NHỮNG QUAN HỆ VỀ NGHĨA TRONG TỪ VỰNG

Một phần của tài liệu Dẫn luận ngôn ngữ TỔNG QUAN về NGÔN NGỮ và NGÔN NGỮ học (Trang 40 - 44)

Từ vựng của mỗi ngôn ngữ là một hệ thống ngữ nghĩa lớn. Quan hệ đồng nhất - đối lập về ngữ nghĩa là quan hệ nổi bật trong hệ thống. Sau đây là các tiểu hệ thống từ (trường nghĩa) và các nhóm từ thể hiện quan hệ ngữ nghĩa đó.

I. TRƯỜNG NGHĨA 1. Khái niệm:

Trường nghĩa là những tập hợp từ đồng nhất với nhau về nghĩa từ vựng.

Chẳng hạn trường nghĩa “đồ dùng” là một tập hợp từ, tất cả các từ đều có chung nét nghĩa khái quát trên: bàn, ghế, giường, tủ, sách, bút cặp, kệ, chiếu, chăn, áo, quần, đèn, thìa, chén, bát, dao, kéo ...

Xét trong mối tương quan với hiện thực, trường nghĩa gồm những từ mà nghĩa của chúng gắn với một mảng chung các hiện tượng thực tế. Ví dụ: mảng hiện thực “thời gian” có nhiều từ biểu thị, những từ đó tập hợp thành trường nghĩa “thời gian”: giây, phút, giờ, ngày, tuần, tháng, quí, năm, thế kỷ, thập kỷ, thiên niên kỷ;

sáng, trưa, chiều, tối, bình minh, hoàng hôn, đêm; xuân, hạ, thu, đông ...

Xét về cấu tạo, trường nghĩa gồm những từ có chung một cấu trúc biểu niệm. Cấu trúc biểu niệm là tổ chức một số nét nghĩa khái quát. Sau đây là một số ví dụ:

- (Hoạt động tác động đến vật) (làm vật dời chỗ)*

đẩy, xô, ẩy, đun, đá, đạp, hất ...

kéo, lôi, co, giật, rút, hút ...

quăng, quẳng, ném, phóng, lao, lia, buông, thả, gieo, rắc, vãi, dội, chan, tưới, đổ, trút ...

- (Đặc điểm cấu tạo của chất rắn) (bộc lộ hoặc hình thành qua tác động) rắn, cứng, mềm, chắc, bền, dai, dẻo, nhẽo, dòn ...

bở, mục, ải, nhũn, rục, nhừ, dừ ...

rời, bủn, vụn, mủn, rữa, vữa, nát ...

2. Sự phân hóa của trường nghĩa:

Mức độ đồng nhất trong các trường nghĩa không giống nhau. Trường nghĩa càng rộng, mức độ đồng nhất càng thấp, trường nghĩa càng hẹp mức độ đồng nhất càng cao. Chẳng hạn, trường nghĩa “Người” sẽ rộng hơn nhiều so với trường nghĩa “(người) (xét theo giới tính)”.

Các trường nghĩa lớn có thể phân hóa thành các trường nghĩa nhỏ hơn nằm trong nó. Các trường nghĩa nhỏ lại tiếp tục phân hóa và cuối cùng ta sẽ có những trường nghĩa gồm các từ có nghĩa đồng nhất gần như hoàn toàn.

Đó là các từ đồng nghĩa.

Dưới đây là sự phân hóa trường nghĩa: (Hoạt động tác động đến vật) (làm vật dời chỗ) thành 2 trường nghĩa (1), (2); (2) tiếp tục phân hóa thành (2a) và (2b); (2b) tiếp tục phân hóa thành (2b1) và (2b2).

(1) (Hoạt động) (làm vật dời chỗ) (đến gần chủ thể) kéo. lôi, co, giật, rút, hút

(2) (Hoạt động) (làm vật dời chỗ) (ra xa chủ thể) đẩy, xô, ẩy, đun, đá, đạp, hất ...

ném, phóng, lao, lia, buông, thả, quăng, quẳng ...

(2a) (Hoạt động) (làm vật dời chỗ) (ra xa chủ thể) (vật ở ngoài chủ thể) đẩy, xô, ẩy, đun, hất. đá, đạp ...

