CHƯƠNG 2. YÊU CẦU KỸ THUẬT TRONG THI CÔNG KÊNH BÊ TÔNG LƯỚI THÉP ĐÚC SẴN
2.5. YÊU CẦU KỸ THUẬT TRONG CÔNG TÁC VẬN CHUYỂN, LẮP GHÉP CẤU KIỆN, HOÀN THIỆN CÔNG TRÌNH
2.5.1.Vận chuyển cấu kiện đến hiện trường thi công
Yêu cầu kỹ thuật trong công tác vận chuyển cấu kiến theo TCKT 02:2014: Công trình thủy lợi – Kênh bê tông đúc sẵn: Yêu cầu thiết kế, thi công và nghiệm thu, phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Chỉ vận chuyển cấu kiện sau khi Kiểm tra và nghiệm thu sản phẩm tại bãi đúc như đã nêu tại mục trên.
- Bốc, xếp các cấu kiện đúc sẵn lên phương tiện vận chuyển hay kê xếp trên công trường phải theo đúng sơ đồ đã chỉ dẫn trong thiết kế tổ chức thi công. Việc xếp đặt phải đảm bảo đúng trình tự và vị trí quy định trong thiết kế cũng như hướng dẫn của đơn vị sản xuất.
- Khi kê xếp các cấu kiện chồng lên nhau, nếu gối kê không đặt được cùng một điểm theo phương thẳng đứng (có thể do vướng móc cẩu, thép chờ, vai đỡ, v.v....) thì phải đặt gối kê về phía tâm cấu kiện, tránh đặt ra phía ngoài dễ gây nứt cấu kiện;
Khi lắp cấu kiện thành nhiều lớp trên công trường, cần chú ý những vấn đề sau đây:
- Bảo đảm kê xếp và nâng chuyển cấu kiện dễ dàng khi lắp ghép, không gây hư hỏng các cấu kiện bên cạnh;
- Chiều cao xếp chồng các lớp cấu kiện được xác định theo điều kiện kỹ thuật và điều kiện an toàn, và được chỉ dẫn trong thiết kế tổ chức thi công;
- Chiều rộng lối đi giữa các chồng không nhỏ hơn 0,7 m. Khoảng cách giữa các chồng kề nhau không nhỏ hơn 0,2m;
- Không xếp các cấu kiện lên lối đi của cần trục và trên đường thi công.
Yêu cầu về bố trí cấu kiện tại hiện trường thi công:
Cấu kiện khi vận chuyển đến công trường, tuỳthuộc vào phương pháp cẩu lắp mà cấu kiện có thể vẫn để nguyên trên phương tiện vận chuyển để cẩu lắp, hoặc cấu kiện được cẩu xuống và sắp xếp trên mặt bằng cẩu lắp, hoặc nếu chưa lắp ngay thì chúng được bốc dỡ và xếp trên mặt bằng hoặc xếp vào kho.
Khi xếp kho, cấu kiện được xếp tập trung, có thể được che đậy hoặc không. Yêu cầu cấu kiện được sắp xếp trên các gối kê bằng gỗ sao cho bằng phẳng, vị trí kê sao cho cấu kiện ở gần trạng thái làm việc thực. Thứ tự xếp kho sao cho thuận tiện cho việc bốc dỡ vận chuyển ra công trường (cấu kiện lắp trước xếp ngoài...).
Sắp xếp cấu kiện ngay trên mặt bằng cẩu lắp sao cho nằm trong bán kính với có thể của cần trục, thích hợp với phương pháp lắp dựng (tránh phải vận chuyển phụ &
cần trục phải di chuyển nhiều), không ảnh hưởng đến đường di chuyển của cần trục và phương tiện vận chuyển. Cấu kiện nặng đặt gần, cấu kiện nhẹ đặt xa so với vị trí đứng của cần trục.
