CHƯƠNG 4 HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN
4.1. Nhận thức về việc tiếp nhận pháp luật nước ngoài
Trong thế giới hội nhập và phát triển hiện nay, một quốc gia không thể đứng ngoài xu hướng chung của cộng đồng thế giới và phải hoạt động theo luật chung của nhóm, của cộng đồng mà quốc gia đó là thành viên. Điều đó có nghĩa là trong quá trình giao lưu hội nhập hay tham gia vào các tổ chức quốc tế, các nước cần tiếp thu những yếu tố tiên tiến mang tính phổ quát của các nhóm, các tổ chức quốc tế trên tất cả các mặt, các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực luật pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước mình, nhằm đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi của hội nhập.
Việt Nam là một thành viên trong cộng đồng quốc tế, chúng ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực. Quá trình hội nhập đó đặt ra những yêu cầu đòi hỏi chúng ta phải chủ động đổi mới trong nước cũng như tiếp thu các thành tựu của văn minh nhân loại trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực pháp luật. Vấn đề đặt ra là chúng ta tiếp thu những giá trị pháp lý nào, cách thức tiếp nhận ra sao và Việt Nam phải làm gì để việc tiếp thu đạt hiệu quả, để những yếu tố pháp luật đó có thể “bén rễ” và phát triển được trên “mảnh đất” của chúng
ta.
Cơ sở cho việc tham khảo những giá trị tiến bộ của pháp luật nước ngoài nói chung và của Hiến pháp Nhật Bản nói riêng để hoàn thiện chế định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam chính là lý thuyết về
cấy ghép pháp luật (legal transplant). Trong khoa học pháp lý, thuật ngữ cấy ghép
pháp luật (legal transplant) lần đầu tiên được sử dụng trong hai nghiên cứu độc lập của Alan Watson và của Kahn Freund. Theo đó, cấy ghép pháp luật là việc đưa quy định pháp luật từ một quốc gia này sang áp dụng tại một quốc gia khác[45, tr.14].
Về cấy ghép pháp luật có 3 nhóm quan điểm khác nhau: Nhóm thứ nhất cho rằng
124 việc cấy ghép pháp luật là không thể, đại diện cho nhóm này là Mongtesquieu, ông cho rằng pháp luật không thể vượt qua được biên giới văn hóa và pháp luật là biểu hiện của giá trị tinh thần quốc gia, giá trị đó gắn chặt và không thể tách rời bối cảnh địa lý, tập quán truyền thống và chính trị của mỗi quốc gia riêng biệt. Quan điểm này được một số học giả ghi nhận và tiếp tục khẳng định trong thời gian gần đây. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng việc cấy ghép pháp luật không thể thực hiện được vì các quy tắc pháp luật không thể “đi lại” được (rules can not
travel). Nhóm thứ hai cho rằng cấy ghép pháp luật là việc dễ dàng và quá trình phát
triển của pháp luật trên thế giới chính là quá trình cấy ghép pháp luật. Đại biểu cho nhóm này là Alan Watson, ông cho rằng pháp luật có tính chất tự quyết định cao,
có đời sống riêng của nó, pháp luật không có mối liên hệ chặt chẽ với điều kiện xã hội. Theo Alan Watson sự phát triển của pháp luật phần lớn dựa vào cấy ghép pháp luật. Nhóm thứ ba cho rằng việc cấy ghép pháp luật có thể xảy ra, tuy nhiên cần đáp ứng những điều kiện nhất định và không phải mọi quy phạm pháp luật đều có thể cấy ghép được. Đại diện cho quan điểm này là Kahn Freund, ông cho rằng pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ với nơi nó được sản sinh và không nên tách rời pháp luật ra khỏi mục đích và môi trường của nó. Việc cấy ghép pháp luật có thể xảy ra, tuy nhiên, cấy ghép có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau [45,tr.18]. Thực tế đã cho thấy quan điểm của Mongtesquieu là không chính xác vì lịch sử nhân loại đã chỉ ra rằng việc cấy ghép pháp luật đã diễn ra khắp nơi trên thế giới và đã có những thành công nhất định. Về quan điểm của Watson cũng không hoàn toàn chính xác vì thực tế đã có những sự cấy ghép pháp luật không thành công
đó chính là những nỗ lực cấy ghép pháp luật trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trước kia hoặc sự cấy ghép áp đặt mô hình pháp luật của một số nước lớn vào một số quốc gia đang phát triển ở châu Phi đã bị đào thải [45, tr.18-19].
Từ thực tế nêu trên, tác giả luận án đồng ý với quan điểm của nhóm thứ ba. Theo đó, để cấy ghép pháp luật thành công cần có ba điều kiện cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Tư tưởng của pháp luật du nhập phải tương đồng với ý thức hệ
đang thống trị ở nước du nhập.
125
Thứ hai: Pháp luật du nhập phải tương đồng với cấu trúc, hình thái và
phương thức tổ chức quyền lực nhà nước ở quốc gia du nhập.
Thứ ba: Pháp luật du nhập phải phù hợp với phương thức sản xuất của xã
hội, phải được số đông thành viên trong xã hội chấp nhận và ủng hộ
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, để việc tiếp thu có hiệu quả cần phải đảm bảo sự tương thích giữa pháp luật nước ngoài cần tiếp thu và điều kiện nội tại của nước tiếp thu..
