CHƯƠNG 1: PHÁP LUẬT VỀ TÀI SẢN RIÊNG CỦA VỢ, CHỒNG
1.4. Tài sản riêng của vợ, chồng theo Luật HNGĐ năm 2000
1.4.1. Căn cứ xác định tài sản riêng của vợ, chồng
Hiện nay, căn cứ xác định tài sản riêng của vợ, chồng được quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật HNGĐ năm 2000, theo đó “tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà
24 Điều 1018 Bộ luật dân sự Đài Loan.
25 Điều 1022 Bộ luật dân sự Đài Loan.
26 Khoản 2 Điều 1038 Bộ luật dân sự Đài Loan.
23
mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân”.
Theo quy định trên thì việc xác định tài sản riêng của vợ chồng về cơ bản có thể dựa trên các căn cứ sau đây:
1.4.1.1. Xác định tài sản riêng của vợ, chồng căn cứ vào thời điểm phát sinh Theo thời điểm phát sinh tài sản, tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm: Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn.
Xuất phát từ yêu cầu của tình hình thực tế cùng với việc bảo đảm tôn trọng nguyên tắc chung trong việc ghi nhận quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân về tài sản.
Luật HNGĐ năm 2000, đã đưa ra các căn cứ xác định tài sản riêng của vợ chồng dựa vào thời điểm phát sinh tài sản. Theo đó, những tài sản mà vợ, chồng có trước khi kết hôn thuộc khối tài sản riêng của mỗi bên, trừ trường hợp các bên tự nguyện nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng. Vận dụng quy định của BLDS năm 200527, thì những tài sản mà vợ chồng có trước khi kết hôn có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. So với những quy định liên quan đến việc xác định tài sản riêng của vợ chồng theo Luật HNGĐ năm 1986, thì đây là quy định tiến bộ, đảm bảo bảo về quyền lợi hợp pháp cho vợ, chồng đối với khối tài sản mà họ đã tự mình tạo lập trước khi kết hôn. Ngoài ra, quy định này còn góp phần trong việc xây dựng hôn nhân tiến bộ, tự nguyện, loại trừ những hành vi kết hôn vì mưu cầu lợi ích vật chất - của cải của nhau có trước khi kết hôn.
Tuy nhiên, liên quan đến căn cứ xác định tài sản riêng dựa vào thời điểm hình thành tài sản, chúng ta cần làm rõ trường hợp thời điểm bắt đầu thời kỳ hôn nhân của vợ chồng trùng với thời điểm đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trường hợp thời kỳ hôn nhân không được bắt đầu từ ngày hai vợ chồng đăng ký kết hôn - đó là trường hợp hôn nhân thực tế được pháp luật công nhận và khuyến khích đăng ký kết hôn sau khi đã chung sống. Cụ thể, trong trường hợp vợ chồng xác lập quan hệ trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực), hoặc
27 Điều 163 BLDS năm 2005.
24
trong giai đoạn từ 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003, nếu họ chưa đăng ký kết hôn mà sau đó mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận từ ngày xác lập (ngày bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng) chứ không phải chỉ được công nhận từ ngày đăng kết hôn28. Thực tế theo quy định Luật HNGĐ năm 2000 thuật ngữ “trước khi kết hôn” có thể hiểu là trước thời điểm vợ chồng đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền29. Do đó, “tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn” sẽ là tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng vào trước thời điểm vợ chồng đăng ký kết hôn. Vì vậy, trong trường hợp hôn nhân thực tế tài sản mà vợ chồng cùng tạo lập trong quá trình chung sống với nhau nhưng trước khi đăng ký kết hôn thì vẫn được coi là tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân chứ không phải là tài sản mà mỗi bên có “trước khi kết hôn”. Chỉ được xem là tài sản riêng của vợ chồng có trước khi kết hôn trong trường hợp hôn nhân thực tế, khi tài sản đó được tạo lập trước ngày họ xác lập quan hệ (trước ngày họ sống chung như vợ chồng).
