CHƯƠNG I CƠ SỞ LÝ LUẬN PHÁP LÝ VỀ XỬ PHẠT CƠ SỞ LÝ LUẬN PHÁP LÝ VỀ XỬ PHẠT VỀ QUẢNG CÁO SẢN PHẨM, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ CẤM QUẢNG CÁO
1.3. Những vấn đề chung về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi
1.3.4. Thời hiệu và thời hạn xử lý vi phạm hành chính
- Thời hiệu xử phạt: là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được miễn trừ thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm hành chính. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm (trừ một số trường hợp do luật định);
Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau: Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng như phần trên. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Trong thời hạn được quy định như phần trên đã nêu mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Theo Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi quảng cáo thuốc lá; quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo; quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác; quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định; quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục; quảng cáo súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực là một năm.
- Thời hạn xử phạt: là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy
định tại Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 61 hoặc khoản 3 Điều 63 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 28 của Luật này, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt hành chính: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác (tức là từ ngày thực hiện xong các nghĩa vụ, yêu cầu ghi trong quyết định xử phạt hoặc từ ngày quyết định xử phạt được cưỡng chế thi hành) hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính22.
Đối với các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo cũng áp dụng thời hạn xử lý vi phạm hành chính như đã nêu ở trên.
22 Khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.