CHƯƠNG 2 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG
2.3. Cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp
Quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp là điều rất quan trọng, nhưng nếu chỉ ghi nhận mà không bảo vệ và thúc đẩy (mang tính chủ động) thì những quyền đó mới chỉ dừng lại trên giấy. Việc ghi nhận thực chất mới chỉ dừng lại ở sự thừa nhận từ phía nhà nước (mang tính thụ động), trong thực tế không mang nhiều ý nghĩa vì thiếu tính hiện thực. Để các quyền hiến định được thực thi trên thực tế đòi hỏi cần phải có một cơ chế bảo đảm.
Khi nói đến cơ chế là nói đến thể chế và thiết chế. Thể chế được hiểu là
những quy định pháp luật, các quy tắc được ban hành theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục nhất định có tính ràng buộc đối với các chủ thể, còn thiết chế là các cơ quan, tổ chức được lập ra để thực thi những chức năng, nhiệm vụ nhất định [72, tr.9]. Như vậy, nói đến cơ chế bảo đảm thực thi quyền con người là nói đến một tổng thể các quy định pháp luật (thể chế) cùng với các cơ quan (thiết chế) được thiết lập ra để bảo đảm các quyền hiến định không bị xâm hại và được thực thi trên thực tế.
65
Về mặt thể chế, để bảo đảm quyền con người, nhà nước cần phải xây dựng,
ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để bắt buộc các cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân.
Về mặt thiết chế, nhà nước phải tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân đồng thời cũng phải thành lập một số cơ quan nhân quyền có chức năng bảo đảm các quyền hiến định được thực thi trên thực tế. Có như vậy thì nhà nước mới
có thể hoàn thành nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của các
cá nhân và công dân đang sinh sống trong lãnh thổ quốc gia.
Trong phạm vi luận án này, khi nói đến cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp là nói đến cơ chế bảo đảm ở tầm pháp lý cao nhất (tầm hiến pháp) đối với những quyền hiến định trong một quốc gia. Theo cách tiếp cận đó, việc bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp cần phải:
Thứ nhất: dựa trên sự phân công, phối hợp và giám sát quyền lực nhà nước
Sở dĩ việc phân công, phối hợp và giám sát quyền lực nhà nước là cần thiết
để bảo đảm các quyền hiến định là bởi. Một là: việc này giúp chống được sự độc tài chuyên chế, qua đó tránh được sự xâm phạm quyền con người, vì ở đâu có độc tài, chuyên chế là ở đó quyền con người, quyền công dân bị xâm phạm. Hai là: việc
này bảo đảm quyền lực nhà nước được thực thi đúng quy định, các quan chức nhà nước phải tuân thủ Hiến pháp và các nhánh quyền lực chỉ được hoạt động trong phạm vi pháp luật quy định, như vậy sẽ tránh được sự vượt quyền, lạm quyền. Sự phân công rõ ràng giữa các cơ quan giữ quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp đồng thời có sự kiềm chế, giám sát và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực này là một phương thức quan trọng nhất để bảo đảm rằng các cơ quan này không lạm quyền. Khi quyền lực nhà nước bị giới hạn và kiểm soát sẽ hạn chế được rất nhiều khả năng xâm phạm quyền con người, quyền công dân từ phía cơ quan công quyền.
Thứ hai: dựa trên việc bảo đảm tính độc lập của toà án
66 Bên cạnh việc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực để chống lạm quyền, cũng cần bảo đảm tính độc lập của toà án, xây dựng toà án là cơ quan nắm quyền tư pháp mạnh mẽ, qua đó bảo vệ các chủ thể quyền khi các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là các quyền hiến định, bị vi phạm. Tòa án trong hệ thống quyền lực nhà nước có hai chức năng cơ bản đó là bảo vệ pháp luật và khôi phục các quyền đã bị xâm phạm [26]. Thực tế cho thấy ở các quốc gia, quyền con người
có bị xâm phạm hay không, bị xâm phạm nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào việc tòa án có bảo vệ được các quyền đó trước sự xâm phạm từ các cá nhân, tổ chức hay không. Sự xâm phạm ở đây xét trên cả hai phương diện hành động và không hành động. Nếu một cơ quan, tổ chức hay cá nhân có hành vi vi hiến (hành động và không hành động vi hiến) làm ảnh hưởng đến việc thực thi các quyền con người, quyền công dân đã được hiến định thì tòa án phải có đủ quyền lực cũng như tính độc lập để xét xử các hành vi vi hiến đó. Có như vậy các quyền hiến định mới được đảm bảo thực thi, nếu không thì chỉ là những quy định trên giấy.
