CHƯƠNG 1. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH VẤN ĐỀ HẠNH PHÚC TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA IMMANUEL KANT
1.2. TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH VẤN ĐỀ HẠNH PHÚC TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA IMMANUEL KANT
1.2.1. Quan điểm hạnh phúc của Aristoteles
Aristoteles (384 - 322 TCN) là một triết gia vĩ đại của triết học Hy Lạp cổ đại. Vấn đề cơ bản của tư tưởng đạo đức Aristoteles là hạnh phúc và làm thế nào để đạt được hạnh phúc.
Hạnh phúc theo Aristoteles là có một cuộc sống tốt, tức là cuộc sống thỏa mãn những nhu cầu bản năng và nhu cầu tinh thần của con người. Trong đó nhu cầu tinh thần mang tính quyết định bởi nó thỏa mãn những chức năng đặc trưng của con người. Ông khẳng định rằng hạnh phúc không thể chỉ có do sự thỏa mãn lạc thú mà nằm “ở những hình thức phù hợp với đức hạnh” (Aristoteles, 1974, tr. 381), đặc biệt là hoạt động tinh thần. Hạnh phúc đồng nghĩa với cái Thiện tối cao.
Theo Aristoteles, hạnh phúc thường được chúng ta hiểu là sự thỏa mãn những nhu cầu lạc thú, sự giàu có và danh vọng. Tuy nhiên, Aristoteles cho rằng không phải mọi lạc thú đều tốt, nhất là lạc thú mang tính bản năng. Sự giàu có danh vọng lại phụ thuộc nhiều vào “những người ban danh vọng hơn là những người nhận danh vọng” (Aristoteles, 1974, tr. 28). Vì vậy theo Aristoteles, sự thỏa mãn lạc thú, giàu có và danh vọng là những điều đáng ước muốn nhưng không phải là cái Thiện tối cao, bởi nó không đáp ứng được chức năng cơ bản nhất của con người. “Lạc thú là một phần của cuộc sống mà thiếu nó con người khó có thể hạnh phúc (Aristoteles, 1974, tr. 372). Tuy nhiên “không phải lạc thú nào cũng đáng ham muốn” (Aristoteles, 1974, tr. 367) và đồng nhất với điều thiện.
Tiếp thu quan điểm trên của Aristoteles, Kant cho rằng, hạnh phúc là sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân tùy vào hoàn cảnh. Con người là một
“thực thể cảm tính” nên không thể tránh được những ham muốn bản năng. Đó là những nhu cầu và mong muốn cơ bản của con người như ăn, uống, nghỉ ngơi và tình dục. Những ham muốn này là tự nhiên và không
thể loại bỏ. Hạnh phúc đó là sự thỏa mãn tất cả các xu hướng ham muốn cá nhân (Immanuel Kant, 2018, tr. 1146).
Aristoteles cho rằng, chức năng đặc trưng cơ bản của con người là sự hoạt động của tâm hồn, kèm theo những hành vi hợp lý. Ở con người tinh thần chiếm chỗ thứ nhất, hoạt động của tinh thần là liên tục nhất (Aristotles, 1974, tr. 381) và mức độ hạnh phúc phụ thuộc vào đời sống tinh thần của mỗi con người. Chỉ có con người, “ngoài con người ra, tất cả những sinh vật đều không hưởng hạnh phúc, bởi vì chúng không tham gia vào sự chiêm ngưỡng” (Aristoteles, 1974, tr. 388).
Với Aristoteles, bản tính tự nhiên của con người là tìm kiếm lạc thú nhằm thỏa mãn nhu cầu bản năng của mình. Đó là một phần thiết yếu của cuộc sống mà thiếu nó con người khó có thể tồn tại. Tuy nhiên chỉ thỏa mãn nhu cầu bản năng không phải là hạnh phúc, bởi loài vật cũng có những nhu cầu đó. Vì vậy, sự thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người thông qua khả năng suy luận, hoạt động văn hóa, nghệ thuật sẽ đem đến hạnh phúc cho con người.
