CHƯƠNG 3 NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT VỀ VIỆC HIẾN ĐỊNH
3.2. Chế định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 1946 của Nhật Bản và Hiến pháp 2013 của Việt Nam
Trong phần này, luận án tập trung phân tích so sánh chế định quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp hiện hành của Nhật Bản và Việt Nam dựa trên các phương diện (tiêu chí) về: phạm vi hiến định, cách thức hiến định, nội dung, hiệu lực, hiệu quả và cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền đó.
3.2.1. Cách thức, phạm vi ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Nhật Bản 1946 và Hiến pháp Việt Nam 2013
3.2.1.1. Cách thức, phạm vi ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Nhật Bản 1946
Như đã đề cập ở phần trên, cách thức ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Nhật Bản 1946 phù hợp với đa số hiến pháp trên thế giới hiện nay, đó là ghi nhận các quyền con người, quyền công dân trong nội dung của bản hiến pháp mà không phải là trong một văn kiện khác kèm theo.
Hiến pháp 1946 của Nhật Bản ghi nhận quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân chủ yếu trong một chương với tiêu đề Quyền và nghĩa vụ của công dân
(chương 3). Đây là chương nổi bật nhất trong bản hiến pháp này, vì chiếm 31 trong tổng số 103 điều của Hiến pháp (chiếm khoảng 30% toàn bộ dung lượng Hiến pháp, từ Điều 10 đến Điều 40).
Các quyền và nghĩa vụ của công dân được ghi nhận trong chương 3 của Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 bao gồm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, hôn nhân gia đình, cụ thể:
Nhóm các quyền và nghĩa vụ về dân sự chính trị gồm: Quyền có quốc tịch
(Điều 10); Quyền khiếu nại và đòi bồi thường (Điều16 và Điều 17); Quyền tự do cư trú (Điều 22); Quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử (Điều 14); Quyền được hưởng các quyền cơ bản của con người (Điều 11); Quyền được tôn trọng như một cá nhân (Điều 13); Nghĩa vụ của các cá nhân (Điều 12); Quyền về chính trị và
94 hiệp hội như tự do ngôn luận, lập hội, biểu đạt, bảo mật thông tin (Điều 15 và Điều 21); Quyền tự do về tư tưởng và lương tâm (Điều 19); Quyền tự do tôn giáo (Điều 20); Quyền được bảo vệ khỏi bạo lực (Điều 18 và Điều 36); Quyền không bị bóc lột (Điều 27); Nghĩa vụ đóng thuế của cá nhân (Điều 30); Quyền được đảm bảo tính mạng, tự do (Điều 31); Quyền được xét xử trước tòa án (Điều 32); Quyền không bị bắt, giam giữ khi không có lý do (Điều 33 và Điều 34); Quyền không bị xâm nhập nhà ở và khám xét trái phép (Điều 35); Quyền được xét xử công bằng của bị cáo (Điều 37); Quyền không bị ép buộc nhận tội của bị cáo (Điều 38); Quyền không bị xét xử theo hiệu lực hồi tố (Điều 39); Quyền được bồi thường nếu
bị bắt giữ oan (Điều 40).
Nhóm quyền kinh tế, xã hội gồm: Quyền tài sản (Điều 29); Quyền về mức
sống (Điều 25); Quyền tự do học thuật (Điều 23); Quyền về hôn nhân, tài sản; thừa
kế và cuộc sống gia đình (Điều 24); Quyền về giáo dục (Điều 26); Quyền có việc làm (Điều 27) [112].
Trong Hiến pháp Nhật Bản năm 1946, quyền con người, quyền công dân không chỉ được ghi nhận trong chương 3 về quyền và nghĩa vụ của công dân mà còn được ghi nhận rải rác trong các chương khác như chương về tòa án, chương đạo luật tối cao hay trong lời nói đầu của bản hiến pháp này.
