CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
2.5 Mô hình nghiên cứu
2.5.1 Các giả thuyết trong mô hình nghiên cứu
2.5.1.1 Đam mê khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp
Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng niềm đam mê kinh doanh là trọng tâm của khởi nghiệp, niềm đam mê có thể thúc đẩy sự tự tin và ảnh hưởng đến ý định kinh doanh ở những cá nhân chưa chính thức hoặc tích cực theo đuổi sự nghiệp kinh doanh (Biraglia
& Kadile, 2017; Cardon & cộng sự, 2013). Đam mê là một trạng thái tâm lý có thể khiến các doanh nhân tiềm năng tin rằng họ có khả năng vượt qua những tình huống căng thẳng nhất định mà vẫn có thể đạt được thành công. Đam mê được giới học thuật xác định là động lực mạnh mẽ, trung tâm, ảnh hưởng đến hoạt động và nỗ lực của doanh nghiệp
(Anjum & cộng sự, 2021). Về mặt này, niềm đam mê có chức năng thúc đẩy ý định kinh doanh, khiến họ vượt qua những ranh giới cá nhân và xã hội nhất định để đạt được các mục tiêu kinh doanh (Anjum & cộng sự, 2021; Ferreira-Neto & cộng sự, 2023). Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một mối quan hệ tích cực mạnh mẽ giữa niềm đam mê kinh doanh và ý định kinh doanh (Anjum & cộng sự 2021; C. Li & cộng sự, 2020). Phân tích cho thấy khái niệm hỗ trợ của trường đại học làm giảm bớt mối quan hệ giữa niềm đam mê kinh doanh và ý định khởi nghiệp. Tác động điều tiết của nhận thức về hỗ trợ của trường đại học đối với mối liên hệ giữa niềm đam mê kinh doanh và ý định khởi nghiệp đã được công nhận trong nghiên cứu này. Đồng thời, giáo dục khởi nghiệp cũng là một yếu tố tác động mạnh mẽ đối với niềm đam mê khởi nghiệp của sinh viên (Gielnik & cộng sự, 2015; Lee & cộng sự, 2021; Sriyakul & Jermsittiparsert, 2019). Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H1: Đam mê khởi nghiệp có tác động trực tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.
H2: Đam mê khởi nghiệp có vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa giáo dục khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp của sinh viên.
2.5.1.2 Thái độ khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp
Mô hình lý thuyết hành vi có kế hoạch – TPB của Ajzen (1991) chỉ ra rằng hành vi của con người sẽ bắt nguồn từ thái độ của họ đối với phản ứng về hành vi đó. Thái độ tích cực đối với một hành vi cụ thể sẽ kích thích cá nhân xem xét và đánh giá các kế hoạch, khả năng sẵn có của họ. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa thái độ khởi nghiệp và giáo dục khởi nghiệp, nhiều tác giả đã chứng minh được rằng giáo dục khởi nghiệp giúp con người phát triển quan trọng về tinh thần, thái độ và động lực kinh doanh, trong đó nghiên cứu của Fiet (2001) đã khẳng định rằng giáo dục khởi nghiệp là phát triển khả năng kinh doanh của một cá nhân, nó bao gồm sự kết hợp giữa khả năng, kiến thức và thái độ. Các yếu tố trên sẽ thay đổi sau khi nhận được sự giáo dục và đào tạo khởi nghiệp (Garavan & Cinnéide, 1994;
Mensah & cộng sự, 2023; Tiwari & cộng sự, 2017). Trình độ giáo dục khởi nghiệp càng cao và sâu thì thái độ khởi nghiệp càng tích cực (Yifan & cộng sự, 2023). Nhiều tác giả như Naktiyok và cộng sự (2010), Rocha và Freitas (2014), Setiawan và cộng sự (2022) đã nghiên cứu và chỉ ra rằng Trình độ giáo dục khởi nghiệp càng cao và sâu thì thái độ khởi nghiệp càng tích cực, bản thân giáo dục khởi nghiệp có thể thúc đẩy sự hình thành ý định
khởi nghiệp của sinh viên đại học, việc thực hiện giáo dục khởi nghiệp có thể giúp sinh viên đại học cải thiện thái độ khởi nghiệp sau đó có thể thúc đẩy việc hình thành ý định khởi nghiệp. Sinh viên đại học có thể nâng cao sự quan tâm đến khởi nghiệp bằng cách tham gia giáo dục khởi nghiệp, có được sự hướng dẫn tích cực về nhận thức khởi nghiệp, học các kỹ năng và kiến thức khởi nghiệp một cách có hệ thống, đúng đắn và toàn diện, nâng cao sự tự tin khởi nghiệp và tạo ra thái độ khởi nghiệp tích cực từ bên trong (Yifan &
cộng sự, 2023). Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H3: Thái độ khởi nghiệp tác động trực tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.
