Quan điểm hạnh phúc của các nhà triết học trường phái Epicurus

Một phần của tài liệu vấn đề hạnh phúc trong tư tưởng triết học của immanuel kant (Trang 44 - 55)

CHƯƠNG 1. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH VẤN ĐỀ HẠNH PHÚC TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA IMMANUEL KANT

1.2. TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH VẤN ĐỀ HẠNH PHÚC TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA IMMANUEL KANT

1.2.3. Quan điểm hạnh phúc của các nhà triết học trường phái Epicurus

Nghiên cứu các tư tưởng hạnh phúc của trường phái Hy Lạp cổ đại, Kant còn tiếp thu tư tưởng hạnh phúc của các nhà triết học trường phái Epicurus đại diện là Epicurus. Theo Epicurus hạnh phúc tột bậc con người là khoái lạc. Vì khoái lạc là mong muốn tự nhiên của con người.

Khoái lạc vừa là điểm khởi đầu và là điểm kết thúc. Epicurus đã khẳng định: “khoái cảm là sự khởi đầu và kết thúc một cuộc sống hạnh phúc”

(dẫn theo Johannes Hirschberger, 2020, tr. 322). Cho nên ông đề cao việc mưu cầu lạc thú và lẫn tránh đau khổ, bất hạnh, hướng tới sự bình

an như mục đích chủ yếu trong cuộc sống. Ông lập luận: “Tất cả sự lựa chọn và mọi nổ lực đều hướng đến sự bình an trong tâm hồn, vì đây là mục đích sống của hạnh phúc. Dù ta làm gì, ta nhất thiết phải tránh sự bất hạnh và tìm thấy sự bình an trong tâm hồn” (dẫn theo Johannes Hirschberger, 2020, tr. 322).

Con người chỉ có một nghĩa vụ đạo đức duy nhất là thỏa mãn nỗi khát khao khoái lạc và loại bỏ, lẫn tránh đau khổ do lo sợ sự trừng phạt của thần thánh và lo sợ cái chết. Theo Epicurus, người ta cần phải phân biệt và chọn lựa thú vui để hưởng thụ. Bởi vì không phải bất kì sự hưởng thụ cảm tính bất chấp mọi cái khác và tùy tiện nào cũng đều là khoái lạc (hạnh phúc). Lạc thú không phải có giá trị và hậu quả như nhau, vì thế chúng không xứng đáng để hưởng thụ như nhau. Nói cách khác, một số khoái lạc cần được loại trừ hoàn toàn, trong khi một số kinh nghiệm đau khổ lại cần được cam chịu vì lợi ích tương lai. Ví dụ một bệnh nhân cần phải uống thuốc đắng, hoặc trải qua phẫu thuật, nếu điều đó là cần thiết cho cuộc sống tương lai. Sự khoái lạc (hạnh phúc) cao nhất đó là sự bình tâm của tinh thần, thanh thản về tâm hồn. Điều đó chỉ có được khi con người biết sống, biết hoạt động, biết khác vọng một cách điều độ.

Với Epicurus hạnh phúc là cái Thiện tối cao, bởi theo ông để đạt được hạnh phúc phải có lý trí, sự khôn ngoan và né tránh sự đau khổ và cái chết. Khôn ngoan là điều tốt đẹp nhất của cuộc sống. Khôn ngoan là tiêu chuẩn để phân biệt những điều tốt đẹp và thú vui đáng thụ hưởng.

Hơn nữa, khôn ngoan cũng có thể thúc đẩy con người vượt qua đau khổ để có được một tương lai tốt đẹp hơn mà không cần đến đức hạnh. Ông chứng minh:

“Ở đây tất cả sự khởi đầu và sự thiện cao nhất chính là sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan là còn quý giá hơn cả triết học; vì từ đây nảy sinh tất cả mọi đức tính khác, và nó dạy ta rằng không thể sống hỷ lạc mà không sống khôn ngoan, trọng danh dự và công bằng. Bởi về bản chất, các đức hạnh đều gắn bó với cuộc sống hỷ lạc và cuộc sống hỷ lạc không thể tách rời chúng” (dẫn theo Johannes Hirschberger, 2020, tr. 322).

