Bài 13. PHÂN LOẠI NGÔN NGỮ THEO NGUỒN GỐC VÀ PHÂN LOẠI NGÔN NGỮ THEO LOẠI HÌNH I. PHÂN LOẠI NGÔN NGỮ THEO NGUỒN GỐC
1. Cơ sở phân loại ngôn ngữ theo nguồn gốc
Trong lịch sử, vì một lý do nào đó, một ngôn ngữ có thể bị phân ly thành nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ngôn ngữ bị phân ly được gọi là ngôn ngữ mẹ hay ngôn ngữ cơ sở.
Ví dụ, tham khảo giáo trình “Lịch sử ngữ âm tiếng Việt” của G.S. Nguyễn Tài Cẩn, ta biết ngôn ngữ cơ sở đã phân ly thành tiếng Việt và tiếng Mường xảy ra cách đây hơn 1000 năm. Đi ngược lên quá khứ xa hơn nữa, có thể thấy các ngôn ngữ vùng Pakitan bên Lào (ngày nay là các tiếng Maleng, Arem) bị chia tách ra khỏi ngôn ngữ cơ sở Việt Mường cách đây khoảng 2300 đến 2500 năm.
Những quá trình phân ly như trên đã tạo ra các ngôn ngữ ngày nay và nó vẫn để lại dấu ấn về sự giống nhau và khác nhau trong những ngôn ngữ ấy. Vì vậy, chúng ta có thể tìm tòi ngược về quá khứ của những ngôn ngữ được giả định vốn cùng “sinh ra” từ một ngôn ngữ cơ sở để qui chúng vào những nhóm, nhánh, dòng, họ ...
nhất định tùy theo mức độ thân thuộc của chúng. Đó là sự phân loại các ngôn ngữ theo nguồn gốc.
Ngôn ngữ học dùng thuật ngữ “họ ngôn ngữ”, “ngữ hệ” hay “ngữ tộc” để chỉ tập hợp các ngôn ngữ có chung nguồn gốc cổ xưa nhất. Trong một họ, những ngôn ngữ thân thuộc, có chung gốc trực tiếp hơn được gọi là một dòng. Những ngôn ngữ chung một trực tiếp hơn nữa được gọi là một nhánh v.v... Cứ như vậy, mỗi họ ngôn ngữ có thể bao gồm nhiều dòng, mỗi dòng bao gồm nhiều nhánh, mỗi nhánh bao gồm nhiều chi nhánh v.v... rồi đến các ngôn ngữ cụ thể.
2. Phương pháp so sánh - lịch sử
Để phát hiện ra sự cùng chung nguồn gốc của các ngôn ngữ, người ta dùng phương pháp so sánh-lịch sử.
Nội dung của phương pháp này là so sánh các từ và các dạng thức của từ tương tự nhau về ý nghĩa và âm thanh trong các ngôn ngữ khác nhau dựa vào tài liệu ngôn ngữ sống cũng như những sự kiện hiện tượng được lưu lại trên văn hóa và thư tịch cổ. Phương pháp so sánh này dựa vào diễn biến lịch sử của các ngôn ngữ nên được gọi là phương pháp so sánh-lịch sử.
Khi so sánh cần phải chú ý:
(1) Việc so sánh phải tiến hành trên cả ba mặt: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Cơ sở của sự so sánh là sự giống nhau về âm và nghĩa loại trừ những sự giống nhau sau:
- Giống nhau ngẫu nhiên. Ví dụ nhiều ngôn ngữ Đông Nam Á và Tây Phi đều có thanh điệu và giống nhau ở nhiều điểm về ngữ pháp nhưng không có quan hệ họ hàng với nhau. Hoặc có nhiều từ đồng âm ngẫu nhiên trong các ngôn ngữ như “mau lên” của tiếng Việt với “gao len” của tiếng Sênêgan; “may” của tiếng Việt với “hay” của tiếng Măng đê, “tên” của tiếng Việt với “ten” của tiếng Etskimo ... nhưng các ngôn ngữ kể trên với tiếng Việt không cùng nguồn gốc.
