Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ GIÁO DỤC KỶ LUẬT TÍCH CỰC Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.3. Lý luận về giáo dục kỷ luật tích cực ở trường trung học phổ thông
1.3.5. Phương pháp, hình thức giáo dục kỷ luật tích cực ở trường
1.3.5.1. Phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực ở trường trung học phổ thông
Theo các nhà nghiên cứu giáo dục [25,38;56], các phương pháp giáo dục HS trong nhà trường gồm các nhóm: Nhóm phương pháp thuyết phục (các phương pháp cụ thể: đàm thoại, giảng giải, nêu gương, kể chuyện, tranh luận); Nhóm phương pháp tổ chức hoạt động và hình thành kinh nghiệm ứng xử xã hội (các phương pháp cụ thể: nêu yêu cầu sư phạm; tập thói quen; rèn luyện; giao công việc và tạo các tình huống giáo dục); Nhóm phương pháp kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi ứng xử của người được giáo dục (khuyến khích, trách phạt); Nhóm phương pháp đánh giá hành vi và hoạt động của người được giáo dục (các phương pháp cụ thể như quan sát, đàm thoại, anket, nghiên cứu sản phẩm hoạt động...).
Xuất phát từ đặc điểm của giáo dục KLTC, một số phương pháp giáo dục sau đây có thể sử dụng trong giáo dục KLTC ở trường THPT:
(1) Sử dụng các phương pháp thuyết phục như: đàm thoại, giảng giải, nêu gương tác động đến ý thức, tình cảm, thái độ của HS nhằm thay đổi cách ứng xử của các em trong nhà trường, trong lớp học.
Để thay đổi cách ứng xử trong nhà trường, lớp học trước hết cần trao đổi, giải thích giúp HS hiểu được sự cần thiết của các quy định, quy chế của trường học, lớp học, khuyến khích HS tham gia. Việc xây dựng các quy tắc, quy định cần rõ ràng và nhất quán, đảm bảo hướng những điều tốt đẹp mà GV mong đợi ở HS về mặt tư cách đạo đức và học tập.
Sử dụng phương pháp nêu gương: trước hết GV cần phải là tấm gương mẫu mực cho HS về tư cách đạo đức. HS học và làm theo những gì HS thấy từ cuộc sống và từ những người xung quanh. Nếu người lớn dùng bạo lực, HS chắc sẽ sử dụng bạo lực. Nếu GV giận dữ, không khoan dung, độ lượng thì HS chắc cũng có thể bộc lộ sự tức giận, ích kỷ. Nếu GV cư xử một cách nhẹ nhàng, có lòng khoan dung, sự nhẫn nại, thì HS sẽ học theo cách cư xử đó. Đồng thời cần nêu gương những HS có ý thức, thái độ, hành vi tốt, thực hiện có hiệu quả các nội quy, quy định, của tập thể, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường, của lớp.
(2) Sử dụng các phương pháp tổ chức hoạt động và hình thành kinh nghiệm ứng xử xã hội nhằm tăng cường sự tham gia tích cực của HS trong xây dựng và giám sát nội quy trường học, lớp học, đồng thời xây dựng một tập thể lớp học vững mạnh.
Phương pháp này nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc cho HS tham gia vào quá trình ra quyết định trong lớp học: tham gia xây dựng nội quy lớp, xây dựng quy định khen thưởng và xử phạt, HS tham gia giám sát và thực hiện nội quy, ví dụ để HS nhận xét việc thực hiện nội quy hàng tuần.
Việc HS tham gia xây dựng nội quy khiến HS cảm thấy có trách nhiệm và thực hiện KL một các tự giác hơn, GV không cần nhắc nhở và tránh được những
“sự cố” trong lớp học. Nội quy do HS xây dựng có nội dung phù hợp với quy định chung của nhà trường, lớp học nhưng với ngôn ngữ của HS nên gần gũi với HS hơn và nhờ đó HS chấp nhận một cách dễ dàng và tự nguyện hơn. Mặt khác, thông qua quá trình tham gia xây dựng nội quy, HS rèn luyện cho mình khả năng bày tỏ suy nghĩ của bản thân, biết đưa ra các quyết định, phát huy tinh thần tập thể và tinh thần trách nhiệm của HS.
