CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
3.4.1. Giải pháp điều chỉnh các quy định của địa phương, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Báo cáo và xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất về thời gian niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở UBND cấp xã 15 ngày hay 30 ngày để có cơ sở triển khai, thống nhất thực hiện (cụ thể tại Điều 77 Nghị định
43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và Điều 10 Thông tư 24/2014/TT- BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường); đồng thời phổ biến đến UBND cấp xã và người sử dụng đất, tránh tình trạng trả hồ sơ gây bức xúc, phản ứng của người dân trực tiếp tại cơ quan nhà nước và tại bộ phận một cửa như hiện nay.
- Báo cáo và xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hướng dẫn, chỉnh sửa về việc xác nhận hộ trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp và có thu nhập ổn định tại nơi thường trú, nơi có đất theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày
06/01/2017 của Chính phủ, để tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, đặc biệt là người nhận chuyển nhượng có hộ khẩu tại các trung tâm thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Biên Hòa rất khó khăn trong việc xác nhận.
- Kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định thẩm quyền ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp thửa đất có phần diện tích tăng thêm do đo gộp phần diện tích thửa đất đã cấp và chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo khoản 20 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 đã đề xuất tại văn bản số 3915/STNMT-CCQLĐĐ ngày 06/7/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Kiến nghị thống nhất thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có chứng nhận của tổ chức hành nghề công chứng, giữa Luật Công chứng và Luật Đất đai để làm cơ sở khi tham gia giải quyết các tranh chấp về đất đai. Ví dụ:
Luật Công chứng quy định văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và có đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng; Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, chế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
- Quy định về thủ tục hành chính khi tiến hành cấp Giấy chứng nhận còn quá cồng kềnh, phải qua nhiều cấp, sự phân cấp không thích hợp với yêu cầu thực tế, thủ tục thực hiện liên quan đến nhiều cơ quan, như thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu phải qua 07 cơ quan, đơn vị ở 02 cấp xã, huyện là: UBND cấp xã, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, Chi Cục thuế, Kho bạc Nhà nước, Phòng Quản lý đô thị (liên quan đến nhà ở) mà trong đó quy định về trách nhiệm của các cấp các ngành còn thiếu cụ thể, đôi khi còn chồng chéo gây mất thời gian khi thực hiện.
Do đó, đề xuất các đơn vị thống nhất cách thức giải quyết, không thẩm tra lại nhiều lần với một nguồn gốc, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, đơn vị. Ví dụ: hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất cấp Giấy chứng nhận lần đầu
đã được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai kiểm tra, xác minh, thẩm định, ký xác nhận đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận, nhưng khi luân chuyển hồ sơ kèm theo dự thảo Tờ trình đến Phòng Tài nguyên và Môi trường, Quyết định công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận của UBND huyện thì Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thẩm định, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ đã được Chi nhánh xác nhận đủ điều kiện trong khi không phải thực hiện xác nhận bất cứ một văn bản nào ngoại trừ dự thảo Tờ trình do Chi nhánh chuyển đến gây mất thời gian, hao phí sức lao động của công chức, làm gia tăng chi phí quản lý, hành chính.
- Công tác thẩm tra và xét duyệt hồ sơ được phê duyệt trực tiếp trên đơn đăng ký (theo mẫu quy định tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014) căn cứ vào thành phần hồ sơ tiếp nhận để giảm bớt thời gian thao tác, đánh máy như hiện nay.
- Xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối với các tổ chức hành nghề công chứng để trao đổi thông tin về đăng ký đất đai, các thông tin về Giấy chứng nhận bị mất, các ngăn chặn; quy định thống nhất trước khi tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận vào hợp đồng chuyển quyền phải lấy ý kiến thông tin của Văn phòng Đăng ký đất đai, hồ sơ đủ điều kiện mới làm tiếp các thủ tục để tránh rủi ro phiền hà cho công dân.
- Công khai, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi trên báo, đài, thông tin truyền thông của huyện, xã, ấp về hoạt động thí điểm Tổng đài dịch vụ công (gọi tắt là Tổng đài 1022) đến các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và người dân được biết. Tổng đài dịch vụ công 1022 có chức năng ghi nhận, liên kết, thu thập thông tin, phản ánh của người dân trên các kênh phương tiện khác nhau, như: cổng thông tin điện tử Đồng Nai, email, ứng dụng điện thoại … và điều phối đến các đầu mối xử lý một cách hiệu quả.
- Hạn chế công tác luân chuyển cán bộ địa chính, cán bộ địa chính ở xã nào sẽ làm việc lâu dài ở xã đó, trừ khi vi phạm pháp luật bị xử lý chuyển công tác hay thôi việc,... Đồng thời Nhà nước có chế tài hạn chế đến mức thấp nhất việc gây phiền hà, sách nhiễu đối với cán bộ này, tạo điều kiện cho cán bộ địa chính nắm bắt, thuộc địa bàn, quy hoạch, tham mưu chuẩn xác cho Chủ tịch UBND cấp xã làm tốt công tác quản lý đất đai tại địa phương.