H4a: Thái độ khởi nghiệp có vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa giáo dục khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp của sinh viên.
H4b: Thái độ khởi nghiệp có vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa năng lực bản thân và ý định khởi nghiệp của sinh viên.
2.5.1.3 Năng lực bản thân và ý định khởi nghiệp
Năng lực bản thân trong kinh doanh là một thuật ngữ dùng để mô tả ý định theo đuổi sự nghiệp của một người. Mối quan hệ giữa năng lực bản thân và ý định kinh doanh đã được khám phá bởi các nhà nghiên cứu. Niềm tin cá nhân càng lớn vào khả năng của họ thì khả năng kinh doanh sẽ càng lớn (Chye Koh, 1996; Krueger, 1993; Lüthje & Franke, 2003;
Pittaway & cộng sự, 2011). Nhiều nghiên cứu khác cũng ngụ ý rằng năng lực bản thân của doanh nhân là một yếu tố quan trọng có tác động tích cực và đáng kể đến ý định khởi nghiệp (Aragon-Sanchez & cộng sự, 2017; Elnadi & Gheith, 2021; Ghodbane &
Alwehabie, 2023; Jiatong & cộng sự, 2021; Nowiński & Haddoud, 2019). Nghiên cứu của Fitri và cộng sự (2023) cho rằng thiếu tự tin khi đối mặt với cạnh tranh là rào cản đối với sinh viên khởi nghiệp, nhưng nếu sinh viên có năng lực bản thân mạnh mẽ với kiến thức và kinh nghiệm đào tạo về khởi nghiệp thì điều đó được kỳ vọng sẽ khuyến khích ý định khởi nghiệp. Cũng theo đó, Yang (2014), Jiatong và cộng sự (2021), Wu và cộng sự (2022) đã xác định năng lực bản thân của doanh nhân làm trung gian tích cực cho mối quan hệ giữa giáo dục khởi nghiệp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, các trường đại học nên tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong việc giáo dục khởi nghiệp và giúp họ có kỹ năng
xử lý các hoạt động kinh doanh mà cuối cùng dẫn đến năng lực tự khởi nghiệp. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H5: Năng lực bản thân có tác động trực tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.
H6: Năng lực bản thân có vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa giáo dục khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp của sinh viên.
2.5.1.4 Nhận thức tính khả thi và ý định khởi nghiệp
Theo Shapero và Sokol (1982) việc hiểu được quá trình kinh doanh đòi hỏi phải nắm được các cơ hội đáng tin cậy như thế nào. Một cơ hội kinh doanh đáng tin cậy phụ thuộc vào hai tiền đề quan trọng, đó là nhận thức được mức độ mong muốn và nhận thức tính khả thi.
Nhiều tác giả đã nghiên cứu và chỉ ra rằng nhận thức tính khả thi có tác động trực tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viờn (Abu Haris & cộng sự, 2016; Liủỏn & cộng sự, 2011;
Lüthje & Franke, 2003). Nghiên cứu của Dissanayake (2014) cho rằng nhận thức tính khả thi, các nguồn lực và vốn xã hội sẵn có cho một người ở một mức độ nào đó phải quyết định khả năng đạt được hành vi, những tiền đề này ảnh hưởng đến ý định hướng tới hành vi kinh doanh của việc thành lập doanh nghiệp mới. Nhận thức các mối quan hệ xã hội sẽ góp phần xác định được tính khả thi của mong muốn. Nó là một yếu tố quan trọng trong việc nhận ra các cơ hội kinh doanh, tạo ra và phát triển doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (Stam & cộng sự, 2014). Một yếu tố quan trọng khác đó là tác động tích cực của giáo dục khởi nghiệp đối với nhận thức tính khả thi của sinh viên Bandura (2012), Boukamcha (2015), Sulistyorini và Santoso (2021) lập luận rằng năng lực bản thân của doanh nhân ảnh hưởng đến hành vi của họ thông qua các quá trình nhận thức hành vi như thái độ và khả năng của một người trong việc đặt ra mục tiêu và kỳ vọng từ đó hình thành ý định khởi nghiệp. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H7: Nhận thức tính khả thi có tác động trực tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.
H8a: Nhận thức tính khả thi có vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa giáo dục khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp của sinh viên.
H8b: Nhận thức tính khả thi có vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa vốn xã hội và ý định khởi nghiệp của sinh viên.
