CHƯƠNG 2: PHƯƠNG PHÁP VÀ TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU
2.3. Công cụ nghiên cứu
Bảng hỏi Các mức độ của Mối quan hệ (Relationship Scales Questionnaire) (RSQ) gồm 30 mục đo lường sự gắn bó thân mật ở người trưởng thành sẽ được sử dụng (Griffin, D. W. & Bartholomew, L., 1994) để đo sự gắn bó thân mật trong mối quan hệ thân mật.
Bảng hỏi này đo lường các cá nhân trên bốn chiều kích của sự gắn bó thân mật: gắn bó an toàn, gắn bó lo âu, gắn bó tránh né, và gắn bó lo âu-tránh né. RSQ sử dụng thang đo Likert 5 mức độ từ 1 (Hoàn toàn không giống tôi) cho đến 5 (Hoàn toàn giống tôi). Sự gắn bó thân mật an toàn được tính bằng trung bình cộng của các mục 3, 9, 10, 15 và 28;
sự gắn bó thân mật lo âu được tính bằng trung bình cộng của các mục 6, 8, 16, và 25; sự gắn bó thân mật tránh né được tính bằng trung bình cộng của các mục 2, 6, 19, 22, và 26;
và sự gắn bó thân mật lo âu-tránh né được tính bằng trung bình cộng của các mục 1, 5, 12, và 24. Trong đó các mục 6, 9, và 28 có điểm số cần đảo ngược trước khi đưa vào tính toán mức độ của từng sự gắn bó thân mật (riêng mục 6 không cần đảo ngược điểm số khi tính sự gắn bó thân mật tránh né). Cẩm nang tính điểm của thang RSQ không nêu rõ lý do vì sao chỉ có 17 mục (trên 30 mục) của thang được sử dụng để tính điểm số cho bốn sự gắn bó thân mật và không hướng dẫn cách sử dụng 13 mục còn lại. Các câu hỏi dùng đo lường sự gắn bó thân mật an toàn như "Tôi thấy dễ dàng gần gũi về mặt cảm xúc với người khác", "Tôi cảm thấy thoải mái khi phụ thuộc vào người khác", hay "Tôi cảm thấy thoải mái trong việc có người khác phụ thuộc vào mình." Các câu hỏi dùng đo lường sự gắn bó thân mật lo âu như "Tôi muốn trở nên hoàn toàn thân mật về mặt cảm xúc với những người khác", "Tôi lo lắng rằng người khác không xem trọng tôi nhiều như tôi xem trọng họ", hay "Tôi thấy những người khác phải miễn cưỡng để gần gũi với tôi như mức tôi muốn." Các câu hỏi dùng đo lường sự gắn bó thân mật tránh né như "Cảm giác độc lập là điều rất quan trọng với tôi", "Tôi không muốn có ai khác phụ thuộc vào tôi", hay
"Tôi không muốn phụ thuộc vào người khác." Các câu hỏi dùng đo lường sự gắn bó thân
mật lo âu-tránh né như "Tôi thấy khó khăn khi phụ thuộc vào người khác", "Tôi lo lắng rằng tôi sẽ bị tổn thương nếu tôi cho phép bản thân trở nên quá gần gũi với người khác", hay "Phần nào đó trong tôi cảm thấy không thoải mái khi gần gũi với người khác."
Cẩm nang tính điểm của Griffin và Bartholomew (1994) cũng không nêu rõ chỉ số Cronbach's alpha của bảng hỏi cũng như các chỉ số tâm trắc khác. Nghiên cứu về các chỉ số trắc nghiệm tâm lý của phiên bản Đan Mạch của bảng hỏi các mức độ của mối quan hệ (RSQ Danish version) cho biết chỉ số Cronbach's alpha cho cả 17 mục là 0.72 đối với bệnh nhân và 0.81 đối với đại chúng. Chỉ số Cronbach's alpha đối với 4 thang phụ đo 4 chiều kích gắn bó là 0.40 đến 0.68 đối với bệnh nhân, và là 0.34 đến 0.70 đối với đại chúng. Đối với nghiên cứu hiện tại ở Việt Nam, dữ liệu cho biết Cronbach's alpha đối với 4 thang phụ đo 4 chiều kích gắn bó là 0.37 đến 0.66 khi giữ nguyên 17 mục câu hỏi, và là 0.62 đến 0.69 khi loại bỏ một số mục câu hỏi. Những câu hỏi đã được loại bỏ nhằm cải thiện hệ số tin cậy thang đo Cronbach's Alpha của thang đo sự gắn bó thân mật lo âu là những câu 6 - "Tôi cảm thấy thoải mái dù không có những mối quan hệ gần gũi về mặt cảm xúc" và câu 8 - " Tôi muốn trở nên hoàn toàn thân mật về mặt cảm xúc với những người khác." Những câu hỏi đã được loại bỏ nhằm cải thiện hệ số tin cậy thang đo Cronbach's Alpha của thang đo sự gắn bó thân mật an toàn là những câu 9 - "Tôi lo lắng về việc ở một mình." và câu 28 - " Tôi lo lắng về việc người khác không chấp nhận tôi."
