Chế độ pháp lý đối với tài sản riêng của vợ, chồng

Một phần của tài liệu Tài sản riêng của vợ, chồng quy định của pháp luật và giải pháp pháp lý hoàn thiện (Trang 32 - 38)

CHƯƠNG 1: PHÁP LUẬT VỀ TÀI SẢN RIÊNG CỦA VỢ, CHỒNG

1.4. Tài sản riêng của vợ, chồng theo Luật HNGĐ năm 2000

1.4.2. Chế độ pháp lý đối với tài sản riêng của vợ, chồng

Khi kết hôn, nam nữ xem như đã chấp nhận gia nhập một quy chế pháp lý đặc biệt do Luật HNGĐ quy định, trong đó có sự ràng buộc bổn phận, trách nhiệm nhằm đảm bảo cho lợi ích chung, duy trì sự bền vững, tính cộng đồng của gia đình. Theo đó, tất cả các tài sản của vợ chồng dù là riêng của mỗi người đều phải được khai thác sử dụng trước hết nhằm bảo đảm sự duy trì và phát triển của gia đình sau đó mới đến phục vụ lợi ích cá nhân của chủ sở hữu. Đó cũng là lý do vấn đề quyền sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng theo pháp luật HNGĐ có một số nét đặc trưng so với các quy định chung của pháp luật về quyền sở hữu.

1.4.2.1. Quyền sở hữu đối với tài sản riêng của vợ, chồng

So với Luật HNGĐ năm 1986, khoản 2 và khoản 3 Điều 33 Luật HNGĐ năm 2000 đã làm rõ quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối tài sản riêng; đó không chỉ là quyền nhập hay không nhập tài sản riêng vào tài sản chung mà còn là quyền quản lý, quyền sử dụng tài sản, nghĩa vụ đối với tài sản riêng và cả vấn đề hạn chế quyền định đoạt của vợ chồng đối với tài sản riêng đó.

- Quyền chiếm hữu tài sản riêng của vợ, chồng

Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ và quản lý tài sản44. Có thể nói, quyền chiếm hữu là tiền đề pháp lý để thực hiện quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với tài sản. Bởi vì, có chiếm hữu được thì mới có thể sử dụng được, và nhiều khi có chiếm hữu được thì mới có thể định đoạt được. Quyền chiếm hữu đối với tài sản riêng của vợ chồng là một trong trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật theo quy định của BLDS năm 200545. Tại khoản 2 Điều 32 Luật HNGĐ năm 2000 quy định tài sản riêng của mỗi bên vợ chồng do họ tự quản lý; tuy nhiên xuất phát từ tính đặc biệt trong quan hệ tài sản của vợ chồng như đã đề cập trên thì cũng tại khoản 2 điều này pháp luật quy định: Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác, thì pháp luật dành cho người chồng hay người vợ của họ quyền quản lý tài sản đó. Theo như quy định trên, thì vợ

44 Điều 182 BLDS năm 2005.

45 Khoản 1, Điều 183 BLDS năm 2005.

33

hoặc chồng có thể quản lý tài sản riêng của bên kia khi hội đủ hai điều kiện là chủ sở tài sản riêng (vợ hoặc chồng), không thể tự mình quản lý được; và không ủy quyền cho người khác quản lý. Trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng có thể là vì lý do ốm đau, bệnh tật hoặc các lý do khác làm cho vợ hoặc chồng không có khả năng thực tế trực tiếp quản lý tài sản riêng của họ.

Có thể thấy rằng với quy định này một mặt pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo toàn giá trị tài sản của cá nhân; mặt khác nó đề cao vai trò trách nhiệm của vợ chồng đối với nhau trong việc quản lý tài sản mặt dù tài sản đó không thuộc quyền sở hữu của họ.