- Giống nhau do sự vay mượn. Ví dụ tiếng Việt và tiếng Hán khác họ nhưng tiếng Việt vay mượn rất nhiều từ của tiếng Hán.
- Giống nhau do mô phỏng để tạo ra các từ tượng thanh. Từ tượng thanh của các ngôn ngữ có thể giống nhau một phần vì chúng đều mô phỏng âm thanh trong thế giới tự nhiên.
Phương pháp so sánh – lịch sử chỉ chú ý đến sự giống nhau giữa các ngôn ngữ do cùng chung nguồn gốc.
Bởi vậy khi so sánh cần chọn lớp từ vựng cơ bản, từ vựng gốc của mỗi ngôn ngữ. Từ vựng cơ bản là lớp từ rất bền vững, không bị thay đổi qua nhiều thế kỷ, có nguồn gốc xa xưa nhất và được sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi.
Chúng là lớp từ còn bảo lưu được những đặc điểm cổ xưa nhất. Đó là những từ chỉ số đếm (một, hai, ba ...), những từ chỉ bộ phận thân thể (mắt, mồm, mũi, chân ...), những từ chỉ quan hệ gia đình (mẹ, anh, chị, em ...), những từ chỉ các thực phẩm quen thuộc (gạo, mắm, muối ...), những từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên (trời, trăng, sông, núi, nước, sấm ...), những từ chỉ các vật thiết yếu trong đời sống (măng, tre, trứng, gà ...) v.v...
(2) Phương pháp so sánh-lịch sử không đòi hỏi các sự kiện được so sánh phải bắt buộc giống nhau hoàn toàn mà chỉ cần tương ứng nhau một cách có qui luật và theo từng loạt. Chẳng hạn, tiếng Việt và tiếng Mường có hàng loạt từ tương ứng:
Việt gà gái gạo gốc gáy ghét gấu ba bốn bảy bay Mường ca cải cáo cốc cắt két củ pa pốn pảy păn
Phương pháp so sánh lịch sử không những xác định được nguồn gốc lịch sử các ngôn ngữ mà còn xác định được qui luật phát triển lịch sử của chúng. Phương pháp này chẳng những xác định được bản chất chung giữa những ngôn ngữ cùng nguồn gốc mà còn xác định được đặc điểm riêng của mỗi ngôn ngữ trong ngữ tộc. Từ đó, có thể phục nguyên các từ và dạng thức từ chung cho cả loạt ngôn ngữ, tiến đến việc khôi phục hình vẻ xưa kia của một ngôn ngữ.
3. Một số họ ngôn ngữ chủ yếu
Các nhà ngôn ngữ học đã nghiên cứu và phân ra được hơn 20 họ ngôn ngữ khác nhau. Sau đây là một số họ ngôn ngữ chủ yếu:
(1) Họ Ấn Âu a) Dòng Ấn Độ
- Hinđi (ngôn ngữ quốc gia Ấn Độ) và Urơđu (ngôn ngữ quốc gia của Pakistan).
- Bengali, Pangiabi, Lakhơđa, Xinđơkhi, Ragiastơkhani,Gugiarati, Maratkhi, Xingan, Nêpali, Bikhari, Oria, Axamxki, Kasmia, Sưgan v.v...
b) Dòng Irăng
Batư, Pastô (ngôn ngữ quốc gia của Apganistan), Baluchi, Tagic Kuôcđơ, Osetin, Tatski, Talưsơ, v.v...
c) Dòng Slavơ
- Nhánh đông: Nga, Ukrain, Belôrutsi.
- Nhánh nam: Bungari, Makêđôn, Secbôkhôrovat, Xlôven ...
- Nhánh tây: Tiệp, Slovac, Balan, Kasubơ, Seboludi ...
d) Dòng Bantích:
Litva, Latvia (Lettôni), Latgan.
e) Dòng Giécman:
- Nhánh bắc: Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy, Aixlen.