Phân tích vấn đề hạnh phúc của trường phái Epicurus, Kant hoàn toàn không đồng ý với tư tưởng hạnh phúc là cái Thiện tối cao của phái Epicurus và cho rằng trường phái Epicurus đã hạ thấp cái Thiện tối cao vì hạnh phúc có thể đạt được không chỉ là sự khôn ngoan. Kant (2020) viết:

“Những người theo phái Epikur đã giả định một nguyên tắc hoàn toàn sai lầm làm nguyên tắc tối cao luân lý, đó là nguyên tắc hạnh phúc, nhưng họ đã tiến hành việc làm này một cách triệt để đến nổi hạ thấp sự Thiện - tối cao của họ xuống tương ứng với độ thấp kém của nguyên tắc cơ bản này, và không nhìn thấy một hạnh phúc nào lớn hơn những gì có thể đạt được bằng sự khôn ngoan của con người (kể cả việc tiết chế và điều độ đối với những xu hướng)” (tr. 225).

Ngoài ra, Epicurus đề cập nhiều đến né tránh sự đau khổ và không sợ chết để tâm hồn luôn bình an và hạnh phúc. Ông lập luận rằng bản thân cuộc sống về cơ bản là tốt đẹp mặc dù vẫn có sự tồn tại của khổ đau, tật bệnh và nổi sợ hãi của cái chết, đặc biệt sợ hãi cái chết, là nguồn gốc mọi sự bất hạnh, rằng chiến thắng được nổi sợ hãi sẽ khiến cuộc sống an lạc và đáng sống hơn. Bên cạnh việc chấp nhận đời sống với tất cả tính trọn vẹn thường nhật của nó. Ông còn cho rằng người sa đà vào

cuộc sống hưởng thụ khoái lạc vô độ có thể đã thấy quá quen thuộc và nhàm chán, đánh mất khả năng cảm nhận lạc thú, thậm chí nó thành niềm đau. Ăn mãi một món ăn hợp khẩu vị nào đó sẽ sinh ra cảm giác ngán sợ, chưa kể đến những tác hại khác đối với sức khỏe. Vì thế tiết độ cần được xem là biểu hiện của sự khôn ngoan khi một cá nhân đối mặt với cám dỗ, ham muốn của lạc thú để từ đó ta có thể có sự điềm tĩnh trong hành động và có sự bình an nội tâm (Johannes Hirschberger, 2020, tr. 325 - 326).

Như vậy, khi đề cập đến nguyên tắc của hạnh phúc, Epicurus đã dựa vào tình cảm bản năng, nghĩa là người ta thực hiện hành vi đạo đức vì muốn thỏa mãn những khoái lạc và hạnh phúc cá nhân. Kant thể hiện sự không hài lòng về việc con người thực hiện hành vi đạo đức dựa trên thỏa mãn những khoái lạc và hạnh phúc cá nhân. Lấy hạnh phúc bản thân làm nguyên tắc đạo đức là đi trái ngược hẳn với nguyên tắc đạo đức.

Nó không thể trở thành quy luật phổ quát. Kant (2020) lập luận:

“Nguyên tắc về hạnh phúc tuy có thể cung cấp những châm ngôn, nhưng không bao giờ có thể mang lại những châm ngôn đủ thẩm quyền để trở thành những quy luật của ý chí, ngay cả khi hạnh phúc phổ biến được lấy làm đối tượng. Vì lẽ nhận thức về hạnh phúc dựa trên những dữ kiện cảm tính đơn thuần; vì lẽ sự phán đoán của mỗi người về hạnh phúc phụ thuộc quá nhiều vào quan niệm đặc thù mà bản thân rất dễ thay đổi, nên hạnh phúc chỉ có thể cung cấp những quy tắc chung (generell) chứ không phải phổ quát (universell), nghĩa là nó có thể mang lại những quy tắc thường tương thích nhiều nhất ở mức trung bình chứ không tất yếu và thường xuyên, nên quy luật luân lý không thể dựa vào chúng được” (tr. 64).