- Quyền sử dụng tài sản riêng của vợ, chồng

Theo quy định tại Điều 192 BLDS năm 2005 thì “Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”. Quyền sử dụng là quyền năng mà pháp luật quy định cho chủ sở hữu được phép sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của bản thân (hay của người khác) với điều kiện là việc sử dụng đó không gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, lợi ích của cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Tuy nhiên, với tính chất là tài sản trong quan hệ hôn nhân nên nhìn chung quyền sử dụng tài sản riêng của vợ chồng không được thể hiện một rõ ràng và trên thực tế thì người vợ hay người chồng đều sử dụng tài sản riêng của bên kia mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu. Điều này xuất phát từ mục đích bảo vệ lợi ích chung, duy trì sự bền vững của gia đình, bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ và các con trong gia đình. Hiện này vấn đề pháp lý liên quan đến quyền sử dụng tài sản đã được quy định trong luật chung cho nên ở góc độ pháp Luật HNGĐ, pháp luật chỉ đề cấp đến các quyền sử dụng tài sản riêng của vợ, chồng trong mối quan hệ hôn nhân. Theo đó, tại khoản 4 Điều 33 Luật HNGĐ năm 2000, quy định “Tài sản riêng của vợ chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu cần thiết của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng”. Nhìn chung quy định “đưa tài sản riêng của vợ chồng vào sử dụng chung”, không mang tính bắt buộc, pháp luật sử dụng thuật ngữ “cũng được” như là một quy định tùy nghi với mục đích khuyến khích vợ chồng sử dụng tài sản riêng của mình để đáp

34

đứng như cầu của gia đình, do đó pháp luật cũng không hề đưa ra các quy định mang tính chế tài trong trường hợp họ không tuân thủ.

- Quyền định đọat tài sản riêng của vợ, chồng

Trong chừng mực nào đó, có thể nói rằng luật về quan hệ tài sản giữa vợ, chồng là sự pha trộn (đúng hơn, là sự kết hợp) giữa luật gia đình và luật dân sự46.

Dưới góc độ pháp luật dân sự thì quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu tài sản đó47. Tuy nhiên, không giống như quy định về quyền chiếm hữu, quyền sử dụng trong BLDS, trong phạm vi đề cập Luật HNGĐ về quyền sở hữu chỉ bao gồm các vấn đề mang tính chất đặc trưng của tài sản trong quan hệ hôn nhân như: Vấn đề nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung, và cả vấn đề hạn chế quyền định đọat của vợ, chồng đối với tài sản riêng. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 32 Luật HNGĐ năm 2000, quy định “Vợ chồng có quyền nhập hay không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”. Hành vi nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng sẽ đưa đến hậu quả pháp lý là chấm dứt quyền sở hữu riêng của vợ, chồng đối với khối tài sản đó và thiết lập quyền sở hữu chung trên khối tài sản được nhập. Tuy nhiên, cũng là một giao dịch dân sự cho nên hành vi nhập tài sản riêng của vợ chồng vào khối tài sản chung phải thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự48. Chính sự mập mờ và không phân định rõ ràng giữa tài sản chung, riêng trong quan hệ vợ chồng, cho nên để để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp tài sản giữa vợ chồng sau này, pháp luật bắt buộc trong trường hợp việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng là nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác có giá trị lớn vào khối tài sản chung của vợ chồng phải lập thành văn bản có chữ ký của cả vợ và chồng. Văn bản này có thể được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật49. Ngoài ra, dựa trên

46 Nguyễn Ngọc Điện, 2004, Bình luận khoa học Luật hôn nhân gia đình Tập II Các quan hệ tài sản giữa vợ chồng, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. Tr.2-3.

47 Điều 195 BLDS năm 2005.

48 Điều 122 BLDS năm 2005.

49 Khoản 1, Điều 13 NĐ70/2001/NĐ-CP.

35

cơ sở quy định của luật chung50, để đảm bảo trật tự giao dịch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba pháp luật HNGĐ hiện nay cũng quy định “việc nhập tài sản riêng của một bên vào khối tài sản chung nhằm trốn tránh nghĩa vụ riêng về tài sản thì vô hiệu”.

