Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định về căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì đó là tài sản chung”.
Như vậy, theo quy định trên ta thấy có bốn nhóm căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng:
Căn cứ thứ nhất là dựa vào thời điểm phát sinh tài sản chung
Tài sản chung của vợ chồng là tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Đây là nhóm tài sản chủ yếu của vợ chồng. Duy trì, phát triển tài sản chung, chăm lo đời sống chung trong gia đình phần lớn đều dựa vào loại tài sản này. Bởi vì, tài sản này gắn liền với việc phát sinh quan hệ nhân thân giữa vợ chồng và tồn tại cùng với sự tồn tại của quan hệ hôn nhân. Tài sản được xác định là tài sản chung trong trường hợp này phải là tài sản có “trong thời kỳ hôn nhân”. Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: “Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”. Như vậy, tài sản này có được từ khi họ đã trở thành vợ chồng một cách hợp
31
pháp. Về mặt nguyên tắc chung các quan hệ hôn nhân được xác lập sau khi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực thì áp dụng cách tính thời kỳ hôn nhân như trên, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những trường hợp ngoại lệ. Đó là trường hợp “hôn nhân thực tế” được quy định tại Nghị Quyết của Quốc hội số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Đối với những quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được “khuyến khích” đăng ký kết hôn, nếu không đăng ký thì vẫn được công nhận là vợ chồng. Đối với trường hợp này thì quan hệ vợ chồng không phải tính từ ngày đăng ký kết hôn mà từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng24. Đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 thì họ có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong vòng 2 năm tính từ ngày 01/01/2001 đến ngày 01/01/2003. Nếu như các bên đăng ký kết hôn đúng hạn thì Nhà nước công nhận thời gian xác lập quan hệ vợ chồng từ thời điểm sống chung với nhau. Nếu như họ đăng ký kết hôn sau ngày 01/01/2003 thì quan hệ vợ chồng được Nhà nước công nhận từ thời điểm họ đăng ký kết hôn25. Như vậy, về nguyên tắc thì quan hệ hôn nhân phát sinh từ ngày đăng ký kết hôn, còn vấn đề công nhận hôn nhân thực tế chỉ là trường hợp ngoại lệ mà thôi. Nam nữ sống chung với nhau sau ngày 01/01/2001 mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Ngoài nhóm tài sản chung vừa nêu, còn có một loại tài sản chung đặc biệt của vợ chồng, đó là quyền sử dụng đất. Theo đó, quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của hai vợ chồng. Quyền sử dụng đất được nói đến ở đây, có thể là quyền sử dụng đất được Nhà nước giao cho vợ, cho chồng hoặc cả hai vợ chồng; quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng được
24 Nguyễn Văn Cừ, Thời kỳ hôn nhân, căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng, tạp chí Tòa án nhân dân số 23 tháng 12 năm 2006, trang 9.
25 Điểm b khoản 3 Nghị quyết của Quốc hội số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình.
32
Nhà nước cho thuê; quyền sử dụng đất mà vợ chồng được chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế chung, nhận thế chấp.
Trong nhóm căn cứ thứ nhất “dựa vào thời điểm phát sinh tài sản chung”
còn một loại tài sản khác cũng được coi là tài sản chung. Đó chính là các khoản thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Thu nhập hợp pháp khác là những khoản thu nhập không thuộc nhóm tài sản vừa nêu. Đó có thể là số tiền mà vợ, chồng trúng xổ số; số tiền thưởng mà vợ, chồng nhận được hay khoản tiền trợ cấp, tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Ví dụ: Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu (Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2005); xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy (Điều 240 Bộ luật Dân sự năm 2005); xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên (Điều 241 Bộ luật Dân sự năm 2005); xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc (Điều 242 Bộ luật Dân sự năm 2005); xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc (Điều 243 Bộ luật Dân sự năm 2005); xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước (Điều 244 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Như vậy, các khoản thu nhập hợp pháp này có thể do một mình người chồng hoặc người vợ có được. Thời điểm có được tài sản này là trong thời kỳ hôn nhân – trong thời gian họ đang là vợ chồng hợp pháp với nhau. Nếu một tài sản hình thành trước khi kết hôn, sau khi kết hôn mới nhận được nó, thì tài sản này không phải là tài sản chung.
