Khái niệm và đặc điểm pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay

Một phần của tài liệu Pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ hợp đồng tín dụng tiêu dùng (Trang 27 - 32)

Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG TIÊU DÙNG VÀ PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI ĐI VAY

1.3. Pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ hợp đồng tín dụng tiêu dùng

1.3.1. Khái niệm và đặc điểm pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay

1.3.1.1. Khái niệm pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ hợp đồng tín dụng tiêu dùng

Pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD là lĩnh vực pháp luật hẹp, có tính chuyên ngành. Hẹp bởi vì nó chỉ liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của người người đi vay trong HĐTDTD. Tính chuyên ngành của nó liên quan đến lĩnh vực tín dụng tiêu dùng và HĐTDTD. Vì vậy, để xác định khái niệm pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD, ngoài việc cần phải tìm hiểu các khái niệm về người đi vay, tín dụng tiêu dùng và HĐTDTD còn phải cần tìm hiểu khái niệm về pháp luật, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

Pháp luật là những quy tắc điều chỉnh hành vi của con người do Nhà nước ban hành và có tính cưỡng chế. Pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD cũng là những quy tắc điều chỉnh hành vi của người đi vay và các bên có liên quan trong quan hệ HĐTDTD, những quy tắc này đều được Nhà nước ban hành và được duy trì thực thi theo một trật tự xã hội nhất định. Là một bộ phận của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD vừa mang đặc điểm của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng nói chung, vừa mang đặc điểm riêng liên quan đến tín dụng tiêu dùng và HĐTDTD. Vì vậy, để làm rõ khái niệm pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD cần phải có sự hiểu khái quát về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, hiểu một cách chung nhất là tập hợp các quy phạm hướng dẫn cách xử sự của các chủ thể liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng. Ở Việt Nam, có quan điểm cho rằng “pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, hiểu theo nghĩa tổng quát là một hệ thống pháp luật có liên quan đến nhau mà đạo luật riêng rẽ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ có giá trị tiên phong43”, và các luật chuyên ngành cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong từng lĩnh vực thì mới đảm bảo được tối đa quyền lợi của người tiêu dùng. Khái niệm này nhấn mạnh đến hình thức biểu hiện bề ngoài của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

Nếu xem xét kỹ về hình thức biểu hiện, tức là nếu phân tích pháp luật thực định của Việt Nam về bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD,

43 Nguyễn Như Phát (2010), “Một số vấn đề lý luận xung quanh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Bản tin cạnh tranh và người tiêu dùng, (27), tr.17; bài viết đăng trên tạp chí Nhà nước và Pháp luật (2/2010).

có thể thấy hiện nay về vấn đề tín dụng tiêu dùng và việc bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD ở Việt Nam chưa có hệ thống pháp luật xuyên suốt và duy nhất, cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan trong từng trường hợp chưa được quy định cụ thể.

Trong thực tế, khái niệm pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD có thể nói là chưa được ghi nhận trong bất kỳ văn bản nào.

Trên cơ sở làm rõ khái niệm, đặc điểm của HĐTDTD, sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi của người đi vay cũng như khái niệm về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, ta có thể rút ra khái niệm pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD như sau: pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD là tổng hợp các quy định của pháp luật được Nhà nước ban hành nhằm để bảo vệ quyền lợi của người đi vay, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người đi vay khi họ ký kết và thực hiện HĐTDTD với các TCTD nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng trong cuộc sống. Các quy định mang tính chất bảo vệ người đi vay trong HĐTDTD hiện nay chủ yếu được Luật BVQLNTD năm 2010 quy định một cách tổng quát nhất và được quy định tản mạn trong pháp luật tín dụng ngân hàng và một số văn bản liên quan. Đối với pháp luật tín dụng ngân hàng, ta thấy cho vay tiêu dùng là một loại hình cho vay đặc thù của các TCTD, do đó, pháp luật về hoạt động cho vay tiêu dùng bao gồm toàn bộ những quy định pháp luật về hoạt động cho vay nói chung và những văn bản có liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng nói riêng. Những văn bản pháp luật mang tính điều chỉnh chung đối với hoạt động cho vay của TCTD như: Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 về quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng, Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1627;

Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31/05/2005 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 127 đều là những quy định ảnh hưởng trực tiếp và mang tính chất cơ bản đối với hoạt động cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, trong những văn bản này chưa có một điều khoản nào quy định riêng về cho vay tiêu dùng mà pháp luật quy định mở theo hướng các TCTD tự xây dựng cho mình những quy định riêng đối với loại hình cho vay đặc thù này dựa trên những quy định về hoạt động cho vay nói chung.

