ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG TRONG MẪU NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Đặc điểm yếu tố thúc đẩy bệnh não gan lâm sàng ở bệnh nhân xơ gan (Trang 76 - 79)

4.2.1. Lý do vào viện trong mẫu nghiên cứu

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy lý do vào viện chiếm tỷ lệ cao nhất là rối loạn tri giác (48,2%). Ngoài rối loạn tri giác, bệnh nhân vào viện còn vì những lý do khác như xuất huyết tiêu hóa, đau bụng, sốt, vàng da, báng bụng, phù. Bệnh nhân có thể có biểu hiện bệnh não gan ngay từ khi nhập viện hoặc trong quá trình nằm viện. Do đó, bất kể lý do vào viện là gì, các bác sĩ cần phải luôn theo dõi tri giác của bệnh nhân xơ gan.

4.2.2. Phân loại Child-Pugh trong mẫu nghiên cứu

Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận có đến 82,5% bệnh nhân có phân loại Child C, phân loại Child B là 17,5%, không có phân loại Child A. Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Lê Hà Xuân Sơn [7] với tỷ lệ Child C 80,5%, Child B 19,5% và không có Child A, nghiên cứu của Alam [12] có tỷ lệ Child C 70%, Child B 30% và không có Child A. Các nghiên cứu khác như: nghiên cứu của Maqsood [53], nghiên cứu của Mumtaz [60] và nghiên cứu của Umeshverma [91] cũng đều ghi nhận xơ gan Child C chiếm tỷ lệ cao nhất lần lượt là 62%, 78% và 67%. Ngoài ra, khi chúng tôi phân tích phân loại Child-Pugh theo nhóm tuổi và giới tính thì đều cho kết quả tỷ lệ Child C chiếm ưu thế.

Bệnh nhân xơ gan mất bù sẽ xuất hiện các triệu chứng rõ và biến chứng nên bệnh nhân thường đi khám và nhập viện trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, khi xuất hiện bệnh não gan chứng tỏ chức năng gan của bệnh nhân đã suy giảm nặng và bệnh não gan cũng là một yếu tố dùng để tính điểm trong phân loại Child-Pugh. Do đó, trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân xơ gan Child C chiếm đa số.

4.2.3. Đặc điểm lâm sàng trong mẫu nghiên cứu

Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh não gan độ III chiếm đa số với tỷ lệ 60,5%. Bệnh não gan độ II và độ IV chiếm tỷ lệ lần lượt là 9,7% và 29,8%.

Nghiên cứu của Lê Hà Xuân Sơn [7] và nghiên cứu của Maqsood [53] cũng ghi nhận bệnh não gan độ III chiếm tỷ lệ cao nhất lần lượt là 65,5% và 52%.

Nghiên cứu của các tác giả như Alam [12], Devrajani [32], Hayat [41], Iqbal [43], Mumtaz [60], Umeshverma [91] ghi nhận bệnh não gan độ IV chiếm đa số với tỷ lệ lần lượt là 34%, 80%, 72%, 40,6%, 44%, 37%. Các tác giả Singh [87], Tariq [90] lại ghi nhận bệnh não gan độ II chiếm tỷ lệ cao nhất lần lượt là 38%, 41,5%.

Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận một số triệu chứng của bệnh não gan bao gồm rối loạn giấc ngủ, kích động, nói lảm nhảm, mất định hướng thời gian và không gian, run, dấu run vẫy, thở nhanh sâu, hôn mê. Trong nhóm bệnh não gan độ II, các triệu chứng rối loạn giấc ngủ, mất định hướng thời gian và dấu run vẫy chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 63,6%, 63,6% và 72,7%.

Trong nhóm bệnh não gan độ III, các triệu chứng nói lảm nhảm, rối loạn giấc ngủ, dấu run vẫy, mất định hướng thời gian và mất định hướng không gian thường gặp chiếm tỷ lệ lần lượt là 62,3%, 55,1%, 46,4%, 42% và 39,1%.