So sánh với những quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Minh Trị, có thể thấy quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 1946 của Nhật Bản đã được mở rộng hơn cả trên phương diện số lượng, phạm vi và mức
độ. Về số lượng: Hiến pháp 1946 có 31 điều quy định về quyền con người, quyền
công dân, nhiều hơn so với 15 điều của Hiến pháp Minh Trị. Về phạm vi: so với
Hiến pháp Minh Trị, Hiến pháp 1946 mở rộng quy định về quyền con người, quyền công dân ra nhiều lĩnh vực hơn, bao trùm hầu hết các mặt của đời sống, phù hợp với xu hướng chung của các bản hiến pháp hiện đại. Về mức độ: quyền con người,
quyền công dân được hiến định trong Hiến pháp 1946 theo hướng không có sự can thiệp (giới hạn) từ phía nhà nước, trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm nhân quyền được thực thi ở mức tối đa, trong khi ở Hiến pháp Minh Trị, quyền và nghĩa vụ của công
95 dân tuy cũng được ghi nhận nhưng luôn bị hạn chế bởi luật (các điều khoản quy định về quyền công dân trong Hiến pháp luôn kèm thêm cụm từ theo quy định của
luật hay trong phạm vi của luật).
Chương quyền và nghĩa vụ công dân được đặt ở vị trí thứ 3 trong Hiến pháp
1946 (trong khi chương 2 chỉ có một điều khoản), cho thấy vấn đề nhân quyền rất được coi trọng. Điều đó thể hiện chủ trương của những nhà soạn thảo dự thảo hiến pháp sửa đổi cho Nhật Bản, đó là muốn đưa ra một bản hiến pháp mang tính dân chủ, hiện đại và coi trọng nhân quyền. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của các bản hiến pháp trên thế giới trong thời đại ngày nay, đó là đặt chương quyền con người, quyền công dân ở vị trí thứ hai hoặc thứ ba trong Hiến pháp.
Hiến pháp Nhật Bản tuy lấy tiêu đề chương 3 là Quyền và nghĩa vụ của công
dân nhưng thực tế không hàm ý chỉ công dân Nhật Bản mới có quyền con người.
Chủ thể quyền con người trong thực tế bao gồm cả những người không có quốc tịch Nhật Bản nhưng đang sinh sống ở nước này. Sở dĩ nói như vậy là vì trong nội dung bản hiến pháp này có các quy định phân biệt rõ ràng giữa quyền con người và quyền công dân, thể hiện qua cách sử dụng đại từ nhân xưng khi nói về chủ thể của các quyền. Cụ thể, những quyền nào chỉ dành cho công dân Nhật Bản được bắt đầu bằng cụm từ công dân có quyền còn những quyền nào dành cho tất cả mọi người, bao gồm cả công dân Nhật Bản và những người nước ngoài thì được bắt đầu bằng cụm từ “không ai”, “bất cứ người nào” hay “mọi người”, hoặc không ghi rõ chủ
thể mà chỉ quy định quyền đó được tôn trọng hoặc nghiêm cấm xâm phạm. Chẳng hạn, Điều 26 Hiến pháp 1946 của Nhật Bản ghi nhận quyền về giáo dục cho công dân của nước này như sau: “Mọi công dân đều có quyền hưởng một nền giáo dục bình đẳng, phù hợp với khả năng và đúng theo quy định của luật pháp. Tất cả các công dân đều phải đảm bảo cho con trai, con gái của họ được tiếp nhận giáo dục phổ thông bắt buộc theo quy định của pháp luật. Giáo dục bắt buộc đó được miễn phí”[112]. Trong khi đó, tại Điều 32 của hiến pháp này quy định về quyền con người thì cụm từ “công dân” được thay thế bằng cụm từ “không ai” để chỉ tất cả mọi người nói chung đang sinh sống ở Nhật Bản, không phân biệt có quốc tịch hay
96 không có quốc tịch của nước sở tại. Cụ thể nội dung của Điều 32 được quy định như sau: “Không ai bị tước quyền được xét xử trước tòa án”[112].
Có thể khẳng định, những quy định phân biệt rõ ràng chủ thể quyền thể hiện
sự tiến bộ của Hiến pháp Nhật Bản 1946. Việc quy định như vậy có ý nghĩa để phân biệt rõ quyền con người và quyền công dân, đồng thời xác định rõ những quyền nào chỉ công dân Nhật Bản mới được hưởng và những quyền nào thì cả công dân Nhật Bản và những người đang sinh sống hợp pháp ở Nhật Bản nhưng không
có quốc tịch Nhật Bản cũng được hưởng. Ví dụ, theo Điều 31 Hiến pháp Nhật Bản
1946 quy định về quyền sống: “Không ai bị tước bỏ quyền sống, quyền tự do hay phải chịu các hình phạt hình sự trừ khi bị xét xử theo thủ tục tố tụng được luật pháp quy định”[112]. Quy định này (mở đầu bằng cụm từ không ai) có nghĩa là tất cả
mọi người, bao gồm cả người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản đều có quyền sống, quyền tự do chứ không chỉ riêng công dân Nhật Bản. Nói cách khác, những người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản cũng được thừa nhận là chủ thể của quyền con người và các quyền này được tôn trọng và bảo đảm ở Nhật Bản. Tương tự, quy định tại Điều 33 của Hiến pháp 1946 có hiệu lực đối với không chỉ người Nhật Bản mà còn đối với cả người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản khi nêu rằng: “Không ai bị bắt bớ mà không có sự cho phép của toà án trong đó chỉ rõ hành vi phạm tội, trừ trường hợp phạm tội quả tang”.
