Để hoàn thiện hệ thống pháp luật về chế độ tài sản chung của vợ chồng là một vấn đề không đơn giản. Nó đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Đây là một công việc cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng và chủ thể có thẩm quyền, có trình độ chuyên môn. Từ sự nghiên cứu, phân tích những bất cập, vướng mắc của chế định tài sản chung của vợ chồng, tác giả xin nêu một số kiến nghị cho từng trường hợp cụ thể.
Vấn đề xác định phạm vi tài sản chung và tài sản riêng trong quan hệ tài sản giữa vợ chồng
72
Đối với bất cập, vướng mắc về việc xác lập giao dịch hình thành tài sản trước thời kỳ hôn nhân nhưng sau khi đăng ký kết hôn thì tài sản đó mới được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu gây khó khăn cho việc phân định tài sản đó là của chung hay của riêng vợ chồng. Trong trường hợp này cần bổ sung thêm quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân thông qua giao dịch bằng tài sản riêng;...”. Nghĩa là dù tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân nhưng được xác lập thông qua giao dịch bằng tài sản riêng thì cũng là tài sản riêng. Việc quy định như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật, cũng như hạn chế được các tranh chấp phát sinh khi thực hiện các giao dịch bằng tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân, bảo vệ quyền lợi cho bên có tài sản.
Bên cạnh đó, đối với quy định về đồ dùng, tư trang cá nhân, cần sửa đổi quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: “đồ dùng, tư trang phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng”. Chẳng hạn như nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí; nhu cầu học tập; nhu cầu làm việc của cá nhân vợ, chồng. Ví dụ:
quần áo, giầy dép, điện thoại di động, laptop... Ngoài ra, cần ban hành văn bản hướng dẫn quy định cụ thể hơn về giới hạn giá trị tài sản của đồ dùng, tư trang cá nhân tạo ranh giới rõ ràng giữa tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng.
Đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của một bên, giải pháp trong thời điểm hiện tại khi chưa có pháp luật điều chỉnh vấn đề này là phải căn cứ vào nhiều yếu tố để xác định đó là tài sản chung hay tài sản riêng. Chúng ta có thể xác định xem hoa lợi, lợi tức đó có phải là nguồn thu nhập chủ yếu hay không? Vợ và chồng có cùng chung sức, chung ý chí để khai thác tài sản riêng đó hay không? Ý chí của các bên như thế nào về việc thừa nhận hay không thừa nhận hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng là tài sản chung? Tuy nhiên, chúng ta phải đưa ra một giải pháp lâu dài để việc áp dụng pháp luật được thống nhất trong thực tiễn đời sống.
Xuất phát từ quan hệ hôn nhân là một quan hệ đặc biệt với sự chi phối của yếu tố
73
tình cảm và xuất phát từ tinh thần chung của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành là khuyến khích việc hình thành khối tài sản chung – tài sản thu được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, nên bổ sung thêm quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 như sau: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, kể cả hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản riêng của mỗi bên; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”. Việc công nhận hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản riêng là tài sản chung của vợ chồng sẽ phù hợp với định hướng của pháp luật hôn nhân và gia đình và mục tiêu của Nhà nước – xây dựng gia đình ấm no, bền vững và hạnh phúc.
Quy định về đăng ký quyền sở hữu tài sản chung của vợ chồng
Từ thực trạng áp dụng và thực hiện pháp luật, nhận thấy quy định này rất khó được tuân thủ một cách tuyệt đối. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho chủ sở hữu; tác giả nghĩ rằng nên sửa đổi quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì vợ chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ghi tên cả hai vợ chồng trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Trong trường hợp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng mà có tranh chấp thì giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 27 của Luật này”. Quy định này sẽ phù hợp với tình hình thực tế hơn khi khuyến khích các bên ghi tên cả hai vợ chồng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản. Khi phát sinh tranh chấp thì chúng ta sẽ áp dụng nguyên tắc suy đoán pháp lý để giải quyết trong trường hợp này - Người nào cho rằng đó là tài sản riêng của mình thì phải có nghĩa vụ chứng minh, nếu không chứng minh được thì đó là tài sản chung của cả hai vợ chồng.
74 Quy định về tài sản chung có giá trị lớn
Đối với quy định về tài sản chung có giá trị lớn thì ngoài việc căn cứ vào tính chất và phần giá trị của tài sản đó trong khối tài sản chung, văn bản hướng dẫn cần quy định thêm một số tiêu chí để xác định tài sản có giá trị lớn. Ví dụ như tiêu chí về mức sống trung bình của địa phương, mức sống của chính gia đình đó và nhu cầu thiết yếu cần được đáp ứng bởi khối tài sản chung để có thể xác định một cách khách quan tài sản có giá trị lớn hay nhỏ. Mặt khác, văn bản hướng dẫn cũng cần quy định rõ trong trường hợp nào thì giao dịch liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn bị vô hiệu. Cụ thể như khi một bên định đoạt tài sản chung có giá trị lớn mà không có sự thỏa thuận của hai vợ chồng; bên không trực tiếp xác lập, thực hiện giao dịch hoàn toàn không biết, không có sự tham gia vào giao dịch đó và yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Việc quy định rõ trường hợp nào vô hiệu sẽ bảo vệ được quyền lợi của người thứ ba khi tham gia giao dịch với một bên vợ, chồng.