Ngoài ra, các triệu chứng kích động, run cũng được quan sát thấy nhưng chiếm tỷ lệ ít hơn lần lượt là 21,7%, 14,5%. Đối với nhóm bệnh não gan độ IV, triệu chứng hôn mê và thở nhanh sâu được ghi nhận với tỷ lệ là 100% và 14,7%. Một bệnh nhân thường có nhiều triệu chứng của bệnh não gan. Trên lâm sàng, việc chẩn đoán và phân độ bệnh não gan được dựa vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh não gan nên bệnh nhân cần được đánh giá cẩn thận và theo dõi thường xuyên.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ghi nhận một số triệu chứng lâm sàng ở bệnh nhân xơ gan như vàng da (70,2%), báng bụng (64%), phù (44,7%) đều

chiếm tỷ lệ cao. Đây là các triệu chứng cho thấy tình trạng mất bù ở bệnh nhân xơ gan. Trong mẫu nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân mới phát hiện xơ gan trong lần nhập viện này là 17,5%. Một số bệnh nhân phát hiện xơ gan khi đã vào giai đoạn muộn là do trong giai đoạn đầu xơ gan còn bù triệu chứng không rõ ràng nên bệnh nhân thường không quan tâm, đến khi chuyển sang giai đoạn mất bù xuất hiện các triệu chứng rõ và biến chứng thì bệnh nhân mới đi khám và phát hiện bệnh.

4.2.4. Đặc điểm cận lâm sàng trong mẫu nghiên cứu

Trong nghiên cứu của chúng tôi, hemoglobin giảm và tiểu cầu giảm chiếm tỷ lệ lần lượt là 77,2% và 87,7%, bạch cầu tăng chiếm tỷ lệ 42,1%.

Thời gian Prothrombin (PT) kéo dài và bilirubin máu tăng chiếm tỷ lệ lần lượt là 84,2% và 95,6%. Albumin máu giảm chiếm tỷ lệ 97,4%. Đặc điểm cận lâm sàng trong nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với đặc điểm cận lâm sàng trong nghiên cứu của các tác giả Alam [12], Devrajani [32], Maqsood [53] và Umeshverma [91]. Hemoglobin giảm, tiểu cầu giảm, albumin máu giảm, PT kéo dài và bilirubin máu tăng gợi ý xơ gan tiến triển. Ngoài ra, hemoglobin giảm còn do tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân xơ gan. Bạch cầu tăng gợi ý nhiễm trùng – yếu tố thúc đẩy thường gặp trong nghiên cứu của chúng tôi.

Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận NH3 máu tăng chiếm tỷ lệ 93,9%

và NH3 máu bình thường chiếm tỷ lệ 6,1% trong tổng số bệnh nhân. Ở các mức độ bệnh não gan khác nhau, NH3 máu tăng đều chiếm đa số (độ II là 81,8%, độ III là 95,7% và độ IV là 94,1%). NH3 máu bình thường ở nhóm bệnh não gan độ II, độ III và độ IV chiếm tỷ lệ lần lượt là 18,2%, 4,3% và 5,9%. NH3 máu tăng là một trong những cơ chế bệnh sinh của bệnh não gan.

Nồng độ NH3 tăng ở đa số bệnh nhân bệnh não gan nhưng vẫn có khoảng 10% bệnh nhân bệnh não gan có nồng độ NH3 máu bình thường [16], [23].

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của nồng độ NH3. Thứ nhất, một số tác giả cho rằng nồng độ NH3 khác nhau khi lấy máu ở những vị trí khác nhau (động mạch, tĩnh mạch). Thứ hai, trong quá trình lấy máu nếu sử dụng garô hoặc bệnh nhân nắm chặt bàn tay thì có thể làm tăng NH3 máu giả tạo. Thứ ba, nồng độ NH3 còn phụ thuộc vào thời gian xử lý mẫu máu. Kết quả có thể không chính xác nếu mẫu máu không được đặt ngay trong bồn đá hoặc không được phân tích trong vòng 15 phút sau khi lấy [16], [61]. Ngay cả việc lấy và xử lý mẫu máu thích hợp, nồng độ NH3 cũng không chẩn đoán bệnh não gan một cách đáng tin cậy. Nghiên cứu của Gundling [40] ghi nhận khoảng 60%

bệnh nhân bệnh não gan độ III có nồng độ NH3 máu bình thường. Nghiên cứu của Ong [63] cho thấy bệnh nhân xơ gan không bệnh não gan có nồng độ NH3

máu bình thường chỉ chiếm 31%. Nói cách khác, những bệnh nhân với nồng độ NH3 máu bình thường có thể bị bệnh não gan và những bệnh nhân với nồng độ NH3 máu tăng có thể có chức năng nhận thức bình thường. Do đó, nồng độ NH3 máu không phải là một công cụ có giá trị để chẩn đoán bệnh não gan. Bệnh não gan là một chẩn đoán lâm sàng sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác gây rối loạn chức năng não, chẩn đoán không phụ thuộc nồng độ NH3 máu.

Một phần của tài liệu Đặc điểm yếu tố thúc đẩy bệnh não gan lâm sàng ở bệnh nhân xơ gan (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)