Tư pháp (tòa án) được cho là thành trì bảo vệ tự do, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thể chế toà án là một thể chế rất đặc biệt trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Không những nó được hưởng quy chế như các cơ quan lập pháp và hành pháp, mà còn phải độc lập trước hai cơ quan này. Sự độc lập đó là cơ sở rất cần thiết để tòa án có thể mang lại một sự công bằng, đảm bảo công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Sự độc lập của toà án được hiểu là độc lập so với hai nhánh quyền lực khác là quyền lập pháp và quyền hành pháp, độc lập giữa các toà án với nhau và độc lập của thẩm phán và hội thẩm trong xét xử, không chịu
sự tác động, can thiệp của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào [26.tr 478-479].
Thứ ba: dựa trên những thiết chế chuyên trách đặc biệt có chức năng bảo vệ nhân quyền
- Cơ quan nhân quyền quốc gia
Cơ quan nhân quyền quốc gia được xem là nòng cốt của hệ thống thiết chế bảo vệ nhân quyền ở một quốc gia, thông thường được giao thẩm quyền tiếp nhận những khiếu nại, tố cáo về các hành vi được cho là vi phạm nhân quyền của các cơ
67 quan, tổ chức, cán bộ nhà nước và các cá nhân mà sau khi đã được xử lý qua các cơ chế khác nhưng không hiệu quả. Cơ quan nhân quyền quốc gia đồng thời cũng là
cơ quan thúc đẩy nhân quyền, thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tư vấn chính sách về quyền con người. Thực tế cho thấy việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia thường tạo ra những bước ngoặt trong việc bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền ở các nước trên thế giới.
- Cơ quan bảo hiến
Cơ quan bảo hiến có chức năng bảo vệ Hiến pháp, ngăn chặn các vi phạm đối với Hiến pháp, bao gồm những vi phạm các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Vì vậy, đây cũng là thiết chế rất cần thiết trong cơ chế bảo vệ các quyền hiến định. Cơ quan bảo hiến bảo đảm cho việc vi phạm Hiến pháp không xảy ra, hoặc nếu xảy ra thì bắt buộc phải sửa chữa, khắc phục. Việc không để các quy định trong Hiến pháp bị vi phạm tức là bảo đảm tính nghiêm minh và bất khả xâm phạm của Hiến pháp và cũng là cách thức bảo vệ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Cơ quan bảo hiến có thể là Tòa án hiến pháp, Hội đồng bảo hiến hoặc hệ thống các tòa án tư pháp... Dù theo
mô hình nào thì cơ quan bảo hiến cũng cần có tư cách độc lập để có khả năng xử lý hiệu quả các hành vi vi hiến.
68
Tiểu kết Chương 2
Chương 2 tập trung phân tích những vấn đề lý luận về quyền con người, quyền công dân và Hiến pháp, cũng như mối quan hệ giữa quyền con người, quyền công dân và Hiến pháp.
Qua phân tích, có thể thấy quyền con người, quyền công dân và Hiến pháp
có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nhân quyền là nguồn gốc, động lực thúc đẩy Hiến pháp ra đời; ngược lại, Hiến pháp là công cụ ghi nhận và bảo đảm nhân quyền. Hiến pháp là một công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng, không thể thay thế trong việc bảo đảm nhân quyền của một quốc gia. Hiến pháp có hai chức năng cơ bản đó là: tổ chức quyền lực nhà nước và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hai chức năng này có mối liên hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau. Việc tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước cũng chính là một phương thức bảo đảm nhân quyền, ngược lại, bảo vệ nhân quyền cũng thúc đẩy việc tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân là một bộ phận của Hiến pháp các quốc gia, được cấu thành bởi hai bộ phận chính: thể chế và thiết chế. Trong đó, thể chế là các nguyên tắc hiến định quy định sự vận hành của toàn bộ
cơ chế và hệ thống các quyền con người, quyền công dân, còn thiết chế là các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, được trao thẩm quyền
và nghĩa vụ bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân trong thực
tế. Trên thế giới, các thiết chế mang tính nòng cốt trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở quốc gia bao gồm các toà án, cơ quan nhân quyền quốc gia và cơ quan bảo hiến.
69