Cơ thể luôn cần ôxi để ôxi hoá các chất hữu cơ, giải phóng năng lượng cần cho mọi hoạt động sống của cơ thể, đồng thời thải cabonic ra khỏi cơ thể. Vì vậy, cơ thể phải thường xuyên trao đổi khí với môi trường bên ngoài. Việc đổi mới không khí trong phổi được thực hiện qua động tác thở nhờ cử động của các cơ hô hấp với sự luân phiên nhịp nhàng giữa động tác hít vào và thở ra. Động tác hít vào là một động tác tích cực, được thực hiện do các cơ hít vào (cơ hoành và cơ liên sườn ngoài) co lại, làm tăng thể tích của lồng ngực theo cả ba chiều: chiều trên dưới, chiều trước sau và chiều ngang. Động tác thở ra là một động tác thụ động và không tiêu hao năng lượng. Mỗi lần vừa hít vào vừa thở ra được gọi là một lần thở hay môtij nhịp thở. Số lần thở trong một phút được gọi là tần số thở hay tần số hô hấp.Vì vậy, tần số thở là một trong những biểu hiện của hoạt động hô hấp của con người nên việc nghiên cứu tần số thở giúp chúng ta biết được đặc điểm hô hấp của con người.
Theo Tạ Thúy Lan và Trần Thị Loan [25], động tác thở của trẻ em không phải hoàn toàn giống nhau, thậm chí cùng một đứa trẻ lại mỗi lúc thở một kiểu.
Người ta có thể chia thành các kiểu thở như thở bụng, thở ngực. Ở trẻ nhỏ, các cơ của lồng ngực còn yếu nên động tác thở chủ yếu thực hiện bằng cơ hoành tạo ra kiểu thở bụng. Ở trẻ lớn, các cơ liên sườn và cơ ức đòn chũm phát triển mạnh nên động tác thở được thực hiện chủ yếu bằng các cơ liên sườn phối hợp với cơ hoành tạo nên kiểu thở ngực. Tần số thở của trẻ em vào mùa hè cao hơn vào mùa đông khoảng 2 - 6 nhịp/phút. Do trung khu hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh nên tần số thở của trẻ em hay bị rối loạn, có lúc thở nhanh, có lúc thở chậm.
Năm 1993, Đoàn Yên và cs [55] nghiên cứu tần số thở của người Việt Nam từ 4 - 110 tuổi nhận thấy từ 6 đến 17 tuổi, tần số thở của trẻ em giảm dần. Cụ thể là tần số thở của nam giảm từ 28,8 lần/phút lúc 6 tuổi xuống còn 17 lần/phút lúc 17 tuổi; tần số thở của nữ giảm từ 24,2 lần/phút lúc 6 tuổi xuống còn 18,2 lần/phút lúc 17 tuổi.
Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Bích Ngọc [37] trên học sinh miền núi ở tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ cho thấy tần số thở của học sinh giảm dần theo tuổi với mức giảm dao động từ 0,44 ÷ 1,32 nhịp/năm và đến 17 tuổi gần tương đương so với của người lớn. Thời điểm giảm nhanh tần số hô hấp của học sinh nam từ 13 - 15 tuổi và của nữ từ 12 - 14 tuổi.
Công trình của Đoàn Yên và cs [55] nghiên cứu tần số thở, dung tích sống, thể tích khí lưu thông, thể tích phút của người Việt Nam từ 6 đến 79 tuổi. Các tác giả đã cho thấy, dung tích sống tăng nhanh đến 19 tuổi sau đó ổn định, từ 30 tuổi trở đi nó bắt đầu giảm. Dung tích sống của người Việt Nam nhỏ hơn so với người Âu, Mỹ.
Nghiêm Xuân Thăng [41] nghiên cứu một số chỉ số chức năng sinh lý của người Nghệ Tĩnh cho thấy, khí hậu có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, trong đó tần số thở và dung tích sống chịu ảnh hưởng nhiều nhất của khí hậu.
Nhìn chung, những nghiên cứu về chức năng hô hấp của người Việt Nam khá phổ biến, nhưng chủ yếu là trên đối tượng người trưởng thành với các chỉ tiêu phân áp các chất khí trong máu, khuếch tán khí, chỉ tiêu chức năng thông khí phổi như dung tích sống, dung tích sống thở mạnh, thể tích khí lưu thông, thể tích khí cặn...
[10], [23], [25], [41], [52] nhưng các công trình nghiên cứu tần số thở của trẻ em chưa nhiều.