Ngoài ra, “tài sản có trước khi kết hôn”, hàm nghĩa các bên vợ hoặc chồng đã có quyền sở hữu đối với tài sản đó. Dưới góc độ pháp luật dân sự, một người chỉ có thể là chủ sở hữu tài sản khi nắm trọn ba quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản đó. Do đó, trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng chỉ nắm một hay hai mà không phải là toàn bộ quyền năng của chủ sở hữu tài sản thì cũng không được xem đó là tài sản mà họ đã có trước hôn nhân. Đó là trường hợp người chiếm hữu với tư cách là chủ sở hữu và đang trong tiến trình xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu đối với tài sản bị đánh mất, bỏ quên, chìm đắm…hoặc trong trường hợp các tài sản mà việc chuyển quyền sở hữu pháp luật bắt buộc phải thực hiện các hình thức, thủ tục nhất định như thủ tục công chứng, chứng thực, thủ tục đăng ký quyền sở hữu.
Đối với trường hợp xác lập quyền sở hữu theo theo thời hiệu30, việc xác lập quyền sở hữu trong trường hợp này pháp luật yêu cầu người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười
28 Mục I; Điểm a, mục II TTLT số 01/2001/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP.
29 Điều 8 Luật HNGĐ năm 2000.
30 Điều 243; Điều 244 BLDS năm 2005.
25
năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu.31 Do đó, trong trường hợp chưa hết thời hiệu luật định để xác lập quyền sở hữu, người đang nắm giữ tài sản chỉ có quyền chiếm hữu hay cả sử dụng mà không có quyền định đoạt tài tài sản, cho nên họ chưa hoàn toàn là chủ sở hữu tài sản đó. Vì vậy, một số quan điểm cho rằng trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng chiếm hữu tài sản trước thời kỳ hôn nhân nhưng quyền sở hữu tài sản lại được xác lập theo thời hiệu trong thời kỳ hôn nhân thì đây là tài sản chung của vợ chồng32. Những tài sản này có thể được hiểu là những thu nhập khác mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân33. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 247 BLDS năm 2005, quy định quyền sở hữu tài sản được xác lập theo thời hiệu được xác lập kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu. Do đó, theo quan điểm cá nhân tác giả thì thời điểm xác lập quyền sở đối với tài sản được xác lập theo thời hiệu là thời điểm chủ sở hữu chiếm giữ tài sản (sau khi thỏa mãn điều kiện về thời hiệu) chứ không phải là thời điểm hết thời hiệu luật định để xác lập quyền sở hữu. Bởi vì, thời hiệu pháp định chỉ là điều kiện để xác lập quyền sở hữu, hết thời hiệu này và đồng thời chủ sở hữu tuân thủ các quy định về thủ tục trong quá trình xác lập quyền sở hữu đối với tài sản theo thời hiệu, pháp luật sẽ công nhận quyền sở hữu tài sản đó của họ ngay từ thời điểm họ chiếm giữ. Vì vậy, trong trường hợp chủ sở hữu chiếm giữ và tiến hành xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu trước thời kỳ hôn nhân nhưng thời điểm kết thúc thời hiệu lại rơi vào thời kỳ hôn nhân thì đây vẫn là tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng.
Đối với các giao dịch chuyển quyền sở hữu mà pháp luật yêu cầu phải tuân theo hình thức, thủ tục nhất định34: Hiệu lực của hợp đồng chỉ phát sinh tại thời điểm các bên hoàn tất thực hiện hình thức, thủ tục đó; hoặc quyền sở hữu tài sản chỉ được chuyển giao cho bên mua khi các bên hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu trong trường hợp pháp luật bắt buộc. Như vậy, việc xác định tài sản riêng có trước khi kết hôn của vợ
31 Khoản 1, Điều 147 BLDS năm 2005.
32 Nguyễn Ngọc Điện, 2004, Bình luận khoa học Luật hôn nhân gia đình Tập II Các quan hệ tài sản giữa vợ chồng, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. Tr.68.
33 Điểm a, mục 3 NQ 02/2000/ NQ-HĐTP.
