4.3.3.1. Kiểm soát đường máu
Đường máu đói được xét nghiệm khi bắt đầu nghiên cứu, mỗi 01 tháng trong 06 tháng và khi kết thúc nghiên cứu cho bệnh nhân của cả 02 nhóm.
Diễn biến sự thay đổi đường máu đói được trình bày ở biểu đồ 3.6. Tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu, đường máu đói của 2 nhóm không có sự khác biệt.
Trong quá trình theo dõi và can thiệp, đường máu đói có xu hướng giảm ở cả 02 nhóm sau 3 tháng can thiệp: nhóm chứng giảm 0,4 ± 1,5 mmol/l; nhóm can thiệp giảm 0,9 ± 1,5 mmol/l (p = 0,046). Sau 6 tháng can thiệp thì đường máu đói ở nhóm can thiệp giảm được 1,1 ± 1,1 mmol/l trong khi nhóm chứng lại có xu hướng tăng 0,1 ± 1,7 mmol/l, sự khác biệt có ý nghĩa với p < 0,001.
Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Yavari A.96 và cộng sự (2012) nghiên cứu trên 152 bệnh nhân ĐTĐ typ 2, can thiệp HĐTL giúp làm giảm đường máu đói 1,2 ± 3,1 mmol/l (p = 0,07).
Điểm đáng chú ý trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi là các bệnh nhân nhóm can thiệp có đường máu lúc đói khi bắt đầu nghiên cứu là 8,8 ± 1,3 mmol/l, ngay sau 01 tháng can thiệp HĐTL đường máu đói trung bình giảm trung bình 0,7 ± 1,7 mmol/l, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).
Đường máu đói trong nghiên cứu của chúng tôi có giá trị ổn định qua các lần xét nghiệm hàng tháng. Như vậy, với nhiều cơ chế phức tạp ngắn hạn cũng như lâu dài tác động lên sự kiểm soát đường máu, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy can thiệp HĐTL đạt hiệu quả đối với sự kiểm soát đường máu đói một cách rõ ràng và ổn định sau 01 tháng theo dõi.
So sánh với nghiên cứu của Vũ Thị Thanh Huyền97 (2010) nghiên cứu tác dụng kiểm soát đường máu khi dùng trà Giảo cổ lam trong 12 tuần cũng cho thấy hiệu quả giảm đường máu sau ăn tương đương là 3,5 ± 5,7 mmol/l.
Một trong những mục tiêu chính của liệu pháp điều trị bệnh ĐTĐ là đạt được sự kiểm soát tốt nhất để ngăn ngừa sự tiến triển của các biến chứng . Một cách tiếp cận đa ngành đặc trưng bởi sự kết hợp của chế độ ăn uống, hoạt động thể lực và điều trị bằng thuốc. Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra bằng chứng cụ thể hơn về hiệu quả của HĐTL ở bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị tại Việt Nam. Các khuyến nghị hiện tại cho các đối tượng ĐTĐ typ 2 là thực hiện 150 phút HĐTL cường độ trung bình mỗi ngày trong tuần. Tuy nhiên, với độ dài và ảnh hưởng của HĐTL đến độ nhạy insulin khoảng 24 đến 72 giờ, nên việc luyện tập nên được thực hiện thường xuyên, không được nghỉ tập quá 3 ngày. Thật không may, mặc dù có nhiều những lợi ích tiềm năng đã được chứng minh, nhiều người mắc bệnh ĐTĐ hoàn toàn ít vận động hoặc không thể tăng mức độ HĐTL của họ. Thừa cân và béo phì gây ra sự gia tăng phân bố chất béo ở bụng có thể góp phần vào làm tăng tình trạng kháng insulin.
4.3.3.2. Hiệu quả giảm HbA1c
HbA1c là dấu hiệu chỉ điểm quan trọng của sự kiểm soát đường máu.