Xây dựng một tập thể lớp học vững mạnh là tạo ra mối quan hệ thân thiện, cảm thông, gắn bó, đoàn kết giữa GV và HS, giữa HS với nhau trong quá trình giáo dục. Một tập thể lớp tốt là môi trường lý tưởng để HS học tập và phát triển nhân cách, là một tập thể hướng tới và HĐ dựa trên các giá trị như: tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm, biết cách giải quyết các xung đột không bằng bạo lực… HS có thể học từ một tập thể lớp tốt những bài học đạo đức qua những tấm gương tốt của GV và của các bạn trong lớp. Trong tập thể đó, HS có cơ hội để suy nghĩ, bàn bạc, được thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc của mình về các nguyên tắc đạo đức với sự khuyến khích, cảm thông và tôn trọng của thầy cô và các bạn. Trong một tập thể lớp tốt sẽ không có trừng phạt thân thể và HS học cách giải quyết xung đột không dùng bạo lực.
(3) Sử dụng các phương pháp kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi ứng xử của HS.
Khuyến khích động viên tích cực: Phương pháp này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khen ngợi, động viên khi HS có hành vi tích cực. Những HS có hành động tốt được khen ngợi, khuyến khích và do vậy HS tiếp tục hành động như vậy, những hành động hoặc hành vi tiêu cực được ngăn ngừa. Đồng thời tổ chức các phong trào thi đua trong nhà trường, lớp học như: thi đua dành danh hiệu lớp nhóm tiêu biểu, HS tiêu biểu trong tuần…
Bên cạnh phương pháp khuyến khích động viên tích cực, phương pháp trách phạt cần được sử dụng. Tuy nhiên, sử dụng trách phạt phải phù hợp, công bằng và nhất quán, không sử dụng những hình thức phạt khiến HS cảm thấy rằng HS là những người tồi tệ; tuyệt đối không sử dụng những hình thức phạt mang tính bạo lực; những hình thức phạt nên mang tính chất xây dựng, giúp HS học thêm được một kỹ năng nào đó trong quá trình thực hiện hình thức phạt đó; Tránh gây căng thẳng, đối đầu với HS khi xử lý các sai phạm; Khi áp dụng các hình thức xử phạt nên nói rõ sai phạm của HS.
(4) Sử dụng các phương pháp đánh giá hành vi và hoạt động của HS như:
quan sát, anket, quan tâm khó khăn của HS, nghiên cứu sản phẩm hoạt động...
Bên cạnh sử dụng phương pháp khuyến khích và trách phạt, GV cần quan tâm đến những khó khăn của HS trong cuộc sống và trong học tập.
Những vấn đề về hành vi có thể khiến HS gặp khó khăn trong học tập và những khó khăn trong học tập có thể gây ra những vấn đề về hành vi. Các chuyên gia tâm lý về HS, những người nghiên cứu về hành vi của HS ở trường học kết luận rằng những vấn đề về thái độ và cách cư xử trong HS phần lớn bắt nguồn từ những vấn đề thực tế mà HS phải đối mặt trong cuộc sống. Đây thường là những vấn đề có liên quan đến môi trường, hoàn cảnh sống của HS: hững khó khăn trong học tập;
những vấn đề ở gia đình; những bức xúc khi HS bị tổn thương và bị hiểu lầm hay bị đối xử không công bằng… Việc tìm hiểu những khác biệt trong hoàn cảnh, khó khăn trong cuộc sống, học tập và những khó khăn về mặt tâm lý của HS sẽ giúp GV hiểu và tìm được biện pháp giáo dục thích hợp.
1.3.5.2. Các hình thức giáo dục kỷ luật tích cực ở trường trung học phổ thông
Theo các nhà nghiên cứu, có nhiều hình thức tổ chức giáo dục để thực hiện giáo dục KLTC trong trường THPT [5; 6; 7; 65; 66; 74; 77; 88; 89 … ].
Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, chúng tôi khái quát một số hình thức sau đây:
(1) Giáo dục KLTC thông qua quá trình giảng dạy các môn học ở trường THPT: Giáo dục KLTC thông qua hoạt động dạy học của giáo viên bộ môn góp phần giúp HS tự giác chiếm lĩnh một cách có hệ thống những quy tắc, chuẩn mực xã hội. Các môn khoa học xã hội như: Văn học, Lịch sử, Giáo dục kinh tế pháp luật,
… có tiềm năng to lớn trong việc giáo dục nhân cách cho người học. Những
kiến thức các bộ môn khoa học này có liên quan đến nhận thức những chuẩn mực giá trị đạo đức, thái độ và cách ứng xử, hành vi trong giáo dục KLTC. Các môn khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học, … cũng góp phần giáo dục nhân cách HS; giúp HS hình thành thế giới quan duy vật biện chứng, những phẩm chất xã hội như: Con đường tư duy hợp lý, tác phong làm việc, coi trọng nhân cách và ý thức nâng cao kiến thức xã hội… Các môn khoa học khác như: Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng… tạo cơ hội để người học phát triển những xúc cảm, rèn luyện ý chí kiên cường, lòng dũng cảm, những bổn phận và nghĩa vụ của người công dân, giảm thiểu các hành vi không mong đợi góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục KLTC ở trường THPT.
(2) Giáo dục KLTC thông qua hình thức xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, hạnh phúc nhằm tạo lập môi trường giáo dục KLTC, bao gồm: Xây dựng bầu không khí sư phạm thân thiện, hạnh phúc trong nhà trường nhằm tạo ra một môi trường cảm thông, chia sẻ, hợp tác trong giáo dục KLTC; nơi diễn ra các hoạt động học tập, rèn luyện an toàn, không bạo lực về thể chất cũng như về tinh thần. Trong môi trường trường học thân thiện, hạnh phúc, nhà trường và GV đáp ứng những nhu cầu đa dạng của HS, sao cho các em đều muốn đến trường và cùng nhau học tập;
xây dựng mối quan hệ tích cực giữa GV và HS dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau, giúp đỡ và đồng cảm. Bên cạnh đó, GV nhất là GVCN làm gương trong cách cư xử, ngôn ngữ và hành vi; GVCN xây dựng một tập thể lớp học tự quản tốt, lớp học thân thiện, cảm thông, gắn bó nhằm hướng tới các giá trị được tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm, biết cách giải quyết các xung đột không bằng bạo lực. GVCN cần xây dựng các quy tắc cần đảm bảo hướng tới những điều tốt đẹp mà thầy cô mong đợi ở HS. GVCN cần xây dựng mối quan hệ thân thiện với cha mẹ HS và các lực lượng giáo dục để giáo dục HS trở nên dễ dàng hơn và đó cũng là những điều kiện để bảo vệ HS khỏi sự trừng phạt thân thể về thể xác và tinh thần.
(3) Giáo dục KLTC thông qua tổ chức các hoạt động gắn kết các thành viên trong nhà trường: Nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, tạo không khí sôi động, vui tươi cho HS; tổ chức những buổi sinh hoạt dành cho HS giúp các em thoải mái bày tỏ suy nghĩ, ý kiến về các chủ đề liên quan đến KL, đạo đức như
các buổi sinh hoạt lớp, ý kiến về các chủ đề liên quan đến HS như phòng ngừa bạo lực trong trường học, những quy ước trong giao tiếp, học tập, KL.
Tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, các ngày hội theo chủ đề ... đều đem lại sự bổ ích góp phần lớn vào hoạt động giáo dục KLTC; GV chủ nhiệm tổ chức các hoạt động xây dựng tập thể lớp vững mạnh, một tập thể vững mạnh là một tập thể đoàn kết, thân ái, thân thiện, cởi mở trong đó các thành viên tôn trọng nhau.
Xây dựng hộp thư xanh “Điều em muốn nói”: Nhà trường lập hộp thư xanh
“Điều em muốn nói”, “Hộp thư xanh (online)”, diễn đàn “Nghe HS nói, nói HS nghe” để HS dân chủ được bày tỏ ý kiến của mình về tình cảm, cảm nhận, mong
muốn, đề nghị của HS về thầy cô, cha mẹ, nhân viên phục vụ, điều kiện học tập - sinh hoạt và các hoạt động vui chơi... Qua đó, GV sẽ có điều kiện hiểu HS nhiều hơn, đồng thời điều chỉnh các hoạt động giáo dục, nề nếp sinh hoạt sao cho phù hợp.
Từ đó HS có ý thức, tự giác và chủ động khi tham gia các hoạt động của chính HS.