Quy định về chia tài sản chung của vợ chồng
Đối với chế định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, nhận thấy cần phải sửa đổi và bổ sung thêm quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 về hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung. Cụ thể Điều 30 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 nên sửa đổi như sau: “Trong trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận khác thì những tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng thuộc sở hữu riêng của mỗi người. Phần tài sản chung chưa chia; hoa lợi, lợi tức của những tài sản này và những tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung, được thừa kế chung thuộc sở hữu chung của vợ chồng”. Bên cạnh đó, phải bổ sung thêm nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân tại Khoản 3 Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 như sau: “Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng như khi ly hôn” để tạo
75
cơ sở pháp lý cho Tòa án giải quyết trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân còn đang tồn tại.
Trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn thì văn bản hướng dẫn cần quy định thêm về việc tự thỏa thuận của vợ chồng khi phân chia tài sản chung phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực, sau đó phải làm thủ tục trước bạ và đăng ký (đăng bộ) theo quy định của pháp luật. Như vậy sẽ tránh được tình trạng các bên vợ chồng thỏa thuận một cách tùy tiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba. Từ quy định này, Nhà nước cũng có thể kiểm soát được phần nào sự thỏa thuận của vợ chồng khi ly hôn cũng như đảm bảo được giá trị pháp lý của sự thỏa thuận này.
Ngoài ra, nên bổ sung thêm quy định về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp một bên vợ, chồng chết hoặc bị tuyên bố là đã chết vào Điều 31 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: “Khi có yêu cầu về chia di sản, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Thiết nghĩ, pháp luật được hoàn thiện theo hướng trên sẽ phù hợp hơn trong thời điểm hiện tại, việc hoàn thiện pháp luật sẽ giúp cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất ở các cấp Tòa án và tạo cơ sở pháp lý để Tòa án có thể giải quyết nhanh chóng, chính xác trong mọi trường hợp.
Khi hoàn thiện pháp luật, các nhà lập pháp không chỉ chú trọng đến nội dung của quy phạm pháp luật mà còn phải chú trọng đến các nguyên tắc chung trong quá trình xây dựng pháp luật. Điển hình là nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa – Nguyên tắc này được hiểu là việc bảo đảm tính tối cao của hiến pháp và luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế pháp luật hôn nhân và gia đình không được trái với các quy định của hiến pháp và luật; ưu tiên các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn để không xảy ra trường hợp văn bản hướng dẫn được ban hành sau lại không phù hợp với Luật được ban hành trước đó, hạn chế các trường hợp xung đột pháp luật, để việc áp dụng pháp luật được dễ dàng hơn. Ngoài ra, khi xây dựng pháp luật
76
phải đảm bảo được tính thực thi trên thực tế của văn bản đó. Có như vậy mới khắc phục được những bất cập, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật.
3.2.2 Củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ, đặc biệt là thẩm phán.
Quan hệ hôn nhân và gia đình là một quan hệ chịu sự chi phối bởi yếu tố tình cảm. Cho nên dù pháp luật đã có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên vợ và chồng nhưng những quy định ấy vẫn chưa được các cặp vợ chồng áp dụng một cách triệt để. Nếu Tòa án áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc thì kết quả của việc áp dụng pháp luật sẽ “hợp pháp nhưng không hợp tình”. Xuất phát từ thực tế trên, Tòa án cần phải vận dụng pháp luật cho linh hoạt, mềm dẻo khi giải quyết các vấn đề giữa vợ chồng nói chung và vấn đề liên quan đến tài sản nói riêng.
Nói cách khác, đội ngũ thẩm phán phải giỏi về chuyên môn và tốt về phẩm chất.
Là cơ quan xét xử, hoạt động của Tòa án sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người dân. Những sai sót trong quá trình Tòa án xét xử có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khó lường. Tuy nhiên, tình trạng chung của ngành Tòa án cho thấy thực tế số lượng thẩm phán đang thiếu hụt một cách nghiêm trọng và chất lượng thẩm phán chưa cao. Do vậy, chúng ta cần phải đấu tranh để chống lại và cải thiện sự yếu kém về chất lượng của bộ phận cán bộ này; chúng ta cần tích cực đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ của thẩm phán và cán bộ ngành tư pháp. Công tác này cần được mở rộng phạm vi áp dụng đối với cán bộ nói chung chứ không chỉ riêng thẩm phán. Các quan hệ hôn nhân và gia đình cần được điều chỉnh bởi một khung pháp lý hoàn thiện và khung pháp lý ấy phải được xây dựng và thực hiện bởi một đội ngũ cán bộ có trình độ cao.