- Nhánh tây: Anh, Hà Lan, Phrido, Đức, Iđisơ f) Dòng Roman:
Pháp, Provăngxơ, Itali, Xacđin, Tây Ban Nha, Katalan, Bồ Đào Nha, Rumani, Mônđavi, Arômun, Rêtôroman, Kreon.
g) Dòng Kentơ: Irolan, Xcôtlan, ngôn ngữ của đảo Man, Bretôn, Gali.
h) Dòng Hy Lạp: tiếng Hy Lạp.
i) Dòng Anbani
k) Dòng Arơmian (Acmênia) (2) Họ Xmit - Hmit
a) Dòng Xmit b) Dòng Kusit c) Dòng Becbéc d) Dòng Sađô – Hmit (3) Họ Kapkadơ
a) Dòng tây b) Dòng Nacsơ c) Dòng Daghextan d) Dòng Kactơven (4) Họ Ugo – Phần Lan a) Dòng Ugo
b) Dòng Phần Lan
(5) Họ Tuyêc (họ Thổ Nhĩ Kỳ)
Gồm các tiếng: Thổ Nhĩ Kỳ, Adecbaigiăng, Tuyêcmêni, Gagauđơ,
Krơmxkô – Tatarơ Karachaep, Bankarơ, Kumức, Nôgai, Karaim, Udơbêch v.v...
(6) Họ Mông Cổ: Gồm các tiếng: Khankha, Buriat, Kanmức
(7) Họ Hán Tạng
a) Dòng Hán Thái: gồm các tiếng Hán, Đunga, Pupéo, Thái, Lào, Choang, Tày – Nùng, Lự, Cao Lan, Sán Chỉ, Giáy, La Ha.
b) Dòng Tạng Miến: gồm các tiếng Tạng, Miến Điện, các tiếng ở bắc Việt Nam: Hà Nhì, La Hủ, Côông, Si La, Lô Lô, Phù Xá, ...
c) Dòng Mèo – Dao: tiếng Mèo (Hmông), Dao, Pà Thển ở bắc Việt Nam.
(8) Họ Môn – Khơme
a) Các tiếng Munđa, Xantali, Munđari, Kho, Khumagie b) Tiếng Khmer
c) Tiếng Môn
Tiếng Việt, Mường, Bana, Khmú, Katu ... ở Việt Nam thuộc họ này.
(9) Họ Mã Lai – Đa đảo a) Dòng Mã Lai b) Dòng Polinêdi
(10) Các ngôn ngữ thổ dân Châu Phi a) Các ngôn ngữ Bantu
b) Các ngôn ngữ Bantôit (đông) c) Các ngôn ngữ Bantôit (trung tâm) d) Các ngôn ngữ Bantôit (tây) e) Các ngôn ngữ Manđơ f) Các ngôn ngữ Gvinây g) Các ngôn ngữ Xongai h) Các ngôn ngữ Kanuritêđa
i) Các ngôn ngữ trung và đông Xudăng j) Các ngôn ngữ Kôcđôphăng
k) Các ngôn ngữ Nilốt
(11) Các ngôn ngữ Bắc Mỹ: Gồm các thứ tiếng: Angonkin, Irôkedơ, Xiu, Natchêdơ-Muxkôgơ ...
(12) Các ngôn ngữ trung Mỹ: Gồm các tiếng: Utoaxtec, Maija, Otômang, Chipcha, v.v...
(13) Các ngôn ngữ Nam Mỹ: Gồm các thứ tiếng:Tupi, Guarani, Kêchoa, Anavac, Araukan v.v...
II. PHÂN LOẠI NGÔN NGỮ THEO LOẠI HÌNH 1. Khái niệm
a. Phân loại ngôn ngữ theo loại hình là cách phân loại căn cứ vào cấu trúc và chức năng của ngôn ngữ.
Kết quả của cách phân loại này sẽ tạo ra các loại hình ngôn ngữ.
b. Loại hình ngôn ngữ
Loại hình ngôn ngữ là hệ thống những đặc điểm về cấu trúc và chức năng của một nhóm ngôn ngữ nhằm phân biệt nhóm đó với nhóm ngôn ngữ khác.