Có thể nói rằng sự tương đồng giữa tư tưởng pháp luật nước ngoài với các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa truyền thống, xã hội trong một nước là điều kiện rất cần thiết để pháp luật nước ngoài có thể du nhập, tồn tại và phát triển được
ở nước đó. Nói cách khác, sự phù hợp được coi như là một điều kiện vô cùng quan trọng để pháp luật nước ngoài có thể “cắm rễ” thành công vào hệ thống văn hóa pháp luật của nước du nhập. Tuy nhiên, để có được sự phù hợp đó thì phải xét ở cả
hai chiều. Điều đó có nghĩa rằng không chỉ yêu cầu từ phía pháp luật nước ngoài phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước du nhập (trong trường hợp chủ động tiếp thu pháp luật nước ngoài, tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của nước định tiếp thu) mà còn phải yêu cầu bản thân nước du nhập cũng cần chủ động thay đổi các điều kiện trong nước trên các phương diện chính trị, kinh tế và văn hóa để tương thích với pháp luật nước ngoài (trong trường hợp chịu sức ép phải tiếp thu để đáp ứng yêu cầu quốc tế). Như vậy, có thể nói rằng, để
du nhập có hiệu quả pháp luật nước ngoài vào một nước thì tùy từng trường hợp là chủ động chọn lọc hay do chịu áp lực từ quốc tế mà đặt ra các yêu cầu khác nhau. Trong thời đại hội nhập và phát triển như ngày nay, các nước trong cộng đồng quốc
tế cần phải chủ động du nhập luật pháp quốc tế nhằm hoàn thiện luật pháp trong nước để hội tụ đủ các điều kiện cần thiết khi tham gia vào các tổ chức quốc tế và hội nhập vào thế giới nếu không muốn mình bị tách biệt khỏi cộng đồng quốc tế do
hệ thống luật pháp lạc hậu. Khi tham gia các tổ chức quốc tế trong thời kỳ hội nhập thì vấn đề đặt ra không phải là luật pháp quốc tế có phù hợp với nước sở tại hay không mà ngược lại, hệ thống luật pháp của nước sở tại có đáp ứng được yêu cầu
126 đặt ra (trong đó có yêu cầu về hệ thống pháp luật) của tổ chức quốc tế mà mình định gia nhập hay không. Đây chính là trường hợp bị áp lực phải hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước theo tiêu chuẩn chung của cộng đồng quốc tế và trong trường hợp này yêu cầu đặt ra là nước du nhập phải chủ động cải cách trên tất cả các mặt để có được sự tương thích với chuẩn chung của cộng đồng quốc tế. Chẳng hạn khi đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các nước muốn gia nhập tổ chức này phải chủ động nỗ lực hoàn thiện các điều kiện trong nước trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của WTO hoặc trường hợp các nước muốn gia nhập liên minh châu Âu (EU) hay các tổ chức quốc tế khác (NATO) đều phải chủ động cải cách trong nước trên mọi phương diện để đáp ứng yêu cầu của các tổ chức đó. Do vậy, khi du nhập pháp luật nước ngoài nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước để đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày nay thì sự chủ động thích ứng của nước du nhập cũng là điều rất cần thiết. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy nếu các quốc gia chủ động trong việc cải cách các điều kiện trong nước để du nhập luật nước ngoài thì vẫn có thể thành công.
Nhật Bản là một ví dụ cho trường hợp này, sau khi ban hành Hiến pháp Minh Trị, người Nhật Bản với tư tưởng canh tân đất nước, hội nhập phương Tây đã nhanh chóng cải cách trong nước, trong đó có cải cách tư pháp để tiếp nhận luật pháp nước ngoài với mục đích làm cho luật pháp Nhật Bản không lạc hậu so với phương Tây. Kết quả là Nhật Bản đã du nhập thành công luật pháp nước ngoài để hiện đại hóa luật pháp trong nước trong thời kỳ Minh Trị. Thậm chí ngay cả bản hiến pháp hiện hành của Nhật Bản cũng là sản phẩm nước ngoài du nhập vào Nhật Bản do ép buộc nhưng người Nhật đã thành công trong việc cải cách trong nước để thích ứng hoàn toàn với những quy định có phần mới mẻ về dân chủ và nhân quyền, thậm chí đi ngược lại cả truyền thống cố hữu của nước này. Với sự phát triển cùa Nhật Bản cả về kinh tế, kỹ thuật và một xã hội dân chủ, tôn trọng quyền con người như ngày nay, Nhật Bản là một ví dụ cho việc ngay cả khi pháp luật nước ngoài du nhập một cách cưỡng bức thì vẫn có thể thành công nếu như nước
127
du nhập chủ động cải cách trong nước để tương thích với pháp luật du nhập đó. Điều này gợi mở cho phía Việt Nam phải chủ động thay đổi các điều kiện trong nước trên tất các các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa để đảm bảo kết hợp hài hòa việc vừa có thể tiếp thu được những giá trị tiến bộ về dân chủ và nhân quyền của nhân loại vừa có thể giữ gìn được bản sắc và những nét riêng có của Việt Nam.
Tóm lại, trong việc tiếp thu pháp luật nước ngoài, bên cạnh sự phù hợp giữa
tư tưởng pháp luật muốn du nhập với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của nước
du nhập thì cũng cần phải nhấn mạnh đến chiều ngược lại đó là tính thích ứng của các điều kiện trong nước đối với những tư tưởng muốn du nhập từ ngoài vào, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập và phát triển như ngày nay đòi hỏi pháp luật mỗi quốc gia cần phải tương thích với pháp luật quốc tế trong một chừng mực nhất định.