VỀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỶ SUẤT TIẾT KIỆM
1.1. Cơ sở lý luận về các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất tiết kiệm hộ gia đình 1. Một số khái niệm cơ bản
1.1.4. Mối quan hệ giữa tiết kiệm, thu nhập và chi tiêu
Hành vi tiết kiệm cũng như cơ cấu chi tiêu phụ thuộc một cách quan trọng vào sự thay đổi trong thu nhập và nhận định của người dân về triển vọng kinh tế. Khi thu nhập gia tăng, tỷ lệ tiết kiệm cũng gia tăng; và khi người dân lạc quan hơn về tương lai thì tỷ lệ tiết kiệm sẽ giảm sút. Do quy luật tâm lý cơ bản nên sự gia tăng tiêu dùng nói chung chậm hơn sự gia tăng thu nhập, tiết kiệm có khuynh hướng tăng lên nhanh hơn.
Có một luồng tiền chảy vào khu vực hộ gia đình (HGĐ) đó là thu nhập (Y), có 3 luồng tiền chảy ra khỏi khu vực HGĐ là: tiêu dùng (C), tiết kiệm (S) và thuế ròng (TN).
Thu nhập khả dụng (YD) của khu vực HGĐ là chênh lệch giữa thu nhập (Y) và thuế ròng (TN):
YD = Y - TN
Tiết kiệm (S) là chênh lệch giữa thu nhập khả dụng (YD) và chi tiêu tiêu dùng (C):
S = YD – C
Ta suy ra: Y = C + S + TN
Theo Thuyết thu nhập tuyệt đối của Keynes, có một mối quan hệ trực tiếp giữa thu nhập và tiết kiệm của dân cư; trong đó tiết kiệm của dân cư phụ thuộc vào thu nhập sau khi đã nộp thuế của họ. Do đó, khi thu nhập sau khi đã nộp thuế tăng lên thì tiết kiệm của dân cư sẽ tăng lên. Mối quan hệ này được diễn đạt như sau:
S = a + s.(R – T) Trong đó:
S là tiết kiệm của dân cư R là thu nhập
T là số thuế phải nộp
a là hệ số cố định, với giả định a < 0 vì khi không có thu nhập thì không những không phải nộp thuế và không có tiết kiệm mà còn phải sử dụng tiết kiệm quá khứ.
s là khuynh hướng gia tăng tiết kiệm, 0 < s < 1.
Phương trình trên cho thấy tỷ lệ tiết kiệm của dân cư có xu hướng không ngừng tăng lên tại tất cả các nước theo đà tăng lên của thu nhập. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, thuyết thu nhập tuyệt đối của Keynes dường như không phù hợp để giải thích tiến triển của tiết kiệm của dân cư tại các nước đang phát triển (và cả ở các quốc gia đã phát triển). Theo Gillis, cách giải thích của Keynes chỉ mô tả được sự vận động của nó trong thời gian dài. Trên thực tế, trong khoảng thời gian dài (1 năm trở lên), tiết kiệm và tiêu dùng của dân cư phụ thuộc không chỉ vào thu nhập hiện tại mà vào cả mức thu nhập và thỏi quen tiêu dùng trong quá khứ; do đó trong phương trình trên của Keynes, hệ số a có thể bằng 0, tức là tỷ lệ tiết kiệm và tiêu dùng có thể không đổi theo thời gian.
Để khắc phục những điểm chưa hoàn thiện trong cách nhìn của Keynes, J.Duesenberry vào cuối những năm 40 đã đưa ra Thuyết thu nhập tương đối để giải thích tiến triển của tiết kiệm trong dân cư. Phương trình xác định tiêu dùng (từ đó xác định tiết kiệm) của dân cư như sau:
Ci = a +(1 – s).Yi + b.Ch
Trong đó: Ci là tiêu dùng trong giai đoạn i; Yi là thu nhập trong giai đoạn I, Ch
là trung bình của một số mức tiêu dùng cao kỷ lục trong quá khứ. Các điều kiện về hệ số là: 0 < s < 1 và 0 < b < 1.
Phương trình trên cho thấy tiêu dùng và tiết kiệm vận động theo kiểu nhảy cóc trong những khoảng thời gian ngắn, nhưng trong thời gian dài, khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẽ điều chỉnh thói quen chi tiêu của họ cho phù hợp với mức thu nhập cao hơn; theo đó, trong mỗi khoảng thời gian ngắn, họ không muốn điều chỉnh giảm hay tăng nhanh tiết kiệm và tiêu dùng dù thu nhập có giảm đi hay tăng lên nhanh.