Như vậy loại hình ngôn ngữ không phái là một nhóm ngôn ngữ, cũng không phải là một ngôn ngữ cụ thể nào mà chỉ là những đặc trưng bản chất của các ngôn ngữ nào đó. Ví dụ: các ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Thái, tiếng Khmer ... là một nhóm vì chúng có một số đặc điểm chung về cấu trúc và chức năng sau:
- từ không biến đổi hình thái.
- nghĩa ngữ pháp và quan hệ ngữ pháp được thể hiện bằng trật tự từ và hư từ.
- ranh giới hình vị trùng với ranh giới âm tiết.
Ba đặc điểm trên có liên quan đến nhau, chúng hợp lại thành một hệ thống, người ta gọi hệ thống đặc điểm đó là loại hình ngôn ngữ đơn lập.
Xét riêng từng ngôn ngữ, người ta thấy mỗi thứ tiếng thường có ba loại thuộc tính: (1) thuộc tính phổ quát chung cho tất cả các ngôn ngữ (gọi là phổ niệm), (2) thuộc tính riêng biệt chỉ có ở ngôn ngữ đó, (3) thuộc tính loại hình là đặc trưng chung cho một nhóm ngôn ngữ nhất định, là tiêu chuẩn để qui định vị trí của một ngôn ngữ nào đó khi phân loại theo cấu trúc.
c. Phương pháp so sánh loại hình
Phương pháp so sánh-loại hình là phương pháp so sánh hai hay nhiều ngôn ngữ với nhau để tìm hiểu những điểm giống nhau hay khác nhau giữa chúng về cấu trúc ngữ pháp.
Phương pháp so sánh-loại hình hướng vào hiện tại, vào trạng thái đồng đại của các ngôn ngữ. Khi so sánh các ngôn ngữ, người ta có thể xuất phát trên cả ba mặt: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của các ngôn ngữ nhưng sự so sánh cấu trúc ngữ pháp quan trọng nhất bởi vì từ vựng cơ bản và cấu trúc ngữ pháp là cơ sở của các ngôn ngữ tạo nên tính riêng biệt của chúng. Qua so sánh, các nhà ngôn ngữ học có thể rút ra những thuộc tính loại hình của từng ngôn ngữ. Căn cứ vào các thuộc tính loại hình người ta chia các ngôn ngữ trên thế giới thành các nhóm loại hình khác nhau.
2. Các loại hình ngôn ngữ
Các nhà ngôn ngữ thường đề cập đến bốn loại hình ngôn ngữ sau:
(1) Loại hình ngôn ngữ đơn lập
Tiêu biểu cho loại hình này là tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Thái, các tiếng Môn-Khmer, v.v... Đặc điểm chính của loại hình này là:
a) Từ không biến đổi hình thái
Mỗi từ dù đứng một mình hay đứng trong câu, dù có quan hệ ngữ pháp nào, mang nghĩa ngữ pháp hay chức năng ngữ pháp gì thì cũng chỉ có một hình thức ngữ âm duy nhất.
Ví dụ: từ “tôi” trong từ điển hay trong các câu “Tôi học bài.” “Ai gọi tôi đó?” cũng chỉ có một vỏ ngữ âm duy nhất.
Như vậy, với các ngôn ngữ đơn lập, hình thức của từ không chỉ ra mối quan hệ giữa các từ trong câu, không chỉ ra chức năng cú pháp của từ. Từ đứng trong câu cũng tương tự như đứng biệt lập một mình. Do đặc điểm này mà loại hình có tên gọi là “đơn lập”.
b) Quan hệ ngữ pháp và nghĩa ngữ pháp được biểu thị chủ yếu bằng hư từ và trật tự từ.
