CHDCND Lào có hệ thống pháp luật đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (cùng với một số nước Việt Nam, Trung Quốc, CuBa). Sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường là một quá trình phức tạp lâu dài mà trong đó pháp luật và các luật gia đóng vai trò quan trọng. Pháp luật sẽ là công cụ đắc lực tạo ra những điều kiện thuận lợi cho hoạt động của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Một khó khăn lớn đối với hệ thống pháp luật của các nước XHCN thể hiện ở chỗ các hệ thống pháp luật này hoàn toàn thiếu các quy định điều chỉnh các lĩnh vực của nền kinh tế thị trường như luật công ty, luật cạnh tranh, luật phá sản, luật về thị trường tài chính…Một mặt cần ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh các lĩnh vực này, mặt khác phải loại bỏ các quy định pháp luật tạo thành rào cản trực tiếp đối với nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, phải củng cố một số lĩnh vực pháp luật đã tồn tại nhưng còn yếu kém chẳng hạn như luật về sở hữu trí tuệ, đầu tư…
CHDCND Lào là một trong những nước kém phát triển nhất trên thế giới, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, công nghiệp trong nước ở trình độ thấp, kỹ thuật lạc hậu, nguyên liệu đáp ứng cho công nghiệp phần lớn phụ thuộc vào nước ngoài. Vì vậy, mà mục tiêu quan trọng của Chính phủ Lào là việc mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài. Việc huy động vốn đầu tư không chỉ đem lại lợi ích cho nền kinh tế mà nó còn góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động, chính sách dành cho người nghèo được quan tâm nhiều hơn, vấn đề trật tự an toàn xã hôi được đảm bảo hơn. Với ý nghĩa đó huy động vốn trong đó có huy động vốn đầu tư nước ngoài và huy động vốn trong nước là một trong những chính sách phát triển chiến lược của mọi quốc gia, nhất là đối với CHDCND Lào.
CHDCND Lào đang trong quá trình chuẩn bị mọi điều kiện để có thể gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2010. Vì vậy, cũng như Việt Nam, trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, CHDCND Lào đã ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương liên quan đến hoạt động đầu
tư trong đó là thực hiện về cơ bản cam kết quốc tế như Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN, tích cực đàm phán gia nhập WTO…. Do đó, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật phục vụ cho hội nhập quốc tế trong đó có Luật Đầu tư là yêu cầu cấp thiết.
Phương hướng hoàn thiện pháp luật đầu tư của Lào (qua tham khảo kinh nghiệm của Việt Nam) chủ yếu tập trung vào một số vấn đề sau:
1- CHDCND Lào cần phải có một Luật Đầu tư chung thống nhất để đảm bảo hệ thống pháp luật về đầu tư phù hợp với cam kết quốc tế, phản ánh thông điệp quan trọng về chính sách đổi mới và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của CHDCND Lào. Việc Lào có rất nhiều lợi thế khi gia nhập WTO là điều không phải bàn cãi, nhưng để là thành viên của tổ chức này Lào cần có được sự ủng hộ hơn nữa từ nhiều phía. Uỷ ban Châu Âu (EU) cũng hỗ trợ Lào trong việc “ trở thành thành viên của WTO trong năm 2010 và đồng thời EU sẽ tăng nguồn ngân sách cho Lào 10% của kế hoạch phát triển đất nước giai đoạn 2007-2013” (trích phát biểu của ông Ignacio Garcia Bercero- Giám đốc chịu trách nhiệm việc phát triển và quản lý mối quan hệ thương mại của Uỷ ban Châu Âu và các nước ASEAN tại hội thảo ngày 24/07/2006, thủ đô Viêng Chăn). Và khi Lào đã trở thành thành viên chính thức của WTO, Lào sẽ được hưởng những lợi ích trực tiếp và gián tiếp từ mối quan hệ thương mại giữa Lào và EU. Qua đó có thể thấy, để khuyến khích và mở rộng việc đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Lào, để tiếp tục tạo môi trường thuận lợi trong cạnh tranh đầu tư và tạo thuận lợi cho việc hoạt động kinh doanh tại CHDCND Lào
