Thông số về sự thiệt hại

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền của nạn nhân các tội xâm phạm tình dục trẻ em dưới góc độ quyền con người (Trang 28 - 31)

CHƯƠNG 2. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM TÌNH DỤC TRẺ EM VÀ TÌNH HÌNH CÁC TỘI XÂM PHẠM TÌNH DỤC TRẺ EM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

2.2. Tình hình các tội xâm phạm tình dục trẻ em tại TP.HCM trong những năm gần đây

2.2.4. Thông số về sự thiệt hại

Thông số vể sự thiệt hại của tình hình tội phạm nói chung là những thông tin, số liệu về những thiệt hại về mặt vật chất và phi vật chất hay những thiệt hại về vật chất, tinh thần, thể chất của con người. Với khách thể của nhóm tội phạm là xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông số về sự thiệt hại của nhóm tội phạm này bao gồm những thiệt hại sau:

- Thiệt hại vật chất: thiệt hại vật chất được hiểu là những thiệt hại có thể quy đổi được bằng tiền, bao gồm những thiệt hại vật chất trực tiếp và những thiệt hại vật chất gián tiếp. Thiệt hại vật chất của các tội xâm phạm tình dục trẻ em chủ yếu là những thiệt hại vật chất gián tiếp, đó là chi phí cho công tác tố tụng liên quan đến việc phát hiện và xử lý tội phạm, những chi phí khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra như chi phí chữa trị, chi phí nhằm để phục hồi sức khỏe, thể chất cho nạn nhân, sự thiệt hại về tiền công lao động của người thân trong những ngày chăm sóc cho nạn nhân…

- Những thiệt hại tinh thần cho nạn nhân: nếu như những thiệt hại về vật chất là những thiệt hại có thể tính toán, quy đổi được bằng tiền thì những thiệt hại về tinh thần là những thiệt hại cho thế giới tinh thần mà khó có thể lấy gì bù đắp.

Người phải gánh chịu những thiệt hại tinh thần nặng nề nhất do tội phạm gây ra chính là nạn nhân của tội phạm. Những thiệt hại về tinh thần mà tội phạm gây ra cho nạn nhân không những gây tổn thương về tinh thần, tâm lý hoảng loạn, lo lắng, sợ hãi, xấu hổ, mặc cảm với những người xung quanh sau khi tội phạm xảy ra mà còn gây đau đớn, ám ảnh nạn nhân trong suốt cuộc đời, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc phát triển bình thường về tâm lý của nạn nhân trong tương lai. Những thiệt hại về mặt tinh thần này còn tác động mạnh mẽ đến gia đình, người thân của nạn nhân và những người khác trong xã hội và thậm chí, chính bản thân người phạm tội cũng phải gánh chịu những thiệt hại về tinh thần do hành vi phạm tội mà họ gây ra như

27

nỗi ám ảnh, sợ hãi khi đối diện với dư luận xã hội, với hình phạt mà họ phải gánh chịu.

Những thiệt hại về vật chất và tinh thần do các tội xâm phạm tình dục trẻ em trên thực tế cơ quan chức năng chưa thống kê được mà chỉ có thể đánh giá thông qua những thiệt hại trong từng vụ án cụ thể, từ đó khái quát được những thiệt hại trên thực tế của nhóm tội này.

- Những thiệt hại về thể chất: những thiệt hại về thể chất do các tội xâm phạm tình dục trẻ em là những tổn thất về mặt sức khỏe, những thương tích mà nạn nhân phải gánh chịu. Trong tổng số 758 vụ phạm tội từ năm 2001 đến 2010 thì có 758 nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi phải gánh chịu những tổn thương không chỉ về tinh thần mà còn đau đớn về thể xác, thậm chí có những em còn phải mang thương tật suốt đời.

Nhìn chung các thông số về sự thiệt hại của các tội xâm phạm tình dục trẻ em rất khó thống kê một cách chính xác trên thực tế vì những thiệt hại này chủ yếu là những thiệt hại về tinh thần và thể chất của nạn nhân - những thiệt hại to lớn không thể quy đổi được bằng vật chất và không có giá trị vật chất nào có thể so sánh được.

Từ việc nghiên cứu các thông số của tình hình các tội xâm phạm tình dục trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua, chúng tôi có một vài nhận xét về tính chất nguy hiểm của nhóm tội phạm này như sau:

- Thứ nhất: đây là nhóm tội phạm có độ ẩn khá cao nên các số liệu nêu trên chỉ phản ánh phần nào thực trạng của nhóm tội trên thực tế. Nguyên nhân của tình trạng này đã được trình bày trong thông số về thực trạng của tình hình tội phạm.

