Khái quát về huyện Triệu Phong

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ USSH công tác xã hội nhóm với nạn nhân bom mìn (nghiên cứu trường hợp tại huyện triệu phong, tỉnh quảng trị) (Trang 33 - 41)

8. Phương pháp thu thập thông tin

1.3. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

1.3.2. Khái quát về huyện Triệu Phong

Triệu Phong là huyện đồng bằng nằm về phía Đông Nam tỉnh Quảng Trị;

phía Bắc giáp thành phố Đông Hà, huyện Cam Lộ và Gio Linh; phía Nam giáp thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng; phía Đông giáp biển Đông và phía Tây giáp huyện Đakrông. Diện tích tự nhiên là 354,92 km2 (chiếm 7,48% diện tích toàn tỉnh) [80]. Với vị trí địa lý đó, huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội và giao thương với các địa phương khác trong toàn tỉnh và cả nước.

Đất đai của huyện chia làm ba vùng đặc trưng: dải cát phía Đông, vùng đồng bằng và vùng gò đồi phía Tây. Với sự phân bố đất đai như vậy, Triệu Phong trở thành một trong những khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện. Hệ thống sông ngòi trên địa bàn

như Thạch Hãn, sông Hiếu, Vĩnh Phước, Vĩnh Định... có giá trị lớn về thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và giao thông thủy.

Triệu Phong là vùng đất có điều kiện khí hậu không mấy thuận lợi, thiên tai thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, đây cũng là vùng đất khá nghèo các loại khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên. Chỉ có cát trắng vùng ven biển và tài nguyên rừng phía Tây huyện, tuy nhiên diện tích và sản lượng khai thác không đáng kể.

Huyện có 19 đơn vị hành chính, bao gồm thị trấn Ái Tử, xã Triệu An, Triệu Ái, Triệu Đại, Triệu Độ, Triệu Đông, Triệu Giang, Triệu Hòa, Triệu Lăng, Triệu Long, Triệu Phước, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Thành, Triệu Thuận, Triệu Thượng, Triệu Trạch, Triệu Trung, Triệu Vân [80].

Dân số Triệu Phong (tính đến ngày 31/12/2013) là 112.057 người (chiếm 18,5% dân số toàn tỉnh) với mật độ dân số là 306 người/km2 (chỉ sau mật độ dân số của thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị) [8, tr5].

Phần lớn dân cư Triệu Phong là người Kinh, có nguồn gốc từ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ di cư vào khai canh lập địa ở đây [10, tr12]. Triệu Phong cũng

là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Đây là nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị và là mảnh đất đã sinh ra nhiều người con ưu tú của đất nước như: Tổng bí thư Lê Duẩn, Phó thủ tướng Trần Hữu Dực, Phó thủ tướng Trần Quỳnh, Đại tướng Đoàn Khuê…[10, tr45].

Huyện Triệu Phong trong những năm chiến tranh là nơi có các căn cứ quân sự của Mỹ ngụy, là trung tâm chiến lược nhằm làm bàn đạp đánh phá miền Bắc, cho nên hàng ngàn tấn bom mìn, đạn dược đã rải xuống mảnh đất này. Mặt khác, nơi đây cũng đã diễn ra nhiều trận giao tranh ác liệt, nhiều làng mạc phải hứng chịu hậu quả của chiến tranh, nhiều làng không còn một ngôi nhà nguyên vẹn, người dân phải ly tán.

Từ sau ngày đất nước thống nhất, cùng với cả nước, nhân dân trong huyện đã và đang tiến hành khắc phục hậu quả của chiến tranh, xây dựng lại

quê hương. Tuy nhiên, hàng nghìn tấn bom mìn còn sót lại đang từng ngày từng giờ đe dọa đến tính mạng và sát hại những người dân vô tội, gây cản trở đến sinh hoạt, lao động sản xuất. Đó là cơ sở để nghiên cứu này trên cơ sở thực trạng bom mìn, tai nạn bom mìn và nạn nhân bom mìn tại địa phương, đề xuất các hoạt động CTXH nhóm phù hợp nhằm hỗ trợ về mặt tinh thần và nâng cao kiến thức, hình thành các kỹ năng mới cho nhóm nạn nhân, góp phần giảm thiểu tai nạn lặp lại đối với các nạn nhân cũng như người thân và những người trong cộng đồng của họ.

Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần cùng với các nỗ lực của địa phương nhằm giảm thiểu và khắc phục triệt để hậu quả tai nạn bom mìn.