2- Cần phải tiếp tục sửa đổi các quy định và các bước khác của việc cấp giấy phép đầu tư, việc đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, đặc biệt là việc cấp đăng ký cấp phép các vấn đề liên quan để làm cho các bước tiến hành ngắn, thuận lợi, nhanh chóng, tổ chức có hiệu quả việc dịch vụ qua “một cửa”
CHDCND Lào cần phải nhanh chóng ban hành Luật Đầu tư chung để tranh thủ thời cơ thuận lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế. Việc ban hành được tiến hành cụ thể như sau:
- Trong quá trình soạn thảo, ban soạn thảo luật phải tiến hành tổng kết tình hình hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
- Tổ chức trao đổi, lấy ý kiến các Bộ, Ban, ngành, địa phương; lấy ý kiến của các chuyên gia các nhà khoa học và ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
- Tổng hợp các cam kết quốc tế về đầu tư trong các điều ước quốc tế mà CHDCND Lào đã ký kết hoặc tham gia; tham khảo pháp luật và chính sách đầu tư của các nước đặc biệt là các nước trong khu vực
- Tổng kết kết quả nghiên cứu của các đề án có liên quan đến hoạt động đầu tư như quản lý đầu tư vốn Nhà nước, giám sáp đánh giá đầu tư …Các nghiên cứu này góp phần rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu soạn thảo dự án luật.
Trên cơ sở đó ban soạn thảo tiến hành soạn thảo và chỉnh sửa nhiều lần dự án Luật Đầu tư. Tuy nhiện việc soạn thảo, nghiên cứu, xây dựng Luật Đầu tư chung phải đảm bảo:
Nội dung của luật phải thể chế hóa sâu sắc những chủ trương đổi mới của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Đó là tạo bước đột phá về cải cách kinh tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần định hướng XHCN.
Tiếp tục duy trì, mở rộng và phát triển quyền tự do kinh doanh; các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền đầu tư và kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Coi nhà đầu tư và doanh nghiệp là đối tác là đối tượng phục vụ của cơ quan Nhà nước, thay đổi cơ bản nội dung và phương thức quản lý Nhà nước, chuyển trọng tâm quản lý Nhà nước sang phục vụ là chủ yếu, tạo bước đột phá trong niềm tin và sự an tâm của nhà đầu tư trong việc bỏ vốn đầu tư và kinh doanh.
Việc soạn thảo phải thu hút được sự tham gia đóng góp rộng rãi của các bên có liên quan, bao gồm cơ quan Nhà nước có liên quan ở TW và địa phương, các hiệp hội các tổ chức khác của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu tư vấn có quan tâm , các phương tiện thông tin đại chúng …
Nội dung của luật phải phù hợp với nguyên tắc và yêu cầu chủ động hội nhập, nhất là các nguyên tắc cơ bản của WTO và các hiệp định khu vực, song phương về thương mại và đầu tư mà CHDCND Lào đã ký kết hoặc tham gia, đồng thời đón trước xu thế hội nhập.
3- Hoàn chỉnh quy định về hình thức đầu tư, bổ sung các hình thức đầu tư theo hợp đồng (BCC, BTO, BOT, BT). Ban hành các quy chế hoạt động đầu tư vào Khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế…
4- Hoàn chỉnh các quy định về đảm bảo và ưu đãi đầu tư nhằm thu hút đầu tư. Ví dụ: về đảm bảo (không chỉ đảm bảo quyền sở hữu mà còn phải đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư khi có sự thay đổi về chính sách, pháp luật, đảm bảo nguồn ngoại tệ…); về ưu đãi (không chỉ là thuế mà còn ưu đãi về sử dụng đất, về thủ tục hành chính…)