1.3.1.2. Đặc điểm của pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ hợp đồng tín dụng tiêu dùng

Thứ nhất, pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD là một bộ phận, một “nhánh con” trong hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật về hợp đồng tín dụng, trong đó Luật

BVQLNTD năm 2010 có giá trị tiên phong, và các luật chuyên ngành có sự phối hợp bổ sung như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Thương mại 2005, … Pháp luật bảo vệ người đi vay trong loại hợp đồng này lấy nền tảng từ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng trong một phạm vi hẹp hơn, là chỉ điều chỉnh trong mối quan hệ HĐTDTD nên lĩnh vực pháp luật này mang những nét tương đồng, có cơ sở từ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, và mang một số đặc thù của lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Ngoài ra, pháp luật bảo vệ người đi vay trong quan hệ HĐTDTD phản ánh tính chuyên ngành hẹp của hoạt động tín dụng nói chung và HĐTDTD nói riêng vì đây là hai lĩnh vực có tính đặc thù với ý nghĩa là lĩnh vực dịch vụ chuyên ngành.

Thứ hai, vì pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD có nền tảng từ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng chỉ trong một phạm vi hẹp là quan hệ HĐTDTD, nên cách thức điều chỉnh của lĩnh vực pháp luật này sẽ mang đặc trưng cách thức điều chỉnh của 2 lĩnh vực pháp luật trên.

Trong đó, pháp luật về hợp đồng tín dụng điều chỉnh hành vi của 2 chủ thể chính trong quan hệ hợp đồng bằng các quy định về các hành vi được phép thực hiện và các hành vi không được phép thực hiện trong quá trình thực hiện hợp đồng. Mặt khác, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng lại không can thiệp sâu vào hành vi của nhà sản xuất kinh doanh, cung cấp sản phẩm hàng hóa dịch vụ thông qua những hạn chế hoặc cấm đoán hành vi mà chủ yếu các quy định xuất hiện ở phía người tiêu dùng, tạo cho người tiêu dùng những khả năng và cơ hội thuận lợi hơn trong cơ chế điều chỉnh pháp luật quan hệ mua bán mà một chủ thể pháp luật dân sự thông thường sẽ không có được44. Như vậy, pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD sẽ quy định hành vi của TCTD thực hiện theo pháp luật hợp đồng tín dụng sao cho bảo đảm được các quyền của người đi vay theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Nói cách khác, các quyền của người đi vay được quy định trong pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được thể hiện bằng các nghĩa vụ cụ thể của TCTD quy định trong pháp luật về tín dụng tiêu dùng. Ví dụ:

quyền của người tiêu dùng “được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng” quy định tại Điều 8 Luật BVQLNTD năm 2010 được thể hiện thực tế bằng nghĩa vụ TCTD phải cung cấp thông tin định kỳ khi khách hàng vay yêu cầu theo

44 Nguyễn Như Phát (2010), “Một số vấn đề lý luận xung quanh Luật Bảo vệ quyên lợi người tiêu dùng”, Bản tin Cạnh tranh và người tiêu dùng, (27), tr.17.

quy định của pháp luật, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 60 triệu đồng vì đã vi phạm về bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng vay45.

Thứ ba, “người đi vay” trong quan hệ HĐTDTD được xác định chính là

“người tiêu dùng” theo định nghĩa của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thông thường, người tiêu dùng được hiểu là người mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ của các cơ sở sản xuất, cung cấp dịch vụ, cửa hàng cho nhu cầu, mục đích của mình. Trên thế giới, pháp luật mỗi quốc gia có tiêu chí xác định và định nghĩa khác nhau về người tiêu dùng, chủ yếu dựa vào tư cách chủ thể và mục đích sử dụng để quy định thế nào là người tiêu dùng. Họ có thể là cá nhân, gia đình, tổ chức mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hoặc có thể phục vụ cho mục đích tái sản xuất kinh doanh46. Ở nước ta, khoản 1 Điều 3 Luật BVQLNTD năm 2010 quy định khái niệm người tiêu dùng như sau: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Như vậy, đối với HĐTDTD, người đi vay với mục đích là để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng nhưng chưa có nguồn tài chính đủ mạnh để chi trả cho những mục đích trên ngay tại chỗ, mà phải thông qua nguồn vốn từ ngân hàng, với bản chất trên thì người đi vay chính là người tiêu dùng.

Thứ tư, pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD không có mục đích bảo vệ tất cả các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật BVQLNTD mà chỉ bảo vệ một số quyền của người đi vay có thể bị TCTD vi phạm trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng như: quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về mức vay, lãi suất vay, thời hạn vay, quyền được khiếu nại và bồi thường thiệt hại … Vì đặc tính của hoạt động tín dụng tiêu dùng là một dịch vụ cấp tín dụng, nên các vấn đề về sức khỏe, tính mạng không đặt ra đối với quyền lợi người đi vay. Do vậy, các quyền liên quan đến vấn đề này không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD.