Một yếu tố khác rất cần thiết cho đời sống hạnh phúc là tình bạn.

Epicurus và các nhà triết học phái Epicure tìm kiếm hạnh phúc trong những điều nhỏ bé, trong sự ẩn dật và trong tình bạn. Epicurus khẳng định rằng tình bạn là quý giá bởi vì đó là một trong những phương tiện để đạt được khoái cảm (hạnh phúc). Tình bạn giúp chúng ta chia sẻ những niềm vui, nổi buồn, vượt qua mọi khó khăn và đem lại cho nhau sự an toàn, ngược lại cuộc sống không có tình bạn thì cô đơn và đầy nguy hiểm rình rập. Để có tình bạn, Epicurus cho rằng, cần phải tin tưởng bạn bè và phải đối xử với bạn bè như đối xử với chính mình. Ông khẳng định rằng:

“Trong số nhiều điều mà sự minh triết đóng góp cho hạnh phúc của cuộc đời chẳng có gì lớn lao, chẳng có gì mãn túc cuộc đời và chẳng có gì vui vẻ bằng tình bằng hữu”; “ta lựa chọn những người bạn của mình vì niềm vui mà họ dành cho ta, nhưng ta sẵn sàng gánh chịu nhiều đau khổ vì họ” (dẫn theo Johannes Hirschberger, 2020, tr. 326).

Trên cơ sở phân tích các quan điểm về hạnh phúc của hai trường phái triết học trên, Kant cho rằng hạnh phúc không phải là cái Thiện tối cao. Hạnh phúc và đức hạnh là hai bộ phận hợp thành cái Thiện tối cao.

Vì vậy Kant đã chỉ ra sai lầm của cả hai trường phái này khi giải quyết vấn đề cái Thiện tối cao. Họ đã đồng nhất hai khái niệm hạnh phúc và đức hạnh, thủ tiêu sự khác biệt cơ bản giữa chúng. M ột bên - t r ườ ng phái Epicurus lấy hạnh phúc làm nguyên tắc của đời sống đạo đức, ngược lại, bên kia - trường phái Khắc Kỷ lấy đức hạnh làm nguyên tắc của hạnh phúc. Kant viết: “Trong khi cả hai trường phái đều cố tìm ra sự đồng nhất giữa hai nguyên tắc thực hành là đức hạnh và hạnh phúc, thì họ lại không nhất trí với nhau về cách làm thế nào tạo ra một sự đồng nhất cưỡng bức như thế ” (Immanuel Kant, 2020, tr. 207).

Kant bày tỏ sự thán phục của mình đối với các triết gia thời cổ đại đã suy tư những vấn đề hết sức sâu sắc của đạo đức học trong đó có vấn đề hạnh phúc. Tuy nhiên, ông đã phê phán hai trường phái này đã không thể tìm ra phương án cho sự kết nối phù hợp giữa đức hạnh và hạnh phúc trong khái niệm cái Thiện tối cao.

1.2.4. Quan niệm hạnh phúc trong đạo đức học Ki-tô giáo của Tây Âu trung cổ

Ngoài việc nghiên cứu tư tưởng Aristoteles và các trường phái Hy Lạp cổ đại. Kant còn tiếp thu vấn đề hạnh phúc trong đạo đức học Ki-tô giáo của Tây Âu trung cổ.

