2.1. Hạn chế xuất khẩu tự nguyện
Đây là một hình thức của hàng rào mậu dịch phi thuế quan. Hạn chế xuất khẩu tự nguyện là một biện pháp hạn chế xuất khẩu, mà theo đó, một quốc gia nhập khẩu đòi hỏi quốc gia xuất khẩu phải hạn chế bớt lượng hàng xuất khẩu sang nước mình một cách "tự nguyện", nếu không họ sẽ áp dụng biện pháp trả đũa kiên quyết. Thực chất đây là những cuộc thương lượng mậu dịch giữa các bên để hạn chế bớt sự xâm nhập của hàng ngoại, tạo công ăn việc làm cho thị trường trong nước. Khi thực hiện hạn chế xuất khẩu tự nguyện nó cũng có tác động kinh tế như một hạn ngạch xuất khẩu tương đương. Tuy nhiên, hạn ngạch xuất khẩu mang tính chủ động và thường là biện pháp tự bảo vệ thị trường trong nước hoặc nguồn tài nguyên trong nước, còn hạn chế xuất khẩu tự nguyện thực
ra lại mang tính miễn cưỡng và gắn với những điều kiện nhất định. Hình thức này được áp dụng cho các quốc gia có khối lượng xuất khẩu quá lớn ở một số mặt hàng nào đó.
2.2. Bán phá giá
Bán phá giá là biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, cần lên án và khắc phục. Tuy nhiên, WTO không đặt việc bán phá giá ra ngoài vòng pháp luật. Thay vào đó, WTO cho phép các thành viên áp dụng các biện pháp chống phá giá, đồng thời có cơ chế tự điều chỉnh vấn đề này.
Hiệp định về chống bán phá giá của WTO (ADA) đặt ra các tiêu chí nghiêm ngặt để xác định thế nào là một hành vi bán phá giá. Hiệp định quy định một sản phẩm sẽ bị coi là bán phá giá nếu giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường được bán trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu.
Hiệp định quy định ba phương thức tính giá trị thông thường của sản phẩm. Phương thức chủ yếu là dựa trên giá bán của sản phẩm đó tại thị trường nội địa của nước xuất khẩu. Trường hợp không sử dụng được phương thức này thì có thể lựa chọn hai phương thức còn lại: căn cứ vào giá bán của nước xuất khẩu tại một nước khác; hoặc tính theo kiểu tổng hợp giá thành sản xuất, các chi phí có liên quan cùng với lợi nhuận tối thiểu của nhà sản xuất và xuất khẩu. Hiệp định cũng quy định cụ thể việc so sánh một cách hợp lý giữa giá xuất khẩu và giá trị thông thường.
Trên thực tế, hành vi chống bán phá giá là hành vi đánh thuế nhập khẩu bổ sung đối với một loại hàng cụ thể từ một nước xuất khẩu cụ thể nào đó, nhằm cân bằng giữa giá hàng nhập và giá trị thực của nó, nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất trong nước tại nước nhập khẩu.
Việc đánh thuế chống bán phá giá phải tuân thủ các điều kiện sau đây:
- Nước nhập khẩu phải xác lập được bằng chứng, thông qua việc điều tra ở cấp quốc gia, rằng nhập khẩu tăng đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa (ví dụ: doanh thu giảm, lợi nhuận giảm, tăng số người lao động thất nghiệp .v.v...)
- Chính phủ nước nhập khẩu chỉ tiến hành điều tra nếu có đơn khiếu nại của các nhà sản xuất nội địa có sản lượng chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng nội địa.
Điều tra bán phá giá sẽ được chấm dứt ngay trong trường hợp các cơ quan
có thẩm quyền cho rằng: mức độ phá giá không lớn, ít hơn 2% giá xuất khẩu sản phẩm, hoặc kim ngạch nhập khẩu hàng bị bán phá giá là không đáng kể, dưới 3% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, điều tra vẫn có thể được tiến hành nếu tổng cộng hàng nhập khẩu của một số nước chiếm trên 7% tổng khối lượng nhập khẩu, cho dù lượng hàng nhập khẩu của mỗi nước chiếm ít hơn 3% khối lượng nhập khẩu nói trên.
Nếu kết luận là có tồn tại việc bán phá giá và sản xuất trong nước bị tổn hại, thì thông qua đàm phán, nước xuất khẩu phải cam kết nâng giá lên mức thoả thuận để tránh phải chịu thuế chống bán phá giá. Nếu giá bán không được điều chỉnh tăng lên, nước nhập khẩu có quyền áp thuế chống bán phá giá.
Hiệp định cũng quy định các thủ tục cụ thể về việc khởi kiện các vụ tranh chấp bán phá giá, quá trình điều tra, các điều kiện đảm bảo để tất cả các bên liên quan đều có mặt để trình chứng cứ. Các biện pháp chống bán phá giá sẽ hết thời hạn sau 5 năm kể từ ngày bắt đầu áp dụng, trừ trường hợp kết luận điều tra cho rằng nếu dừng áp dụng thì sẽ dẫn đến tổn thất cho nước nhập khẩu.
