8. Phương pháp thu thập thông tin
1.2. Lý thuyết ứng dụng trong nghiên cứu
1.2.1. Thuyết nhu cầu
Mỗi con người đều có những nhu cầu về vật chất và tinh thần. Các nhu cầu của con người thường rất đa dạng, phong phú và phát triển. Nhu cầu của con người phản ánh mong muốn chủ quan hoặc khách quan tùy theo hoàn cảnh sống, yếu tố văn hóa, nhận thức và vị trí xã hội của họ.
Abraham Maslow (1908 – 1970) – nhà tâm lý học gốc Do Thái đã chia nhu cầu con người thành năm thang bậc từ thấp đến cao:
Nhu cầu sống còn: bao gồm nhu cầu về không khí, nước, thức ăn, quần
áo, nhà ở, nghỉ ngơi… Nếu nhu cầu cơ bản này không đạt được sẽ không thể tiến thêm ở bậc nhu cầu tiếp theo.
Nhu cầu an toàn: được sống trong thế giới hòa bình, không có chiến tranh, bạo lực, hiểm họa sau chiến tranh, xung đột vũ trang…
Nhu cầu thuộc vào một nhóm nào đó: là con người xã hội, con người có các nhu cầu giao tiếp, nhu cầu sự yêu thương, chia sẻ. Họ không muốn sự cô
đơn, bị bỏ ra ngoài lề xã hội, họ mong muốn có hạnh phúc gia đình, sự tham gia và thuộc vào một nhóm nào đó (gia đình, bạn bè, cộng đồng).
Nhu cầu được tôn trọng: tự tôn trọng là giá trị của chính cá nhân mỗi người, được người khác tôn trọng là sự mong muốn được người khác thừa nhận giá trị của mình.
Nhu cầu hoàn thiện: trong cuộc sống, ai cũng mong muốn tự khẳng định mình và được xã hội tạo điều kiện để hoàn thiện và phát triển cá nhân [16, tr163].
Vận dụng thuyết nhu cầu vào nghiên cứu này chúng ta thấy rằng: việc đề xuất các hoạt động CTXH nhóm nhằm tạo cơ hội cho nạn nhân tham gia vào các hoạt động nhóm như thảo luận, trao đổi, chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm;
đóng vai; trò chơi… sẽ giúp họ có cảm giác được thuộc về một nhóm. Đây là nhu cầu cơ bản bậc ba của con người được đưa ra trong năm bậc thang nhu cầu của con người, đứng sau nhu cầu cơ bản (ăn, mặc, ở) và nhu cầu an toàn.
Điều này đặc biệt quan trọng hơn cả đối với nạn nhân bom mìn. Bởi vì sau tai nạn, trong cuộc sống hàng ngày, bản thân các nạn nhân luôn sống trong cảm giác lo sợ, buồn chán vì ám ảnh bởi tai nạn, cảm giác mặc cảm, bị mọi người
xa lánh vì bây giờ họ đã trở thành người tàn tật, người thừa trong xã hội. Vì vậy, khi tham gia vào nhóm những nạn nhân có cùng hoàn cảnh, được chấp nhận và tôn trọng, họ sẽ cảm nhận được mình là một phần của nhóm, cảm thấy bản thân mình quan trọng và có giá trị. Nhờ sự tương tác qua lại giữa các thành viên trong nhóm với nhau, các thành viên tạo ra sự gắn bó với nhau và với nhóm.
1.2.2. Thuyết vai trò
Thông thường mỗi cá nhân có một hoặc nhiều vị trí, vai trò trong xã hội.
Vai trò bao gồm một hệ thống các nhiệm vụ, chức năng, chuẩn mực chỉ đạo hành vi con người. Những vai trò chỉ ra cụ thể cách thức nhằm đạt được mục tiêu và hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời cũng chỉ ra những nội dung hoạt động
cần thiết đòi hỏi phải có trong bối cảnh hoặc tình huống cho sẵn, tình huống bất ngờ [20, tr98].
Hầu hết các hành vi xã hội hàng ngày của cá nhân quan sát được thực ra
là những việc mà con người thực hiện trong vai trò của họ. Do đó, khi đề cập đến vai trò cho một vị trí nào đó, người ta có thể đoán trước được một phần lớn các hành vi của người đó trong vị trí mà họ sẽ có hoặc sẽ thể hiện.
Hành vi con người chịu sự chỉ đạo của những mong muốn của chính cá nhân họ hoặc của những người khác, không chỉ là những hành vi có ý thức
mà còn có những hành vi vô thức, mơ hồ. Những mong muốn cho mỗi vai trò
có thể khác nhau nhưng phù hợp với vai trò mà cá nhân thực hiện hoặc thể hiện trong đời sống hàng ngày của họ. Khi vai trò phù hợp với khả năng của
cá nhân thì cá nhân đó sẽ đảm trách tốt vai trò được kỳ vọng, được phân công.