2.5.1.5 Vốn xã hội và ý định khởi nghiệp
Vốn xã hội là chiến lược phù hợp để thúc đẩy sinh viên trở thành doanh nhân. Vuković và cộng sự (2017) đề cập rằng vốn xã hội ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần khởi nghiệp, những người mới khởi nghiệp thường cảm thấy không thể thực hiện được ý tưởng kinh doanh vì lo ngại không có khả năng huy động được vốn, từ đó thông qua kiến thức khởi nghiệp sẽ giúp họ đưa ra giải pháp bằng kinh nghiệm tiếp nhận thông tin và có được các mối quan hệ để chia sẻ, hợp tác khởi nghiệp. Theo Cai và cộng sự (2021), Ghodbane và Alwehabie (2023) vốn xã hội của sinh viên trẻ mới tốt nghiệp có tác động thuận lợi đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của họ. Nghiên cứu đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ bền chặt, bao gồm cả sự hỗ trợ từ gia đình hoặc vợ/chồng, trong quá trình chuyển đổi sang kinh doanh. Giáo dục khởi nghiệp tại các trường đại học có mối quan hệ tích cực đối với vốn xã hội (Hayter, 2013; Salamzadeh & cộng sự, 2011; Sharma, 2014). Cũng theo đó, Yifan và cộng sự (2023) chỉ ra các chính sách hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho sinh viên đại học không chỉ hỗ trợ tài chính cho sinh viên trong giai đoạn đầu khởi nghiệp và giảm bớt áp lực tâm lý mà còn thúc đẩy các trường cao đẳng, đại học cải tiến công cuộc cải cách môi trường kinh doanh, chương trình giáo dục khởi nghiệp và tăng cường cơ hội thực hành khởi nghiệp, để sinh viên có thể nâng cao ý định khởi nghiệp và thực hiện các hoạt động khởi nghiệp trong môi trường khởi nghiệp tốt. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H9: Vốn xã hội có tác động trực tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.
H10: Vốn xã hội có vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa giáo dục khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp của sinh viên.
2.5.1.6 Năng lực bản thân và nhận thức tính khả thi
Theo Rocha và Freitas (2014) khởi nghiệp là một hiện tượng hành động đòi hỏi người khởi nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo rằng các quá trình hoạt động của công ty, điều đó chứng tỏ người khởi nghiệp phải có năng lực điều hành và tầm nhìn chiến lược.
Năng lực bản thân của một cá nhân có thể khuyến khích hiệu suất làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả việc đưa ra các ý định kinh doanh (Nurhidayani & cộng sự, 2021). Sự tự tin vào năng lực bản thân giúp doanh nhân nhìn thấy những hạn chế cũng như khả năng của một cá nhân hoặc tổ chức để khắc phục những hạn chế đó. Như vậy, sự tương
tác này ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp vì nó có thể điều chỉnh mức độ mà bản thân một người nhận thấy họ có thể vượt qua trở ngại khi bắt đầu kinh doanh, nhưng đồng thời, người này cũng có thể có nhận thức chính xác về mức độ mà họ có thể đạt được (Ferreira- Neto & cộng sự, 2023). Đồng thời, các nghiên cứu liên quan chỉ ra rằng sinh viên có năng lực bản thân cao hơn sẽ có thái độ tự tin hơn về khả năng khởi nghiệp kinh doanh của mình so với những cá nhân có năng lực kinh doanh thấp hơn (Bagheri & Lope Pihie, 2014; Carr
& Sequeira, 2007; J. L. Setiawan & cộng sự, 2022; Zhao & cộng sự, 2005). Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H11: Năng lực bản thân có tác động trực tiếp đến thái độ khởi nghiệp.
2.5.1.7 Vốn xã hội và nhận thức tính khả thi
Nghiên cứu của Stam và cộng sự (2014) cho rằng vốn xã hội là một yếu tố quan trọng trong việc nhận ra các cơ hội kinh doanh, tạo ra và phát triển doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Lợi ích của vốn xã hội là rất nhiều nhưng để có được nguồn tài nguyên đáng tin cậy, chính xác thì cần xem xét thật cẩn thận nếu không muốn xảy ra hậu quả không đáng có (Ghodbane & Alwehabie, 2023). Đồng quan điểm với Ramos-Rodríguez và cộng sự (2010), Malebana (2019) cũng nhận định rằng nhận thức được các mối quan hệ xã hội sẽ cung cấp sự hỗ trợ và nguồn lực xã hội khác nhau, đây là yếu tố rất quan trọng để tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp. Các cá nhân sẽ có nhiều khả năng nhận ra cơ hội kinh doanh tốt khi họ có những mối người bạn cũng là doanh nhân (Ramos-Rodríguez &
cộng sự, 2010). Vốn xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định các cơ hội kinh doanh (Anderson & cộng sự, 2007; Malebana, 2019; Puhakka, 2002). Do đó có thể nhận thấy vốn xã hội có tác động đến các cơ hội kinh doanh, khi xác định được cơ hội sẽ làm tăng nhận thức tính khả thi. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H12: Vốn xã hội có tác động trực tiếp đến nhận thức tính khả thi.