2.5.2.Thi công nền kênh
Công tác thi công nền kênh phải tuân thủ các quy định tại TCVN 8305:2009 “Công trình thủy lợi – Kênh đất: Yêu cầu kỹ thuật trong thi công và nghiệm thu” và tham khảo TCKT 02:2014 “Công trình thủy lợi - Kênh bê tông đúc sẵn, yêu cầu thiết kế, thi công và nghiệm thu”. Cụ thể phải đáp ứng các yêu cầu sau:
2.5.2.1. Xử lý nền kênh
Nếu đồ án thiết kế có biện pháp gia cố nền bằng bấc thấm, vải địa kỹ thuật, lọc, cọc gia cố v.v... thì Nhà thầu thi công phải lập biện pháp tổ chức thi công riêng và
được Chủ đầu tư chấp nhận.
2.5.2.2. Xử lý lớp tiếp giáp giữa kênh với đất nền hoặc kênh cũ
- Phát quang: Nhà thầu phải di dời các vật chướng ngại trên mặt bằng xây dựng công trình được duyệt, bao gồm cây cối, gốc cây, các công trình kiến trúc, ... (nếu có) theo quy định của bản vẽ đã được phê duyệt.
- Bóc bỏ lớp đất phong hóa: Lớp đất hữu cơ cần được bóc bỏ chuyển ra khỏi bãi trước khi đào hoặc đắp. Chiều dày lớp đất bóc bỏ được theo thiết kế bản vẽ thi công được duyệt; Đào gốc cây bao gồm thu gom toàn bộ gốc cây, các lùm cây, bụi cây, rễ cây và mọi vật liệu nằm trong phạm vi vùng phát quang, trong phạm vi móng công trình, khu vực khai thác đất, bãi chứa vật liệu và những chỗ khác. Các hố đào gốc cây phải được đắp lại bằng vật liệu thích hợp.
- Thải vật liệu: Các loại vật liệu do dọn dẹp, phát quang cần phải đốt hoặc đưa ra bãi thải theo quy định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
2.5.2.3. Thi công nền kênh trong trường hợp nền đào
- Đào đất đúng đồ án thiết kế, tránh gây sạt lở. Tùy theo biện pháp tổ chức thi công đã được phê duyệt mà bố trí thi công đào kênh hoặc kết hợp đào và đắp kênh theo trình tự làm đến đâu gọn đến đó. Đất thải phải đổ đúng nơi quy định. Đối với kênh chính nên thi công từ đầu mối, kênh cấp dưới nên thi công từ cống lấy nước;
- Cần dự phòng mặt cắt đào kênh có tính đến tu sửa, bạt sửa mái, gia cố lớp áo hoàn chỉnh mặt cắt kênh thiết kế được thuận lợi, không được đắp bù. Trường hợp phải đắp bù để bảo đảm mặt cắt kênh thì phải xử lý tiếp giáp bằng biện pháp đánh cấp theo hướng dẫn trong đồ án thiết kế;
- Việc đào kênh cần chia thành từng đoạn, thi công các đoạn phải đảm bảo chất lượng. Làm xong từng đoạn phải phá bờ ngăn theo đúng mặt cắt thiết kế đảm bảo thông nước, không gây cản trở dòng chảy;
- Thi công kênh qua khu dân cư, khu đông người qua lại, công trình công cộng thì việc thi công đào đất cần phải đảm bảo các điều kiện về an toàn, môi trường và sinh hoạt bình thường của nhân dân;
- Khi đào kênh qua vùng đất yếu, dễ lún sụt và vùng đất có hang hốc, công trình ngầm hoặc công trình quan trọng thì phải có biện pháp thi công hợp lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
2.5.2.4. Thi công nền kênh trong trường hợp nền đắp
- Khi đắp đất cần bảo đảm cho đất nền có độ ẩm gần độ ẩm đầm nén tốt nhất, sau đó đánh xờm tạo tiếp giáp tốt rồi mới bắt đầu đắp lớp đất đầu tiên;
- Trước khi đắp lớp đất tiếp theo phải đánh xờm lớp trước.