- Kiến nghị xin chủ trương của UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất (thuê đất hay giao đất) đối với các khu đất thu hồi, bàn giao, đẩy nhanh công tác đăng ký hoàn thành mục tiêu cấp Giấy chứng nhận và thu ngân sách cho Nhà nước.
- Tập trung xét duyệt cấp Giấy chứng nhận và phát hành Giấy chứng nhận đến người sử dụng đất; thông báo và công khai kết thúc những hồ sơ không đủ điều kiện theo dạng hồ sơ đồng loạt nhằm mục tiêu giảm áp lực công việc (hồ sơ mua bán không lập hợp đồng, không cung cấp được bản chính Giấy chứng nhận; hồ sơ tách thửa không đủ điều kiện; hồ sơ lấn chiếm đất công, đất nông trường), để tập trung nhân lực cho hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận một cửa. Theo kết quả tổng hợp, địa bàn huyện Cẩm Mỹ với khối lượng hồ sơ và mức độ biến động thấp so với các huyện khác, do vậy kiến nghị giảm bớt thủ tục hành chính từ 1-2 ngày nhằm tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực trách nhiệm cho cán bộ nhân viên.
- Công tác thẩm định xét duyệt hồ sơ đối với các thửa đất có diện tích tăng, đề xuất sử dụng các biên bản đã ký giáp ranh, bàn giao kết quả đo đạc tại thời điểm thành lập bản đồ địa chính, không tiến hành kiểm tra thực địa để hạn chế thời gian và gây phiền hà cho người sử dụng đất.
- Thống nhất ban hành Quyết định quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để người sử dụng đất thực hiện các quyền theo quy định; đặc biệt quy định tách thửa về hạn mức, diện tích, loại đất phải chú trọng và căn cứ vào đặc trưng của từng vùng, mức độ khó khăn và nhu cầu cần thiết của người dân để có sự điều chỉnh hợp lý (ví dụ: Vùng phát triển đô thị mạnh thì hạn mức tách thửa đất ở phải cao hơn vùng sản xuất nông nghiệp, đất nông nghiệp thì ngược lại; tách đất để cho con, chuyển quyền để trang trải cuộc sống, ăn học cho con cái …)
- Chỉ đạo các đơn vị đo đạc thành lập bản đồ địa chính trong quá trình thực hiện phải bám sát quy định tách thửa hiện hành và hồ sơ địa chính, tránh tình trạng chồng chéo trong khâu đo đạc và cấp Giấy chứng nhận dẫn đến tồn tại các thửa đất không đủ điều kiện cấp đổi, đăng ký biến động cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu.
- Xây dựng bộ máy giải quyết thủ tục hành chính chuyên nghiệp, có khoa học, nhân viên có sáng kiến, có đề xuất mới để tạo ra các bước đột phá mới trong giải quyết hồ sơ; bộ phận một tiếp nhận và trả kết quả nhanh gọn, nhân viên thân thiện, đề xuất bố trí các lực lượng đoàn viên thanh niên hướng dẫn kê khai các nội dung trên đơn và thành phần hồ sơ kèm theo cho người sử dụng đất.
- Đề xuất bố trí cán bộ Ngân hàng hoặc kho bạc túc trực tại bộ phận một cửa để thuận lợi cho người dân nộp tiền vào ngân sách nhà nước trước khi nhận kết quả thủ tục hành chính.
- Bố trí nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai xuống tận địa bàn tập trung đăng ký vào các ngày nghỉ cuối tuần thứ bảy và chủ nhật để người sử dụng đất được thuận lợi hơn về mặt thời gian.
- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết hồ sơ như:
Truy cập thông tin quá trình giải quyết hồ sơ bằng nhắn tin tra cứu trên điện thoại, khi có thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính thì nhắn tin số tiền phải nộp đến người sử dụng đất qua tin nhắn SMS để người sử dụng đất chủ động về tài chính.
- Tiếp tục thực hiện công tác ủy quyền ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 870/QĐ-STNMT ngày 23/6/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường, để giảm bớt thời gian 1-2 ngày trong khâu luân chuyển trình ký Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất từ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đến Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, rút bớt thời gian giải quyết và hạn chế trễ hạn hồ sơ.
- Xử lý trách nhiệm cán bộ quản lý đất đai ở địa phương nếu để xảy ra tình trạng việc xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, tự ý tách thửa, phân lô làm phá vỡ quy hoạch, gây thất thoát ngân sách.
- Tổ chức họp giao ban hàng tháng giữa Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Lãnh đạo các Chi nhánh và bộ phận chuyên môn trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính nhằm nghe báo cáo các khó khăn trong quá trình thực hiện để kịp thời có hướng dẫn, chỉ đạo.
- Quá trình xây dựng bản đồ quy hoạch phải có sự đồng nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng tạo điều kiện cho người sử dụng đất trong việc chuyển mục đích và xây dựng.