RỦI RO VÀ HẠN CHẾ RỦI RO TRONG ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HẠN CHẾ RỦI RO TRONG ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU TẠI VIỆT NAM
2.1. Hoạt động đầu tư cổ phiếu tại Việt Nam hiện nay
2.2.2. Tác động từ nền kinh tế trong nước
Tính chung 9 tháng đầu năm 2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt gần 70 tỷ USD, tăng 35.4% so với cùng kỳ năm trước; trong khi kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 76.9 tỷ USD, tăng 26.9% so với cùng kỳ năm 2010.
Thâm hụt thương mại 9 tháng đầu năm nay ước tính chỉ khoảng 6.9 tỷ USD, bằng 9.8% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không kể vàng, thâm hụt thương
mại 9 tháng đầu năm 2011 ước tính ở mức 7.7 tỷ USD, so với con số 11.4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2010.
Biểu đồ bên dưới cho thấy thâm hụt thương mại liên tục duy trì ở mức cao kỷ lục trong 5 tháng đầu năm, nhưng bắt đầu có sự giảm tốc đột ngột từ tháng 6 và đỉnh điểm là hiện tượng xuất siêu trong tháng 7.
Nguyên nhân của sự khác biệt này chủ yếu đến từ sự gia tăng đột biến kim ngạch xuất khẩu của nhóm Đá quý, kim loại quý và sản phẩm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của nhóm này trong tháng 6 là 806 triệu USD và trong tháng 7 là 1,115 triệu USD.
Tuy nhiên, trước dấu hiệu đầu cơ ngày càng tăng mạnh trên thị trường vàng, NHNN đã cấp quota nhập vàng để bình ổn giá, và hệ quả là thâm hụt thương mại đã có dấu hiệu tăng trở lại.
Hiện NHNN đang nỗ lực đưa ra các biện pháp để kéo giảm hiện tượng đầu cơ trên thị trường vàng. Hơn nữa, giá vàng thế giới đã có dấu hiệu chững lại sau một thời gian tăng cao kỷ lục.
Lo ngại lớn nhất hiện nay là tình hình sức khỏe kinh tế thế giới. Nếu kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2011 sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, và hệ quả là cán cân thương mại có thể bị thâm hụt nghiêm trọng hơn.
Thâm hụt thương mại tiếp tục duy trì khoảng 1.3 – 1.6 tỷ USD/tháng, và tổng thâm hụt thương mại cả năm 2011 vào khoảng 11 – 12 tỷ USD, tức khoảng từ 12.5% – 13.5% so với kim ngạch xuất khẩu; nếu không có biến động quá lớn trong kim ngạch nhập khẩu vàng những tháng cuối năm đề bình ổn thị trường hàng hóa này.
Biểu đồ 2.1: Xuất nhập khẩu và Thâm hụt thương mại theo tháng Thâm hụt ngân sách vẫn là gánh nặng
Thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây liên tục duy trì ở mức cao trên 5% GDP và đỉnh điểm là năm 2009 với mức thâm hụt 6.9% do các gói kích thích kinh tế được thực thi trong năm này.
Dự toán năm 2011, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 595,000 tỷ đồng tương đương 26.2% GDP, chưa kể 10,000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010 sang năm 2011; trong khi đó tổng chi cân đối ngân sách nhà nước là 725,600 tỷ đồng. Như vậy, mức bội chi ngân sách nhà nước dự toán năm 2011 là 120,600 tỷ đồng, tương đương 5.3% GDP.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9/2011, thâm hụt ngân sách ước đạt 44,500 tỷ đồng, xấp xỉ mức 36.9% dự toán cả năm. Như vậy, thâm hụt ngân sách trong 9 tháng chỉ vào khoảng 2.6% GDP, so với con số 3.47% GDP của cùng kỳ năm ngoái theo số liệu của Bộ Tài chính.
Với chính sách cắt giảm mạnh đầu tư, chi tiêu công từ đây cho đến cuối năm, thì con số mục tiêu thâm hụt ngân sách 5.3% GDP là hoàn toàn có thể đạt được (thậm chí có khả năng thấp hơn). Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực thì mức thâm hụt này vẫn còn rất cao, góp phần làm gia tăng lạm phát và rủi ro đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô.
Biểu đồ 2.2: Thâm hụt ngân sách từ 2005 đến nay
Vốn đầu tư FDI có dấu hiệu suy yếu, nhưng cơ cấu có dịch chuyển tích cực Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong 9 tháng đầu năm đạt 9.9 tỷ USD, bằng 72.1% cùng kỳ năm trước; vốn thực hiện ước tính đạt 8.2 tỷ USD, tăng 1.9% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong 9 tháng đầu năm 2011, doanh nghiệp FDI đóng góp kim ngạch xuất khẩu 32.45 tỷ USD (không kể 5.7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu dầu thô), chiếm 46.36% kim ngạch xuất khẩu và tăng 35% so với cùng kỳ năm trước;
trong khi nhập khẩu của những doanh nghiệp này đạt 34 tỷ USD, chiếm 44.2% kim ngạch nhập khẩu và tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010.
