CHƯƠNG 1: TỔ CHỨC CỦA THANH TRA HUYỆN TỪ THỰC TIỄN TỈNH CÀ MAU
1.3. Những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp hoàn thiện
1.3.3. Giải pháp hoàn thiện
Từ phân tích trên, tác giả kiến nghị:
Thứ nhất, về cơ cấu, tổ chức
Một là, nhằm bảo đảm tính hợp pháp cũng như tính hợp lý trong hoạt động của Thanh tra huyện, cần sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng thừa nhận chức danh “công chức khác” trong cơ cấu tổ chức của Thanh tra huyện. Có như vậy thì việc triển khai thi hành và tổ chức trên thực tế của Thanh tra huyện mới trở nên chặt chẽ, bảo đảm tính hợp pháp và đáp ứng nhu cầu của công việc.
Hai là, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội ngày 24/11/2017 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã nhận định: “quản lý biên chế tại nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm;
cơ cấu công chức chưa hợp lý, số lượng cấp phó ở một số đơn vị vượt quy định, còn mất cân đối về tỷ lệ giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, giữ hàm cấp với công chức tham mưu, giúp việc”. Do đó, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội quy định: “trong năm 2018, Chính phủ hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, trong đó xác định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này”. Trên cơ sở Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ cần ban hành văn bản sửa đổi số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện trong Nghị định số 37/2014/NĐ-CP. “Lắm phó khó làm ăn” là một tư duy đúng đắn cần tuân thủ. Do đó, cần phải giảm số lượng cấp phó theo Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT- TTCP-BNV. Theo đó, cần sửa đổi Nghị định số 37/2014/NĐ-CP theo hướng “Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện không quá 02 người”. Với quy định này thì Thanh tra huyện sẽ có không quá 02 Phó Chánh Thanh tra.
Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về thâm niên công tác của các ngạch thanh tra viên theo hướng bỏ quy định 02 năm kinh nghiệm công tác trong ngành Thanh tra, bổ nhiệm ngạch thanh tra viên ngay sau khi hết thời gian tập sự, thử việc để tương thích với quy định đối với các ngạch công chức hành chính, thuế, hải quan ở các ngành có tính chất tương tự... và tránh thiệt thòi về số năm giữ ngạch, thời gian
nâng ngạch, chế độ, chính sách cho người được tuyển dụng vào ngành Thanh tra (nếu không bỏ quy định này thì phải quy định số năm kinh nghiệm công tác trong ngành Thanh tra cho người mới vào ngành ở tất cả các ngạch).
Bốn là, sửa đổi, bổ sung nội dung tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên theo hướng bao quát được hết yêu cầu của công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, đảm bảo được yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ phải gắn chặt với chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan thanh tra: bổ sung tiêu chuẩn về năng lực của thanh tra viên chính, thay “tổ chức thực hiện hiệu quả các cuộc thanh tra được giao” bằng “tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng”, đưa thêm một số nhiệm vụ, năng lực liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng như giúp thủ trưởng đơn vị xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nắm vững quy trình, nghiệp vụ về cả công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng, xây dựng văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng…
Năm là, tiếp tục hoàn thiện đề án vị trí việc làm, phải xác định xem Thanh tra huyện cần có bao nhiêu vị trí việc làm, bao gồm các vị trí việc làm cụ thể nào; phân tích và mô tả rõ từng loại công việc là điều kiện để xác định chính xác số lượng Thanh tra viên cần thiết cho từng cơ quan Thanh tra huyện. Qua đó, bố trí tuyển dụng được những người đáp ứng các yêu cầu của vị trí công việc, phân công và định mức công việc cụ thể, rõ ràng, xác định các yêu cầu đặt ra về phẩm chất, năng lực đối với đội ngũ công chức thanh tra, tạo điều kiện cơ bản để kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực của ngành thanh tra, cũng như để thu hút và động viên, phát huy phẩm chất, tiềm năng của của những người làm công tác thanh tra.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ công chức thanh tra vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ
Có thể nhận thấy, việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng công chức là vấn đề cốt lõi, là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ. Đối với ngành thanh tra, để bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng đòi hỏi phải có đội ngũ công chức thanh tra phải “vừa hồng, vừa chuyên”. Tuy nhiên, như đã nêu trên, hiện nay đội ngũ công chức thanh tra của Thanh tra huyện từ thực tiễn tỉnh Cà Mau nói riêng và của ngành thanh tra ở nước ta
