VEN BIỂN QUẢNG NGÃI
A- Công trình ổn định và bảo vệ bờ biển Sa Huỳnh
1- Các giải pháp chống xâm thực bãi biển
a. Giải pháp 1: Tạo rừng cây ngập mặn chống sóng, giữ cát (hình 6- 1a);
b. Giải pháp 2: Nuôi bãi nhân tạo. Chở bùn cát từ nơi khác đến bồi đắp vào vùng bãi bị xâm thực (hình 6- 1b);
c. Giải pháp 3: Hệ thống mỏ hàn ngăn cát di chuyển dọc bờ (hình 6- 1c);
d. Giải pháp 4: Đê chắn sóng ngoài bờ và song song với bờ (hình 6- 1d);
e. Giải pháp 5: Công trình tổng hợp ngăn cát, giảm sóng (hình 6- 1e);
Hình 6- 1a: Biện pháp trồng cây giữ bãi và giảm sóng
Hình 6- 1b: Biện pháp nuôi bãi nhân tạo và làm giảm độ dốc bờ
Hình 6- 1c: Biện pháp xây dựng mỏ hàn chống cát di chuyển dọc bờ
Hình 6- 1d: Đê chắn sóng phiá ngoài có hướng song song với đường bờ
Hình 6- 1e: Công trình tổng hợp nhằm ngăn cát và giảm sóng 2- Phân tích chung về các giải pháp
2.1- Giải pháp trồng rừng cây ngập mặn
Chủ yếu sử dụng rừng cây chịu mặn, có tán cành rộng để cản sóng, tiêu hao năng lượng sóng, làm giảm chiều cao sóng; đồng thời cản dòng, làm giảm vận tốc dòng chảy, tạo bồi lắng; sử dụng bộ rễ để cố kết mặt bãi, dẫn đến tăng hiệu quả bảo vệ bờ chống sạt lở. Giải pháp này có những đặc điểm sau:
− Không thể tính toán được định lượng bằng các lý thuyết hoặc phương pháp chặt chẽ, thường dựa vào kinh nghiệm thực tế;
− Cần có sự quản lý thường xuyên, chi tiết, tỉ mỉ;
− Chỉ thực hiện được ở những môi trường nhất định, những vùng khí hậu địa lý nhất định, có tính chất mùa vụ, và cũng chỉ cho từng loại cây thích hợp;
− Có thể cải tạo được môi trường có lợi cho sự cân bằng sinh thái;
− Có giá trị kinh tế, có thể tạo các chức năng tổng hợp;
− Đầu tư không lớn, nhưng hiệu quả nhanh.
2.2- Giải pháp nuôi bãi nhân tạo
Thông thường được sử dụng ở vùng có nguồn cát rẻ tiền nằm không xa vùng xói lở, hoặc kết hợp với các vùng lân cận có nhu cầu nạo vét. Khi sử dụng giải pháp nuôi bãi nhân tạo cần nghiên cứu phương chuyển động của dòng cát dọc bờ, lượng bùn cát cần bổ sung và đặc tính của nó, cao trình, chiều rộng và độ dốc ổn định của mặt bãi. Lượng bùn cát nuôi bãi được ước tính từ lượng tải cát dọc bờ, cấp phối bùn cát chở đến và độ dốc của bãi biển để ước tính.
2.3- Công trình ngăn cát, giảm sóng
Đối tượng được quan tâm trong báo cáo này là các giải pháp số 3, 4, 5 tức là các giải pháp ngăn cát, giảm sóng bằng công trình có các kết cấu ổn định, được bố trí theo các sơ đồ khác nhau, tuỳ theo điều kiện cụ thể của môi trường động lực tại đó. Các sơ đồ được bố trí trên cơ sở các chức năng của công trình, tương tác giữa chúng với các yếu tố sóng, dòng chảy và hiệu quả mong muốn đạt được.
III - NGUYÊN TẮC BỐ TRÍ CÔNG TRÌNH 1. Bố trí hệ thống mỏ hàn (MH)
1.1- Phương và tuyến công trình
a. Phương và tuyến của MH. Là phương vừa có tác dụng ngăn chặn bùn cát ven bờ vừa có tác dụng che chắn sóng cho bờ.
b. Bố trí MH vuông góc với đường bờ, vì những lý do sau:
− Trừ một số vùng bờ biển đặc biệt có hướng sóng không đổi, còn các bờ biển thông thường có rất nhiều hướng sóng với các tần suất khác nhau theo mùa, việc dựa vào hướng sóng để quyết định phương của MH là khó khăn
− Để đạt tới một độ sâu nhất định trong vùng sóng vỡ, hướng MH vuông góc với bờ là ổn định và kinh tế nhất.
− Khi MH đặt xiên góc với bờ, áp lực sóng tác dụng vào công trình sẽ rất mạnh, không có lợi về kết cấu đê.
1.2- Chiều dài MH
a) Chiều dài phần trong nước của MH lấy khoảng (40 ÷60)% khoảng cách từ bờ đến điểm sóng vỡ là hợp lý.
b) Thông thường dự tính hiệu quả của MH rất khó chính xác, vì vậy nên dùng phương pháp thử dần; bắt đầu sử dụng MH có chiều dài ngắn, sau đó tuỳ thuộc vào hiệu quả để kéo chiều dài đê dần ra phía biển.
Xác định chiều dài MH có thể tham khảo các trị số trong bảng 6.1 (theo quy phạm của Nhật Bản).
Bảng 6.1. Chiều dài MH phụ thuộc chất liệu đáy và đới sóng đổ
Địa chất đáy biển Hs1/3 < 3,0m Hs 1/3 > 3,0m
Cát nhỏ A = 0,5 D0 A = 0,4 D0
Cát thô A = 0,4 D0 A = 0,3 D0
Trong đó :
A - Chiều dài phần trong nước của đê MH;
D0 - Khoảng cách từ bờ đến điểm sóng vỡ theo tính toán với số liệu cực đại;
c) Với đáy biển có bùn cát đáy càng thô, bùn cát trôi càng mạnh, phân bố bùn cát trôi có xu hướng tập trung vào bờ, nên chiều dài MH có thể làm ngắn hơn.
d) Gốc của MH cần đặt sâu vào trong vị trí chiều cao sóng leo có thể đạt tới, thậm chí có thể kéo dài thêm vào (5÷10m).
e) Khi có công trình bảo vệ trực tiếp bờ biển thì gốc MH phải được liên kết có hiệu quả với công trình đó. Đồng thời có thể dự kiến do xâm thực mà đường bờ có thể lùi vào, để kéo dài thêm gốc MH.
1.3- Khoảng cách giữa các MH
a) Khoảng cách giữa các MH thường lấy từ 1 ÷ 3 lần chiều dài ngập nước của MH (tính từ mực nước thấp thiết kế).
b) Khi sử dụng phương án kéo dài dần chiều dài MH thì khoảng cách ban đầu có thể lấy trị số trung bình.
1.4- Cao trình và chiều rộng đỉnh MH
a) Đỉnh MH ở chỗ nối tiếp với đê đặt ở cao trình mực nước triều Htp. Đỉnh mỏ hàn song song với mặt bãi hoặc có cao trình nằm ngang.
b) Chiều rộng đỉnh MH nói chung có thể lấy bằng độ sâu nước đầu đê khi triều cao.
2. Bố trí đê giảm sóng dọc bờ (ĐGS)