- Dùng hư từ biểu thị nghĩa ngữ pháp, quan hệ ngữ pháp:
Ví dụ: - những cuốn sách (những: nghĩa số nhiều) - mẹ của tôi (của: nghĩa sở hữu, quan hệ C – P)
- Dùng trật tự từ biểu thị nghĩa ngữ pháp, quan hệ ngữ pháp
Ví dụ 1: So sánh: - Anh không đi. (từ “không” đứng trước từ “đi”, câu có nghĩa tường thuật - phủ định) - Anh đi không? (từ “không” đứng sau từ “đi”, kết hợp với ngữ điệu nghi vấn, câu có nghĩa nghi vấn)
Ví dụ 2: xe chạy (quan hệ chủ – vị) C V
chạy xe (quan hệ chính – phụ) C P
c) Trong một số ngôn ngữ thuộc loại hình này như tiếng Việt, tiếng Hán, ranh giới hình vị trùng với ranh giới âm tiết, tạo nên một loại đơn vị mà tiếng Việt gọi là “tiếng”. Tiếng có thể đứng độc lập, hoạt động với tư cách là một từ đơn tiết (ví dụ: ngon, ngọt, ăn, uống ...), có thể được dùng với tư cách là yếu tố cấu tạo từ (ví dụ:
ngon ngọt, ăn uống ...)
(2) Loại hình ngôn ngữ hoà kết (chuyển dạng)
Tiêu biểu cho loại hình này là một số ngôn ngữ thuộc họ Ấn Âu, tiếng Arập, một số ngôn ngữ Châu Phi v.v...
Loại hình này có các đặc điểm tiêu biểu sau:
a) Từ biến đổi hình thái để thể hiện nghĩa ngữ pháp và quan hệ ngữ pháp
Ví dụ: một từ của tiếng Anh có thể biến đổi thành các dạng thức sau: I, me I: nghĩa chủ thể, làm chủ ngữ (S) trong quan hệ chủ vị (S-V-O): I need you.
me: nghĩa đối tượng, làm bổ ngữ (O) trong câu cho động từ làm vị ngữ (S-V-O): You need me.
Do từ thay đổi hình thái để thể hiện nghĩa ngữ pháp nên nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp thường nằm trong một từ, không tách bạch được phần nào mang nghĩa từ vựng, phần nào của từ mang nghĩa ngữ pháp. Chính xuất phát từ điểm này mà người ta gọi các ngôn ngữ thuộc loại hình này là “hoà kết”.
b) Trong từ, các hình vị liên hệ chặt chẽ với nhau. Căn tố và phụ tố kết hợp thành một khối thống nhất.
Điều này được thể hiện ở chỗ căn tố cũng không thể đứng một mình nếu không có phụ tố đi kèm.
Ví dụ: Căn tố complet- chỉ có thể hoạt động được nếu có các phụ tố mang nghĩa từ loại (-e, -ion, -ive) đi kèm tạo ra thành các từ complete, completion, completive ...
c) Mỗi phụ tố có thể mang một hoặc nhiều nghĩa ngữ pháp. Ngược lại, một nghĩa ngữ pháp có thể được biểu đạt bằng nhiều phụ tố khác nhau.
Ví dụ 1: trong từ books, phụ tố –s mang nghĩa ngữ pháp số nhiều, trong từ reads (He reads book), phụ tố –s mang các nghĩa ngữ pháp: ngôi 3, số ít, thì hiện tại.
Ví dụ 2: nghĩa giống cái được biểu thị được biểu thị bằng các phụ tố ở sáu cách của danh từ tiếng Nga như –a (trong pyka), –u (trong pyku) –y (trong pyky) v.v...
Các ngôn ngữ thuộc loại hình hoà kết được chia thành hai nhóm:
- Nhóm các ngôn ngữ hoà kết - tổng hợp: là những ngôn ngữ mang đầy đủ ba đặc trưng loại hình vừa nêu trên, đặc biệt quan hệ giữa các từ trong cụm từ và câu được thể hiện bằng các dạng thức của từ. Nhóm hoà kết – tổng hợp có tiếng Nga, các ngôn ngữ Slavơ hiện đại và các ngôn ngữ viết Ấn Âu cổ (Hy Lạp cổ, tiếng Sanskrit, La tinh, Slavơ cổ ...)