(2b) (Hoạt động) (làm vật dời chỗ) (ra xa chủ thể) (vật được chủ thể mang theo mình) ném, phóng, lao, lia, quăng, quẳng, buông, thả... (2b1) (Hoạt động) (làm vật dời chỗ) (ra xa chủ thể)

(vật được chủ thể mang theo mình) (dời chỗ vật bằng lực) ném, phóng, lao, lia, quăng, quẳng

(2b2) (Hoạt động) (làm vật dời chỗ) (ra xa chủ thể) (vật được chủ thể mang theo mình) (chủ thể không cần tạo lực để dời chỗ vật)

buông, thả

3. Vần đề trung tâm và ngoại vi của trường nghĩa:

Khi phân lập các trường nghĩa, chúng ta chỉ chú ý đến nghĩa của từ, không chú ý đến từ. Bởi vậy một từ có thể nằm ở nhiều trường nghĩa khác nhau nếu từ đó có nhiều nghĩa.

Ví dụ: từ “xuân” có bao nhiêu nghĩa sẽ nằm ở bấy nhiêu trường nghĩa:

- xuân, hạ, thu, đông ... (xuân: mùa chuyển tiếp từ đông sang hạ, thường được coi là mở đầu một năm) - xuân, tuổi, tuổi ta, tuổi tây, tuổi tác, tuổi tôi … (xuân: năm, dùng để tính thời gian đã trôi qua hay tuổi con người)

- xuân, trẻ, trẻ trung, trẻ măng, trung niên, sồn sồn, già, già cả, già khụ, già cấc, già khọm ... (xuân: thuộc về tuổi trẻ, coi là tươi đẹp, tràn đầy sức sống)

Tất cả những từ chỉ nằm trong một trường nghĩa là những từ điển hình của trường đó, làm thành cái lõi trung tâm của trường, qui định đặc trưng ngữ nghĩa của trường, quyết định sự tồn tại của trường. Các từ có thể nằm ở nhiều trường là những từ trung gian, tạo thành vùng ngoại vi của trường. Các trường nghĩa giao thoa với nhau ở vùng ngoại vi. Số từ nhiều nghĩa càng nhiều, vùng ngoại vi của trường nghĩa càng lớn.

II. HIỆN TƯỢNG ĐỒNG NGHĨA 1. Khái niệm

Đồng nghĩa là những từ gần nhau về nghĩa, khác nhau về âm thanh, biểu thị các sắc thái khác nhau của một khái niệm.

Ví dụ: Các từ “cho”, “biếu”, “tặng” cùng thể hiện một khái niệm “chuyển quyền sở hữu cho người khác, không đổi lấy vật gì cả” nhưng chúng có những sắc thái nghĩa khác nhau:

cho: (Chuyển cái sở hữu của mình) (sang người khác) (không đổi lấy gì cả). Anh cho em chiếc đồng hồ.

biếu: (Chuyển cái sở hữu của mình) (sang người lớn tuổi, người có địa vị xã hội cao hơn hoặc ngang bằng) (không đổi lấy gì cả) (nhằm tỏ lòng quí mến) (có sắc thái trang trọng lịch sự). Cháu biếu bà gói bánh.

tặng: (Chuyển cái sở hữu của mình) (sang người khác) (không đổi lấy gì cả) (nhằm khuyến khích, khen ngợi hoặc tỏ lòng quí mến) (có sắc thái trang trọng, lịch sự).

Có thể thấy từ “tặng” khác từ “cho” ở nét nghĩa mục đích và nét nghĩa biểu thái. Từ “biếu” khác từ “cho” ở nét nghĩa đối tượng, nét nghĩa mục đích và nét nghĩa biểu thái. Chúng biểu thị các “sắc thái khác nhau của một khái niệm”.

III. HIỆN TƯỢNG TRÁI NGHĨA 1. Khái niệm

Trái nghĩa là những từ khác nhau về ngữ âm, đối lập về ý nghĩa, biểu thị những khái niệm tương phản về lô gich nhưng tương liên lẫn nhau.

Từ điển Tiếng Việt (1997) giải thích tương liên là có mối quan hệ liên kết với nhau, tương ứng nhau. Các từ trái nghĩa biểu thị những khái niệm tương phản nhưng tương liên vì những khái niệm đó phải cùng loại, tức là gắn liền với một phạm vi sự vật.

Chẳng hạn: nặng - nhẹ là cặp từ trái nghĩa chỉ trọng lượng.

sớm - muộn là cặp từ trái nghĩa chỉ thời gian.

trên - dưới

trong - ngoài là những cặp từ trái nghĩa chỉ vị trí.

trước - sau

Những từ đối lập về ngữ nghĩa nhưng không tương liên, không cùng chỉ một phạm vi sự vật thì không phải là những từ trái nghĩa.

Chẳng hạn, trong các câu:

- Cuốn sách này đẹp nhưng đắt.

- Cô gái ấy khỏe mạnh nhưng lười biếng.

các từ “đẹp, đắt”; “khỏe mạnh, lười biếng” tuy chỉ những khái niệm đối lập nhưng không phải là các cặp từ trái nghĩa vì không cùng loại: “đẹp” chỉ đặc điểm thẩm mỹ còn “đắt” chỉ đặc điểm giá trị hàng hóa của vật.

