Chương 2: THỰC TRẠNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CÔNG CHỨC TẠI CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
2.2. Khái quát thực trạng tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý công chức tại các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương
2.2.1. Tổ chức thực hiện pháp luật về tuyển dụng
Nhằm cụ thể hóa các văn bản của cấp trên liên quan tới công tác quản lý CBCC, UBND tỉnh Hải Dương đã xây dựng Quy định về “Quản lý công tác tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh” theo Quyết định số 2115/2006/QĐ-UBND ngày 13/06/2006 của UBND tỉnh Hải Dương . Theo đó, về xác định nhu cầu tuyển dụng công chức các cơ quan thuộc UBND tỉnh:
thẩm quyền quyết định phân bổ biên chế CBCC hằng năm cho tỉnh hiện nay vẫn do Bộ Nội vụ thực hiện trên cơ sở được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.
Theo đó, Bộ Nội vụ tính toán số lượng biên chế cho tỉnh theo cách tính tỷ lệ phần trăm trên tổng số CBCC hiện có và tính thêm biên chế để thực hiện những nhiệm vụ mới phát sinh. Cách tính này chỉ mang tính ước lượng, chung chung, hình thức, chủ yếu phụ thuộc vào báo cáo và đề nghị của chính quyền tỉnh mà ít tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực tế tại địa phương.
39
Trong khi đó, trên thực tế hiện nay, các cơ quan HCNN nào cũng muốn đề nghị số lượng biên chế nhiều hơn nhu cầu thực tế của mình để tăng thêm ngân sách cấp phát cho cơ quan. Ở một số nơi, do nhu cầu công việc đòi hỏi số lượng CBCC nhiều hơn so với biên chế được phân bổ nên hiện tượng vận dụng “ứng trước” hoặc “ứng thêm” biên chế cho cơ quan là tương đối phổ biến.
Theo các quy định hiện hành về quản lý biên chế của Nhà nước, số lượng nhân sự mới được tuyển thường được phân bổ theo chỉ tiêu biên chế từ các cơ quan quản lý nhân sự cấp trên (chỉ tiêu biên chế của tỉnh do Bộ Nội vụ phân bổ; chỉ tiêu biên chế cho các địa phương do Sở Nội vụ phân bổ). Các đơn vị có nhu cầu nhân sự ít chịu tác động của quá trình phân bổ này. Cách quản lý biên chế chung như hiện nay tạo ra sự quản lý thống nhất tổng số biên chế và điều chỉnh được sự biến động tăng, giảm biên chế trong cả nước.
Trong khi đó, chính quyền địa phương cấp tỉnh cũng có những thẩm quyền nhất định trong quản lý biên chế. Tuy nhiên, cách thức quản lý này vẫn còn nhiều bất cập khi mà cơ quan chuyên trách quản lý biên chế ở trung ương khó kiểm soát được biên chế thực tế ở các cơ quan, đơn vị.
Về tổ chức thực hiện pháp luật về tuyển dụng công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, theo quy định về phân cấp quản lý CBCC ở tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh có những thẩm quyền cụ thể sau:
- Thành lập Hội đồng tuyển dụng công chức
- Tổ chức việc tuyển dụng công chức và theo quy định của pháp luật - Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ kết quả thi tuyển, xét tuyển để quyết định tuyển dụng và phân công công chức về các sở, ban, ngành thuộc tỉnh.
Sở Nội vụ là cơ quan thường trực của Hội đồng tuyển dụng công chức của tỉnh. Trong quá trình tổ chức tuyển dụng, Sở có trách nhiệm trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển dụng công chức, thành lập Hội đồng tuyển
40
dụng công chức, quyết định công nhận danh sách thí sinh đạt kết quả thi tuyển công chức theo đề nghị của Hội đồng tuyển dụng.
Đối với Hội đồng tuyển dụng công chức của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập, gồm có 5-7 thành viên, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch tỉnh Hải Dương. Phó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Nội vụ. Các ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên ngành của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức, như: Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo...
Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là Trưởng phòng Cán bộ - công chức, Sở Nội vụ.
Hội đồng tuyển dụng công chức của tỉnh Hải Dương làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số và có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Thành lập bộ phận giúp việc gồm: Ban Đề thi, Ban Coi thi, Ban phách, Ban Chấm thi, Ban phúc khảo (nếu cần);
- Tổ chức thu phí dự tuyển và sử dụng theo quy định;
- Tổ chức xét tuyển, thi tuyển theo đúng Quy chế, Nội quy thi tuyển;
- Báo cáo kết quả và trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định công nhận kết quả tuyển dụng;
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức tuyển dụng (nếu có).
