Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận có 72,7% mẫu nghiên cứu là nam, 26,3% còn lại là nữ, tỷ số giữa nam và nữ là 2,8:1. Kết quả này tương đương với nghiên cứu của Umeshverma [91] thực hiện tại Subharti Medical College, với kết quả 74% nam, 26% nữ, tỷ số nam và nữ là 2,8:1. Nghiên cứu của Hayat [41] thực hiện tại Liaquat University Hospital Jamshoro cho thấy kết quả 72% nam, 28% nữ, tỷ số nam và nữ là 2,6:1.
Tỷ lệ nam chiếm ưu thế hơn so với nữ cũng được ghi nhận trong các nghiên cứu như: nghiên cứu của Lê Hà Xuân Sơn [7] (67,8% nam, 32,2% nữ, tỷ số nam và nữ là 2,1:1), nghiên cứu của Zakaria [96] (62,5% nam, 37,5%
nữ, tỷ số nam và nữ là 1,7:1), nghiên cứu của Mumtaz [60] (62% nam, 38%
nữ, tỷ số nam và nữ là 1,6:1), nghiên cứu của Singh [87] (84% nam, 16% nữ, tỷ số nam và nữ là 5,3:1).
Trong khi đó, nghiên cứu của Maqsood [53] thực hiện tại Islamabad không ghi nhận có sự ưu thế của nam so với nữ, theo nghiên cứu này, tỷ lệ nam là 50%, tỷ số nam và nữ là 1:1. Nghiên cứu của Hussain [42] thực hiện tại Fauji Foundation Hospital Rawalpindi lại ghi nhận tỷ lệ nữ chiếm ưu thế hơn so với nam, với kết quả 12,8% nam, 87,2% nữ, tỷ lệ nam và nữ là 0,1:1.
Tỷ lệ nam chiếm nhiều hơn so với nữ có thể liên quan đến nguyên nhân xơ gan. Tại Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến xơ gan là do rượu và nam giới sử dụng rượu nhiều hơn hẳn so với nữ giới, vì thế tỷ lệ bệnh nhân nam cao hơn bệnh nhân nữ.
4.1.2. Phân bố tuổi của mẫu nghiên cứu
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy kết quả về nhóm tuổi như sau:
88,6% bệnh nhân thuộc nhóm trên 40 tuổi, trong đó 62,3% là nam và 26,3%
là nữ. Kết quả này thấp hơn nghiên cứu của Lê Hà Xuân Sơn [7], nghiên cứu của Lê Hà Xuân Sơn [7] cho kết quả tỷ lệ nhóm tuổi trên 40 tuổi là 94,2%
(62,1% là nam và 32,2% là nữ). Trong khi các nghiên cứu khác cho kết quả thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi như: nghiên cứu của Maqsood [53] cho kết quả tỷ lệ nhóm tuổi trên 40 tuổi là 86% (48% là nam và 38% là nữ), nghiên cứu của Hayat [41] cho kết quả tỷ lệ nhóm tuổi trên 40 tuổi là 77% (57% là nam và 20% là nữ).
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ nhóm tuổi 21-40 tuổi là 11,4%
với 100% là nam. Kết quả này gần tương đương với kết quả nghiên cứu của Maqsood [53] là 12% (100% là nữ), cao hơn kết quả nghiên cứu của Lê Hà Xuân Sơn [7] với tỷ lệ nhóm tuổi 21-40 là 5,7% (100% là nam), thấp hơn kết quả nghiên cứu của Hayat [41] với tỷ lệ nhóm tuổi 21-40 là 20% (12% là nam và 8% là nữ).
Khi phân tích phân bố giới tính theo nhóm tuổi, chúng tôi ghi nhận trong nhóm tuổi 21-40 tuổi tỷ lệ nam là 11,4% và không có nữ, còn trong nhóm tuổi 41-60 tuổi tỷ lệ nam (45,6%) cao hơn hẳn so với nữ (7,9%) và cuối cùng ở nhóm tuổi ≥ 61 tuổi tỷ lệ nữ (18,4%) lại cao hơn nam (16,7%). Các kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Lê Hà Xuân Sơn [7], trong nhóm tuổi 21-40 tuổi tỷ lệ nam là 5,7% và không có nữ, trong nhóm tuổi 41- 60 tuổi tỷ lệ nam (48,3%) cao hơn hẳn nữ (12,6%) và ở nhóm tuổi ≥ 61 tuổi tỷ lệ nữ (19,5%) cao hơn nam (13,8%).
Sự khác biệt về phân bố giới tính theo nhóm tuổi là do thói quen sử dụng rượu bia ở Việt Nam. Theo “Điều tra thanh thiếu niên Việt Nam năm 2003 và 2008”, xu hướng uống rượu bia ở tuổi trẻ ngày càng gia tăng, tỷ lệ
uống rượu bia ở vị thành niên và thanh niên (14-25 tuổi) tăng gần 10% sau 5 năm (51% năm 2003 lên 60% năm 2008). Đáng lưu ý là tỷ lệ sử dụng rượu bia trong độ tuổi 14-17 tuổi và 18-21 tuổi ở mức cao lần lượt là 47% và 67%, nam sử dụng rượu nhiều hơn nữ, do đó nam giới xuất hiện bệnh ở độ tuổi sớm hơn nữ giới. Ở nhóm tuổi 41-60 tuổi, tỷ lệ bệnh nhân tăng cao hơn ở cả nam và nữ là hậu quả của việc sử dụng rượu bia trong thời gian dài.