- Xử lý chỗ tiếp giáp hai khối đắp: Chỗ tiếp giáp giữa hai đoạn phải bạt đất ở phần kênh đã đắp tới lớp đất đã đầm chặt với mái dốc m ≥ 2, đánh xờm rồi mới được tiếp tục đắp đất. Trước khi đắp phải làm cho độ ẩm mái cũ trong phạm vi khống chế. Đất bạt ở mái cũ ra phải vằm nhỏ, xử lý để có độ ẩm gần như nhau mới được sử dụng lại. Chỉ xử lý mái tiếp giáp ngay trước khi đắp tiếp. Trường hợp chưa đắp ngay chổ tiếp giáp thì chừa lại một lớp đất dày trên 20 cm để tránh đất bị thay đổi độ ẩm và biến chất và lớp đất này được bóc trước khi xử lý và đắp phần tiếp giáp. Phần đắp áp trúc vào kênh cũ phải làm theo quy định của thiết kế.
- Chia đoạn kênh để đắp: Khi đắp kênh cần chia ra từng đoạn để lần lượt tiến hành công tác đánh xờm, đổ, san, vằm, đầm. Diện tích mỗi đoạn, số lượng thiết bị dụng cụ, nhân lực phải tính toán sao cho công việc được liên tục, tránh chồng chéo.
- Yêu cầu kỹ thuật đắp đất
+ Đất đưa lên đắp kênh sau khi đổ xong phải san phẳng thành từng lớp. Nếu đầm thủ công, chiều dầy lớp đất chưa đầm khống chế từ 15 cm đến 20 cm. Đối với đầm cơ giới, trước khi quyết định chiều dày lớp đổ đất cần thí nghiệm đầm nén hiện trường để xác định chiều dày hợp lý và các chỉ tiêu khác như áp suất đầm, tốc độ máy chạy, độ ẩm thích hợp và độ ẩm khống chế, số lần đầm; nếu không thí nghiệm được thì chiều dày này có thể lấy từ 30 cm trở xuống.
+ Đất sau khi san thành lớp, nếu đầm bằng thủ công cần được vằm nhỏ thành những viên có đường kính từ 5 cm trở xuống. Kích thước lớn nhất của các viên đất phải qua thí nghiệm ở hiện trường để xác định. Việc tiến hành thí nghiệm như sau:
rải một lớp đất có lẫn các viên lớn và tiến hành đầm, sau đó đào lên bửa ra xem các
viên đất lớn có bị vỡ ra và tạo thành một khối đồng nhất với đất xung quanh không.
Thí nghiệm nhiều lần với các đường kính viên đất khác nhau, đến khi với đường kính viên đất lớn nhất mà kết quả đạt được các yêu cầu thiết kế thì chọn đó là đường kính lớn nhất cần phải vằm nhỏ. Nếu đầm bằng cơ giới thì đất không cần phải vằm nhỏ.
+ Lúc đổ đất mà gặp trời mưa thì phải ngừng thi công, khơi rãnh thoát nước, không cho người và xe đi qua. Khi tạnh mưa phải đợi cho lớp đất trên mặt bốc hơi, đạt độ ẩm khống chế hoặc phải bóc hết lớp đất quá ướt đi rồi đánh xờm để đắp lớp đất mới và đầm lại cả lớp đất đã đầm và chưa đầm để đạt độ chặt và dung trọng thiết kế.
+ Với thời tiết khô hanh, nếu lượng ngậm nước của lớp đất đã được đầm chặt bốc hơi quá nhiều thì trước khi đắp thêm lớp khác phải tưới thêm nước cho đủ độ ẩm thích hợp. Nếu thi công gián đoạn, lớp đất cũ bị nứt nẻ nhiều thì phải bóc hết những chỗ nứt nẻ rồi mới được tiếp tục đắp.
- Yêu cầu kỹ thuật đầm nện và sử dụng thiết bị đầm nện:
+ Nếu sử dụng đầm nện thủ công, nên dùng đầm có trọng lượng từ 20 kg đến 30 kg. Không được dùng loại đầm có trọng lượng dưới 5 kg.
+ Nếu đầm thủ công phải đầm theo kiểu xỉa tiền, các vết đầm phải chồng lên nhau không lớn hơn 1/3 chiều rộng của quả đầm. Nếu đầm bằng cơ giới thì vết đầm sau phải đầm lên vết đầm trước từ 10 cm đến 15 cm.
+ Phân đoạn đầm cần đảm bảo vết đầm ở dải đất giáp giới hai đoạn kề nhau phải chồng lên nhau ít nhất là 50 cm.