Đề cao vai trò của hoạt động tinh thần, ông cho rằng, tất cả mọi người thuộc tầng lớp trong xã hội như bình dân, chiến binh, chủ nô đều có thể được lạc thú nhưng hạnh phúc tột điểm chỉ có thể ở nhà hiền triết còn nô lệ thì không tham dự vào đời sống hạnh phúc. Bởi họ không có đời sống thực sự của một con người. Aristoteles (1974) viết:
“Tất cả những điều kiện đều kết hợp đến tột điểm nơi nhà hiền triết. Vậy nhà hiền triết được thần linh yêu quý đặc biệt; do đó, cũng được sung sướng tột bực; như vậy, chính nhà hiền triết phải là người sung sướng nhất” (tr. 390). Còn “sau hết, mỗi người và một kẻ nô lệ cũng như người tốt nhất trong nhân loại, đều có thể hưởng những lạc thú về thể xác. Nhưng không ai nghĩ cách làm
cho kẻ nô lệ dự phần vào hạnh phúc, trừ phi người ta cũng làm cho kẻ ấy có đời sống con người” (tr. 380).
Trên cơ sở nghiên cứu quan niệm hạnh phúc của Aristoteles, Kant không đồng ý quan điểm của Aristoteles khi cho rằng: nô lệ không tham dự vào đời sống hạnh phúc. Theo Kant, không có sự phân biệt trong hạnh phúc, cảm nhận hạnh phúc đều tùy thuộc ở mỗi người, ai cũng đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, là bản tính tự nhiên của con người nên con người mong muốn và khát khao có hạnh phúc. Kant (2020) viết:
“Hạnh phúc nhất định là mong muốn của bất kỳ hữu thể có lý tính nhưng hữu tận, và, vì thế, là một cơ sở quy định không thể tránh khỏi của quan năng ham muốn. Vì ta không sở hữu được ngay từ đầu sự hài lòng với toàn bộ sự hiện hữu của ta - một niềm hạnh phúc ắt bao hàm một ý thức về sự tự túc tự mãn hoàn toàn độc lập của riêng ta - mà là một vấn đề do bản tính tự nhiên hữu tận của ta đặt ra cho ta, bởi ta thiếu thốn và nhu cầu này liên quan đến chất liệu của quan năng ham muốn, nghĩa là, một cái gì liên quan đến tình cảm chủ quan về sự vui sướng hay không - vui sướng vốn quy định những gì ta cần có để được thỏa mãn với hoàn cảnh của ta” (tr. 47- 48).
Ngoài ra, Aristoteles cho rằng mục đích tối cao của con người là một cuộc sống hạnh phúc và mọi hành động của chúng ta đều hướng tới điều thiện. Hạnh phúc là mong muốn tồn tại trong mỗi người, điều mà tất cả ai cũng hướng đến. Ông viết: “Hạnh phúc là một nguyên lý cốt yếu, chính để đạt tới hạnh phúc, người ta làm mất tất cả các hành vi khác. Là nguyên lý và nguyên nhân của các điều thiện khác, hạnh phúc theo chúng ta, có một bản tính rất đáng tôn kính và thiêng liêng” (Aristoteles, 1974, tr. 52).
Điều thiện được Aristoteles phân thành ba loại: “những điền thiện bề ngoài, những điều thiện tâm hồn hay tâm thiện, những điền thiện của thân thể hay thể hiện” (Aristoteles, 1974, tr. 39). Trong ba điều thiện trên, Aristoteles cho rằng điều thiện tinh thần là quan trọng nhất. Ông gọi đó là cái Thiện tối cao. Theo ông, một khi con người đạt đến cái Thiện tối thì lúc đó đạt đến hạnh phúc. Như vậy Aristoteles đã đồng nhất hạnh phúc với cái Thiện tối cao. Để minh chứng điều này,
Aristoteles viết: “Hạnh phúc là điều thiện quý nhất, đẹp nhất và thú vị nhất” (Aristoteles, 1974, tr. 41).