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ chồng, pháp luật HNGĐ còn có quy định đặc biệt. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 33 Luật HNGĐ năm 2000 thì “Trong trường hợp tài sản riêng của vợ, chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lơi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó, phải được sự thỏa thuận của vợ chồng”. Ngoài ra về hình thức đảm bảo tính hiệu lực của sự thỏa thuận, tại Điều 4 Nghị định 70/2001 NĐ-CP quy định việc xác lập, thực hiện, hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng mà pháp luật yêu cầu phải tuân thủ theo hình thức nhất định thì sự thỏa thuận giữa vợ chồng cũng phải thể hiện dưới hình thức nhất định đó. Ngược lại, trường hợp vợ hoặc chồng đơn phương thực hiên các giao dịch liên quan đến tài sản riêng mà tài sản đó phát sinh nguồn lợi là nguồn sống duy nhất của gia đình, hoặc các bên vợ chồng có thực hiện việc thỏa thuận nhưng không tuân các hình thức luật định thì những giao dịch đó sẽ bị tuyên bố vô hiệu. Với quy định này, pháp luật HNGĐ đã hạn chế quyền định đoạt tài sản riêng của chủ sở hữu là vợ hoặc chồng; theo đó vợ chồng không thể đơn phương định đoạt tài sản riêng của mình nếu như việc thực hiện quyền này ảnh hưởng đến “nguốn sống duy nhất” của gia đình. Theo quan điểm tác giả, đây không phải là sự vi phạm quyền sở hữu cá nhân, mà là trường trường hợp ngoại lệ của quyền định đoạt đối với tài sản riêng của vợ, chồng. Điều này xuất phát từ tính đặc thù “phải có” của tài sản trong quan hệ hôn nhân, là cơ sở để đảm bảo duy trì đời sống gia đình ổn định, bền vững, là cơ sở để ràng buộc trách nhiệm của vợ chồng đối với gia đình.\

50 Điều 129 BLDS năm 2005.

36

1.4.2.2. Nghĩa vụ được đảm bảo bằng tài sản riêng của vợ, chồng

Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật HNGĐ năm 2000 thì “Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó”. Vấn đề đặt ra trong quy định này là những nghĩa vụ nào thì được xem là nghĩa vụ riêng của vợ, chồng? Việc xác định chính xác vấn đề này là cơ sở để từ đó xác định tài sản riêng được đảm bảo tương ứng. Hiện nay pháp luật HNGĐ không hề đưa ra căn xác định nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ chồng. Do đó, vận dụng luật chung, ta có thể hiểu nghĩa vụ tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng là các nghĩa vụ phát sinh do hành vi không vì lợi ích chung của gia đình, do vợ hoặc chồng thực hiện trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân. Đó có thể là hệ quả của hành vi mang tính cá nhân hoặc hành vi trái pháp luật; cụ thể có thể liệt kê các khoản thuộc nghĩa vụ riêng của vợ chồng bao gồm:

- Những khoản nợ không vì nhu cầu chung của gia đình phát sinh trước khi kết hôn.

- Nợ phát sinh trong việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản riêng.

- Nợ phát sinh khi thực hiện một nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của một bên vợ hoặc chồng như chi phí cho con riêng của mình (trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 38) hoặc chi phí cho người mà người vợ hoặc người chồng là người giám hộ của họ theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật HNGĐ hoặc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại các chương V và VI của Luật HNGĐ năm 2000.

- Nợ phát sinh khi vợ chồng tự mình thực hiện các giao dịch với người thứ ba liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn của gia đình mà không có sự bàn bạc thỏa thuận với người còn lại và không vì nhu cầu chung của gia đình.

- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thực hiện hành vi trái pháp luật51.

Với quy định nghĩa vụ riêng được thanh toán từ tài sản riêng có ý nghĩa rất lớn trong khâu thi hành án, bảo vệ quyền lợi của người thứ ba trong quan hệ với một

51 Nguyễn Hồng Hải, Nghĩa vụ tài sản của vợ chồng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Tạp chí Luật học số 4 năm 2000. Tr.19-23.

37

bên vợ hoặc chồng. Đặc biệt, quy định này tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ tài sản của gia đình, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại.

Ngoài ra, tài sản riêng của vợ chồng còn có thể được đóng góp vào các chi phí của gia đình. Nghĩa vụ này tuy không được quy định cụ thể trong Luật HNGĐ, nhưng đó là hậu quả đương nhiên của hôn nhân và được gián tiếp xác nhận tại Điều 19, Điều 25, Điều 28 Luật HNGĐ năm 2000. Các chi phí đó có thể bao gồm: chi phí cho việc ăn ở, đi lại, y tế, trang phục… và mức đóng góp tùy theo mức sống của gia đình và tài sản riêng của mỗi bên.

Một phần của tài liệu Tài sản riêng của vợ, chồng quy định của pháp luật và giải pháp pháp lý hoàn thiện (Trang 32 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)