Thang đo Các mức độ của mối quan hệ trong nghiên cứu này được sử dụng là thang đo đã loại bỏ đi những câu hỏi kể trên nhằm đạt hệ số tin cậy tối ưu.
2.3.2. Thang đo khó khăn về điều hòa cảm xúc - bản ngắn gọn
Thang đo Khó khăn về Điều hòa Cảm xúc - bản ngắn gọn (Difficulties in Emotion Regulation Scale - Short Form) (DERS-SF) gồm 18 mục theo thang đo Likert 5 mức độ với mức 1 (hầu như không bao giờ) cho đến mức 5 (hầu như luôn luôn) (Kaufman, E. A.
và nnk., 2015) dùng để đo lường mức độ cá nhân gặp khó khăn trong việc điều hòa cảm xúc của bản thân. Thang đo gồm 6 thang đo phụ bao gồm: Chiến lược, Không chấp nhận, Xung động, Mục tiêu, Nhận thức, và Rõ ràng. Điểm số thang phụ Chiến lược được tính bằng trung bình cộng các mục 10 ("Khi tôi buồn bực, tôi cần nhiều thời gian để mình cảm thấy tốt hơn"), 15 ("Khi tôi buồn bực, tôi khó tập trung", và 18 ("Khi tôi buồn bực, tôi
mất kiểm soát đối với hành vi của mình"). Điểm số thang phụ Không chấp nhận được tính bằng trung bình cộng các mục 7 ("Khi tôi buồn bực tôi thấy ngại với người khác vì có cảm xúc buồn bực này"), 12 ("Khi tôi buồn bực, tôi khó tập trung vào những thứ khác"), và 16 ("Khi tôi buồn bực, tôi khó kiểm soát hành vi của mình"). Điểm số thang phụ Xung động được tính bằng trung bình cộng các mục 9 ("Khi tôi buồn bực, tôi trở nên mất kiểm soát"), 14 ("Khi tôi buồn bực, tôi thấy tội lỗi vì có cảm xúc buồn bực này"), và 17 ("Khi tôi buồn bực, tôi tin rằng mình chẳng thể làm gì để bản thân cảm thấy tốt hơn").
Điểm số thang phụ Mục tiêu được tính bằng trung bình cộng các mục 8 ("Khi tôi buồn bực, tôi thấy khó hoàn thành công việc"), 11 ("Khi tôi buồn bực, tôi tin rằng sau đó tôi sẽ cảm thấy rất chán nản"), và 13 ("Khi tôi buồn bực, tôi thấy khó chịu với chính mình vì có cảm xúc buồn bực này"). Điểm số thang phụ Nhận thức được tính bằng trung bình cộng các mục 1 ("Tôi để ý đến cảm xúc của chính mình"), 4 ("Tôi có quan tâm đến cảm xúc của mình"), và 6 ("Khi tôi buồn bực, tôi nhận biết được là mình đang buồn bực") (sau khi ba mục này được đảo ngược điểm số). Điểm số thang phụ Rõ ràng được tính bằng trung bình cộng các mục 2 ("Tôi không biết tôi đang cảm thấy như thế nào"), 3 ("Tôi gặp khó khăn trong việc hiểu được cảm xúc của mình"), và 5 ("5. Tôi thấy mơ hồ về cảm xúc của mình"). Điểm số Khó khăn về điều hòa cảm xúc được tính bằng trung bình cộng của điểm số của 6 thang phụ kể trên. Điểm càng cao nghĩa là mức độ cá nhân gặp khó khăn trong việc điều hòa cảm xúc của bản thân càng cao. Điểm càng thấp nghĩa là cá nhân càng dễ dàng trong việc điều hòa cảm xúc của bản thân.