+ Phương pháp đầm thủ công: Đầu tiên đầm sơ một lần khắp diện tích phải đầm cho mặt đất bằng phẳng, sau đó dàn thành hàng, đầm dần từng hàng rồi tiến lên cho tới khi đầm xong.
2.5.3.Yêu cầu kỹ thuật trong công tác lắp ghép cấu kiện 2.5.3.1. Yêu cầu chung
- Chỉ lắp ghép những cấu kiện bảo đảm chất lượng, có chứng chỉ xuất xưởng của nhà sản xuất.
- Trong quá trình lắp ghép, phải thường xuyên kiểm tra độ chính xác lắp đặt cấu
kiện và xác định vị trí thực tế cấu kiện đã được lắp đặt bằng máy trắc đạc. Các kết quả kiểm tra (sau khi liên kết cố định) phải ghi trong bản vẽ hoàn công.
- Trong quá trình lắp ghép, phải đảm bảo độ cứng và độ ổn định kết cấu dưới tác động của tải trọng bản thân, tải trọng thi công lắp ghép và gió bão. Trên cơ sở đó, cần thực hiện đúng các quy định về kê, đệm và liên kết các bộ phận cấu tạo
2.5.3.2. Yêu cầu khi sử dụng thiết bị cẩu lắp
- Tránh dập hỏng bê tông, bảo vệ cáp khỏi bị hư hại;
- Khi nâng phải dùng cơ cấu kẹp giữa để đảm bảo phân phối đều tải trọng lên cấu kiện và lên các nhánh cáp;
- Dây móc cáp phải theo đúng tiêu chuẩn và có cơ cấu chuyên dùng để tháo móc.
- Cấu kiện cần được nâng từ từ không giật, không đảo, không quy kết hợp với dây chằng dẫn hướng cấu kiện.
- Không kéo lê các cấu kiện trong khi vận chuyển.
- Phải đặt cấu kiện đúng vị trí thiết kế (đường trục, cao độ, gối đỡ...). Các cấu kiện có chi tiết đặt sẵn đặc biệt hoặc các cơ cấu định vị thì phải lắp đặt theo các cơ cấu đó.
2.5.3.3. Các yêu cầu khi lắp đặt tại hiện trường
Trước khi chở các cấu kiện đến lắp ráp, tuyến kênh cần phải được hoàn chỉnh các công việc sau:
- Trắc đạc xác định cao trình tuyến kênh nhất là xác định cao trình các đỉnh mố.
- Xây các mố theo đúng kích thước thiết kế, chú ý xử lý móng nhất là vùng đất yếu, đất có tính trương nở đặc biệt khi gặp nước. ở những vùng có lũ quét hoặc áp lực nước ngầm cao cần có giải pháp neo giữ máng với nền, tránh đẩy nổi hoặc lũ cuốn trôi.
- Kiểm tra cao độ các mố theo đúng cao trình thiết kế. Trước khi đặt máng láng một lớp vữa mỏng để tạo lớp đệm êm và gắn kết với móng.
- Khi lắp ghép các cấu kiện cần phải lắp lần lượt, hoàn chỉnh cấu kiện này mới lắp tiếp cấu kiện sau. Hướng mặt bát của nhịp máng ngược chiều với dòng chảy
- Trước khi liên kết cố định, cần kiểm tra vị trí cấu kiện theo thiết kế. Các kết quả
kiểm tra này cần được ghi vào sổ nhật ký lắp ghép
- Cần bảo quản cẩn thận cấu kiện trong quá trình lắp ghép, tránh bị hư hỏng.
Những cấu kiện hư hỏng quá mức cho phép, phải được thay thế hoặc sửa chữa theo sự thỏa thuận của cơ quan thiết kế và tư vấn giám sát thi công.
- Chú ý an toàn lao động khi lắp đặt.
Sai số trong lắp đặt cấu kiện có thể tham khảo TCKT 02:2014 “Công trình thủy lợi - Kênh bê tông đúc sẵn, yêu cầu thiết kế, thi công và nghiệm thu”, cụ thể tại bảng 2-12.