Mặc dù Kant đồng tình với Aristoteles khi cho rằng hạnh phúc là có một cuộc sống tốt, tức là cuộc sống thỏa mãn những nhu cầu bản năng và nhu cầu tinh thần của con người. Nhưng trong khi Aristoteles đồng nhất hạnh phúc với cái Thiện tối cao thì Kant cho rằng hạnh phúc và đức hạnh là một trong hai yếu tố cấu thành cái Thiện tối cao. Kant (2020) lập luận:
“Bây giờ, nếu trong chừng mực đức hạnh và hạnh phúc cùng nhau tạo nên sự sở hữu về sự Thiện - tối cao trong một con người, và đồng thời sự phân phối hạnh phúc cũng có tỷ lệ chính xác với luân lý (luân lý là giá trị của con người, và là sự xứng đáng để được hạnh phúc) để tạo nên sự Thiện - tối cao của một thế giới khả hữu, thì sự Thiện - tối cao của một thế giới khả hữu, thì sự Thiện - tối cao này có nghĩa là cái toàn bộ, cái thiện hoàn tất, nhưng trong đó, đức hạnh - với tư cách là điều kiện - bao giờ cũng là cái Thiện cao nhất, vì không có điều kiện nào đứng lên trên nó được cả; còn hạnh phúc, tuy mang lại sự sung sướng, dễ chịu cho kẻ sở hữu nó, những tự mình không phải là cái tốt tuyệt đối và về mọi phương diện, mà lúc nào phải lấy cách ứng xử đúng đắn về luân lý làm điều kiện tiên quyết” (tr. 205 - 206).
Vậy con đường để đưa đến cuộc sống hạnh phúc là gì? Theo Aristoteles để đạt được cuộc sống tốt - đạt được hạnh phúc, con người phải có đức hạnh. Ông đưa ra 12 đức hạnh cần thiết để giúp con người có thể đạt được hạnh phúc. Trong 12 đức hạnh đó, đức tính quảng đại, can đảm, tiết độ, công bằng được ông phân tích kĩ.
Theo Aristoteles, để có được đức hạnh thì phải thông qua giáo dục và tuân theo nguyên tắc trung dung. Tuy nhiên một mình đức hạnh là chưa đủ điều kiện mang lại hạnh phúc. Muốn có được hạnh phúc con người cần cả vật chất và tình bằng hữu.
Aristoteles cho rằng những nhu cầu vật chất cũng rất cần thiết. Sự nghèo túng quá độ dễ làm con người trở nên biển lận, một tài sản vừa phải đem đến cho con người một đời sống tự do không tham lam giành dật quá đáng. Ông (1974) viết:
“… Chúng ta vẫn nhìn nhận là hạnh phúc không thể thực hiện được nếu không có ngoại sản … người ta rất dễ hành động như một thiện nhân, mà không làm bá chủ cả địa cầu và cả đại dương.
Với những tài nguyên tầm thường, người ta có đủ khả năng để phù hợp với đức hạnh” (tr. 388).
Một yếu tố khác rất cần thiết cho đời sống hạnh phúc là tình thân hữu. Càng được san sẽ hạnh phúc càng tăng trưởng. Tất cả người giàu, người nghèo, người có chúc vụ đều cần đến tình bạn. Ông viết: “cần thiết tuyệt đối cho cuộc đời , không bạn không ai muốn sống, tuy vẫn đầy đủ điều thiện hảo khác. Đến cả người giàu có, đảm nhiệm chức vụ và quyền hành tối cao cũng cần bạn một cách rất đặc biệt” (Aristoteles, 1974, tr. 285).
Aristoteles chỉ ra rằng những tình thân hữu dựa trên lợi ích hay lạc thú đều có tính chất không bền vững. Tình thân hữu căn cứ vào lạc thú sẽ hết khi “cả hai bên, người ta tìm thấy điều ước muốn, nếu người ta
cảm thấy thỏa mãn trong sự sống chung , và người ta sẽ rất lố bịch nếu quở trách ai đã gây lạc thú cho mình, bởi vì người ta có thể khống mất thì giờ nhờ sự có bạn ở bên mình” (Aristoteles, 1974, tr. 317).
Ngoài ra, theo Aristoteles để vươn tới hạnh phúc con người hành động, thựchiện hành vi đạo đức. Hành vi đạo đức là hành vi có ý thức, có tự do lựa chọn,hướng tới mục đích cuối cùng là hạnh phúc và ý chí thực hiện. Một hành vi đạo đức của con người chỉ có giá trị khi nào con người thực hiện nó một cách tự nguyện. Nếu bị bắt buộc con người sẽ không còn chịu trách nhiệm về công việc của mình bằng cách thức trừng phạt hoặc khen thưởng (Aristoteles, 1974, tr. 102).