Chương 2. Thực trạng vấn đề bom mìn và công tác khắc phục hậu quả

bom mìn sau chiến tranh tại huyện Triệu Phong

2.1. Tình hình bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại huyện Triệu Phong

Trong chiến tranh, đã có rất nhiều loại bom mìn được sử dụng và cho đến nay, nó vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt thường ngày của người dân. Theo báo cáo kết quả rà phá bom mìn của Quân đội nhân dân Việt Nam

và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này tại Triệu Phong từ trước đến nay, hiện tại, trên địa bàn huyện có sự hiện diện của rất nhiều chủng loại bom mìn với kích cỡ khác nhau như mìn sát thương, mìn chống tăng, bom kích cỡ lớn, bom bi, đạn pháo, đạn cối, lựu đạn, đạn rốckét…[53]

Hiện nay, có thể tìm thấy các loại bom mìn này ở nhiều địa điểm tại huyện Triệu Phong, thậm chí ngay trong vườn nhà, hàng rào, bờ ao của các hộ gia đình, khu dân cư… Do thời gian đã lâu cộng với các yếu tố như lũ lụt, xói

lở đất, canh tác nông nghiệp… rất nhiều loại bom mìn được chôn dưới đất, xung quanh các đồn bốt, căn cứ quân sự cũ… nay lộ lên trên mặt đất hoặc chỉ được che phủ bởi một lớp đất rất mỏng: “Cái gì chứ bom mìn ở vùng này không thiếu, đi đâu cũng có thể gặp bom mìn, đa số các loại bom mìn này do thời gian đã lâu nên hoen gỉ hết nhưng mà còn nhiều lắm. Không biết đến bao giờ vùng này mới sạch bom mìn hoàn toàn” (PVS nạn nhân, Nam, 69 tuổi).

Đây thực sự là mối nguy hiểm tiềm tàng vì những quả bom, quả mìn này có thể phát nổ bất cứ lúc nào, kể cả khi không có sự can thiệp của con người và các loại phương tiện khác.

Do số lượng bom mìn còn sót lại phân bố rải rác khắp nơi trên địa bàn huyện nên người dân nơi đây gặp phải bom mìn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đa số những nạn nhân được phỏng vấn bằng bảng hỏi trả lời họ gặp bom mìn khi đang làm ruộng. Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa ý kiến của nam giới và nữ giới: nam 79% và nữ 92%. Điều này dễ dàng được lý giải bởi

vì đối với nữ giới hoạt động lao động chính là làm ruộng còn đối với nam giới ngoài hoạt động làm ruộng thì họ còn tham gia các công việc khác như làm rừng, xây dựng, đánh bắt thủy sản…cho nên tỷ lệ nữ giới gặp bom mìn trong lúc làm ruộng thường cao hơn nam giới.

Các hoạt động khác có tỷ lệ đáng lưu ý theo thứ tự giảm dần bao gồm:

nhặt củi, lấy nước (76%), tìm phế liệu chiến tranh (nam 65% và nữ 52%), xem tháo gỡ bom mìn (50%), đánh cá (39%), chăn thả gia súc (39%)…

Bảng 2.1: Kết quả khảo sát về hoàn cảnh gặp bom mìn xếp theo thứ tự

(1 = cao nhất, 7 = thấp nhất).

Hoàn cảnh gặp bom mìn

Thứ tự Nam Nữ

1 Làm ruộng. (79%) Làm ruộng. (92%)

2 Tìm phế liệu. (65%) Nhặt củi, lấy nước. (76%)

3 Xem tháo gỡ bom mìn (50%) Tìm phế liệu (52%)

4 Đánh cá. (39%)

5 Chăn thả gia súc (25%)

6 Đi rừng (28%) Chăn thả gia súc (39%)

7 Chơi đùa (23%)

(Nguồn: Điều tra thực tế)

Kết quả khảo sát cho thấy rằng, hoàn cảnh nạn nhân gặp phải bom mìn chủ yếu là khi đang thực hiện các hoạt động ngoài trời, lao động sản xuất.

Làm ruộng vẫn là hoạt động sản xuất chính ở Triệu Phong khi phần lớn dân

số hiện nay vẫn sống dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Hoạt động này đứng đầu tiên trong số những hoàn cảnh gặp bom mìn. Nếu so sánh thực tế thì thấy rằng đa số nạn nhân là nông dân: “Chúng tôi ở đây chỉ có làm ruộng.

Hàng ngày chúng tôi chỉ từ nhà ra ruộng, làm xong thì từ ruộng về nhà, mà thời gian ở ngoài đó còn nhiều hơn ở nhà nữa. Vì thế nếu không gặp bom mìn

ở nhà thì gặp ở ruộng thôi” (TLN nạn nhân, Nữ). Điều này cho thấy người

nông dân tại địa phương vẫn là một trong những đối tượng cần quan tâm nhất khi mà hoạt động làm ruộng mang tính cơ bản của cuộc sống, nguy cơ gặp bom mìn cao bởi vì họ ít có những lựa chọn công việc khác cho bản thân.