4.1.3. Phân bố nguyên nhân xơ gan trong mẫu nghiên cứu
Trong nghiên cứu của chúng tôi, ba nguyên nhân xơ gan thường gặp nhất là rượu, nhiễm HBV và nhiễm HCV. Rượu được xếp hàng đầu với 48,2%, thứ hai là nhiễm HBV 30,7% và cuối cùng là nhiễm HCV 13,2%. Kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi khá tương đồng với nghiên cứu của Lê Hà Xuân Sơn [7], nghiên cứu của Menon [56] tại Mỹ, nghiên cứu của Singh [87]
tại Ấn Độ và nghiên cứu của Umeshverma [91] tại Ấn Độ, khi các nghiên cứu này cũng đều ghi nhận rượu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan. Nhưng kết quả này khác biệt với kết quả của các nghiên cứu như: nghiên cứu của Maqsood [53] tại Islamabad (Pakistan) cho thấy nguyên nhân hàng đầu của xơ gan là nhiễm HCV với tỷ lệ 62%, nghiên cứu của Mumtaz [60] tại Pakistan cũng cho thấy nguyên nhân hàng đầu của xơ gan là nhiễm HCV với tỷ lệ 72%. Trong nghiên cứu của Hayat [41], nhiễm HCV là nguyên nhân hàng đầu của xơ gan với tỷ lệ 72%, thứ hai là nhiễm HBV với tỷ lệ 20% và không có nguyên nhân do rượu trong nghiên cứu. Nguyên nhân hàng đầu của xơ gan là nhiễm HCV cũng được ghi nhận trong các nghiên cứu như: nghiên cứu của Zakaria [96] và nghiên cứu của Hussain [42] với tỷ lệ nhiễm HCV lần lượt là 75% và 90,5%.
Sự khác biệt về nguyên nhân xơ gan giữa các nghiên cứu có thể là do người dân ở từng vùng địa lý khác nhau có tập tục văn hóa và sinh hoạt khác nhau. Các nghiên cứu được thực hiện ở Pakistan đều cho thấy nhiễm HCV là
nguyên nhân hàng đầu của xơ gan, xơ gan do rượu rất thấp. Ở Pakistan (Nam Á), theo thống kê, tỷ lệ nhiễm HCV cao, tỷ lệ người dân nghèo còn cao và thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe dẫn đến bệnh lý nhiễm trùng đang có xu hướng gia tăng tại Pakistan và là gánh nặng bệnh tật quan trọng tại quốc gia này. Bên cạnh đó, ở Pakistan, đa số người dân theo đạo Hồi, đạo Hồi cấm uống rượu và các thức uống lên men nên chỉ có những người không theo đạo Hồi mới được mua rượu và việc mua bán rượu ở đây cũng được quản lý khá chặt chẽ. Ở các nước phương Tây, các nước công nghiệp, người dân có thể mua rượu một cách dễ dàng và nghiện rượu là nguyên nhân chính của xơ gan.
Ngoài ra, điều kiện kinh tế phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe tốt và chính sách tiêm chủng mở rộng nên tỷ lệ nhiễm HBV thấp, còn đối với bệnh nhân đã nhiễm HBV hoặc HCV thì được điều trị và kiểm soát tốt nên hạn chế diễn tiến đến xơ gan. Do đó, ở các nước phương Tây, tỷ lệ xơ gan do rượu cao và tỷ lệ xơ gan do viêm gan siêu vi thấp hơn. Ấn Độ là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn nhất trên thế giới nên rượu cũng là nguyên nhân hàng đầu của xơ gan ở nước này. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tiêu thụ rượu bia cao đứng thứ hai thuộc các nước Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, việc uống rượu bia khá phổ biến ở nhiều đối tượng và nhiều độ tuổi, đáng quan ngại là tình trạng uống rượu bia ở người chưa đủ tuổi (14-17 tuổi). Không khó cho người dân Việt Nam, kể cả lứa tuổi vị thành niên có thể mua bia rượu dễ dàng tại các cửa hàng. Kết quả điều tra quốc gia về tiêu dùng rượu bia ở Việt Nam cho thấy gần 60% tổng số người được điều tra cho biết họ hiện đang sử dụng rượu bia, ở nhóm tuổi dưới 25 tuổi tỷ lệ hiện đang dùng rượu bia là 45,7%, tỷ lệ này tăng ở nhóm tuổi lớn hơn. Việc sử dụng rượu từ sớm và lạm dụng rượu dần dần tiến đến nghiện rượu dẫn đến rượu là nguyên nhân hàng đầu của xơ gan [5].