CHƯƠNG II. QUY ĐỊNH CỦA BLTTHS HIỆN HÀNH VỀ TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TIN BÁO, TỐ GIÁC TỘI PHẠM, KIẾN NGHỊ KHỞI TỐ VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH
2.1 Quy định của BLTTHS 2003 về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố
2.1.1 Chủ thể tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố
Về chủ thể cung cấp tố giác, tin báo về tội phạm, khoản 1 Điều 100 BLTTHS quy định, tố giác của công dân là cơ sở để xác định dấu hiệu tội phạm. Như vậy, có thể hiểu chủ thể tố giác tội phạm là công dân, tức là người có quốc tịch Việt Nam do Khoản 1 Điều 5 Luật quốc tịch Việt Nam: “Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, theo định nghĩa về tố giác tội phạm tại khoản 1 điều 3 Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC:
“Tố giác về tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm do cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng cung cấp cho cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết” thì chủ thể cung cấp thông tin tố giác tội phạm lại là cá nhân tức là
26
người có quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài, thậm chí người không quốc tịch miễn sao họ có danh tính, địa chỉ rõ ràng. Như vậy, ngay từ những quy định sơ bộ về chủ thể cung cấp thông tin tố giác tội phạm giữa BLTTHS 2003 và văn bản hướng dẫn TTLT 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT- VKSNDTC đã có những điểm chưa thống nhất, dễ dẫn tới việc áp dụng máy móc, không đồng bộ trên thực tế. Tuy nhiên, theo tác giả, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn thể mọi người sống trong xã hội, nhằm đảm bảo trật tự an ninh chung và góp phần vào sự phát triển chung. Mặt khác, không chỉ có công dân Việt Nam mới là đối tượng tác động của tội phạm mà tội phạm còn xâm hại cả đến người nước ngoài, người không quốc tịch khi đến làm ăn, sinh sống và học tập tại Việt Nam. Thậm chí trong nhiều trường hợp chỉ có người nước ngoài mới là đối tượng tác động của tội phạm vì một số loại tội phạm chỉ nhằm tấn công vào người nước ngoài vì họ có rất nhiều tài sản.Do đó, tất cả mọi người không phân biệt là người quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch nước ngoài hay không quốc tịch đều sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam thì đều phải có trách nhiệm đối với chính cuộc sống của mình và đối với xã hội nói chung, một trong số những trách nhiệm, nghĩa vụ đó chính là tố giác về tội phạm khi phát hiện những hành vi có dấu hiệu tội phạm đã đang và sắp xảy ra. Như vậy, theo tác giả, chủ thể cung cấp thông tin tố giác tội phạm là cá nhân, có thể là công dân Việt Nam, công dân nước ngoài làm ăn, sinh sống tại Việt Nam, người không quốc tịch. Bên cạnh tố giác của công dân thì tin báo cũng là nguồn tin quan trọng, là cơ sở để xác định dấu hiệu tội phạm. Theo quy định tại Khoản 2, khoản 3 Điều 100 BLTTHS 2003: “Tin báo của cơ quan, tổ chức; Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng” là cơ sở để xác định dấu hiệu tội phạm. Theo quy định này thì chủ thể cung cấp tin báo về tội phạm bao gồm: cơ quan, tổ chức, các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể nhận thấy đây là một điểm mới của BLTTHS 2003 so với BLTTHS 1988. Nếu BLTTHS 1988 quy định chủ thể cung cấp tin báo về tội phạm là cơ quan Nhà nước hoặc tổ
27
chức xã hội, vô hình chung thu hẹp đối tượng cung cấp tin báo thì BLTTHS 2003 dường như đã khắc phục được hạn chế đó khi quy định chủ thể cung cấp tin báo về tội phạm ở đây là cơ quan, tổ chức nói chung. Đây là một quy định phù hợp với thực tiễn khi mà tình hình tội phạm diễn ra ngày càng phức tạp, CQĐT không thể nắm bắt hết mà cần có sự thông tin về tội phạm của các cơ quan, tổ chức khác phán ánh về. Như vậy, các cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động của mình nếu phát hiện được những hành vi có dấu hiệu tội phạm thì cần báo ngay về cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tin báo. Bên cạnh nguồn tin báo của cơ quan, tổ chức thì nguồn tin báo từ các phương tiện thông tin đại chúng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng không thể không nhắc tới. Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của nền công nghệ thông tin, nguồn tin về tội phạm cũng là thành phần không thể thiếu và thường được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như trên các loại báo chí: báo hình, báo tiếng, tạp chí… hay trên phát thanh, truyền hình…. thậm chí nhiều khi nguồn tin này còn được đăng tải tại một mục riêng. Nhờ đó, công tác phát hiện tội phạm để kịp thời đấu tranh, phòng ngừa được nâng cao hiệu quả. Như vậy, chúng ta có thể phân biệt nếu chủ thể cung cấp thông tin tố giác về tội phạm là cá nhân thì chủ thể cung cấp tin báo về tội phạm là pháp nhân cụ thể là cơ quan, tổ chức, ngoài ra còn có tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là BLTTHS 2003 quy định như vậy thì phải chăng cá nhân không là chủ thể cung cấp tin báo về tội phạm mà mọi thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm do cá nhân cung cấp đều phải là tố giác tội phạm. Đây cũng chính là điểm còn hạn chế của BLTTHS 2003 cần được nghiên cứu. Đối với kiến nghị khởi tố, chúng ta có thể thấy kiến nghị khởi tố cũng có thể được xem như là một cơ sở để xác định có hay không dấu hiệu tội phạm, từ đó làm căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hay không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, BLTTHS 1988 cũng như BLTTHS 2003 đều không ghi nhận điều này tại điều luật căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Theo quy định tại khoản 1 điều 103 và khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-
28
BNN&PTNT-VKSNDTC, chủ thể cung cấp kiến nghị khởi tố chính là các cơ quan nhà nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, nếu cơ quan nhà nước phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thì có văn bản kiến nghị gửi CQĐT xem xét khởi tố vụ án hình sự.
Về chủ thể tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tội phạm thì họ không thể tự mình phân tích, đánh giá và xử lý các hành vi đó được mà cần phải có cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết.Đối với tố giác của công dân, điều 101 BLTTHS 2003 quy định: “Công dân có thể tố giác tội phạm với CQĐT, VKS, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức”. Luật cho phép công dân có thể tố giác về tội phạm với bất cứ cơ quan, tổ chức nào mà họ thấy thuận tiện, không nhất thiết là CQĐT, VKS, Tòa án. Và hành vi phạm tội ở đây có thể thuộc bất cứ lĩnh vực nào về an ninh quốc gia, trật tự công cộng, tính mạng, sức khỏe, tư pháp… mà không giới hạn ở một lĩnh vực cụ thể nào. Đây là một quy định mở, tạo điều kiện cho cơ chế thông tin về tội phạm được nhanh chóng, tạo thuận lợi cho mọi công dân có thể chung tay vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc đấu tranh với tội phạm, bảo vệ trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đối với tin báo về tội phạm, đoạn hai điều 101 BLTTHS 2003 quy định: “Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho CQĐT bằng văn bản”. Luật quy định, chủ thể tiếp nhận tin báo về tội phạm ở đây là CQĐT. Trường hợp có cơ quan, tổ chức khi phát hiện được hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay. Mặc dù luật không quy định cụ thể nhưng yêu cầu báo ngay đó có thể hiểu là khi nhận được thông tin về tội phạm cơ quan, tổ chức phải lập tức triển khai các biện pháp luật định về lập biên bản, ghi nội dung, thực hiện sự sơ bộ kiểm tra các yếu tố cần thiết để đảm bảo độ tin cậy khách quan của nguồn tin, sau đó không chậm trễ gửi thông báo (báo cáo) cho CQĐT. Có thể thấy so với BLTTHS 1988, BLTTHS 2003 đã thu hẹp
29
chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận tin báo về tội phạm. Cụ thể, BLTTHS 1988 quy định chủ thể tiếp nhận tin báo về tội phạm bao gồm cả CQĐT và VKS thì nay BLTTHS 2003 lại quy định chủ thể tiếp nhận tin báo về tội phạm đó là CQĐT.Tuy nhiên, khoản 1 điều 103 BLTTHS 2003 quy định: “CQĐT, VKS có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Vô hình chung, pháp luật quy định chủ thể chung tiếp nhận cả tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố là CQĐT và VKS.Những quy định trên của pháp luật tố tụng quy định khá chung chung và chưa thật sự rõ ràng, do đó ngày 02 tháng 08 năm 2013, Bộ Công an, Bộ quốc phòng, Bộ tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, VKS tối cao đã ban hành thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT- VKSNDTC dành một điều luật quy định rõ chủ thể có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm bao gồm [9]:
“a) CQĐT trong Công an nhân dân;
b) CQĐT trong Quân đội nhân dân;
c) CQĐT của VKS tối cao;
d) CQĐT của VKS quân sự Trung ương;
đ) Bộ đội Biên phòng;
e) Cơ quan Hải quan;
g) Cơ quan Kiểm lâm;
h) Lực lượng Cảnh sát biển;
i) Các cơ quan khác của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
30
k) Các cơ quan khác của Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
l) VKS;
m) Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an;
n) Tòa án;
p) Cơ quan báo chí;
q) Các cơ quan, tổ chức khác”
Và cơ quan tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận kiến nghị khởi tố bao gồm [9]:
“a) CQĐT trong Công an nhân dân;
b) CQĐT trong Quân đội nhân dân;
c) CQĐT của VKS tối cao;
d) CQĐT của VKS quân sự Trung ương;
đ) VKS tiếp nhận và chuyển ngay đến CQĐT có thẩm quyền giải quyết”
Như vậy, theo tinh thần thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP- BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, chủ thể có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm bao gồm CQĐT; VKS; Tòa án; Bộ đội biên phòng, cơ quan hải quan, cơ quan kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển, các cơ quan khác của công an nhân dân, quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm công an; cơ quan báo chí; cơ quan, tổ chức khác còn chủ thể có trách nhiệm tiếp nhận kiến nghị khởi tố là CQĐT và VKS. Nhìn chung, chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đều là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứ không phải là cá nhân. Đồng thời, chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm rộng hơn so với chủ thể có thẩm quyền tiếp
31
nhận kiến nghị khởi tố do đặc thù kiến nghị khởi tố là do cơ quan nhà nước chuyển đến.
Về chủ thể giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố,BLTTHS 2003 quy định CQĐT có trách nhiệm điều tra tất cả các loại tội phạm. Vì vậy, tất cả các tin báo cũng như tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được chuyển đến CQĐT để xử lý, kể cả trường hợp VKS tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng phải chuyển ngay các thông tin đó kèm theo tài liệu liên quan để CQĐT có thẩm quyền giải quyết. Đây là một điểm mới so với BLTTHS 1988, khi mà BLTTHS 1988 quy định hai chủ thể có thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố là CQĐT và VKS.
Bên cạnh quy định nêu trên của BLTTHS 2003 thì tại điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC cũng khẳng định cụ thể:
“1. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm bao gồm:
a) CQĐT trong Công an nhân dân;
b) CQĐT trong Quân đội nhân dân;
c) CQĐT của VKS tối cao;
d) CQĐT của VKS quân sự Trung ương;
đ) Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý mà tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thuộc quyền hạn điều tra của cơ quan mình thì tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đó.
2. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị khởi tố bao gồm:
a) CQĐT trong Công an nhân dân;
32
b) CQĐT trong Quân đội nhân dân;
c) CQĐT của VKS tối cao”
d) CQĐT của VKS quân sự Trung ương.
Đồng thời, Thông tư trên cũng khẳng định thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của các cơ quan được xác định theo thẩm quyền điều tra. Có thể thấy đây là một quy định thống nhất và phù hợp với quy trình tố tụng cũng như chức năng, nhiệm vụ của CQĐT.
Như vậy, khi đề cập đến chủ thể tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, chúng ta cần quan tâm tới ba loại chủ thể: Chủ thể cung cấp nguồn tin; chủ thể tiếp nhận nguồn tin và chủ thể giải quyết nguồn tin. Đối với mỗi loại chủ thể, BLTTHS 2003 không có những điều luật cụ thể quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết các nguồn tin về tội phạm đồng thời còn thể hiện những điểm chưa thống nhất trong quy định về các chủ thể tiếp nhận, đặc biệt là đối với nguồn tin từ kiến nghị khởi tố, pháp luật chưa ghi nhận nguồn tin này là căn cứ khởi tố vụ án, cũng không đề cập cụ thể tới chủ thể cung cấp, tiếp nhận và giải quyết kiến nghị khởi tố một cách rõ ràng. Tuy nhiên, sự ra đời của Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC đã phần nào hỗ trợ, khắc phục được một trong số những hạn chế này.