34 Điều 439; Điều 450; Điều 463; Điều 465; Điều 466… BLDS năm 2005.
26
chồng trong trường hợp này sẽ có tình huống gây vướng mắc như sau: Giả sử trước khi kết hôn người vợ hay chồng ký kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất mà chưa tiến hành thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận. Sau khi kết hôn, người vợ hoặc chồng mới tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được cấp giấy chứng nhận trong thời kỳ hôn nhân. Câu hỏi đặt ra trong trường hợp này là liệu rằng tài sản này có được xem là tài sản có trước khi kết hôn hay không? Hiện nay, theo quy định của pháp luật dân sự thì thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản trong trường hợp này là thời điểm các bên hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó35. Do đó, trong trường hợp trên, trước thời điểm quyền sử dụng đất của vợ hoặc chồng được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tài sản đó vẫn chưa thuộc quyền sở hữu của họ. Và cũng vì vậy, đây không thể được coi là tài sản mà họ có trước khi hôn nhân, mặc dù hợp đồng đã được vợ hoặc chồng xác lập trước thời điểm kết hôn.
Mặt khác, dựa vào thời điểm chuyển giao quyền sở hữu tài sản theo pháp luật dân sự và các quy định về căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng, một số tác giả cho rằng “các tài sản mà việc chuyển quyền sở hữu được giao kết trước khi kết hôn, nhưng chỉ thực hiện sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng”36. Tuy nhiên, theo quan điểm tác giả, mặc dù tài sản được xác lập trong thời kỳ hôn nhân nhưng trước đó các bên vợ hoặc chồng đã sử dụng tài sản thuộc sở hữu riêng của mình để tham gia giao dịch nhằm xác lập quyền hữu đối với tài sản đó thì tài sản được xác lập trong trường hợp này vẫn là tài sản thuộc sở hữu riêng của mỗi bên vợ, chồng (nó không thuộc dạng tài sản riêng có trước thời điểm kết hôn mà là tài sản riêng của vợ chồng có nguồn gốc từ tài sản có trước thời kỳ hôn nhân).
1.4.1.2. Xác định tài sản riêng của vợ, chồng căn cứ vào nguồn gốc hình thành tài sản
Dựa vào căn cứ nguồn gốc phát sinh, tài sản riêng của vợ, chồng hiện nay có thể có thể là:
35 Nguyễn Ngọc Điện, 2004, Bình luận khoa học Luật hôn nhân gia đình Tập II Các quan hệ tài sản giữa vợ chồng, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. Tr.68.
36 Nguyễn Ngọc Điện, 2004, Bình luận khoa học Luật hôn nhân gia đình Tập II Các quan hệ tài sản giữa vợ chồng, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. Tr.68.
27
Thứ nhất, là tài sản vợ, chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật HNGĐ năm 2000, thì “tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân” là một trong những nhóm tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề tài sản được thừa kế hay được tặng cho riêng đều có những vấn đề cần làm rõ để thuận tiện cho quá trình nhận thức và áp dụng pháp luật, cụ thể:
Đối với tài sản mà vợ chồng được thừa kế trong thời kỳ hôn nhân: Theo quy định của BLDS năm 2005, thì thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho những người còn sống theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trong trường hợp vợ hoặc chồng thừa hưởng di sản thừa kế của người thân mình theo con đường pháp luật đương nhiên là tài sản riêng của mỗi bên vợ chồng. Vì thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự luật định, người thừa kế trong trường hợp này là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hay quan hệ nuôi dưỡng mà không phụ thuộc vào ý chí của người để lại di sản. Do đó, không có gì khó khăn trong việc xác định tài sản được thừa kế là tài sản riêng của vợ chồng trong trường hợp nhận tài sản do thừa kế theo pháp luật.37 Trong trường hợp thừa kế theo di chúc, mà di thư chỉ định rõ một bên vợ hay chồng là người thừa kế thì cũng không phát sinh vấn đề khó khăn trong việc xác định tài sản thừa kế là chung hay riêng của vợ chồng, mà đương nhiên tài sản này sẽ là tài sản riêng của bên được chỉ định. Vấn đề khó khăn chỉ đặt ra trong trường hợp di chúc không xác định rõ đối tượng được hưởng với nội dung di chúc như “tôi để lại cho hai đứa..” hay “tôi để lại cho vợ chồng nó…”. Trong trường hợp này, theo quan điểm tác giả, nếu như trong di chúc có xác định thành phần, loại tài sản riêng mỗi bên được hưởng thì đây là tài sản được thừa kế riêng của vợ, chồng. Ngược lại, nếu di chúc không xác định phần, loại tài sản của mỗi bên được hưởng thì đây là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân.