Dòng vốn FDI đăng ký giảm khá mạnh cho thấy tiềm năng thu hút vốn FDI tại Việt Nam đang bị thách thức đáng kể. Ngoài yếu tố khách quan như tăng trưởng yếu ở các nước phát triển, thì nguyên nhân chính vẫn là yếu tố nội tại kém cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, lợi thế cạnh tranh lao động giá rẻ ngày càng giảm đi, trong khi sự phát triển công nghiệp hỗ trợ không thể sánh bằng các nước trong khu vực.
Sự dịch chuyển khá tích cực của vốn FDI trong 9 tháng đầu năm nay là tỷ lệ vốn đăng ký cấp mới vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đến 46.7% trong tổng vốn FDI đăng ký cấp mới so với tỷ trọng 25.1% cùng kỳ năm 2009; trong khi tỷ lệ này ở ngành kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm 2011 chỉ với 3.4% so với con số 45.2% cùng kỳ năm 2009.
FDI đăng ký cả năm 2011 dự báo sẽ đạt khoảng 11.5 tỷ USD, FDI giải ngân đạt khoảng 11 tỷ USD. Đây là mức khá phù hợp với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khá ảm đạm của kinh tế thế giới hiện nay.
Biểu đồ 2.3: FDI đăng ký giải ngân theo tháng và theo năm 2011
Chỉ số giá tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao nhưng đã có dấu hiệu giảm tốc Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 được công bố tăng 0.82%, là mức tăng hàng tháng thấp nhất từ đầu năm 2011 đến nay. Với con số này, CPI tháng 9 đã tăng 22.42% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 23.02%
của tháng 8.
Tính đến tháng 9/2011, CPI cả nước tăng 16.63% so với đầu năm nay, rất gần so với con số mục tiêu 17% vào cuối năm 2011.
Từ nay cho đến cuối năm 2011, CPI sẽ còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu áp dụng vào ngày 1/10 và nguồn cung lương thực thực phẩm trong nước không ổn định do bước vào mùa mưa bão.
Tuy nhiên, với những tác động không quá lớn của đợt tăng lương lần này và ảnh hưởng tích cực của chương trình bình ổn giá trong những tháng cuối năm, áp lực lên lạm phát sẽ không có biến động quá lớn.
Ngoài ra, những tín hiệu tích cực như nỗ lực bình ổn giá xăng dầu từ đây đến cuối năm, sự cộng hưởng từ xu hướng giá cả hàng hóa thế giới và yếu tố thắt chặt tiền tệ trước đó sẽ góp phần kiềm chế lạm phát.
Tuy vậy, lạm phát hàng tháng vẫn duy trì ở mức 0.6-0.9% và lạm phát cả năm 2011 sẽ dao động trong khoảng 18-20%.
Thách thức trong tương lai là có khả năng giá xăng dầu được thả dần theo thị trường và hàng loạt yêu cầu tăng giá gần đây của ngành điện, hàng không, bệnh viện, bảo hiểm… có thể được áp dụng từ cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Làn sóng này sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát trong những tháng đầu năm 2012.
Biểu đồ 2.4: Chỉ số giá tiêu dùng cả nước từ năm 2008 đến 09/2011 Tỷ giá USD/ VND vẫn chịu sức ép lớn vào cuối năm
Tình trạng căng thẳng tỷ giá những tháng đầu năm diễn ra khá phức tạp.
Chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết của ngân hàng và tỷ giá thị trường tự do luôn ở mức cao. Trước áp lực đó, ngày 11/02/2011, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng thêm 9.3%, lên mức 20,693 VND/USD, đồng thời giảm biên độ giao động từ +/-3% về +/-1%.
Mặc dù đã điều chỉnh tỷ giá khá mạnh song tình trạng căng thẳng tỷ giá vẫn liên tục diễn ra. Trước diễn biến này, song song với việc thắt chặt các hoạt động mua bán USD trên thị trường tự do, NHNN cũng đã quy định trần lãi suất huy động bằng ngoại tệ và tăng dự trữ bắt buộc (DTBB) đối với ngoại tệ.
Tính từ đầu năm 2011 đến nay, NHNN đã 3 lần tăng DTBB ngoại tệ và lần gần đây nhất được áp dụng kể từ đầu tháng 9/2011. Theo đó, tỷ lệ DTBB đối với ngoại tệ không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng là 8%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6% trên tổng số dư tiền gửi phải chịu DTBB.
Sự kết hợp giữa các biện pháp hành chính và thị trường đã chặn đứng được tình trạng căng thẳng ngoại tệ kể từ cuối tháng 4 đến thời gian gần đây.