Tương tự, “khỏe mạnh” chỉ đặc điểm sinh lý, còn “lười biếng” lại biểu thị đặc điểm tính cách của người.

Các từ trong cặp trái nghĩa phải đồng nhất với nhau ở tất cả các nét nghĩa, trừ nét nghĩa đối lập (nét nghĩa bị lưỡng cực hóa). Đây là đặc điểm bản chất quan trọng nhất với từ trái nghĩa. Nếu các nét nghĩa căn bản của các từ đồng nghĩa phải đồng nhất với nhau thì cặp từ trái nghĩa phải có các nét nghĩa đối lập.

Ví dụ:

cứng: (Đặc điểm trạng thái cấu tạo) (của chất rắn) (khó biến dạng) (qua một lực) mềm: (Đặc điểm trạng thái cấu tạo) (của chất rắn) (dễ biến dạng) (qua một lực)

Cặp trái nghĩa “cứng - mềm” có hai nét nghĩa đối lập, loại trừ nhau: “khó biến dạng - dễ biến dạng”, các nét nghĩa còn lại hoàn toàn đồng nhất.

Nếu hai từ cũng đối lập nhau, cũng có nét nghĩa lưỡng cực hóa nhưng không đồng nhất ở các nét nghĩa còn lại thì không phải là hai từ trái nghĩa. Từ “cứng” không trái nghĩa với từ “dẻo” do từ “dẻo”, ngoài những nét nghĩa giống từ “mềm”, còn có thêm nét nghĩa “khó phá vỡ liên kết toàn khối”.

IV. HIỆN TƯỢNG ĐỒNG ÂM 1. Khái niệm:

Đồng âm là hiện tượng các từ giống nhau về vỏ ngữ âm nhưng hoàn toàn khác nhau về nghĩa:

Ví dụ 1: Trong tiếng Việt có 7 từ “đồ” đồng âm sau:

đồ 1: Người sống bằng nghề dạy chữ nho thời trước.

(Cụ đồ nho)

đồ 2: Vật do con người tạo ra để dùng vào một việc cụ thể nào đó trong đời sống hàng ngày.

(Đồ ăn thức uống; đồ chơi trẻ con) đồ 3: Viết hoặc vẽ đè lên những nét đã có sẵn.

(Đồ chữ để tập viết) đồ 4: Hình phạt thời phong kiến, đày đi làm khổ sai.

(Phải tội đồ năm năm)

đồ 5: Nấu trong nồi chõ cho chín bằng sức nóng của hơi nước.

(Đồ xôi; Tôm đồ) đồ 6: Bôi hoặc đắp thuốc đông y lên trên.

(Đồ thuốc vào vết thương) đồ 7: Dựa vào điều đã biết mà đoán chừng.

(Tôi đồ rằng anh ấy đã có ý định mới)

Đồng âm là hiện tượng phổ biến trong các ngôn ngữ. Những ngôn ngữ nào có nhiều từ đơn, từ chỉgồm vài âm tiết như tiếng Anh, hiện tượng đồng âm dễ xảy ra hơn những ngôn ngữ khác. Đặc biệt, các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt, tiếng Trung, hiện tượng đồng âm phổ biến hơn các ngôn ngữ Ấn Âu.

Ví dụ 2: Trong tiếng Anh có hai từ “coper” đồng âm:

coper 1 (anh lái ngựa) coper 2 (quán rượu nổi)

Đồng âm có thể xảy ra trong nhiều cấp độ ngôn ngữ như đồng âm của các đoạn lời nói, đồng âm của các hình vị ... Đồng âm cũng xảy ra giữa các đơn vị ngôn ngữ khác cấp độ như từ đồng âm với hình vị, cụm từ đồng âm với từ. Nhưng phổ biến nhất là đồng âm giữa các từ: các từ đồng âm.

2. Phân loại các từ đồng âm

Mỗi ngôn ngữ có một cách phân loại riêng về từ đồng âm. Sau đây là một cách phân loại gần gũi với cả tiếng Anh và tiếng Việt:

a. Đồng âm từ vựng học:

Đồng âm từ vựng học là hiện tượng các từ giống nhau về cả vỏ ngữ âm và chữ viết, khi biến dạng chúng trùng nhau ở hầu hết các dạng thức ngữ pháp.

Các từ đồng âm tiếng Việt thuộc loại đồng âm từ vựng học. Trong tiếng Anh cũng có loại đồng âm này:

jet 1 (màu đen hạt huyền) jet 2 (tia nước)

lap 1 (vạt áo, vạt váy) lap 2 (vòng chạy, vòng đua) b. Đồng âm ngữ âm học:

Đồng âm ngữ âm học là hiện tượng các từ có vỏ ngữ âm giống nhau nhưng chữ viết khác nhau.