2.5.1.8 Giáo dục khởi nghiệp, đam mê khởi nghiệp, thái độ khởi nghiệp, năng lực bản thân, nhận thức tính khả thi, vốn xã hội
Giáo dục khởi nghiệp xuất hiện ở nước ngoài vào những năm 1980 và 1990. Có thể hiểu, giáo dục khởi nghiệp không chỉ có nghĩa là dạy sinh viên thành lập doanh nghiệp mà quan trọng hơn là nuôi dưỡng tính chủ động, đổi mới của sinh viên. Theo Peterman và Kennedy (2003) giáo dục khởi nghiệp có thể cải thiện khả năng của một cá nhân trong việc xác định
các cơ hội thị trường và nhận thức rủi ro. Nghiên cứu của Hou và cộng sự (2019), Shah và cộng sự (2020) cho rằng giáo dục khởi nghiệp có tác động tích cực đến thái độ và khả năng khởi nghiệp của mỗi cá nhân, việc học kinh doanh thúc đẩy cảm xúc của các doanh nhân, chẳng hạn như sự phấn khích và vui vẻ. Các nghiên cứu trước đây đã xác định giáo dục khởi nghiệp nâng cao niềm đam mê khởi nghiệp (Henseler & cộng sự, 2009; Lee & cộng sự, 2021; Sriyakul & Jermsittiparsert, 2019). Nếu các doanh nhân đủ đam mê, họ sẽ tập trung vào việc cải thiện khả năng học tập để thúc đẩy sự đổi mới trong tổ chức của mình (Zou, 2022). Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:
H13: Giáo dục khởi nghiệp có tác động trực tiếp đến đam mê khởi nghiệp của sinh viên.
H14: Giáo dục khởi nghiệp có tác động trực tiếp đến thái độ khởi nghiệp của sinh viên.
Krueger và Brazeal (1994) đưa ra sự khác biệt giữa tiềm năng và ý định khởi nghiệp. Sử dụng mô hình được phát triển bởi Shapero (1984), Peterman và Kennedy (2003) nhận thấy rằng khi tham gia vào chương trình giáo dục khởi nghiệp sẽ ảnh hưởng tích cực đến nhận thức về mong muốn khởi nghiệp và làm tăng khả năng tồn tại của doanh nghiệp. Nghiên cứu của Jiatong và cộng sự (2021), Yang (2014) đã xác định giáo dục khởi nghiệp tác động tích cực đến tư duy khởi nghiệp của sinh viên, giáo dục khởi nghiệp cung cấp kiến thức cơ bản về khởi nghiệp giúp sinh viên có năng lực và trở thành chuyên gia trong quá trình phát triển những doanh nghiệp mới. Việc thực hiện giáo dục khởi nghiệp trong các trường cao đẳng, đại học có ý nghĩa to lớn trong việc tạo ra việc làm gắn với khởi nghiệp và thúc đẩy sự phát triển bản thân của sinh viên đại học (Lv & cộng sự, 2021; Rocha & Freitas, 2014;
Wang, 2020). Song song với việc học tập cần củng cố các kỹ năng của sinh viên nhằm nâng cao năng lực và khả năng để giúp biến những ý tưởng đổi mới thành hiện thực (Zou, 2022).
Taylor và Thorpe (2004) chỉ ra giáo dục khởi nghiệp tại các trường đại học có mối quan hệ tích cực đối với vốn xã hội. Nghiên cứu của Putro và cộng sự (2022) chỉ ra rằng các yếu tố của vốn xã hội, bao gồm mạng lưới, chuẩn mực và niềm tin được xây dựng thông qua giáo dục khởi nghiệp. Giáo dục khởi nghiệp cộng đồng với tư cách là nỗ lực mang tính xây dựng về giáo dục nhằm hiện thực hóa mục tiêu của các doanh nhân thành công cần phải được tổ chức với cách tiếp cận hướng tới việc sử dụng và phát triển vốn xã hội, quá trình giáo dục này cần hướng tới việc nắm vững và phát triển các năng lực kinh doanh xã hội