Có thể đánh giá hiệu quả của một phương pháp điều trị bệnh ĐTĐ thông qua sự thay đổi giá trị HbA1c sau khoảng 3 tháng áp dụng phương pháp đó. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy giảm HbA1c sẽ giảm được tỷ lệ biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. Nghiên cứu UKPDF 35 (1998) đánh giá về mức độ kiểm soát đường máu cho thấy: khi giảm HbA1c 1% thì sẽ giảm được 21%
nguy cơ của bất kỳ biến chứng nào liên quan đến ĐTĐ, giảm 15% nhồi máu cơ tim và giảm 37% biến chứng vi mạch.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu không có sự khác biệt về HbA1c trung bình của 2 nhóm, trong quá trình theo dõi cho thấy bệnh nhân thực hiện chương trình HĐTL đạt ít nhất 5.370 bước chân/ngày và 04 ngày/ tuần trong 06 tháng có hiệu quả giảm HbA1c
trung bình là 0,68 ± 0,66%, trong khi ở nhóm chứng HbA1c tăng 0,15 ± 0,85% với p < 0,000. Theo một số tác giả nghiên cứu trước đây cho thấy HbA1c giảm 0,5% được coi là có ý nghĩa lâm sàng.98 Trong nghiên cứu của chúng tối có 81,2% bệnh nhân nhóm can thiệp có giảm HbA1c trong đó có 41,5% bệnh nhân giảm HbA1c đạt mục tiêu (≤ 7,0%).
Hiệu quả giảm HbA1c trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với nghiên cứu của Goldhaber-Fiebert99 và cộng sự, HbA1c giảm 1,8 ± 2,3% ở nhóm can thiệp và giảm 0,4 ± 2,3% ở nhóm chứng. Và thấp hơn nghiên cứu của Yavari96 và cộng sự (2012) trên 152 bệnh nhân ĐTĐ cho thấy hiệu quả làm giảm HbA1c ở nhóm can thiệp là 1,33 ± 1,08% cao hơn có ý nghĩa so với nhóm chứng HbA1c tăng 0,20 ± 0,66% (p < 0,001).
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự kết quả nghiên cứu của Boulé62 và cộng sự công bố năm 2001, can thiệp HĐTL trong ≥ 8 tuần cho kết quả giảm HbA1C trung bình là 0,66% ở những bệnh nhân mắc ĐTĐ typ 2, ngay cả khi không có sự thay đổi đáng kể chỉ số khối cơ thể. Và cũng tương tự kết quả nghiên cứu của Kelley GA và Kelley KS100 trên 220 bệnh nhân ĐTĐ typ 2, can thiệp HĐTL trong 08 tuần cho thấy hiệu quả giảm HbA1c 0,8%.
Thử nghiệm Look AHEAD (Hành động vì sức khỏe bệnh nhân ĐTĐ) là thử nghiệm ngẫu nhiên lớn nhất đánh giá can thiệp thay đổi lối sống ở người cao tuổi mắc ĐTĐ typ 2 so với nhóm kiểm soát bằng cách giáo dục và hỗ trợ.
Nhóm can thiệp lối sống nhằm mục tiêu giảm cân nặng ít nhất 7% và luyện tập ít nhất 175 phút/tuần. Kết quả cho thấy những lợi ích về sức khỏe và cải thiện HbA1c thêm 0,57.101
Như vậy, thay đổi lối sống với HĐTL tích cực có hiệu quả kiểm soát đường máu có thể so sánh được với metformin đơn trị liệu - làm giảm HbA1c 1,5% và sulfonylurea.102Điều này có thể là do hầu hết các đối tượng trong
nghiên cứu của chúng tôi được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khi chưa có triệu chứng, và được can thiệp tích cực nên cho hiệu q
Để loại trừ tác dụng của việc áp dụng chế độ ăn được hướng dẫn chung cho cả hai nhóm, ta xét chỉ số hiệu chỉnh hiệu quả giảm HbA1c nhóm can thiệp so với nhóm chứng là – 0,83% (- 0,98 ± 0,44%).
Theo nghiên cứu của Mourier103 và cộng sự sự khác biệt này cao hơn đạt 1,5%; điều này có thể là do trong nghiên cứu của ông bệnh nhân HĐTL ở cường độ mạnh hơn đạt 75% VO2 max với thời gian và tần suất là 55 phút/lần x 3 lần/tuần. Cường độ HĐTL có mối liên quan chặt chẽ với hiệu quả làm thay đổi HbA1c với r = – 0,91 và p = 0,002.63
Theo ADA – 2014, HbA1c mục tiêu ở hầu hết người trưởng thành không mang thai là dưới 7%3. Kiểm soát tốt đường máu đạt mục tiêu này giúp giảm các biến chứng dài hạn của ĐTĐ tới 76%, giảm các biến chứng mạch máu nhỏ cũng như biến chứng mạch máu lớn.3,104 Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sau 12 tuần can thiệp, HbA1c của bệnh nhân nhóm can thiệp đã được kiểm soát đạt 6,77%.