1.3.2. Tần số tim của trẻ em
Hệ tuần hoàn có chức năng cơ bản là vận chuyển máu giàu oxi và chất dinh dưỡng đi nuôi toàn bộ cơ thể và vận chuyển khí cacbonic cùng những chất độc, chất thừa đến các cơ quan bài tiết để thải ra ngoài. Hệ tuần hoàn gồm có tim và hệ thống mạch máu. Trong đó, tim có chức năng vừa hút máu vừa đẩy máu, là động cơ chính của hệ tuần hoàn. Công suất của tim phụ thuộc vào tần số tim và thể tích co tim.
Lượng máu do một tâm thất đẩy vào động mạch trong một lần co được gọi là thể tích co tim. Mỗi lần tim co bóp để đẩy máu đi được gọi là một nhịp tim. Số lần tim co bóp trong một phút được gọi là tần số tim. Vì vậy, tần số tim là một trong những biểu hiện của hoạt động tuần hoàn của con người nên việc nghiên cứu tần số tim là một trong các chỉ số giúp chúng ta biết được đặc điểm tuần hoàn của con người. Vì vậy, tần số tim là một trong các chỉ số quan trọng để đánh giá hoạt động của hệ tuần hoàn [37].
Năm 1993, Đoàn Yên và cs [55] nghiên cứu tần số tim của người Việt Nam từ 4 đến 110 tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy tần số tim giảm dần từ 4 đến 25 tuổi.
Từ 25 đến 60 tuổi, tần số tim đi vào ổn định và sau 60 tuổi, tần số tim lại tăng lên chút ít. Các tác giả còn nhận thấy có sự khác biệt tần số tim theo giới tính, trước 12 tuổi, tần số tim của nam và nữ gần bằng nhau, sau 12 tuổi cho đến già, tần số tim của nữ cao hơn của nam.
Năm 1993, Nghiêm Xuân Thăng [41] nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường nóng khô và nóng ẩm lên một số chỉ tiêu sinh lý của người cho thấy, tần số tim của con người ở tất cả các độ tuổi đều chịu ảnh hưởng của khí hậu. Tần số tim tăng theo sự tăng của nhiệt độ môi trường và biến đổi theo ngày, theo mùa, theo mức độ bức xạ và trạng thái tâm, sinh lý. Trong một ngày, tần số tim tăng dần từ sáng đến trưa, mùa hè cao hơn so với mùa đông
Năm 1998, Nguyễn Văn Mùi [34] nghiên cứu trên học sinh từ 7 đến 15 tuổi ở Hải Phòng và nhận thấy huyết áp của các em tăng theo tuổi.
Kết quả nghiên cứu của Trần Thị Loan [29] trên học sinh từ 6 đến 17 tuổi ở Hà Nội cho thấy tần số tim của các em tăng theo tuổi; Từ 6 đến 11 tuổi, tần số tim của nam và nữ khác nhau không đáng kể, còn từ 12 đến 17 tuổi tần số tim của nữ lớn hơn của nam 2 - 4 lần/phút.
Năm 2006, Đỗ Hồng Cường nghiên cứu trên học sinh các dân tộc ở tỉnh Hòa Bình cũng đưa ra kết luận tần số tim của học sinh THCS các dân tộc Kinh, Mường, Thái và Tày giảm dần theo tuổi [15].
Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Bích Ngọc [37] trên học sinh miền núi ở tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ cho thấy tần số tim của học sinh giảm dần theo tuổi, thời điểm giảm nhanh lúc 11 - 13 tuổi đối với nữ và 12 - 14 tuổi đối với nam. Tần số tim của nữ cao hơn so với của nam ở hầu hết các lứa tuổi nghiên cứu.
1.3.3. Huyết áp của trẻ em
Khi tim co bóp sẽ tạo nên lực đẩy máu chảy trong động mạch. Áp lực của máu lên thành mạch được gọi là huyết áp. Như vậy, huyết áp là kết quả tổng hợp của sức co bóp của tim, sức đàn hồi của thành mạch máu và sức cản của dòng máu.
Huyết áp khi tim co và khi tim giãn không giống nhau. Khi tim co, áp lực của máu mạnh tạo nên huyết áp tối đa (hay còn gọi là huyết áp tâm thu). Khi tim giãn, áp lực của máu yếu nhất tạo nên huyết áp tối thiểu (hay còn gọi là huyết áp tâm trương). Ở
trẻ em, do lực co bóp của tim còn yếu, thành mạch máu còn mỏng nên huyết áp thường nhỏ hơn của người lớn. Như vậy, huyết áp là một chỉ số quan trọng phản ánh chức năng của hệ tuần hoàn và ảnh hưởng đến hoạt động và sự phát triển của toàn bộ cơ thể trẻ em. Vì vậy, đã có nhiều tác giả nghiên cứu vấn đề này.