Trong quá trình xây dựng học thuyết đạo đức của mình, Kant đã nghiên cứu rất nghiêm túc quan niệm về hạnh phúc trong đạo đức học Ki-tô giáo của Tây Âu trung cổ. Kant cho rằng đạo đức học Ki-tô giáo có thể trả lời xác đáng cho vấn đề cái Thiện tối cao, vấn đề mà triết học Hy Lạp cổ đại chưa giải quyết được. Ông viết: “Về điểm này, học thuyết Ki-tô giáo, ngay cả khi ta chưa xét nó như một giáo lý tôn giáo, mang lại được một quan niệm duy nhất về sự Thiện tối cao thỏa mãn đòi hỏi nghiêm ngặt nhất của lý tính thực hành” (Immanuel Kant, 2020, tr. 226 - 227). Giải pháp mà Ki-tô giáo mang lại đối với đạo đức học Kant là tìm cách để tạo ra sự kết nối hợp lý nhất giữa đức hạnh và hạnh phúc trong khái niệm cái Thiện tối cao.

Theo Kant, khái niệm cái Thiện tối cao cần đáp ứng được một số yêu cầu cụ thể. Thứ nhất, hạnh phúc và đức hạnh phải là hai khái niệm khác nhau về nguyên tắc trong cái Thiện tối cao. Thứ hai, Kant không cho phép người ta lấy hạnh phúc làm mục đích, điều kiện cho hành vi của con người, bởi nếu lấy hạnh phúc làm điều kiện cho hành vi đạo đức

phúc không phải là một cảm giác kèm theo, được đánh đồng trong ý thức về đức hạnh mà phải được hiện thực đằng sau đời sống đức hạnh.

Với những yêu cầu đó, Kant tìm thấy câu trả lời hoàn toàn phù hợp trong đạo đức học Ki-tô giáo. Đó là cái Thiện tối cao là con người cần phải làm thế nào để “xứng đáng” được hạnh phúc chứ không phải làm thế nào để đạt được hạnh phúc. Ông không chấp nhận sự kết nối giữa hạnh phúc và đức hạnh theo quan hệ giữa mục đích và phương tiện mà chỉ chấp nhận mối quan hệ nhân quả tất yếu, trong đó đức hạnh là nguyên nhân còn hạnh phúc là kết quả.

Sự kết nối giữa đức hạnh và hạnh phúc theo cách của Ki-tô giáo cần đến niềm tin về sự hiện hữu của Thượng đế và linh hồn bất tử với tư cách là những điều kiện tất yếu cho sự tồn tại của cái Thiện tối cao.

Thượng đế là đấng tối cao phán xử công bằng cho chủ thể đạo đức và đồng thời cũng đảm bảo cho chủ thể ấy có thể tin tưởng và hy vọng rằng mình hoàn toàn có thể đạt được hạnh phúc trong vương quốc của ngài.

Linh hồn bất tử cũng là một điều kiện tất yếu của đạo đức. Nhờ sự kéo dài sự sống đến vô tận sau khi thể xác chết đi mà con người có thể vững tin rằng lúc nào đó họ có thể đạt được những thành quả sau một quá trình nỗ lực rèn luyện đạo đức của mình.

Theo Kant, ngoài tự do thì sự hiện hữu của Thượng đế và linh hồn bất tử là hoàn toàn cần thiết cho cái Thiện tối cao. Các triết gia Hy Lạp cổ đại đã không bao giờ đạt được giải pháp cho vấn đề này vì họ chỉ thừa nhận tự do mà không cần đến Thượng đế và linh hồn bất tử. Những khái niệm này đã cho Kant ý tưởng về sự kéo dài cuộc sống đến vô tận ở thế giới bên kia và cùng với nó là sự kéo dài đến vô tận của sự nghiệp tu dưỡng đạo đức của con người. Trong đạo đức học của Kant, Thượng đế và linh hồn bất tử trở thành những định đề của lý tính thực hành. Đó là

những điều kiện tất yếu, làm cơ sở để những nội dung khác của đạo đức học của ông được khả thi. Kant (2020) đã kết luận về điều này như sau:

“Do đó, luân lý thật ra không phải là học thuyết về việc ta phải làm như thế nào để cho mình được hạnh phúc mà là làm thế nào để ta trở thành xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Rồi chỉ khi có tôn giáo thêm vào, lại có sự hy vọng rằng một ngày nào đó ta được hưởng phần hạnh phúc tương ứng với những gì ta đã nỗ lực để không phải không xứng đáng với nó” (tr. 229).