- Trong quá trình làm việc, Hội đồng tuyển dụng sử dụng con dấu của UBND tỉnh khi Chủ tịch Hội đồng ký các văn bản có liên quan của Hội đồng và sử dụng dấu của Sở Nội vụ đối với các văn bản khác có liên quan của Hội đồng.
Hội đồng tuyển dụng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Giám đốc Sở Nội vụ: có trách nhiệm giúp UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng công chức, theo đề nghị của các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện có chỉ tiêu biên chế; giúp UBND tỉnh tổ chức sơ tuyển, cử công chức
41
dự thi ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ, ngành Trung ương.
Giám đốc Sở Nội vụ còn được UBND tỉnh uỷ quyền ký quyết định đối với một số nội dung liên quan tới công tác tuyển dụng công chức, như:
- Căn cứ vào kết quả kỳ thi tuyển, xét tuyển công chức, đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận, hoặc đề nghị của Giám đốc sở, Chủ tịch UBND huyện kèm theo biên bản của Hội đồng xét tuyển, quyết định tuyển dụng công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống trong chỉ tiêu biên chế được giao, theo cơ cấu, yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan của tỉnh.
Đối với các Giám đốc Sở khác, theo quy định về phân cấp tại Quyết định số 2115/2006/QĐ-UBND thì các Sở của tỉnh hầu như không có trách nhiệm nào liên quan trong công tác tổ chức tuyển dụng công chức.
Cũng chính vì không được tham gia nhiều vào trong quá trình tổ chức thi tuyển nên các cơ quan sử dụng công chức ở tỉnh không có quyền chủ động lựa chọn hình thức và nội dung thi tuyển. Do đó, nội dung thi tuyển hiện nay vẫn chưa thực sự phù hợp với từng loại công chức ở từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt chưa có những nội dung thi riêng cho từng nhóm vị trí công việc tương ứng.
Bên cạnh đó, về nội dung thi trong quá trình tổ chức tuyển dụng cũng là vấn đề cần bàn. Việc quy định các môn thi bắt buộc là HCNN, ngoại ngữ và tin học văn phòng với cách tính điểm như hiện nay là chưa thực sự phù hợp vì mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cần có những kiến thức chuyên ngành khác nhau.
Mặc dù các văn bản pháp luật hiện nay quy định đề thi môn HCNN bao gồm các nội dung liên quan đến quản lý HCNN và kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành nhưng thực tiễn cho thấy các kiến thức chuyên ngành chưa thực sự được chú trọng trong lựa chọn công chức. Do đó, kết quả thi tuyển chưa thực sự phản ánh chính xác khả năng làm việc trong tương lai của công chức.
42
Ngoài ra, các quy định về phân cấp, tăng cường trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu các cơ quan HCNN hiện nay cũng chậm được ban hành và triển khai dẫn đến các cơ quan hành chính cấp trên vẫn ôm đồm nhiều việc và can thiệp sâu vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị cơ sở. Với những quy định như hiện nay, chưa rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan khi tuyển người chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Như vậy, các cơ quan trực tiếp sử dụng công chức chưa được quyền tự chủ trong quyết định nhu cầu tuyển dụng, tiêu chuẩn tuyển dụng và lựa chọn người phù hợp với nhu cầu thực tế của cơ quan HCNN.
Cho đến hiện nay, sau 13 năm triển khai, một số nội dung của Quyết định số 2115/2006/QĐ-UBND về “Quản lý công tác tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh” không còn phù hợp với các quy định của Trung ương cũng như thực tiễn ở địa phương, đến nay UBND tỉnh Hải Dương vẫn chưa ban hành được quyết định mới để điều chỉnh các nội dung liên quan đến quản lý công chức nói chung và tuyển dụng công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh nói riêng. Hiện tại, Sở Nội vụ Hải Dương vẫn mới đang xây dựng dự thảo Quyết định ban hành Quy định về “Phân cấp quản lý công tác tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh” để thay Quyết định số 2115. Tại cuộc họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ngày 24/4/2018 liên quan đến nội dung này, đại diện các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến cho dự thảo này.