CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
3.3. ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG
Bài tập thực nghiệm có thể được sử dụng trong các khâu khác nhau của quá trình dạy học như: nghiên cứu bài mới, củng cố - hoàn thiện kiến thức hoặc trong kiểm tra, đánh giá nhằm hướng đến phát triển năng lực cho HS. Khi sử dụng BTTN ở mỗi khâu sẽ mang lại ý nghĩa khác nhau:
+ Sử dụng BTTN trong khâu nghiên cứu bài mới: Lúc này BTTN được sử dụng như một bài tập tình huống, bài tập nhận thức, mà khi giải quyết xong HS sẽ lĩnh hội được kiến thức mới và hình thành nên kỹ năng mới. HS phải tự tiến hành đề xuất thí nghiệm và phân tích kết quả thí nghiệm,… để rút ra kết luận có giá trị nhận thức mới. Vai trò của GV là hướng dẫn HS phân tích kết quả, tìm ra mối quan hệ nhân quả bằng câu hỏi định hướng. Bài tập này thường đưa ra trước khi nghiên cứu một nội dung mới, vấn đề mới.
+ Sử dụng BTTN trong khâu củng cố - hoàn thiện kiến thức: Các bài tập này có tác dụng lớn trong việc chính xác hóa các khái niệm, tăng cường tính vững chắc, tính hệ thống các kiến thức và rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo. Trong đó, việc xác lập các mối quan hệ giữa các biểu tượng về sự vật, hiện tượng cụ thể với các khái niệm trừu tượng có vai trò quan trọng.
+ Sử dụng trong khâu kiểm tra, đánh giá: Việc kiểm tra bằng BTTN vừa có tác dụng kiểm tra được kiến thức, vừa kiểm tra được kỹ năng, vừa sinh động, hấp dẫn, mới lạ với HS. Nhằm phát triển kỹ năng, tư duy cho HS, BTTN còn được sử dụng để rèn luyện các kỹ năng như: phân tích thí nghiệm, so sánh kết quả thí nghiệm, phán đoán kết quả thí nghiệm, thiết kế thí nghiệm,…
Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi đề xuất quy trình sử dụng BTTN trong khâu nghiên cứu bài mới và củng cố - hoàn thiện kiến thức gồm 4 bước được mô tả cụ thể như sau:
Bước 1
Giao nhiệm vụ học tập.
Bước 2
HS thực hiện nhiệm vụ đề ra trong BTTN
Bước 3
HS trình bày kết quả thảo luận.
Bước 4
GV kết luận, chính xác hóa kiến thức.
Hình 3.2: Sơ đồ qui trình sử dụng BTTN trong nghiên cứu bài mới.
Phân tích quy trình:
- Bước 1: Giao nhiệm vụ học tập.
GV giới thiệu BTTN cho HS bước đầu hình dung được nhiệm vụ của mình, từ đó bắt đầu có những định hướng thực hiện, phát triển BTTN. Sau đó GV phải giải thích cho HS nắm rõ nhiệm vụ, vai trò của mình khi tiến hành tham gia làm BTTN.
Yêu cầu GV phải giải thích to, rõ âm điệu, nhấn mạnh được những từ ngữ, câu quan trọng. Nhiệm vụ được giao phải rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc cho HS dễ hiểu nhất.
Từ đây, HS bắt đầu thực hiện bài tập theo hướng dẫn.
- Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ đề ra trong BTTN.
HS tiến hành suy nghĩ, thảo luận để hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong BTTN.
Trong đó, GV hướng dẫn, định hướng câu trả lời cho HS, tránh trường hợp HS trả lời lan man, không đúng trọng tâm yêu cầu, dẫn đến không rút ra được kiến thức.
GV có thể đưa ra các câu hỏi, vấn đề có liên quan đến BTTN để HS suy nghĩ giải quyết.
- Bước 3: HS trình bày kết quả thảo luận.
GV tổ chức cho HS trình bày kết quả thảo luận của mình. GV lắng nghe và tôn trọng kết quả của HS, gợi ý khi cần thiết. Cần khuyến khích được sự tham gia của tất cả các HS trong quá trình báo cáo, đặc biệt là những HS có tính trầm trong lớp.
- Bước 4: GV kết luận, chính xác hóa kiến thức.
Dựa trên những câu trả lời của HS, GV chính xác hóa kiến thức và giải thích nguyên nhân có được kết quả của bài tập. Yêu cầu GV nhận xét, bổ sung và giải thích kết quả rõ ràng, đảm bảo tính chính xác về mặt tri thức Sinh học và cô đọng.
Nếu có thời gian, có thể giải thích nguyên nhân vì sao các em có những đáp án sai, từ đó HS có thể ghi nhớ kiến thức sâu sắc hơn. Sau khi chính xác hóa đáp án, GV tiến hành đưa ra kiến thức cần học từ BTTN.
Ví dụ minh họa: Sử dụng BTTN trong dạy học kiến thức mới Bài “Sự hút nước và muối khoáng của rễ”.
- Bước 1: GV giao BTTN cho HS bằng cách giới thiệu nội dung BTTN và bảng sau: “Bạn An có 4 chậu xương rồng, 4 chậu cây Quật còn bé và 4 chậu cây Quật đã trưởng thành. An tiến hành thí nghiệm như sau:
+ Trong 4 chậu cây xương rồng, 1 chậu An không tưới nước, 1 chậu ngày nào An cũng tưới 1 ca nước lớn, 1 chậu cứ 2 ngày An tưới 1 ca nước lớn 1 lần, và 1 chậu cuối 7 ngày tưới 1 lần.
+ 4 chậu Quật bé và 4 chậu Quật lớn làm thí nghiệm tương tự như vậy.
Em hãy dự đoán kết quả xảy ra đối với các chậu cây trên theo bảng sau:
Lượng nước Cây
Không tưới Hằng ngày 2 ngày/ 1 lần 7 ngày/ 1 lần
Xương rồng Quật bé
Quật trưởng thành
+ Yêu cầu HS dựa vào những kiến thức thực tiễn mình có, dự đoán kết quả của mỗi chậu cây sau khi tiến hành thí nghiệm trên 1 tháng. Có thể đưa ra vài gợi ý để HS đưa ra ý kiến đúng hướng. Ví dụ: GV gợi ý: “Cây xương rồng theo các em biết là
cây có cần nhiều nước không? Nên khi tưới nước nhiều hay ít thì cây sẽ như thế nào?”.
- Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ đề ra trong BTTN: HS dựa trên kiến thức của mình. GV định hướng câu trả lời của HS, không để HS trả lời lan man, không đúng trọng tâm.
- Bước 3: HS trình bày kết quả thảo luận. HS có thể thoải mái đưa ra kết quả theo suy nghĩ của mình, có thể nói cây xương rồng này chết, cây kia chết,.. Và GV tôn trọng câu trả lời của HS. Sau khi các em báo cáo xong, GV sẽ trình bày kết quả và giải thích rõ ràng, dễ hiểu nhất cho HS.
- Bước 4: GV kết luận, chính xác hóa kiến thức. Yêu cầu HS tự để xuất ra kiến thức có được từ bài tập trên rồi GV mới chính xác hóa kiến thức cho HS. Từ đó, giúp củng cố kiến thức được vững chắc hơn.