Qua những phân tích ở trên, có thể khẳng định rằng tiêu đề chương Quyền
và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp 1946 của Nhật Bản không bao hàm hết
nội dung được ghi nhận trong chương này và Hiến pháp 1946 của Nhật Bản không chỉ ghi nhận, bảo vệ quyền của công dân nước này mà còn ghi nhận, bảo vệ các quyền con người của những người nước ngoài đang ở Nhật Bản. Cách tiếp cận đó phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, đồng thời cho thấy xét về phạm vi và cách thức ghi nhận quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp 1946 của Nhật Bản có nhiều điểm tích cực trên cả phương diện so sánh với hiến pháp trước đó của nước này và so sánh với hiến pháp của các nước khác cũng như với luật nhân quyền quốc
tế. Cụ thể là:
97
Thứ nhất: So với Hiến pháp Minh Trị, những quyền con người ghi nhận trong Hiến pháp 1946 không bị giới hạn bởi luật. Tất cả các điều quy định về quyền con người, quyền công dân đều không có kèm theo cụm từ “trong giới hạn của luật”, “theo quy định của pháp luật” hay “trừ trường hợp do luật định” mà vốn là những cụm từ thường xuyên xuất hiện trong Hiến pháp Minh Trị. Đây là một điểm mới và rất tiến bộ vào thời điểm Hiến pháp Nhật Bản được ban hành. Điều đó cho thấy Nhà nước Nhật Bản tôn trọng quyền con người, coi đó là những giá trị vốn có,
tự nhiên mà mọi người đều có chứ không phải do nhà nước ban phát hay bị nhà nước giới hạn, cấm đoán một cách tùy tiện. Bên cạnh việc ghi nhận và tôn trọng, nhà nước còn có trách nhiệm tạo điều kiện để mọi người có thể hưởng thụ những quyền này trên thực tế.
Thứ hai: Hiến pháp 1946 thể hiện sự tiến bộ về tư tưởng của các nhà lập
hiến, bởi lẽ, các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong bản hiến pháp này tuy ra đời trước nhưng vẫn không lạc hậu với luật nhân quyền quốc tế cũng như các bản hiến pháp hiện đại sau này. Điều đó chứng tỏ khả năng dự liệu của những nhà soạn thảo Hiến pháp Nhật Bản. Thực tế cho thấy Hiến pháp Nhật Bản hiện nay được ban hành từ năm 1946 và chưa sửa đổi lần nào nhưng những quy định về nhân quyền trong đó vẫn tương đồng với những quy định về nhân quyền trong các bản hiến pháp tiến bộ trên thế giới cũng như với luật nhân quyền quốc tế hiện đại, cụ thể là với các quy định trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948 (UDHR) và các Công ước quốc tế về nhân quyền năm 1966, đó là
Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội, Văn hóa (ICESCR) và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Chẳng hạn, tại Điều 18 Hiến
pháp 1946 của Nhật Bản quy định: “Không ai bị bắt làm nô lệ dưới bất cứ hình thức nào trừ trường hợp bị phạt do phạm tội..”. Quy định này tương đồng với nội dung khoản 1 và khoản 2 Điều 8 ICCPR và Điều 4 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 hoặc Điều 19 Hiến pháp 1946 của Nhật Bản quy định: “Tự do tư
tưởng và lương tâm là bất khả xâm phạm” - tương đồng với quy định tại khoản 1 Điều 18 ICCPR.
98
Thứ ba: So với hiến pháp của nhiều quốc gia, hệ thống các quyền con người,
quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 khá phong phú
và đa dạng, phạm vi rộng, bao phủ nhiều lĩnh vực của đời sống, làm cho bản hiến pháp này thuộc vào những hiến pháp ghi nhận số lượng quyền cao trên thế giới.