Căn cứ thứ hai là dựa vào nguồn gốc của tài sản: “Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung”
Để xác định là tài sản chung của vợ chồng, phải dựa vào ý chí của người tặng cho, người để lại thừa kế. Một chủ sở hữu tài sản thể hiện ý chí để lại thừa kế hay tặng cho cả hai vợ chồng và không đề cập đến quyền sở hữu của mỗi người, thì tài sản này là tài sản chung của vợ chồng; nhưng nếu người tặng cho, người để lại thừa
33
kế thể hiện rõ phần quyền sở hữu của vợ, chồng, thì tài sản này không phải là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng mà nó đã trở thành tài sản chung theo phần.
Ngoài ra, tài sản được coi là thừa kế chung hay tặng cho chung và trở thành tài sản chung của vợ chồng chỉ khi việc để lại thừa kế đó, tặng cho đó là phù hợp với quy định của pháp luật. Ví dụ như trong việc để lại thừa kế, di sản thừa kế chỉ trở thành tài sản chung của vợ chồng nếu có di chúc hợp pháp thể hiện rõ ràng ý chí của người để lại thừa kế sẽ cho cả hai vợ chồng di sản đó. Vì tài sản chung của vợ chồng xác lập từ việc thừa kế chỉ có thể xảy ra trong trường hợp thừa kế theo di chúc, diện và hàng thừa kế theo pháp luật không có con dâu và con rể. Trong trường hợp đặc biệt, cả vợ và chồng đều được hưởng thừa kế theo pháp luật, thì phần mà mỗi người được hưởng sẽ là tài sản riêng của người đó.
Căn cứ thứ ba là dựa vào sự thỏa thuận của vợ chồng.
Quy định này vừa thể hiện rõ quyền tự định đoạt của vợ, chồng đối với tài sản thuộc sở hữu của mình, vừa thể hiện quyền của vợ chồng trong việc quyết định về phạm vi của tài sản thuộc sở hữu chung, đồng thời thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước Việt Nam: Ưu tiên và khuyến khích vợ chồng hình thành, củng cố chế độ tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo cho gia đình có những điều kiện vật chất tốt nhất; xây dựng gia đình ấm no, bền vững, tiến bộ và hạnh phúc.
Việc nhập hay không nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào khối tài sản chung của vợ chồng hoàn toàn phụ thuộc ý chí của vợ, chồng, pháp luật không can thiệp.
Tuy nhiên, nếu vợ, chồng nhập tài sản riêng của mình là nhà ở, quyền sử dụng đất hoặc các tài sản có giá trị lớn khác vào tài sản chung, phải lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng. Văn bản này có thể được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhập tài sản riêng của một bên vào khối tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ riêng của bên đó về tài sản thì việc nhập tài sản này bị xem là vô hiệu.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 là chế độ tài sản pháp định. Tức theo quy định của pháp luật: Trước khi kết hôn, nếu
34
vợ chồng có lập văn bản thỏa thuận về tài sản chung, tài sản riêng cũng như quyền và nghĩa vụ về tài sản của mỗi người thì thỏa thuận đó sẽ không được pháp luật thừa nhận. Ngược lại, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể lập văn bản để thỏa thuận về tài sản chung của vợ chồng. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng sau này, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể khác có liên quan.
Căn cứ thứ tư là dựa vào nguyên tắc suy đoán pháp lý để xác định tài sản chung của vợ chồng.
Tài sản mà vợ chồng không có chứng cứ chứng minh là tài sản riêng khi có tranh chấp, cũng được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Đây là quy định mang tính suy đoán của luật. Quy định này có ý nghĩa rất lớn trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng. Bởi lẽ, một khi vợ, chồng có tranh chấp với nhau về tài sản chung, riêng, bên nào muốn xác định tài sản đó là của riêng mình, tự chính bản thân họ phải có chứng cứ chứng minh tài sản đó thuộc về họ.
Nếu người đưa ra yêu cầu không có chứng cứ chứng minh là tài sản riêng thì đó là tài sản chung của vợ chồng. Quy định này của Luật là cơ sở pháp lý bảo vệ quyền tài sản của vợ chồng.