Chỉ số Cronbach's alpha của phiên bản gốc của thang đo Khó khăn về điều hòa cảm xúc - bản ngắn gọn (DERS-SF) của 6 thang phụ lần lượt là Chiến lược (0.82), Không chấp nhận (0.85), Xung động (0.89), Mục tiêu (0.91), Nhận thức (0.78), và Rõ ràng
(0.78). Dữ liệu thu được của nghiên cứu hiện tại ở Việt Nam cho ra chỉ số Cronbach's alpha của mức độ khó khăn về điều hòa cảm xúc tổng thể là 0.82.
2.3.3. Thang đo lòng tự trắc ẩn - bản ngắn gọn
Thang đo Lòng tự trắc ẩn – bản ngắn (Self-Compassion Scale Short Form) (SCS- SF) gồm 12 mục theo thang đo Likert 5 mức độ với mức 1 (hầu như không bao giờ) cho đến mức 5 (hầu như luôn luôn) sẽ được sử dụng để đo lòng tự trắc ẩn của cá nhân (Raes,
F., Pommier, E., Neff, K. D., & Van Gucht, D., 2011). Thang đo có 6 thang phụ: Tử tế với bản thân, Phán xét bản thân, Nhân tính phổ quát, Cô lập, Chánh niệm, và Đồng nhất hóa thái quá. Raes và cộng sự đã phát triển phiên bản ngắn này dựa trên bản gốc có 26 mục. Thang phụ Tử tế với bản thân có điểm số được tính bằng trung bình cộng của các mục 2 ("Tôi cố gắng thấu hiểu và kiên nhẫn đối với những khía cạnh mà tôi không thích trong tính cách của mình") và 6 ("Khi tôi đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn, tôi trao cho bản thân mình sự quan tâm và dịu dàng mà tôi cần"). Thang phụ Phán xét bản thân có điểm số được tính bằng trung bình cộng của các mục 11 ("Tôi không chấp nhận và phán xét bản thân về những khuyết điểm và thiếu sót của mình") và 12 ("Tôi không khoan dung và thiếu kiên nhẫn với những khía cạnh tôi không thích trong tính cách của mình") (đảo ngược điểm số). Thang phụ Nhân tính phổ quát có điểm số được tính bằng trung bình cộng của các mục 5 ("Tôi có gắng nhìn nhận thất bại của mình như là một phần của thân phận con người") và 10 ("Khi tôi cảm thấy mình không đủ tốt theo cách nào đó, tôi cố gắng nhắc nhở mình rằng cảm giác này hầu hết mọi người đều có"). Thang phụ Cô lập có điểm số được tính bằng trung bình cộng của các mục 4 ("Khi cảm thấy buồn, tôi có xu hướng cảm thấy như thể hầu hết mọi người đều hạnh phúc hơn tôi") và 8 ("Khi tôi gặp thất bại trong một việc quan trọng với mình, tôi có xu hướng cảm thấy đơn độc trong thất bại của mình") (đảo ngược điểm số). Thang phụ Chánh niệm có điểm số được tính bằng trung bình cộng của các mục 3 ("Khi một chuyện đau lòng xảy đến, tôi cố gắng nhìn nhận tình huống ấy một cách cân bằng") và 7 ("Khi có điều gì đó làm tôi khó chịu, tôi cố gắng giữ cảm xúc của mình được cân bằng"). Thang phụ Đồng nhất hóa thái quá có điểm số được tính bằng trung bình cộng của các mục 1 ("Khi tôi gặp thất bại trong một việc quan trọng với mình, tôi bị bủa vây bởi cảm giác mình không đủ giỏi") và 9 ("Khi cảm thấy buồn, tôi có xu hướng ám ảnh và tập trung quá mức vào tất cả những điều đang bất ổn") (đảo ngược điểm số). Điểm số thang tổng Lòng tự trắc ẩn được tính bằng trung bình cộng điểm số của 6 thang phụ vừa tính kể trên. Điểm số càng cao nghĩa là cá nhân càng trắc ẩn với bản thân nhiều, và điểm số càng thấp phản ánh cá nhân ít tự trắc ẩn với bản thân.
Chỉ số tin cậy Cronbach's alpha của thang đo Lòng tự trắc ẩn - bản ngắn gọn được tìm thấy trong quá trình xây dựng thang đo của Raes và nnk. (2011) với khách thể 271 người Hà Lan là ≥ 0.86. Chỉ số Cronbach's alpha được tìm thấy trong nghiên cứu hiện tại cho 6 thang phụ là từ 0.49 đến 0.73, trong khi Cronbach's alpha của thang tổng Lòng tự trắc ẩn là 0.70.