Mặc dù Hiến pháp Nhật Bản đã có nhiều điểm tiến bộ trong nội dung liên quan đến những quy định về quyền con người, quyền công dân, song vẫn còn hạn chế ở một số điểm sau:
Một là: Chương quy định về quyền con người, quyền công dân có tiêu đề Quyền và nghĩa vụ của công dân nên dẫn đến sự hiểu lầm rằng chỉ những công dân
Nhật Bản mới được bảo vệ quyền con người; đồng nghĩa với việc những quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận với người nước ngoài sẽ không được bảo
vệ tại Nhật Bản. Tiêu đề của chương cũng không hoàn toàn tương thích với nội dung của chương, bởi trong thực tế những quyền con người của người nước ngoài cũng đều được thừa nhận ở Nhật Bản và được ghi nhận trong chương này.
Hai là: Hiến pháp 1946 của Nhật Bản thiếu điều khoản cụ thể quy định về
giới hạn quyền con người, quyền công dân, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp. Việc quy định về giới hạn này là cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự,
an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng, cũng như để phòng ngừa những cách hiểu và hành xử cực đoan về quyền con người, quyền công dân. Mặc dù trong Hiến pháp Nhật Bản năm 1946, tại các Điều 13, 22 đã quy định những hạn chế quyền con người, quyền công dân liên quan đến lợi ích công cộng. Cụ thể, tại Điều 13 có quy định: “Tất cả mọi công dân đều được thừa nhận là những cá nhân riêng biệt. Quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của công dân phải được đặc biệt quan tâm trong hoạt động lập pháp và các hoạt động khác của nhà nước nếu nó không đi ngược lại lợi ích của cộng đồng”, trong khi Điều 22 nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do
cư trú, đi lại và lựa chọn việc làm miễn là điều đó không trái với lợi ích chung của cộng đồng...”[112]. Các quy định này có thể xem là đã đặt ra một giới hạn nhất định đối với các quyền con người, quyền công dân (trong phạm vi không xâm phạm đến lợi ích cộng đồng) và thực tế các toà án ở Nhật Bản đã viện dẫn lý do
99 xâm phạm đến trật tự cộng cộng để hạn chế quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, những quy định này vẫn còn tồn tại nhược điểm đó là: i) không loại trừ các quyền tuyệt đối như quyền sống, quyền không bị tra tấn... là những quyền không thể bị giới hạn trong bất cứ hoàn cảnh nào; ii) giới hạn này chưa cho thấy tính chủ động trong việc hạn chế quyền con người từ phía nhà nước bằng cách ra một quyết định hạn chế vào một thời điểm nhất định khi an ninh quốc gia hay lợi ích của cộng đồng bị đe dọa.
Ba là: Trong nội dung một số điều quy định về nhân quyền trong Hiến pháp
1946 của Nhật Bản vẫn còn sử dụng cụm từ công dân có quyền hoặc tất cả công dân, nghĩa là chủ thể quyền được xác định ở phạm vi hẹp, chỉ dành cho công dân
Nhật Bản, mặc dù theo tinh thần của luật nhân quyền quốc tế, những quyền này dành cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, tại Điều 13 Hiến pháp Nhật Bản 1946 (vừa viện dẫn ở trên) chỉ ghi nhận công dân có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, trong khi thực tế thì quyền sống, quyền tự do cũng như mưu cầu hạnh
phúc là những quyền cơ bản của con người, mang tính phổ quát, dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ dành riêng cho công dân của bất cứ nước nào. Xu hướng chung của các nước trên thế giới hiện nay là thừa nhận chủ thể của phần lớn các quyền là tất cả mọi người đang sinh sống tại nước mình, cho dù có quốc tịch hay không có quốc tịch, chỉ trừ những quyền con người liên quan đến chính trị như quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền tham gia quản lý nhà nước...là những quyền chỉ dành riêng cho công dân của nước sở tại.
Bốn là: Hiến pháp 1946 của Nhật Bản không có một điều khoản riêng nào
quy định về quyền của những nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật…Những nhóm xã hội này trong thực tế chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu dân số cũng như trong các các hoạt động của đời sống xã hội Nhật Bản và quyền của các nhóm này đã được ghi nhận cụ thể trong nhiều công ước quốc tế. Mặc dù quyền của những nhóm xã hội này có thể được quy định trong các đạo luật hoặc các văn bản pháp luật khác của Nhật Bản, song, việc quy định trong Hiến pháp là điều cần thiết bởi như vậy mức độ đảm bảo thực hiện sẽ cao hơn, hiệu