Mục đích của bán phá giá là đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá đến thị trường nhất định, nhằm tiêu thụ hàng tồn kho hoặc cạnh tranh với nhà sản xuất và nhập khẩu khác của nước nhập hàng, chiếm giữ thị trường, sau đó có thể nâng giá trở lại và cuối cùng đạt lợi nhuận cao. Bán phá giá có tác hại kinh tế ghê gớm đối với nước nhập hàng. Mặc dù ban đầu người tiêu dùng được hưởng lợi do mua hàng hoá giá rẻ, nhưng về lâu dài sẽ tổn hại đến ngành công nghiệp sản xuất hàng hoá cùng loại. Còn đối với Nhà nước và các hãng sản xuất của nước xuất hàng bán phá giá, thì bán phá giá là công cụ lợi hại để cạnh tranh tiêu diệt đối thủ và cuối cùng là công cụ giành lợi nhuận độc quyền cao.
Trong quan hệ thương mại quốc tế hiện nay của Việt Nam, một số hàng hoá có lợi thế của Việt Nam bị các nước coi là hàng bán phá giá. Ví dụ: cá ba sa,
cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ, giày dép xuất khẩu sang châu Âu, xe đạp xuất khẩu sang Trung Đông .v.v... Trong các vụ kiện về bán phá giá chống lại các doanh nghiệp Việt Nam, các kết luận của cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu có xu hướng bất lợi cho phía Việt Nam. Lý do của vấn đề là các nước này đều vin vào quy chế "nền kinh tế phi thị trường" của Việt Nam, theo đó khi xác định giá trị thông thường, các nước này không căn cứ vào giá thị trường ở Việt Nam mà sử dụng giá thị trường của "nước thay thế", do đó dễ dàng chứng minh được rằng giá trị thông thường bán trên thị trường nội địa của Việt Nam (nước xuất khẩu) cao hơn giá xuất khẩu, từ đó kết luận được là hàng hoá Việt Nam bán phá giá. Trong cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đã chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường (NME) trong thời gian 12 năm, kể từ khi gia nhập WTO,
vì mục đích áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng (thuế chống trợ cấp xuất khẩu).
Ngược lại, tại thị trường Việt Nam, chúng ta đã phải đối mặt với hàng nước ngoài bán phá giá. Trong pháp luật Việt Nam, chúng ta đã có Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam (2004), tạo cơ sở pháp luật cho việc tấn công lại các doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để sử dụng được công cụ pháp luật này, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có năng lực nhất định. Trong tương lai, các tranh chấp liên quan đến bán phá giá vẫn có xu hướng phát triển mạnh.
2.3. Trợ cấp xuất khẩu
Bên cạnh các công cụ nhằm hạn chế nhập khẩu còn có những công cụ dùng
để nâng đỡ hoạt động xuất khẩu. Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp trợ cấp trực tiếp hoặc cho vay với lãi suất thấp đối với các nhà xuất khẩu trong nước. Bên cạnh đó, Chính phủ còn có thể thực hiện một khoản cho vay ưu đãi đối với các bạn hàng nước ngoài để họ có điều kiện mua các sản phẩm do nước mình
sản xuất và để xuất khẩu ra bên ngoài. Đây chính là các khoản tín dụng "viện trợ" mà Chính phủ các nước công nghiệp phát triển áp dụng khi cho các nước đang phát triển vay (thường có kèm theo các điều kiện chính trị).
Giả sử, để nâng đỡ một ngành sản xuất nào đó, Chính phủ sẽ trợ cấp trực tiếp một khoản tiền nhất định cho bộ phận sản phẩm được đem vào xuất khẩu. Khi ấy các nhà sản xuất trong nước sẽ thu lợi về chính khoản tiền trợ cấp đó. Nhưng tác động của việc trợ cấp sẽ lan truyền sang các khâu khác. Cụ thể là:
- Mức cung thị trường nội địa bị giảm do mở rộng quy mô xuất khẩu, giá cả thị trường nội địa tăng lên, người tiêu dùng trong nước sẽ bị thiệt một khoản tiền nhất định.
- Chi phí ròng của xã hội phải bỏ ra để bảo hộ việc khuyến khích xuất khẩu gây thiệt hại cho xã hội gồm có chi phí nội địa tăng lên do sản xuất thêm nhiều sản phẩm để xuất khẩu (chi phí cận biên nội địa tăng lên), đồng thời gồm cả chi phí do giảm mức tiêu dùng trong nước. Lưu ý là lợi ích mà nhà sản xuất thu được nhỏ hơn chi phí mà xã hội phải bỏ thêm. Như vậy, trợ cấp xuất khẩu đưa đến cái hại nhiều hơn là cái lợi. Nhưng trong thực tế nó vẫn được sử dụng để phục vụ cho một mục đích cụ thể nào đó. Bởi vậy, cần phải cân nhắc thận trọng trong khi áp dụng công cụ này.