- Nhóm các ngôn ngữ hòa kết - phân tích: là các ngôn ngữ đã giảm bớt sự biến đổi hình thái của từ và tăng cường sử dụng hư từ, trật tự từ để diễn đạt nghĩa ngữ pháp và biểu thị mối quan hệ giữa các từ trong cụm từ và câu. Nói cách khác, nhóm ngôn ngữ này gia tăng các phương tiện bên ngoài từ để biểu hiện nghĩa ngữ pháp và quan hệ ngữ pháp. Các ngôn ngữ thuộc nhóm này là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Bungari ...
(3) Loại hình ngôn ngữ chắp dính (niêm kết)
Thuộc loại hình này là các ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ, các ngôn ngữ Ugo – Phần Lan, tiếng Bantu v.v... Loại hình này có các đặc điểm sau:
a) Nghĩa ngữ pháp và quan hệ ngữ pháp được biểu hiện trong từ bằng phụ tố.
Ví dụ: một ngôn ngữ họ Thổ dùng phụ tố – dor hoặc – lar để thể hiện nghĩa ngữ pháp số nhiều của danh từ.
adam (người đàn ông) adamlar (những người đàn ông) col (bàn tay) coldor (những bàn tay)
Khác với ngôn ngữ hoà kết, hình vị trong các ngôn ngữ chắp dính có tính độc lập lớn và mối liên hệ giữa các hình vị không chặt chẽ: phụ tố cứ nối tiếp thêm một cách máy móc và cơ giới vào căn tố. Do đặc điểm này mà người ta gọi những ngôn ngữ thuộc loại hình này là “niêm kết” hay “chắp dính”.
b) Căn tố không biến đổi hình thái và có thể tồn tại, hoạt động độc lập khi không có phụ tố đi kèm. Đây là đặc điểm khác với loại hình ngôn ngữ hòa kết.
Ví dụ: Căn tố kyl (bàn tay) của tiếng Tacta có thể đứng một mình ở cách 1, số ít, hoạt động với tư cách là một từ. Tương tự, căn tố adam (đàn ông), col (bàn tay) cũng là từ ở số ít, có thể hoạt động độc lập.
c) Mỗi phụ tố chỉ biểu thị một nghĩa ngữ pháp, ngược lại, mỗi nghĩa ngữ pháp chỉ được biểu thị bằng một phụ tố.
Ví dụ: kyl (bàn tay, cách 1 số ít) kyllar (cách 1 số nhiều) kyl - nưn (cách 2 số ít) kyl - lar- nưn (cách 2, số nhiều) kyl - ga (cách 3, số ít) kyl-lar-ga (cách 3, số nhiều) kyl - nư (cách 4, số ít) kyl - lar - nư (cách 4 số nhiều
Qua ví dụ trên có thể thấy tiếng Tác-ta dùng phụ tố –lar biểu thị nghĩa số nhiều, –nưn biểu thị cách 2, –ga biểu thị cách 3, –nư biểu thị cách 4, –dan biểu thị cách 5, –da biểu thị cách 6. Như vậy nếu càng có nhiều nghĩa ngữ pháp, từ càng dài.
(4) Loại hình ngôn ngữ hỗn nhập (đa tổng hợp)
Các ngôn ngữ thuộc loại hình này là các tiếng Sucôt, Camsat, Suakhili, một số ngôn ngữ vùng Kapkadơ, một số ngôn ngữ Á cổ v.v...
Loại hình này có hai đặc điểm nổi bật:
a) Bên cạnh những đơn vị là từ, các ngôn ngữ thuộc loại hình này còn có những đơn vị nửa từ nửa câu được cấu tạo trên cơ sở một động từ.
Trong đơn vị đó có thể có cả bổ ngữ, trạng ngữ và nhiều khi cả chủ ngữ.
Ví dụ: tiếng Suakhili : atakupenda: Nó sẽ yêu anh