoài ra, Chi cục cần xây dựng cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin cần thiết cho người nộp thuế từ hướng dẫn, các biểu mẫu và cách thức liên lạc, làm việc với Chi cục, đảm bảo cho việc trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và người nộp thuế được thuận lợi, đồng thời cần đẩy mạnh nâng cấp hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin cho Chi cục phục vụ cho công tác quản lý thu thuế một cách hiệu quả.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ quản lý kinh tế quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể tại chi cục thuế huyện bắc hà (Trang 96 - 103)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(106 trang)
w