Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố

Một phần của tài liệu Tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trong pháp luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 72 - 75)

CHƯƠNG III. CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TIN BÁO, TỐ GIÁC TỘI PHẠM VÀ KIẾN NGHỊ KHỞI TỐ

3.2 Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố

Quy định pháp luật được ban hành dựa trên cơ sở thực tiễn và để áp dụng vào thực tiễn nhằm đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa nói chung và trật tự an toàn xã hội nói riêng. Do đó, dù pháp luật có hoàn thiện thì cũng rất cần những giải pháp để áp dụng có hiệu quả trên thực tiễn, để người dân có thể nắm bắt được luật còn cơ quan nhà nước thì đảm bảo được các điều kiện cần và đủ để thực thi pháp luật. Để thực hiện được điều đó, tác giả kiến nghị những giải pháp sau:

Thứ nhất, tuyên truyền phổ biến pháp luật.Quần chúng nhân dân là một thành phần không thể thiếu và vô cùng quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần có những công tác thiết thực nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đặc biệt là chủ thể và trình tự tiếp nhận để quần chúng nhân dân có thể chủ động báo tin, tố giác khi phát hiện hành vi, sự việc có dấu hiệu phạm tội.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của Điều tra viên và Kiểm sát viên về vai trò, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa CQĐT và VKS trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên, Điều tra viên cần nhận thức đúng đắn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình là phải tuân thủ nghiêm chỉnh quy định pháp luật đồng thời không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trong từng hoạt động điều tra, kiểm sát điều tra đảm bảo xử lý chính xác và kịp thời các nguồn tin về tội phạm.

63

Thứ ba, kiện toàn đội ngũ Kiểm sát viên. Để thực hiện tốt cả chức năng công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc điều tra các vụ án hình sự, cần kiện toàn đội ngũ Kiểm sát viên chuyên trách thực hiện công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết các tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. VKS cấp huyện có bộ phận hình sự mà không phân thành các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát giam giữ độc lập như VKS cấp tỉnh. Do đó, theo tác giả đối với VKS cấp huyện nên giao nhiệm vụ kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cho Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù bởi lẽ thông qua công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam tại nhà tạm giữ sẽ hỗ trợ tốt cho công tác kiểm sát xử lý tin báo, tố giác tội phạm đồng thời làm tốt công tác kiểm sát giải quyết tin báo tố giác tội phạm tạo nền tảng cho việc kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam trong nhà tạm giữ được thuận lợi, không để xảy ra trường hợp nào bị bắt, tạm giữ oan sai theo quy định. Riêng đối với tin báo, tố giác tội phạm do các cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Chi cục thuế, Chi cục quản lý thị trường… cũng phải được tiến hành kiểm sát phù hợp, chặt chẽ. Đối với VKSND cấp tỉnh: hiện nay công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đã số được giao cho Phòng 1 (Phòng Thực hành quyền công tố - kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự án kinh tế chức vụ và trật tự xã hội) mà chưa có phòng ban chuyên trách đảm nhiệm công tác này. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả công việc, tác giả đề nghị thành lập phòng độc lập “Phòng kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”. Đồng thời, phòng này đảm nhận luôn công tác xác minh ban đầu đối với những tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền của CQĐT VKS tối cao.Tương tự như vậy, tại VKS tối cao nên thành lập “Vụ Kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” để nâng cao và đảm bảo đồng bộ trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.

64

Thứ tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác. Đây là điều kiện cần thiết để đảm bảo công tác trực ban hình sự đạt hiệu quả hơn, để người dân, cơ quan, tổ chức dễ dàng tiếp cận cơ quan có thẩm quyền hơn khi phát hiện ra những hành vi có dấu hiệu tội phạm để kiph thời đưa tin đồng thời cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt giúp cho việc lưu trữ và xử lý thông tin đảm bảo và nhanh chóng hơn.

Như vậy, các giải pháp nêu trên đều là những giải pháp hoàn toàn có thể thực hiện được trên thực tế.Để làm được điều đó rất cần sự phối hợp của các sở ban ngành liên quan đặc biệt là CQĐT và VKS để ngày càng nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.

65

Một phần của tài liệu Tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trong pháp luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)