Sinh hoạt chuyên đề trong lớp học: HS tự tổ chức mạn đàm phạm vi lớp học các chuyên đề như chuyên đề “Tình bạn - tình yêu”, “Có nên yêu khi đang là HS
THPT”, “Văn hóa ứng xử với trong cuộc sống”, “Văn hóa khi tham gia mạng xã hội” ... Qua đó, HS thoải mái bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, ý kiến với nhau về các chủ
đề nêu ra. Việc làm này có ý nghĩa cực kì lớn lao trong việc giáo dục hoạt động ý thức KL, rèn luyện đạo đức của HS;
(4) Giáo dục KLTC thông qua xây dựng mạng lưới trợ giúp HS: Xây dựng phòng tư vấn và tổ chức hoạt động tư vấn học đường tạo nhóm giáo viên trợ giúp và nhóm trợ giúp từ cộng đồng; tổ chức các câu lạc bộ trong HS.
Hoạt động tư vấn học đường nhằm giúp HS hiểu biết sâu sắc hơn về môi trường sống, về năng lực của bản thân, lựa chọn hành vi ứng xử tích cực, thực hiện mục tiêu cuộc sống. Nhiệm vụ cơ bản của phòng tư vấn là tổ chức hoạt động tư vấn cho HS trong các lĩnh vực cuộc sống, nghề nghiệp và ứng xử xã hội. Làm tốt hoạt động tư vấn học đường sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục KLTC, nâng cao thành tích học tập của HS, ý thức tổ chức kỷ luật, hành vi ứng xử phù hợp với các chuẩn mực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.
Nhà trường có thể thành lập nhóm GV trợ giúp để thảo luận về những vấn đề liên quan đến hành vi ứng xử, KLTC và giải quyết xung đột của HS.
Ngoài thành lập nhóm GV trợ giúp trong nhà trường, có thể tạo lập nhóm trợ giúp từ cộng đồng gồm cha mẹ HS, các chuyên gia tâm lý, giáo dục, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hỗ trợ các hoạt động giáo dục của nhà trường, trong đó có giáo dục KLTC.
(5) Giáo dục KLTC thông qua tổ chức các câu lạc bộ trong HS: GV định hướng, cố vấn và hỗ trợ HS sinh hoạt các câu lạc bộ học tập bộ môn Toán, Lý, Hóa, Khoa học xã hội, Let together, All in one ...; các câu lạc bộ thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội, võ vovinam, võ cổ truyền, thể dục fitness, thể hình, street workout,... các câu lạc bộ ẩm thực, hội họa, âm nhạc, báo chí, nhảy hiện đại ... giúp HS thể hiện kỹ năng chuyên sâu, bản lĩnh cá nhân trước tập thể, rèn luyện sự tự tin vào chính mình, bồi dưỡng tư duy tích cực, tính sáng tạo tối đa trong HS.
(6) Giáo dục KLTC thông qua tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp:
Trong Chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc ở trường phổ thông. Đây là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho HS tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kỹ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của HS trong các mối quan hệ với bản thân, xã hội, môi trường tự nhiên và nghề nghiệp; được triển khai qua bốn mạch nội dung hoạt động chính: Hoạt động hướng vào bản thân, hoạt động hướng đến xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp [8].
Thông qua các phương thức và loại hình hoạt động, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có nhiều lợi thế trong giáo dục KLTC ở trường THPT.
(7) Giáo dục KLTC thông qua yếu tố tự giáo dục, tự tu dưỡng, rèn luyện của HS có vai trò hết sức quan trọng để giáo dục KLTC có hiệu quả. Mỗi HS từ chỗ là khách thể của giáo dục KLTC sẽ trở thành chủ thể của quá trình giáo dục KLTC ở
trường THPT. Đặc biệt đối với HS THCS, ở các em đã có những hiểu biết nhất định về những kiến thức tự nhiên, xã hội, về mối quan hệ giữa con người với con người thì nhà giáo dục cần khơi dậy và kích thích họ tự giác, tự giáo dục bản thân là chính.
HS phải tự tu dưỡng theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tự tu dưỡng những nguyên tắc, hành vi ứng xử chuẩn mực được xã hội thừa nhận và phù hợp với độ tuổi HS để hình thành niềm tin, chuẩn mực đạo đức cho HS. Thông qua tự giáo dục, tự tu dưỡng, tự rèn luyện của chính HS sẽ nâng cao hiệu quả của giáo dục KLTC ở trường THPT.