nói chung vẫn còn thiếu về số lượng và có phần hạn chế về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng mục đích, yêu cầu của hoạt động thanh tra hành chính. Để đáp ứng các yêu cầu của việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thanh tra, cần phải:
Một là, xác định cơ cấu đội ngũ công chức, định lượng các tiêu chuẩn ngạch, bậc đến việc đổi mới cơ chế tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, đánh giá công chức, thi đua, khen thưởng và xử lý kỷ luật; xây dựng biên chế, cơ cấu ngạch và tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo (Chánh thanh tra, các Phó chánh thanh tra) và thanh tra viên để tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa các chức danh lãnh đạo, quản lý và công chức thanh tra phù hợp với yêu cầu mới. Đây là cơ sở pháp lý cho việc quy hoạch, bổ nhiệm công chức lãnh đạo có đủ năng lực, bảo đảm hiệu quả hoạt động của Thanh tra cấp tỉnh nói chung, Thanh tra huyện nói riêng.
Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức thi tuyển, tuyển dụng và bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên để bảo đảm cho cán bộ, công chức được tuyển dụng phải bảo đảm các chức danh cần tuyển, đáp ứng tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Luật Thanh tra nên sửa đổi hình thức bổ nhiệm thanh tra viên bằng hình thức thi tuyển công khai để bảo đảm yêu cầu chuyên môn hóa đội ngũ thanh tra viên thay thế cho phương thức bổ nhiệm theo Điều 31 Luật Thanh tra năm 2010.
Ba là, đổi mới về phương thức và nội dung đào tạo, bồi dưỡng các ngạch thanh tra. Nội dung đào tạo không nên tập trung nhiều về kiến thức lý luận chung mà cần chú trọng cân đối đến truyền thụ kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra để phát hiện các hành vi sai phạm, nhằm kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm pháp luật.
Bốn là, xây dựng và củng cố đội ngũ công chức, thanh tra viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với đường lối đổi mới của Đảng, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, có đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao… để góp phần công sức vào sự nghiệp phát triển ngành Thanh tra nói chung, Thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện nói riêng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng tốt mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Từ những vấn đề đã trình bày trong chương 1 của luận văn, có thể rút ra một số kết luận sau:
Thứ nhất, Thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, theo Điều 26 Luật Thanh tra năm 2010 thì “thanh tra huyện có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên”. Trong khi đó, Điều 18 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP lại quy định: “Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên và công chức khác”. Xét dưới góc độ pháp lý, việc Nghị định số 86/2011/NĐ-CP bổ sung thêm chức danh “công chức khác” là không phù hợp với Luật Thanh tra năm 2010.
Thứ ba, theo Điều 5 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP thì ngoài người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (gọi là Trưởng phòng) thì số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện không quá 03 người. Như vậy, Thanh tra huyện ngoài Chánh Thanh tra, có thể có không quá 03 Phó Chánh thanh tra. Tuy nhiên, Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-TTCP-BNV ngày 08/09/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ phối hợp Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành lại giới hạn: “Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra và không quá 02 Phó Chánh Thanh tra”. Rõ ràng, trong trường hợp này, Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-TTCP-BNV đã quy định số lượng Phó Chánh Thanh tra không phù hợp với Nghị định số 37/2014/NĐ-CP.
Thứ tư, Thanh tra huyện phải cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hoạt động của ngành Thanh tra. Trong khi đó, số lượng công chức còn ít, chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra có mặt còn yếu, còn chưa tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao nên năng lực để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra cũng phần nào bị ảnh hưởng.
Thứ năm, hệ thống văn bản pháp luật thanh tra quy định về tổ chức thanh tra cần tiếp tục được hoàn thiện, một số văn bản bộc lộ bất cập, không phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Hiện nay, tổ chức bộ máy Thanh tra huyện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao nên chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của ngành thanh tra đặt ra.
CHƯƠNG 2