Khi giải quyết vấn đề của cái Thiện tối cao và chứng minh sự tồn tại của Thượng đế ông đã thỏa hiệp với tôn giáo và thể hiện sự duy tâm của mình.

Tóm lại, những quan điểm về hạnh phúc của Kant không chỉ chịu ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế - xã hội mà còn chịu ảnh hưởng bởi quan niệm hạnh phúc mà các triết gia tiền bối đi trước như: nhà triết học Aristoteles, các nhà triết học phái Khắc Kỷ, các nhà triết học phái Epicurus và Ki-tô giáo.

Tiếp thu quan điểm hạnh phúc các nhà triết học Aristoteles, các nhà triết học phái Epicurus, các nhà triết học phái Khắc Kỷ cho rằng hạnh phúc là mục đích của con người hướng tới. Kant cũng cho rằng hạnh phúc là mong muốn của mỗi người với tư cách là một “thực thể cảm tính”. Tuy nhiên, nếu các nhà triết học trên đồng nhất hạnh phúc là đức hạnh hay hạnh phúc là cái Thiện tối cao, không tìm ra cách giải quyết cái Thiện tối cao thì theo Kant, đức hạnh và hạnh phúc là hai yếu tố cấu thành cái Thiện tối cao. Cái Thiện tối cao là sự kết hợp giữa hạnh phúc và đức hạnh, không đồng nhất hạnh phúc với đức hạnh.

Kant kế thừa vấn đề niềm tin của Ki-tô giáo về cái Thiện tối cao.

Ki-tô giáo cho rằng cái Thiện tối cao không nằm ở thế giới hiện thực mà được hiện thực hóa ở thế giới bên kia sau khi chết (Thiên đàng). Để có được cái Thiện tối cao đó con người phải có niềm tin tuyệt đối ở Thượng đế. Vì vậy khi lập luận làm thế nào để đạt được cái Thiện tối cao Kant cũng khẳng định rằng, con người cần đến niềm tin của tôn giáo để thực hiện hành vi đạo đức của mình. Theo Kant, ngoài tự do thì sự hiện hữu của Thượng đế và linh hồn bất tử là hoàn toàn cần thiết cho cái Thiện tối cao. Như vậy khi giải quyết vấn đề của cái Thiện tối cao và sự hiện hữu của Thượng đế ông đã thỏa hiệp với tôn giáo, thể hiện sự duy tâm của mình.

Kết luận chương 1

Immanuel Kant - triết gia tiêu biểu trong lịch sử triết học phương Tây đã có những đóng góp lớn cho tư tưởng đạo đức nói chung và vấn đề hạnh phúc nói riêng. Để hiểu được những nội dung cơ bản vấn đề hạnh phúc của Kant thì việc làm rõ những điều kiện kinh tế - xã và tiền đề lý luận là rất cần thiết.

Bối cảnh xã hội Tây Âu và nước Đức thời cận đại chính là nền tảng vật chất và tinh thần quan trọng ảnh hưởng tới tư tưởng triết học của Kant nói chung và vấn đề hạnh phúc của ông nói riêng.

Các nước Tây Âu thế kỷ XVIII đã bước sang một giai đoạn mới, đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội khẳng định phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đưa giai cấp tư sản lên địa vị thống trị. Sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phá tan dần các quan hệ kinh tế phong kiến làm xuất hiện sản xuất mới với các nhu cầu xã hội và cá nhân mới.

Trong khi đó nước Đức vẫn là nước phong kiến lạc hậu về kinh tế, có sự chia cắt chính trị, cùng với sự hà khắc của chế độ quân chủ chuyên chế

Một phần của tài liệu vấn đề hạnh phúc trong tư tưởng triết học của immanuel kant (Trang 44 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)