Hoạt động nhặt củi, lấy nước khi gặp bom mìn chiếm tỷ lệ cao thứ hai trong số những hoàn cảnh gặp bom mìn. Trong đó, hoạt động này phổ biến ở các độ tuổi dưới 15 tuổi (34%) và 16 – 30 tuổi (33%), tiếp theo là độ tuổi 31 -

49 tuổi (24%) và trên 50 tuổi (9%): “Lúc chưa bị tai nạn thì tuần nào tôi cũng

vào rú (rừng) một hai lần gì đó để lấy củi về bán và đun nấu, có khi gặp cả trái bom khoảng hơn 3 mét ngay trên đường vào rú. Biết là nguy hiểm nhưng không vào đó lấy củi thì không có gì bán lấy tiền mua gạo”(TLN nạn nhân,

Nữ).

Những hoàn cảnh gặp bom mìn đáng lưu ý tiếp theo là tìm phế liệu chiến tranh (nam 65% và nữ 52%), xem tháo gỡ bom mìn (50%). Đây là hai hoạt động hiện nay vẫn còn khá phổ biến trên địa bàn huyện. Người dân tham gia

rà tìm, thu mua, tháo gỡ bom mìn bán kiếm tiền chủ yếu tập trung ở lứa tuổi

31 – 49 (56%) và 16 – 30 tuổi (42%).

Như vậy, đa số hoàn cảnh gặp phải bom mìn khi người dân đang thực hiện những hoạt động sinh kế và tăng thu nhập cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày ở vùng nông thôn: “Tôi bị tai nạn trong lúc đang làm

ruộng ngay chính trên mảnh đất hàng ngày tôi và cả gia đình lao động sản xuất. Chúng tôi là nông dân chỉ biết làm nông nghiệp, không có thêm nghề phụ gì khác. Nếu như tôi không vấp phải quả mìn đó thì biết đâu một người thân của tôi sẽ vấp phải. Bây giờ tôi ngồi một chỗ không thể làm gì được nhưng hàng ngày vợ tôi, các con tôi vẫn phải cày cuốc, trồng trọt ngoài đó.

Lo lắm nhưng không biết làm gì hơn” (TLN nạn nhân, Nam). Những hoạt động này diễn ra liên tục và lặp lại hàng ngày nên nguy cơ đối mặt với tai nạn của họ rất cao. Do đó, vấn đề đặt ra đối với các cấp lãnh đạo, ban ngành đoàn thể địa phương là đẩy mạnh các biện pháp phát triển kinh tế, tạo sinh kế ổn

định, bền vững để người dân vừa đảm bảo được đời sống hàng ngày vừa không phải tham gia vào các hoạt động mang tính chất nguy hiểm liên quan đến bom mìn.

Theo số liệu thống kê của Văn phòng điều phối dự án Renew tỉnh Quảng Trị, đến cuối năm 2013, số lượng bom mìn còn sót lại trên địa bàn huyện là

445 và ước tính có ít nhất trên 200 khu vực bị nhiễm bom mìn, trong đó có cả những khu vực dân cư [53] (xem phụ lục 1) “Huyện Triệu Phong được xem là

vùng dự án trọng điểm trong các huyện ở tỉnh Quảng Trị mà chúng tôi đang thực hiện công tác rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh. Bởi vì trong chiến tranh đây là địa bàn chiến lược về mặt quân sự, là khu vực tập trung nhiều kho tàng đạn dược nên số bom mìn còn sót lại nhiều, có khi chúng tôi phát hiện được nguyên một hầm chứa bom, đạn, mìn, súng trong căn cứ quân sự cũ của Mỹ. Mặc dù số bom mìn, vũ khí này chưa hề được sử dụng và bị tác động ít nhiều bởi yếu tố thời gian, thời tiết nhưng nguy cơ phát

nổ vẫn rất cao”(PVS Nam, 37 tuổi, cán bộ dự án Renew).

Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu tương đối được thu thập từ nhiều nguồn thông tin khác nhau như các báo cáo của chính quyền địa phương, của quân đội, thông tin do người dân cung cấp, thông tin từ các đội khảo sát… trong đó

có những nguồn thông tin chưa đầy đủ và chính xác. Ước tính số lượng thực

tế gấp nhiều lần số liệu trên.

Một số xã có số lượng bom mìn được phát hiện nhiều như Triệu Trạch (59), Triệu Vân (36), Triệu An (31)… [53]. Đây là các xã nằm ở vùng ven biển phía Đông của huyện, gần các căn cứ quân sự cũ.