Số liệu trong cuốn “Hằng số sinh học người Việt Nam” [47] cho thấy huyết áp tăng dần từ 3 đến 17 tuổi và trong cùng một độ tuổi thì huyết áp của nam cao hơn của nữ. Huyết áp thay đổi tùy theo tư thế của trẻ khi đo, khi đứng cao hơn khi nằm và ngồi.
Kết quả nghiên cứu của Nghiêm Xuân Thăng [41] trên cư dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và nhận thấy huyết áp của trẻ em chịu ảnh hưởng của khí hậu.
Trần Đỗ Trinh và cs nghiên cứu một số chỉ số sinh học người Việt Nam thập kỷ 90 đã đưa ra kết luận: huyết áp tăng dần theo tuổi với mức tăng chậm nhất ở nhóm tuổi 15 - 19 và huyết áp của nam giới cao hơn so với của nữ giới [46].
Năm 1993, Đoàn Yên và cộng sự [55] nghiên cứu trên đối tượng 17 - 20 và 23 - 30 tuổi đã cho thấy, huyết áp động mạch biến đổi có tính chất chu kỳ. Huyết áp động mạch tăng đến 18 tuổi, sau đó ổn định đến 49 tuổi rồi lại tăng dần. Huyết áp động mạch của người Việt Nam ở mọi lứa tuổi đều thấp hơn so với người Âu, Mỹ.
Ngoài ra, ông còn đưa ra nhận xét, thời điểm kết thúc tăng huyết áp tâm thu ở nam vào tuổi 18, ở nữ là 17 tuổi và thời điểm kết thúc tăng huyết áp tâm trương ở nam lúc 14 và ở nữ lúc 15 tuổi.
Năm 1998, Nguyễn Văn Mùi nghiên cứu trên đối tượng trẻ em 7 - 15 tuổi cho thấy, huyết áp tâm thu của nam từ 7 - 9 tuổi cao hơn so với của nữ. Từ 10 - 15 tuổi không có sự khác biệt chỉ số này theo giới tính. Huyết áp tâm trương của các em nam từ 7 - 13 tuổi cũng lớn hơn so với của nữ [34]. Nhìn chung, huyết áp của nam cao hơn của nữ.
Năm 2001, Trần Thị Loan trong nghiên cứu của mình cũng đưa ra kết luận huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu của học sinh tăng dần theo tuổi, mỗi năm tăng trung bình
2 mmHg. Từ 6 đến 17 tuổi, trong cùng một độ tuổi, huyết âp tâm thu và huyết áp tâm trương của nữ cao hơn so với của nam cùng tuổi khoảng 2 - 3 mmHg [27].
Năm 2006, Đỗ Hồng Cường cũng đưa ra kết luận huyết áp động mạch của học sinh THCS các dân tộc Kinh, Mường, Thái và Tày ở tỉnh Hòa Bình tăng dần theo tuổi, huyết áp động mạch của nữ cao hơn so với của nam [15].
Năm 2006, Trần Trọng Thủy và cs nghiên cứu huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu của học sinh phổ thông từ 8 đến 20 tuổi. Kết quả cho thấy, cả hai chỉ số này ở học sinh nông thôn đều cao hơn so với ở học sinh thành phố và vẫn thấp hơn so với chuẩn về huyết áp theo độ tuổi của Tổ chức Y tế thế giới [42].
Năm 2013, Nguyễn Thị Bích Ngọc [37] nghiên cứu trên học sinh miền núi ở tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ nhận thấy huyết áp tâm thu và tâm trương của học sinh tăng dần theo tuổi. Thời điểm tăng nhanh nhất huyết áp tâm thu lúc 12 - 13 tuổi đối với nam và 13 - 14 tuổi đối với nữ. Thời điểm tăng nhanh huyết áp tâm trương lúc 12 - 14 tuổi đối với nữ và 13 - 15 tuổi đối với nam. Huyết áp tâm thu của học sinh nữ cao hơn so với của học sinh nam cả ba dân tộc Kinh, Mường và Sán Dìu.
Như vậy, qua kết quả nghiên cứu của một số tác giả cho thấy, tần số tim và huyết áp động mạch biến đổi có tính chất chu kì. Tần số tim giảm dần, huyết áp tâm thu và tâm trương tăng dần theo tuổi, nhưng tốc độ tăng không đều. Tần số tim, huyết áp động mạch ở bất kì lứa tuổi nào cũng chịu ảnh hưởng của khí hậu. Ngoài ra, tần số tim còn chịu sự chi phối bởi các yếu tố xã hội như lao động, trạng thái sinh, tâm lí.
Chương 2