Hạn chế trong nghiên cứu của chúng tôi là chỉ kiểm soát được về lượng HĐTL (tính theo bước chân/ngày) chứ chưa kiểm soát được về cường độ luyện tập của bệnh nhân. Trong khi cường độ HĐTL càng cao giúp làm giảm HbA1c càng nhiều, mối tương quan này chặt chẽ hơn so với việc tăng lượng HĐTL.63 Như vậy, bệnh nhân có thể tăng cường độ HĐTL nếu có khả năng, điều đó làm tăng hơn nữa hiệu quả kiểm soát bệnh ĐTĐ.
Tuy nhiên đã có nhiều nghiên cứu cho thấy vai trò của việc đi bộ. Có bằng chứng rõ ràng rằng hoạt động thể chất, bao gồm cả đi bộ, có những lợi ích đáng kể đối với sức khỏe. Kosaka105 và cộng sự cho thấy rằng một can thiệp lối sống cho nam giới bị rối loạn dung nạp glucose làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường một cách hiệu quả. Họ khuyến nghị các đối tượng tham
gia nghiên cứu thực hiện các hoạt động sau đây để tăng cường hoạt động thể chất của họ: Đi bộ 30 - 40 phút / ngày, sử dụng cầu thang bộ thay vì thang máy hoặc thang cuốn, đạp xe 30 phút vào cuối tuần và xuống xe buýt trước một trạm dừng điểm đến của họ. Phát hiện của họ đã chứng minh rằng can thiệp hoạt động thể chất kết hợp với liệu pháp ăn kiêng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tới 67,4%.
Một phân tích tổng hợp các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đã cho thấy tác động của việc đi bộ đối với việc kiểm soát đường huyết và nguy cơ tim mạch; cụ thể, đi bộ làm giảm đáng kể nồng độ hemoglobin glycated 0,50% (KTC 95%: -0,78% đến -0,21%), chỉ số khối cơ thể giảm -0,91 kg/m 2 (KTC 95%: -1,22 đến -0,59 kg/m 2), và huyết áp tâm trương -1,97 mmHg (KTC 95%: -3,94 đến -0,0 mmHg).65
Bài báo tổng quan về loại hình đi bộ mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể, xem xét một số vấn đề phương pháp liên quan đến các nghiên cứu dịch tễ học điều tra mối liên quan giữa đi bộ và sức khỏe, và xem xét một số lý do vì tầm quan trọng của việc đi bộ đối với sức khỏe cộng đồng. Đi bộ như một hình thức hoạt động thể chất có lợi cho sức khỏe bắt đầu nhận được sự chú ý vào những năm 1990 do các khuyến nghị mới nhấn mạnh đến hoạt động thể chất cường độ vừa phải. Ví dụ chính về hoạt động cường độ vừa phải trong khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh / Đại học Y khoa Thể thao Hoa Kỳ năm 1995 là đi bộ nhanh với tốc độ 3 đến 4 dặm / giờ. Bằng chứng cho những lợi ích sức khỏe của việc đi bộ phần lớn đến từ các nghiên cứu dịch tễ học.
Khi giải thích dữ liệu từ các nghiên cứu như vậy, cần phải xem xét một số vấn đề phương pháp luận, bao gồm thiết kế của nghiên cứu, gây nhiễu bởi các hành vi lối sống khác và gây nhiễu bởi các loại hoạt động thể chất khác. Đi bộ có khả năng có tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng do khả năng tiếp cận, lợi ích sức khỏe được ghi nhận của nó và thực tế là các chương trình hiệu quả để
thúc đẩy đi bộ đã tồn tại. Đi bộ là một hành vi sức khỏe đơn giản có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh mãn tính và cải thiện chi phí chăm sóc sức khỏe đang tăng lên, chỉ làm tăng số lượng chấn thương liên quan đến hoạt động một cách khiêm tốn.106