Thứ năm, pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ hợp đồng tín dụng tiêu dùng, ngoài việc phân tích trên cơ sở các quy định pháp luật, còn phân tích dựa trên các mẫu HĐTDTD. Hợp đồng mẫu này được TCTD soạn thảo sẵn để giao kết với số đông người đi vay chứ không soạn thảo chỉ để sử dụng với một khách hàng duy nhất, nên trong mối quan hệ này, người vay tiêu dùng rất khó để “mặc cả”, thỏa thuận với TCTD về nội dung hợp đồng. Trên thế giới, hợp đồng

45 Khoản 1 Điều 29 Dự thảo sửa đổi Nghị định số 202/2004/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

46 Hội đồng phối hợp công tác, phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ (2011), Đặc san tuyên truyền pháp luật, (6), chủ đề Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hà Nội, tr.01.

theo mẫu có thể được quy định bằng các tên gọi khác nhau cũng như tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như hợp đồng soạn sẵn (standard form contract), hoặc là hợp đồng gia nhập (adhesion contract), hợp đồng hàng loạt (boilerplate contract)47. Tuy tên gọi ở mỗi nước có sự khác nhau, nhưng nhìn chung có thể định nghĩa hợp đồng theo mẫu là “một loại hợp đồng, một thỏa thuận pháp lý giữa hai bên để thực hiện một công việc nhất định, trong đó một bên có toàn quyền mặc cả và sử dụng nó để soạn thảo hợp đồng theo hướng chủ yếu có lợi cho họ48”. Ở nước ta với khái niệm hợp đồng theo mẫu được quy định tại khoản 1 Điều 407 BLDS 200549 là rất đúng và thực tế. Tuy nhiên, người tiêu dùng không phải lúc nào cũng đọc đến quy định này của bộ luật và có đọc thì họ cũng không hiểu hết được ý tứ sâu xa của nhà làm luật. Do đó, ít khi họ có điều kiện để xem xét kỹ hợp đồng mẫu.

Lợi dụng thực tế này, nhiều TCTD không để cho người đi vay có cơ hội đọc kỹ, để trao đổi xem xét trước khi đưa ra quyết định vay vốn tiêu dùng. Vì vậy, Luật BVQLNTD năm 2010 lần đầu tiên đề cập đến hợp đồng theo mẫu, quy định trách nhiệm các bên trong hợp đồng mẫu và việc kiểm soát chúng. Ví dụ khoản 5 Điều 3 Luật BVQLNTD năm 2010 định nghĩa “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng”. Ngoài ra các điều luật từ Điều 16 đến Điều 19 quy định về Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực; Thực hiện hợp đồng theo mẫu; Thực hiện điều kiện giao dịch chung; Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cũng góp phần bảo vệ người tiêu dùng một cách cụ thể hơn trong loại hợp đồng này.

Thứ sáu, pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD được ban hành với mục tiêu nhằm gia tăng các quy định về một nguyên tắc, về chế tài và về cơ chế thực thi nhằm bảo vệ tự do, bình đẳng của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD. Xuất phát từ đặc tính nổi trội là “thông tin bất cân xứng”

luôn tồn tại hiện hữu giữa bên cho vay và người đi vay, bởi vì thông tin bất cân xứng thường xảy ra khi các TCTD trong hợp đồng tín dụng thường có nhiều thông tin hơn so với bên đi vay, cho nên người đi vay luôn ở vào thế bất lợi. Chính vì thông tin bất cân xứng luôn mang lại những hệ quả bất lợi cho người vay tiêu dùng nên pháp luật cần phải có những biện pháp để khắc phục tình trạng này. Đặc biệt,

47 Xem http://www.businessdictionary.com/definition/standard-form-contract.html, (truy cập 15/03/2014).

48 Dịch theo http://legal-dictionary.thefreedictionary.com/Standard+form+contract, (truy cập ngày 15/03/2014).

49 Khoản 1 Điều 407 BLDS 2005: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý, nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”.

ngân hàng là tổ chức kinh doanh chủ yếu thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ vì mục tiêu lợi nhuận, nên không ít các ngân hàng vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng đưa đẩy cho khách hàng là người vay vốn tiêu dùng những cạm bẫy mang tính chất pháp lý và kỹ thuật. Vì lẽ đó, pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ HĐTDTD cần phải ưu tiên bảo vệ kẻ yếu và như thế, lĩnh vực pháp luật này sẽ phải có cơ chế bảo đảm cũng như cơ chế xử lý vi phạm có liên quan.

Một phần của tài liệu Pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ hợp đồng tín dụng tiêu dùng (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)