Đồng âm ngữ âm học phổ biến trong tiếng Anh:

see (nhìn) sea (biển)

son (con trai) sun (mặt trời) dear (thân thiết) deer (con hươu) right (phải) write (viết)

Trong tiếng Việt cũng có hiện tượng đồng âm ngữ âm học:

(cái gì) dì (dì ruột)

giáng (giáng cho một đòn) dáng (dáng đứng) c. Đồng âm hình thái học:

Đồng âm hình thái học là hiện tượng các từ đồng âm ở một vài dạng thức ngữ pháp, các dạng thức còn lại không giống nhau.

Ví dụ 1: meat (thịt) đồng âm với meet (gặp) nhưng ở các dạng còn lại của động từ meet không đồng âm như met (gặp - quá khứ).

Ví dụ 2: saw (cái cưa) và see (nhìn) không đồng âm nhưng saw (cái cưa) và saw (nhìn - quá khứ) đồng âm

Đồng âm hình thái học chỉ xảy ra ở các ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, tiếng Nga v.v... Trong tiếng Việt không có loại đồng âm này.

Cần phân biệt từ đồng âm với từ đồng tự. Đồng tự là các từ có chữ viết giống nhau nhưng vỏ ngữ âm (phát âm) khác nhau.

Ví dụ: tear [t εə] (xé, bứt mạnh) tear [tiə] (nước mắt)

row [rou] (dãy)

row [rau] (cuộc cãi vã)

3. Phân biệt đồng âm với đa nghĩa a. Giống nhau:

Từ đa nghĩa và các từ đồng âm đều có một điểm chung: cùng một hình thức ngữ âm tương ứng với nhiều ý nghĩa. Do đó dẫn đến hiện tượng nhầm lẫn giữa các từ đồng âm và từ nhiều nghĩa. Đứng trước một vỏ âm thanh tương ứng với hai nghĩa trở lên, người sử dụng ngôn ngữ không biết đó là một từ nhiều nghĩa hay các từ đồng âm. Do đó người ta đưa ra các tiêu chí khác nhau để dễ phân biệt.

b. Khác nhau:

- Đồng âm là hiện tượng xảy ra giữa các từ. Nhiều nghĩa là hiện tượng xảy ra trong một từ.

- Giữa các nghĩa của những từ đồng âm hoàn toàn khác nhau không có mối liên hệ nào.

Ví dụ: chỉ 1 (chỉ tay về phía cánh đồng) chỉ 2 (sợi chỉ)

Ngược lại, giữa các nghĩa của một từ đa nghĩa có mối quan hệ nhất định, thể hiện ở các điểm sau:

+ Trong từ đa nghĩa thường có một nghĩa gốc. Các nghĩa còn lại phái sinh từ nghĩa gốc, hình thành dựa vào một nét nghĩa nào đó của nghĩa gốc.

Ở từ “đầu” của tiếng Việt (ví dụ dẫn ở bài trước), nghĩa (1) là nghĩa gốc. Các nghĩa còn lại là nghĩa phái sinh.

Nghĩa (2) hình thành dựa vào nét nghĩa “nơi có bộ óc và nhiều giác quan khác” của nghĩa (1). Nghĩa (3) phát triển từ nét nghĩa “có tóc hoặc có lông” của nghĩa (1). Nghĩa (4), (5), (6), (7) hình thành từ nét nghĩa vị trí “trên cùng hoặc trước hết” của nghĩa (1). Nghĩa (8) phát triển từ nét nghĩa “bộ phận cơ thể động vật” của nghĩa (1).

+ Giữa các nghĩa của một từ nhiều nghĩa thường có một nét nghĩa chung, móc nối chúng lại với nhau làm thành một kết cấu.

Ví dụ: từ “áo” (ví dụ dẫn ở bài trước) có 4 nghĩa. Các nghĩa đó có chung nét nghĩa chức năng “bọc ngoài, che phủ”.

+ Giữa các nghĩa của từ đa nghĩa có sự chuyển nghĩa. Sự chuyển nghĩa thường theo hai phương thức cơ bản: ẩn dụ hoặc hoán dụ. Ví dụ: từ nghĩa (1) của từ “đầu” chuyển sang nghĩa (2), (3), (8) theo phương thức hoán dụ, chuyển sang nghĩa (4), (5), (6), (7) theo phương thức ẩn dụ.

Một phần của tài liệu Dẫn luận ngôn ngữ TỔNG QUAN về NGÔN NGỮ và NGÔN NGỮ học (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w