- Thứ hai: trong nhóm tội xâm phạm tình dục trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh, tội phạm hiếp dâm trẻ em là tội phạm phổ biến nhất và chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu của nhóm tội. Đây là tội phạm nguy hiểm nhất thể hiện ở những thiệt hại mà nó gây ra cho nạn nhân, cho xã hội và mặc dù đã bị áp dụng các hình phạt rất nghiêm khắc nhưng tình hình tội phạm vẫn đang diễn biến rất phức tạp, chưa có

28

động thái giảm, từ đó có thể khẳng định tính nguy hiểm cao của tội phạm hiếp dâm trẻ em nói riêng và của các tội xâm phạm tình dục trẻ em nói chung.

- Thứ ba, tính chất nguy hiểm của các tội xâm phạm tình dục trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện thông qua quy mô, tổ chức của tội phạm, các đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội như độ tuổi, tính quyết tâm thực hiện hành vi đến cùng, động cơ, thủ đoạn phạm tội…, các đặc điểm thuộc về nạn nhân của tội phạm.

+ Về quy mô, tổ chức của tội phạm: nhìn chung các tội xâm phạm tình dục trẻ em không mang tính quy mô, tổ chức chặt chẽ mà chủ yếu các tội phạm mang tính đơn lẻ của từng cá nhân, trong trường hợp phạm tội có tổ chức thì đa số các trườnng hợp phạm tội có tổ chức đơn giản, các thành viên phạm tội mang tính

“ngẫu hứng” không có chuẩn bị trước về kế hoạch phạm tội và sau khi phạm tội, tổ chức này tự giải tán. Tuy nhiên, các dấu hiệu của tội phạm có tổ chức chặt chẽ cũng đã xuất hiện trong tội phạm “Mua dâm người chưa thành niên” thể hiện ở các đường dây “gái gọi”, tổ chức mại dâm liên tỉnh, xuyên quốc gia.

+ Các đặc điểm nhân thân người phạm tội: tính nguy hiểm của các tội xâm phạm tình dục trẻ em còn thể hiện ở độ tuổi của người phạm tội.Ở tội hiếp dâm trẻ em, một tội phạm phổ biến và nguy hiểm nhất trong nhóm tội, chúng ta có thể thấy trong nhiều trường hợp, người phạm tội chỉ vừa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (14 tuổi), và ngược lại cũng nhiều trường hợp, độ tuổi của người phạm tội cũng rất cao: trên 70 tuổi. Mặc dù động cơ, thủ đoạn của người phạm tội không phải là đặc điểm đáng chú ý trong nhóm tội này nhưng điều cần được quan tâm là sự quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng của người phạm tội. Điều dễ nhận thấy trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là khi nạn nhân càng nhỏ tuổi thì tỉ lệ phạm tội nhiều lần rất cao. Mặt khác, tính quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội còn thể hiện ở phương thức thực hiện hành vi phạm tội: dụ dỗ, đe dọa, dùng vũ lực để khống chế nạn nhân, đặc biệt người phạm tội còn giết chết nạn nhân trước khi thực hiện hành vi phạm tội.

+ Các đặc điểm thuộc về nạn nhân: tính nguy hiểm các tội xâm phạm tình dục trẻ em còn thể hiện ở đặc điểm về độ tuổi của nạn nhân. Đa số nạn nhân của

29

nhóm tội này là trẻ em dưới 6 tuổi, một độ tuổi bị thiệt hại nặng nề nhất về thể chất, sức khỏe và những tổn thương to lớn về tâm lý. Điểm đặc trưng của các tội xâm phạm tình dục trẻ em (trừ tội phạm mua dâm người chưa thành niên) là người phạm tội thường có mối quan hệ gia đình, huyết thống với nạn nhân như cha hiếp dâm con gái ruột, người phạm tội là cha kế, thầy giáo, người có quan hệ họ hàng với nạn nhân.

Bên cạnh các thông số, tình hình các tội xâm phạm tình dục trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở các đặc điểm tội phạm học của nhóm tội này.

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền của nạn nhân các tội xâm phạm tình dục trẻ em dưới góc độ quyền con người (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)