CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.2.2. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa tại Việt Nam trong thời gian qua
3.2.2.1. Chính sách tiền tệ
Ngân hàng nhà nước sử dụng chính sách tiền tệ nhằm điều chỉnh cung ứng tiền cho nền kinh tế, ổn định tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Dưới đây là những cột mốc cải cách quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước:
Công cụ lãi suất
Trước năm 1988, chính phủ thực hiện chế độ hỗ trợ lãi suất thể hiện ở việc lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi. Các ngân hàng duy trì các mức lãi suất cho vay khác nhau đối với cho vay nông nghiệp, công nghiệp và thương mại.
Mức biến thiên lãi suất này thể hiện ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực cụ thể, thay vì phản ánh rủi ro tương đối của các dự án đầu tư. Từ năm 1990, Ngân hàng Nhà nước đưa ra trần lãi suất cho vay tối đa đối với cả nội tệ và ngoại tệ, phân biệt theo khu vực kinh tế.
Đến năm 1992, lãi suất cho vay đã được nâng lên cao hơn lãi suất tiền gửi - một yêu cầu thiết yếu cho sự hoạt động thông thường của các ngân hàng. Vào
năm 1993, việc phân biệt lãi suất cho vay theo khu vực kinh tế được loại bỏ và chỉ còn được phân biệt theo cho vay đầu tư cố định và cho vay vốn lưu động.
Tuy vậy, lãi suất cho vay đầu tư vốn cố định lại thấp hơn lãi suất cho vay vốn lưu động, tạo ra một cơ cấu lãi suất ngược không phù hợp. Tức là, lãi suất dài hạn thấp hơn lãi suất ngắn hạn. Chính sách này làm cho các ngân hàng không hề có động cơ khuyến khích cho vay dài hạn. Mãi cho đến năm 1996, lãi suất cho vay ngắn hạn mới giảm xuống thấp hơn lãi suất cho vay trung và dài hạn.
Vào tháng 8 năm 2000, Ngân hàng Nhà nước đưa ra một cơ chế lãi suất mới trong đó lãi suất cho vay nội tệ của ngân hàng được điều chỉnh theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Tuy nhiên, các ngân hàng không được tính lãi suất cho vay vượt quá lãi suất cơ bản cộng 0,3%/tháng đối với vốn ngắn hạn và 0,5%/tháng đối với vốn trung, dài hạn. Cơ chế giới hạn biên độ lãi suất so với lãi suất cơ bản về bản chất không khác gì so với trần lãi suất áp dụng trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế mức trần (lãi suất cơ bản cộng biên độ) được định ở mức cao hơn trần lãi suất theo cơ chế cũ rất nhiều.
Từ ngày 1/6/2002, Ngân hàng nhà nước chuyển từ cơ chế điều hành lãi suất cơ bản Đồng Việt Nam sang cơ chế lãi suất thỏa thuận Đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Cơ chế mới này tạo ra sự sôi động trong hoạt động kinh doanh và cạnh tranh của các tổ chức tín dụng, từng bước minh bạch hoá thị trường tài chính.
Công cụ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc. Tháng 8/2003, Ngân hàng nhà nước đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cả ngoại tệ và nội tệ để hạ nhiệt thị trường tiền tệ quá nóng sau khi thực hiện cơ chế lãi suất tự do từ 6/2002. Đến tháng 7/2004 khi chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm tăng cao, Ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các khoản tiền gửi dưới 24 tháng bằng Đồng Việt Nam và cả ngoại tệ. Đồng thời, để khuyến khích các tổ chức tín dụng sử dụng vốn có hiệu quả, tránh tăng lãi suất dẫn đến dư thừa vốn Đồng Việt Nam, Ngân hàng nhà nước đã thay đổi phương thức trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng Đồng Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng nhà nước chỉ trả lãi cho tiền gửi dự trữ bắt buộc mà không trả lãi cho phần tiền gửi dự trữ bắt buộc vượt.
Công cụ nghiệp vụ thị trường mở. Ngày 12/7/2000, Ngân hàng thương mại Việt Nam chính thức đưa công cụ nghiệp vụ thị trường mở vào hoạt động.
Đây là sự chuyển biến quan trọng từ việc sử dụng các công cụ trực tiếp sang sử dụng các công cụ gián tiếp theo tín hiệu của thị trường trong điều hành chính sách tiền tệ. Trong các hình thức giao dịch của nghiệp vụ thị trường mở thì việc ngân hàng thương mại mua các giấy tờ có giá là chủ yếu. Năm 2004, Ngân hàng nhà nước đã sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản với chi phí thấp qua các kênh nhất là nghiệp vụ thị trường mở, góp phần duy trì ổn định lãi suất thị trường.
Công cụ tỷ giá hối đoái.
Từ năm 1989-1992, tỷ giá được “thả nổi”. Tuy nhiên với những mặt tồn tại của việc thả nổi tỷ giá, chính phủ đã thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá. Ngân hàng nhà nước quy định biên độ giao động của tỷ giá so với tỷ giá chính thức được công bố; tăng cường các biện pháp hành chính như buộc các đơn vị kinh tế có ngoại tệ phải bán cho ngân hàng theo tỷ giá ấn định. Mặt khác, chính phủ gia tăng mạnh quỹ dự trữ ngoại tệ, lập quỹ bình ổn giá để có thể can thiệo vào tỷ giá.
Do đó, trong giai đoạn này, đồng Đô-la Mỹ có nhiều biến động trên thị trường tiền tệ quốc tế nhưng lại khá ổn định tại thị trường tiền tệ Việt Nam.
Vào tháng 7/1997, khi cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á nổ ra đã ít nhiều tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chính sách tỷ giá của Việt Nam có những điều chỉnh nhỏ như sau: ngân hàng nhà nước thường xuyên điều chỉnh tỷ giá chính thức, biên độ giao dịch, nhằm đưa chế độ bán thả nổi về mức thả nổi hơn so với giai đoạn trước để góp phần hạn chế những cơn sốc xuất phát từ thị trường thế giói có thể xảy ra đối với nền kinh tế.
Ngày 26/2/1999, ngân hàng nhà nước đã thay đổi cách xác định tỷ giá chính thức. Trước đó, việc xác định tỷ giá không dựa vào tính hiệu thị trường. Từ tháng 2/1999, tỷ giá chính thức được công bố hằng ngày được xác định trên cơ sở bình quân mua bán thực tế trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của ngày giao dịch gần nhất trước đó. Cơ chế này vẫn đang được áp dụng cho đến nay.