Bên cạnh đó, để có thể áp dụng pháp luật một cách chính xác và thống nhất thì ngay từ bây giờ chúng ta hãy bổ sung những vấn đề bất cập đang cần sự hướng dẫn vào trong Sổ tay thẩm phán; Tiếp sau đó, khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản dưới luật thì chúng ta sẽ sử dụng tài liệu này làm cơ sở để ban hành các văn bản phù hợp với thực trạng áp dụng pháp luật. Bởi lẽ, để sửa đổi luật, hay
77
văn bản dưới luật thì cần phải có thời gian. Đây là phương án hợp lý để những giải pháp mà tác giả đã nêu ra nhanh chóng đi vào thực tiễn.
3.2.3 Nâng cao chất lượng Thi hành án.
Thi hành án là một nội dung quan trọng của hoạt động Nhà nước. Trong Nhà nước pháp quyền, vai trò pháp chế luôn được đề cao, pháp luật được bảo đảm thực hiện. Pháp chế đòi hỏi phải chấp hành nghiêm chỉnh các phán quyết nhân danh công lý mà Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền đã tuyên. Thông qua hoạt động thi hành án, những bản án, quyết định của Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền được thực thi; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được bảo vệ; công bằng xã hội được đảm bảo. Phán quyết của Tòa án nhân danh quyền lực Nhà nước sẽ chỉ lả quyết định trên giấy nếu không được tổ chức thi hành hoặc thi hành không đầy đủ trên thực tế. Hoạt động thi hành án kém hiệu quả sẽ làm vô hiệu hóa toàn bộ hoạt động của các cơ quan tố tụng ở giai đoạn trước; gây tổn hại đến trật tự, kỷ cương;
làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng thi hành án là công việc không thể thiếu để pháp luật có thể đi vào thực tiễn cuộc sống, hạn chế trường hợp các bên có hành vi trốn tránh và không tuân theo quyết định của Tòa án và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
3.2.4 Đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân.
Trong mọi quan hệ pháp luật thì người dân luôn là chủ thể trung tâm và là chủ thể quan trọng nhất trong việc tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Trên thực tế, không phải ai cũng nhận thức được điều này để có thể tự bảo vệ mình. Mặt khác, do quan hệ hôn nhân gia đình bị chi phối bởi yếu tố tình cảm nên nhiều trường hợp chủ thể của quan hệ này không thực hiện đúng thủ tục mà pháp luật quy định và khi có tranh chấp thì quyền lợi của họ bị xâm phạm. Chẳng hạn trường hợp một bên đứng tên quyền sở hữu tài sản hoặc trường hợp khi cha mẹ cho hai vợ chồng tài sản nhưng không thực hiện thủ tục sang tên, đến khi vợ chồng ly hôn thì cha mẹ đòi lại tài sản… Do đó, nếu vợ chồng có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ quyền lợi của
78
mình thì sẽ hạn chế được tranh chấp về tài sản. Vậy nên, việc phổ cập và nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân là nhu cầu cấp thiết cần được quan tâm thực hiện.
Cụ thể là cần tuyên truyền cho người dân nhận thức đúng về nội dụng và ý nghĩa của các quy định của pháp luật, cần cho họ nhận thức được những quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên khi xảy ra tranh chấp và họ nên thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Ví dụ như phải tuyên truyền cho người dân hiểu không phải việc đứng tên hai người hoặc tặng cho phải đúng hình thức là sự không tin tưởng nhau mà đó là tinh thần tôn trọng và thực hiện theo quy định của pháp luật; phải làm cho người dân hiểu pháp luật là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân họ. Cho nên, việc tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật phải đến từng hộ, từng thành viên trong gia đình. Ngày nay, việc tuyên truyền có thể được thực hiện thông qua báo chí, mạng lưới truyền thanh cơ sở, mạng internet;
biên soạn sách đề cương; tờ rơi phổ cập pháp luật; thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý hay hoạt động xét xử của Tòa án. Việc làm này sẽ giúp mọi người ý thức được quyền sở hữu của mình, cũng như có ý thức và trách nhiệm pháp lý đối với hành vi của mình, định hướng hành vi của người dân phù hợp với các quy định của pháp luật.
Có thể nói, những trường hợp mà tác giả đề cập đến chỉ là những trường hợp phổ biến trong cuộc sống khi Tòa án giải quyết một số vấn đề có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng. Với các giải pháp đã đưa ra, tác giả hy vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật hôn nhân gia đình nói chung và chế định tài sản chung của vợ chồng nói riêng. Từ đó, việc giải quyết sẽ được thống nhất giữa các Tòa án khác nhau cũng như tránh được những sai sót không đáng có. Có như vậy, mới bảo đảm tốt nhất quyền lợi của cả hai bên vợ khi phát sinh tranh chấp liên quan đến vấn đề tài sản chung.