Đối với trường hợp tài sản của vợ, chồng được tặng cho riêng: Tài sản mà vợ hoặc chồng được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân phải được thực hiện thông qua hợp
37 Nguyễn Ngọc Điện, 2004, Bình luận khoa học Luật hôn nhân gia đình Tập II Các quan hệ tài sản giữa vợ chồng, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. Tr.69.
28
đồng tặng cho. Vận dụng các quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng tặng cho, thì tài sản được tặng cho riêng vợ, chồng chỉ được xác lập khi có sự đồng ý của bên được tặng cho và chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm tài sản được tặng cho được trao cho bên được tặng cho. Ngoài ra, trong trường hợp đối tượng của hợp đồng tặng cho là tài sản mà pháp luật bắt buộc phải tuân thủ theo hình thức hay thủ tục luật định thì tài sản đó được xem là tài sản riêng của vợ, chồng kể từ thời điểm các bên tuân thủ hình thức, hoàn thành các thủ tục đó.
Bên cạnh đó, tương tự như tài sản được thừa kế theo di chúc, tài sản sẽ được coi là tài sản được tặng cho riêng vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân khi trong hợp đồng tặng cho xác định rõ một bên vợ hoặc chồng là người có quyền hưởng dụng khối tài sản đó; hoặc trong trường hợp, hợp đồng tặng cho có ghi tên cả vợ lẫn chồng nhưng kèm theo đó là việc xác định rõ phần, loại tài sản mỗi bên được hưởng. Mặc dù, việc tặng cho tài sản thường mang tính chất cá nhân thông qua hợp đồng tặng cho, tuy nhiên không phải mọi trường hợp tài sản được chuyển giao thông qua hợp đồng tặng cho đều là tài sản riêng của vợ chồng. Liên quan đến vấn đề này tác giả thấy cần thiết phải đưa các loại hình thức tặng cho mà hiện nay còn có những vướng mắc, không thống nhất trong quá trình nhận thức cũng như áp dụng pháp luật trong việc xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng, cụ thể: Đối với những tài sản được tặng cho mang tính chất quà biếu của đối tác trong giao dịch trong thời kỳ hôn nhân, trong trường hợp này tài sản được tặng cho sẽ là tài sản chung của vợ chồng vì việc tặng cho này có mối liên hệ với công việc nào đó và việc thực hiện công việc thực hiện đó là một phần công tác của người được tặng cho. Có thể xem, tài sản được hình thành trong trường hợp này là “thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”. Tuy nhiên đối với những trường hợp tặng cho tài sản có đủ căn cứ cấu thành hành vi hối lộ thì hợp đồng tặng cho sẽ bị vô hiệu và vấn đề xác định tài sản này là chung hay riêng sẽ không đặt ra. Đối với trường hợp tặng cho mang tính chất xã giao, hình thức này thường được thực hiện không phải nhân dịp xác nhận một mối quan hệ đối tác trong giao dịch mà nhân dịp lễ, tết hay một sự kiện nào đó đáng chú trong cuộc sống của người được tặng cho như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, thăng chức, đỗ đạt….Vấn đề xác định việc tặng cho chung hay chỉ tặng cho riêng vợ hoặc chồng không phải lúc nào cũng dễ dàng thông qua ý chí của người tặng cho mà đôi khi việc xác định tài sản tặng cho là chung hay riêng theo