Muốn thay đổi hành vi cá nhân trước, hết cần tạo cơ hội để cá nhân đó thay đổi vai trò.
Vận dụng thuyết vai trò vào nghiên cứu này chúng ta thấy rằng trong nhóm nhất định tồn tại các vị trí khác nhau, các vai trò khác nhau và các vị trí, vai trò này được phân công, thể hiện bởi các thành viên nhóm. Mỗi vị trí thể hiện chi tiết các vai trò bao gồm một chuỗi các chức năng cần thiết.
Vì vậy, khi là thành viên của nhóm trong các hoạt động, các cá nhân thành viên luôn đóng một vai trò cụ thể nào đó với những yêu cầu, nhiệm vụ được giao để thực hiện vai trò và họ luôn cố gắng để hoàn thành các chức năng đó. Sử dụng các luận điểm chính của thuyết này giúp nhân viên xã hội cũng như các nhóm xác định và phân công vị trí, đảm nhận phù hợp vai trò cho mỗi thành viên trong nhóm để họ tích cực tham gia, thể hiện, phát huy vai trò, năng lực góp phần thực hiện mục tiêu chung của nhóm.
Những nạn nhân bom mìn, mặc dù bên ngoài xã hội, mỗi cá nhân có những vị trí, vai trò khác nhau như bác nông dân, em học sinh, anh công nhân.. nhưng khi tham gia vào nhóm họ đều là những nhóm viên của mỗi
nhóm, tích cực tham gia các sinh hoạt nhóm và cùng chung nhiệm vụ hoàn thành các mục tiêu của nhóm đã đề ra.
Những nhóm viên tích cực còn thể hiện rõ vai trò bao quát, quán xuyến các hoạt động trong nhóm, hỗ trợ kịp thời các nhóm viên khác nhằm giúp họ theo kịp với nhịp độ chung của nhóm.
Đặc biệt, có những nhóm viên còn có sự rụt rè, bỡ ngỡ với vai trò mới của mình thì nhân viên xã hội và các nhóm trưởng cần có sự động viên, khích
lệ họ tham gia vào hoạt động chung của nhóm, khơi gợi những năng lực tiềm
ẩn của các cá nhân.
1.2.3. Thuyết trao đổi xã hội
Theo nhà xã hội học G.Homans, các cá nhân hành động theo nguyên tắc trao đổi các giá trị vật chất và tinh thần như sự ủng hộ, tán thưởng hay danh dự…[13, tr94]. Trao và có xu hướng nhận lại. Khi nhận nhiều, cá nhân sẽ cảm thấy có tác động, áp lực: “Của biếu là của lo của cho là của nợ”. Do đó, họ lại trao lại cho người đã trao cho họ một cái gì đó có giá trị tương ứng với cái
mà họ đã nhận. Nói cách khác, hành động của con người là cân bằng giữa chi phí và phần thưởng. Xu hướng cân bằng này thể hiện ở chỗ các cá nhân mong muốn đạt được những phần thưởng lớn nhất so với chi phí bỏ ra. Ông cho rằng toàn bộ các tương tác xã hội là một tập hợp phức tạp của những trao đổi.
Ứng dụng thuyết trao đổi xã hội trong CTXH nhóm là đưa ra quan điểm thành viên nhóm quan hệ tương tác với nhau thông qua sự trao đổi và dựa trên
ý niệm về sự công bằng. Khi nhận thức được sức mạnh của lợi ích cá nhân đạt được khi tham gia vào nhóm, trong các cơ hội lựa chọn của đối tượng cũng như các hành vi của họ sẽ tăng tính chính xác trong việc đánh giá, do vậy sẽ tăng hiệu quả can thiệp.
Trong trường hợp này, các nạn nhân bom mìn khi tham gia vào các hoạt động CTXH được đề xuất như: thảo luận, chia sẻ, đóng vai, trò chơi trị liệu...
sẽ quan tâm đến những lợi ích mà họ có được như những kiến thức cơ bản về
bom mìn, tai nạn bom mìn, cách phòng tránh cũng như việc thực hành những kiến thức đó như thế nào; những lợi ích khác như được hỗ trợ về tâm lý, tình cảm, được tạo điều kiện thể hiện bản thân… là những lợi ích khó đo đếm được bằng vật chất.
Do đó, để đạt được những lợi ích trên, các nạn nhân bom mìn phải xây dựng và hình thành nên các quan niệm, hành vi đúng đắn trên cơ sở các ý kiến, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên trong nhóm với nhau.
Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc rèn luyện những hành vi chuẩn mực, đúng đắn khi gặp tình huống nguy hiểm (gặp bom mìn, thấy người khác gặp tai nạn bom mìn…) nhằm giảm thiểu những hậu quả do tai nạn bom mìn gây ra.