Bảng 2-12. Sai số lắp đặt cấu kiện (mm)
STT Loại sai số Sai số
1 Sai số cao trình đáy kênh 10
2 Sai số độ dốc đáy kênh 1%
3 Sai số tim kênh 100
2.5.4.Các yêu cầu kỹ thuật trong công tác hoàn thiện 2.5.4.1. Công tác kiểm tra, hiệu chỉnh sai lệch
- Công tác kiểm tra chất lượng công trình là một quá trình phải làm thường xuyên, kịp thời, tránh tình trạng thi công kém chất lượng, không đảm bảo yêu cầu thiết kế rồi mới được phát hiện và phải phá đi làm lại.
Khi lắp đặt kênh bê tông vỏ mỏng lưới thép, cần chú ý:
- Tuyến kênh lắp đặt phải đảm bảo độ dốc phẳng đều của toàn tuyến, những chỗ nối ghép không có hiện tượng vênh, cập kễnh hoặc so le. Để đạt được yêu cầu này thì các công đoạn sản xuất từ chế tạo ván khuôn, sản xuất cấu kiện, bảo dưỡng, xây dựng hệ thống mố tuyến kênh đều phải chuẩn xác.
- Cần kiểm tra kỹ mối nối để tránh hiện tượng rò rỉ và thất thoát nước sau này.
2.5.4.2. Công tác trám vữa các mối nối
- Việc trám vữa mối nối phải đảm bảo việc chống thấm giữa các đơn nguyên kênh.
- Đảm bảo tính thẩm mỹ của công trình.
2.5.4.3. Công tác lấp đất trả mặt bằng
- Công tác đắp đất hai bên mang của tuyến kênh được tiến hành sau khi đã lắp đặt tuyến kênh vào đúng vị trí, trát vữa mối nối, đảm bảo độ dốc kênh…
- Công tác đắp trả cần tuân thủ theo hồ sơ thiết kế, đảm bảo chất lượng theo đúng các yêu cầu theo các qui chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng và các qui định về chất lượng của nhà nước liên quan.
- Các yêu cầu kỹ thuật về đắp hoàn thiện tương tự như các yêu cầu kỹ thuật đắp nền kênh đã nêu ở trên.
2.5.5.Một số điểm cần chú ý khi sản xuất, lắp dựng kênh bê tông lưới thép Kênh XMLT được thiết kế là những đơn nguyên hoàn chỉnh, được lắp ghép trực tiếp, liên tục với nhau để tạo thành tuyến kênh có chiều dài mong muốn. Mặt khác chiều dày của kết cấu rất mỏng, yêu cầu khống chế chất lượng rất cao (Mác vữa, lớp bảo về lưới thép, chống thấm…). Chính vì vậy khi sản xuất, lắp ghép cần chu ý:
- Với mỗi lô vật liệu đểsản xuất XMLT (XM, Cát vàng, nước, thép sườn, lưới thép) càn có kiểm định chất lượng và xác định cấp phối theo mác thiết kế yêu cầu.
- Với mỗi bộ khuôn đúc, sau khi đúc được 40 đến 50 đơn nguyên cần kiểm tra lại kích thước so với kích thước thiết kế ban đầu. Nếu nằm trong dung sai cho phép thì mới đưa vào sản xuất tiếp, nếu không thì cần sửa chữa lại theo đúng yêu cầu.
- Công tác sản xuất gia công khung thép, lưới thép, định vị cốt thép trong khuôn và lắp ráp khuôn cần tỷ mỷ, thận trọng và đạt độ chính xác cao.
- Sản phẩm sản xuất ra phải thường xuyên được kiểm định của cơ quan có chức năng theo quy phạm.
- Khi lắp ghép cần lưu ý để khe co giãn về nhiệt giữa hai nhịp từ 5 đến 10 mm.
Khe này nên dùng sợi dây thừng gai tẩm nhựa đường vừa đơn giản, rẻ tiền, dễ làm.
Các đơn nguyên được lắp ghép với nhau theo mối âm dương, nên yêu cầu các bộ khuôn đúc của từng loại mặt cắt kênh phải được chế tạo thật chính xác và cần kiểm tra theo tiêu chuẩn của ngành cơ khí.