CHƯƠNG 1. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH VẤN ĐỀ HẠNH PHÚC TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA IMMANUEL KANT
1.1. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI HÌNH THÀNH VẤN ĐỀ HẠNH PHÚC TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA IMMANUEL KANT
1.1.1. Điều kiện kinh tế - xã hội Tây Âu thế kỷ XVIII
Lịch sử các nước Tây Âu thế kỷ XVIII đã bước sang một giai đoạn mới, đặc biệt vào nửa cuối thế kỷ XVIII. Sự tan rã của chế độ phong kiến và sự hình thành, phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là đặc điểm nổi bật nhất của xã hội Tây Âu thời kỳ này.
Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, ở Tây Âu đã có những cuộc cách mạng tiêu biểu như: cách mạng tư sản Hà Lan (1566 - 1572), cách mạng tư sản Anh (1642 - 1648), cách mạng tư sản Pháp (1789 - 1794).
Đó là những làn sóng dội vào đời sống chính trị và tư tưởng châu Âu lúc bấy giờ. Cách mạng tư sản nổ ra là do sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố: sự tích lũy của bản thân nền kinh tế về tất cả các mặt như lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; vai trò của những cuộc phát kiến địa lý giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy sự phát triển sản xuất và nền kinh tế hàng hóa; sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp lớn thay thế cho công trường thủ công nhỏ; chế độ phong kiến lạc hậu, lỗi thời, giai cấp thống trị cũ áp đặt những chính sách chuyên chế đã ngăn cản sự phát triển của những thành phần kinh tế mới và triệt tiêu những quyền lợi của tầng lớp tư sản mới hình thành. Những
mâu thuẫn xã hội sâu sắc khiến cho cuộc cách mạng bùng nổ ở nhiều nước. Cuộc cách mạng tư sản cuối cùng là cách mạng tư sản Pháp đã đánh dấu chấm hết cho phương thức sản xuất phong kiến và khẳng định một thời đại mới của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thống trị trên toàn Tây Âu. Theo C. Mác, chính các cuộc cách mạng đó đã thiết lập chế độ chính trị mới ở Tây Âu.
Về kinh tế, với cuộc cách mạng công nghiệp Anh đánh dấu một bước chuyển lớn vĩ đại trong lĩnh vực về đời sống kinh tế - xã hội của Tây Âu vào những năm đầu thế kỷ XVIII. Có thể nói rằng cuộc đấu tranh quyết liệt và hào hùng không mệt mỏi của nhân dân nước Anh làm nên thắng lợi của cách mạng tư sản Anh, sự tích lũy tư bản sau cách mạng và cuộc cách mạng trong nông nghiệp biến đất đai trở thành tài sản của giai cấp tư sản, còn người nông dân bị vô sản hóa. Đó là các tiền đề thuận lợi cho cách mạng công nghiệp ra đời. Thực chất của cuộc cách mạng công nghiệp là cuộc cách mạng về kỹ nghệ. Từ đó đã tạo nên bước đột phá trong lực lượng sản xuất. Điều đó có nghĩa là sản xuất từ lao động thủ công chuyển sang lao động bằng máy móc dẫn tới năng suất lạo động tăng cao, mẫu hàng hóa phong phú và chất lượng cũng được cải thiện. Với cuộc cách mạng này đã tạo ra những điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển và thêm một lần nữa khẳng định địa vị của mình đối với thời đại.
Về xã hội, những cuộc cách mạng trên lĩnh vực chính trị - kinh tế đã dẫn đến tình trạng xã hội Tây Âu có nhiều thay đổi đáng kể và rõ rệt.
Sự dịch chuyển các luồng dân cư là một đặc điểm nổi bật trong thời kỳ bấy giờ. Dân cư từ các nơi đều tập trung về các thành thị ngày một đông và tấp nập, đồng thời với sự ra đời các khu công nghiệp lớn, hàng hóa được sản xuất ra năng xuất cao, những giai cấp mới của xã hội mới
được hình thành mà điển hình đó là: giai cấp tư sản, giai cấp công nhân và lúc này xã hội cũng nảy sinh những mâu thuẫn mới như: Mâu thuẫn giai cấp mà biểu hiện là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân .v.v. Chính thực trạng trên đã kéo theo những vấn đề đạo đức xã hội thay đổi. Hệ thống những giá trị và chuẩn mực cũ cần được thay thế bằng hệ giá trị và chuẩn mực mới. Những giá trị đạo đức truyền thống ép con người vào trong khuôn khổ của sự phục tùng đã không còn phù hợp nữa. Thay vào đó là những tư tưởng mới xác lập như tư tưởng tự do, tôn trọng nhân phẩm và khẳng định con người hiện thực của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Từ những nhận định trên, có thể khẳng định rằng, những cuộc cách mạng ở Anh, Pháp, Hà Lan đã ảnh hưởng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Tây Âu, chấm dứt sự thống trị của chế độ phong kiến hàng nghìn năm với hệ thống thần quyền và giáo luật khắt khe, mở đầu cho sự ra đời của chế độ tư bản. Chủ nghĩa tư bản ra đời đã đem lại một nền sản xuất phát triển chưa từng có trong lịch sử, tỏ ra ưu việt hơn so với tất cả các chế độ trước. Bước chuyển đó đã đem lại cho Tây Âu một diện mạo mới với những thành tựu khổng lồ về kinh tế - xã hội mà nhân loại đã đạt được của chủ nghĩa tư bản, càng khẳng định sức mạnh của con người trong nhận thức và cải tạo thế giới. Nó đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng tự do, độc lập tự quyết và quyền mưu cầu hạnh phúc trong tư tưởng của Kant.
Với thực trạng hiện tại của xã hội bấy giờ, văn hóa Tây Âu cũng có những bước chuyển mình mạnh mẻ. Phong trào Phục hưng và phong trào cải cách tôn giáo đã ảnh hưởng tới không gian văn hóa Tây Âu cận đại thực sự. Tuy nhiên điều mà chúng ta thấy được sự phát triển lên đến cao trào của nền văn hóa tư tưởng phương Tây cận đại thì chính là phong trào Khai sáng. Phong trào Khai sáng bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII
và đạt đến đỉnh cao ở thế kỷ XVIII. Trào lưu này xuất phát đầu tiên ở nước Anh lan sang Pháp, Đức và tới nhiều nước khác ở châu Âu. Với tư tưởng tự do, tiến bộ chống chủ nghĩa duy tâm, chống thần quyền, cũng như trật tự xã hội mới, niềm tin mãnh liệt vào lý tính của con người và năng lực trí tuệ của con người hay các chủ đề về “luật tự nhiên”, “quyền tự nhiên” trở thành khái niệm chủ đạo đã gây ảnh hưởng rất lớn tới triết học và khoa học thời ấy. Kant đã tiếp cận vấn đề đạo đức nói chung và hạnh phúc nói riêng từ phương diện của chủ nghĩa nhân đạo, hướng nhân loại tới việc xóa bỏ thói hư tật xấu của con người, xóa bỏ mọi áp bức và bất bình đẳng trong xã hội, qua đó khẳng định giá trị cao quý của con người, đưa con người vươn tới một vị thế xứng đáng với phẩm giá làm người.