Tuy nhiên, diễn biến khó lường của hoạt động đầu cơ vàng đang gây sức ép lớn lên tỷ giá USD/VND. Việc duy trì đồng thời hai mục tiêu bình ổn thị trường vàng thông qua cấp quota nhập khẩu và bình ổn tỷ giá sẽ khiến cho nguồn dự trữ ngoại hối bị thách thức đáng kể.
Thông tin mới nhất cho thấy NHNN có thể sẽ cho mở lại giao dịch vàng tài khoản để tạo sự liên thông trực tiếp thị trường vàng trong và ngoài nước;
đồng thời một số NHTM có thể được phép bán vàng huy động trước đây ra thị trường để bình ổn thị trường.
Ngoài yếu tố vàng thì các vấn đề khác như nhập siêu gia tăng, áp lực đáo hạn những khoản vay ngoại tệ, dấu hiệu nợ xấu ngoại tệ và ẩn số từ dòng tiền kiều hối, đầu tư nước ngoài trong những tháng cuối năm sẽ gây sức ép lên chính sách bình ổn tỷ giá của NHNN.
Như vậy, việc giữ biến động tỷ giá không quá 1% đến cuối năm hiện đang vấp phải nhiều lực cản. Việc có tìm được lời giải đáp hay không còn tùy thuộc rất lớn vào tình hình sức khỏe kinh tế trong nước và thế giới.
Chính sách tiền tệ dự báo sẽ tiếp tục thắt chặt để kiềm chế lạm phát
Mới đây, trong cuộc họp định kỳ tháng 9, Chính phủ tái khẳng định kiềm chế lạm phát là ưu tiên số một. Do đó tăng trưởng tín dụng trong năm 2001 sẽ bị giới hạn ở mức 15-17%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%.
Tính đến ngày 12/9, tín dụng toàn hệ thống tăng 8.63% so với tháng 12/2010, trong khi tốc độ huy động vốn tăng 10.72% (chưa loại trừ giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng nắm giữ). Điều đáng quan tâm là tính đến ngày 19/8/2011, dư nợ tín dụng ngoại tệ đã tăng 23.91% so với con số khá khiêm tốn 3.94% của dư nợ tín dụng bằng VND.
Sau những quy định trong Chỉ thị 02 về việc áp trần lãi suất huy động 14%/năm, NHNN vừa mới ban hành Thông tư 30 quy định lãi suất tối đa đối
với tiền gửi VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng chỉ là 6%/năm và nghiêm cấm khuyến mãi dưới mọi hình thức.
Trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số tín hiệu khá tích cực trên thị trường tiền tệ khi lãi suất bắt đầu giảm nhẹ (là hệ quả của hàng loạt biện pháp kinh tế và hành chính). Tuy vậy, việc giảm lãi suất sẽ gặp rất nhiều thử thách do lạm phát vẫn đang ở mức cao.
NHNN rất cẩn trọng khi nới rộng chính sách tiền tệ để hạ lãi suất do kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu hàng đầu trong thời gian tới. Hơn thế nữa, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá căng thẳng do một phần dòng tiền tiết kiệm rời khỏi hệ thống, tìm đến các kênh đầu tư hấp dẫn hơn, nhiều ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng nhỏ) sẽ khan hiếm vốn và không có nhiều dư địa để giảm mạnh lãi suất. Lượng vốn huy động với lãi suất cao trong thời gian trước cũng sẽ là một rào cản cho việc kéo giảm lãi suất.
Với tín dụng phi sản xuất, NHNN xem xét đề xuất của Bộ Xây dựng để làm giảm sức ép cho hệ thống ngân hàng và tránh sự đổ vỡ ở thị trường nhà đất. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp có tính chất “giải cứu”. Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế, sức ép về nợ xấu của ngân hàng sẽ ngày một tăng do khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị suy giảm.
Lạm phát trong 3 tháng của quý 3 tiếp đà giảm tốc từ tháng 5 và tháng 6 sau những nỗ lực ổn định hóa quyết liệt của Chính phủ. Tuy nhiên, do sự thiếu hụt nguồn cung thực phẩm tạm thời trong tháng 7 và tháng 8, cùng ảnh hưởng của yếu tố thời vụ tựu trường trong tháng 9 nên tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng trong quý vẫn ở mức cao. Tính đến hết tháng 9, CPI đã tăng 22,42% so với cùng thời điểm của năm trước, và đã lên tới 16,63% so với cuối năm 2010. Đáng lưu ý, giá cả của nhóm hàng Thực phẩm đã tăng tới 27,72% từ đầu năm, tiếp đó là nhóm Ăn uống ngoài gia đình tăng 21,33%, nhóm Vận tải có mức tăng 19,01%, nhóm Vật liệu xây dựng và
nhà ở tăng 16,59%; trong khi đó Bưu chính-Viễn thông là nhóm duy nhất có mức giá giảm 1,87%.