Như vậy, theo thuyết của Duesenberry, tiết kiệm của dân cư không chỉ phụ thuộc vào thu nhập tuyệt đối của họ tại thời điểm đó mà còn phụ thuộc vào thói quen chi tiêu đã hình thành trong quá khứ. Thuyết thu nhập tương đối của Duesenberry lúc đầu được xây dựng để giải thích sự vận động của tiết kiệm và tiêu dùng tại Mỹ, một quốc gia công nghiệp, nhưng sau đó đã được áp dụng tại nhiều nước đang phát triển vì khả năng giải thích của nó.
Quan điểm thứ ba giải thích nguyên nhân thay đổi tỷ lệ tiết kiệm của khu vực dân cư là thuyết thu nhập cố định của M. Friedman. Thuyết này được xây dựng vào những năm 50 của thế kỷ trước và nhanh chóng được thừa nhận rộng rãi tại các nước công nghiệp cũng như các nước đang phát triển. Tư tưởng của thuyết này rất đơn giản, vì con người cho rằng mình sẽ sống trong nhiều năm nên họ quyết định chi tiêu theo thời gian và thu nhập lâu dài chứ không chỉ căn cứ vào thu nhập hiện tại. Theo thuyết này, thu nhập của dân cư được chia làm hai bộ phận: thu nhập cố định và thu nhập động; trong đó thu nhập cố định là kết quả của sự giàu có bao gồm cả giá trị các tài sản cố định và giá trị con người mà mỗi cá nhân có được. Vì mỗi cá nhân có thể dự đoán tương đối chính xác và có căn cứ tổng thu nhập cố định mà họ có thể nhận trong toàn bộ cuộc đời nên họ sẽ quyết định chi tiêu ở mức được coi là bình thường hay là cố định so với thu nhập họ có theo thời gian. Do đó, tiêu dùng thường chiếm một tỷ lệ cố định của thu nhập cố định; tỷ lệ này có thể tới gần 100%. Phần tiết kiệm của họ được lấy từ thu nhập động, là những khoản thu nhập không được dự tính trước, không định kỳ. Ví dụ: thu nhập phát sinh từ những thay đổi giá trị tài sản (tiền bạc, cổ phiếu…), trúng xổ số và những khoản thu nhập bất ngờ khác do may mắn.
Phương trình cơ bản của thuyết thu nhập cố định của Friedman như sau:
S = a + b1.Yc + b2.Yd
Trong đó: S là tiết kiệm; Yc là thu nhập cố định; Yd là thu nhập động.
Trong khả năng cực đoan nhất, tất cả các khoản tiết kiệm đều có nguồn gốc từ thu nhập động và tất cả các khoản thu nhập động đều được dành để tiết kiệm, nên b1 = 0 và b2 = 1. Trong trường hợp bình thường, một phần của thu nhập cố định cũng sẽ được dùng để tiết kiệm và một phần của thu nhập động lại được dùng vào tiêu dùng, khi đó 0 < b1 < b2 < 1.
Thuyết thứ tư thường được kể đến khi xem xét các nhân tố ảnh hưởng quyết định đến tiết kiệm của dân cư là Thuyết các nhóm tiết kiệm của dân cư do Kalor đề xuất. Thuyết này cho rằng những thói quen về tiêu dùng và tiết kiệm của các nhóm dân cư trong xã hội rất khác nhau; công nhân kiếm thu nhập chủ yếu qua bán sức lao động nên họ thường có khuynh hướng tiết kiệm rất thấp; ngược lại các nhà tư bản có thói quen kiếm thu nhập từ vốn (lợi nhuận, lãi suất, địa tô…) nên họ có khuynh hướng tiết kiệm cao hơn. Phương trình xác định tiết kiệm của toàn xã hội như sau:
S = sc . L + st . P
Trong đó sc và st lần lượt là khuynh hướng tiết kiệm của giai cấp công nhân và của giai cấp tư bản; L là thu nhập từ sức lao động và P là thu nhập từ vốn. Điều kiện đặt ra đối với các tham số ước lượng là:
0 < sc < st < 1
Tóm lại, các lý thuyết kinh tế chính đều coi thu nhập là nhân tố quyết định tới tiến triển của tiết kiệm. Do đó, vấn đề quan trọng hàng đầu để nâng cao tỷ lệ tiết kiệm ở các quốc gia là nâng cao thu nhập, trong đó có thu nhập hiện tại, thu nhập cố định hay thu nhập tương đối và thu nhập của các nhóm dân cư.