Mặt khác, những nơi này trong lịch sử từng là khu vực xảy ra sự giao tranh quyết liệt, số lượng bom đạn rải xuống nhiều. Xã Triệu Trạch là địa bàn nằm gần chốt thép Long Quang - trận địa chốt từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch nhằm chống địch phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị trong chiến dịch 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị. Triệu An và Triệu Vân là

hai xã nằm dọc theo bờ biển, gần quân cảng Cửa Việt, là nơi từng chứng kiến các trận đánh của bộ đội chủ lực ta nhằm chống lại các cuộc đổ bộ của thủy quân lục chiến Mỹ: “Năm 1972, trong chiến dịch 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, nhằm ngăn sự tiến công của bộ đội ta vào Thành cổ và bờ nam sông Thạch Hãn, quân đội Mỹ đã huy động nhiều máy bay ném bom, bắn phá

ác liệt vùng này đồng thời các tàu chiến neo đậu bên ngoài cảng Cửa Việt cũng liên tục nã đại bác vào yểm trợ. Hầu như không một ngày nào là không

có tiếng bom nổ, tiếng đạn pháo oanh tạc, đến nỗi không một loại cây cỏ nào sống nổi, quang cảnh hoàn toàn trơ trụi” (PVS nạn nhân, Nam, 69 tuổi).

Bên cạnh đó, hệ thống đồn bốt của ngụy quân được xây dựng ở đây rất nhiều và để phòng thủ, chúng gài bom mìn dày đặc theo các tuyến cố thủ.

Trong thời kỳ chiến tranh, chiến hạm của Mỹ ngoài biển đã thả ngư lôi và bắn rất nhiều pháo cùng các loại đạn dược khác vào các cứ điểm trên đất liền, trong đó tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã này.

Mặt khác, những xã vùng ven biển do địa hình đất cát nên các loại bom mìn xuyên sâu xuống dưới lòng đất, theo thời gian, do tác động của thời tiết, cát trôi đi, dần dần lộ lên rất nhiều bom, đạn. Cũng do địa hình đất cát nên sau mỗi đợt gió Tây Nam thổi cát đi là những quả bom, mìn, đạn lộ thiên, gỉ sét

và sẵn sàng phát nổ.

Các xã vùng đồng bằng, số lượng bom mìn được phát hiện cũng không

ít như Triệu Đại (12), Triệu Đông (27)… [53]. Đây là địa bàn chiến lược án ngữ con đường huyết mạch từ thị xã Quảng Trị đi quân cảng Cửa Việt nên địch bố trí các loại bom mìn nhằm mục đích phòng thủ khá lớn, ngoài ra cũng

có nhiều căn cứ, đồn bốt dọc theo con đường.

Tại các xã vùng gò đồi phía Tây, bom mìn phần lớn được phát hiện ở khu vực xung quanh sân bay Ái Tử như thị trấn Ái Tử (27), Triệu Ái (10), Triệu Giang (41) [53]. Đây là vành đai phòng thủ bảo vệ căn cứ và sân bay Ái Tử: “Trong thời kỳ chiến tranh, sân bay Ái Tử là sân bay quân sự lớn thứ hai

ở miền Trung, sau sân bay Đà Nẵng, tuy nhiên nó có vị trí chiến lược rất quan trọng bởi vì nó là sân bay nằm gần vùng giới tuyến hai miền nhất, từ đây các máy bay cất cánh đi ném bom bắn phá vùng giới tuyến quân sự là vỹ tuyến 17 – sông Bến Hải. Vì vậy, để bảo vệ an toàn, tránh sự tấn công của bộ đội miền Bắc vào sân bay này, quân đội Mỹ đã thiết lập một hệ thống phòng thủ rất chắc chắn với các bãi mìn dày đặc, liên tục quanh sân bay, đây được xem là hàng rào tử thần của sân bay. Trong đó có nhiều loại bom mìn rất đặc chủng, với tính năng và sức công phá rất mạnh. Đến nay, mỗi khi chúng tôi phát hiện và tiêu hủy những loại bom mìn đặc chủng này rất mất công và tốn thời gian bởi vì phải hoàn toàn sử dụng các kỹ thuật chuyên môn và trang thiết bị máy móc chứ không thể làm thủ công được”(PVS Nam, 37 tuổi, cán

bộ dự án Renew).

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa địa bàn các xã khác hoàn toàn “sạch”

bom mìn mà những hiểm họa đó vẫn đang ẩn sâu trong lòng đất, rình rập, đe dọa cuộc sống con người. Với số lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nhiều, phân bố với mật độ dày đặc trên toàn bộ diện tích, đã và đang thực sự trở thành một trở ngại lớn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn huyện.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ USSH công tác xã hội nhóm với nạn nhân bom mìn (nghiên cứu trường hợp tại huyện triệu phong, tỉnh quảng trị) (Trang 33 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)