Các giai đoạn phát triển của buồng trứng

Một phần của tài liệu nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản của cá ngạnh (cranoglanis henrici vaillant, 1893) (Trang 42 - 45)

L ời cảm ơn

3.2.3 Các giai đoạn phát triển của buồng trứng

Trong quá trình thu mẫu do số lượng mẫu thu được là tương đối ít (nguyên nhân vì số lượng cá trong tự nhiên không có nhiều, mỗi tháng chỉ thu được khoảng 15 cá thể), cùng với đó là khoảng thời gian nghiên cứu còn ngắn nên chưa thu được mẫu buồng trứng giai đoạn I và VI, mà chỉ mới thu được buồng trứng ở các giai đoạn II, III, IV, và V.

Trong nghiên cứu này chúng tôi dựa theo thang 6 bậc của G.V. Nikolski (1963) [15] và OF Sakun & NA Butskaia (1968) [20] làm tiêu chuẩn để xác định độ chín của tuyến sinh dục cái được mô tả như sau:

Giai đoạn II:

Tuyến sinh dục gia tăng về kích thước và phân thùy rõ rệt, chiếm 1/3 đến 1/4 thể tích xoang bụng. Đối với cá chưa thành thục lần nào noãn sào có màu hồng nhạt pha lẫn màu vàng nhạt, màng tuyến sinh dục mỏng, hầu như không nhìn thấy mạch máu phân bố trên tuyến sinh dục. Riêng với cá cái đã tham gia sinh sản thì noãn sào lớn và có màu đậm hơn do mạch máu và mô liên kết khá phát triển. Ở giai đoạn này mắt thường chưa phân biệt được hạt trứng nhưng có thể phân biệt đực cái do có thể phân biệt được tuyến sinh dục đực và cái bằng mắt thường.

Hình 3.8: Buồng trứng giai đoạn II Hình 3.9: Tiêu bản buồng trứng GĐ II Quan sát trên tiêu bản thấy noãn bào có nhân tròn, lớn, nằm ở giữa. Đặc trưng ở giai đoạn này là bắt đầu cho sự sinh trưởng tế bào chất, tế bào chất ưa kiềm nên bắt màu tím của hematoxylin mạnh, trong khi nhân ưa kiềm yếu nên bắt màu nhạt.

Giai đoạn III:

Tuyến sinh dục phát triển nhanh, kích thước tuyến sinh dục gia tăng rõ chiếm 1/3 đến 1/2 thể tích xoang bụng, noãn sào có màu vàng nhạt, trên noãn sào đã có mạch máu phân bố. Kích thước noãn bào tăng nhanh do quá trình tạo noãn hoàng, có thể thấy rõ các hạt trứng bằng mắt thường. Nếu cắt buồng trứng và dùng đầu kéo để lấy ra những hạt trứng riêng, thì trứng khó tách ra khỏi những vách ngăn bên trong của buồng trứng và luôn luôn kết thành từng chùm gồm nhiều hạt.

Quan sát trên tiêu bản thấy tế bào trứng chuyển sang giai đoạn dinh dưỡng hay còn gọi là sự lớn lên về chất dinh dưỡng (trophoplasmatic growth) làm kích thước noãn bào tăng nhanh nhờ gia tăng số lượng noãn hoàng dạng hạt (đầu tiên noãn hoàng hình thành dưới dạng mụn nhỏ ở vùng giáp nhân, sau đó phát triển theo hướng ly tâm, nang trứng hình thành hai lớp phân biệt) và các không bào. Nhân vẫn còn lớn và bắt màu tím nhạt, có nhiều hạch nhân với kích thước và hình dạng khác nhau phân bố xung quanh màng nhân, tế bào chất vẫn còn ưa kiềm.

Giai đoạn IV:

Tuyến sinh dục có kích thước lớn, chiếm gần hết xoang bụng. Noãn sào có mạch máu phân bố nhiều, màu vàng tươi và hơi đậm so với noãn sào ở giai đoạn III. Các hạt trứng to, lực liên kết giữa các tế bào trứng giảm làm cho trứng có xu thế tách rời nhau.

Giai đoạn này bắt đầu khi quá trình tạo noãn hoàng kết thúc, quan sát trên tiêu bản thấy các hạt noãn hoàng rất rõ, có sự di chuyển túi mầm từ trung tâm ra ngoại biên tạo nên sự phân cực của noãn bào, nhân lệch tâm. Vào cuối giai đoạn IV, buồng trứng đạt cực đại, căng tròn chiếm 2/3 thể tích xoang cơ thể, hạt trứng đều, màu vàng sáng.

Giai đoạn V:

Giai đoạn đẻ trứng, nhìn bên ngoài bụng cá to, thành bụng mềm và sệ xuống hai bên, lỗ sinh dục to và hơi lồi. Buồng trứng căng tròn, có màu vàng nâu hay nâu đỏ, trên màng có mạch máu to. Lúc này nếu vuốt nhẹ vào bụng cá trứng sẽ theo lỗ sinh dục chảy ra ngoài.

Hình 3.14: Buồng trứng giai đoạn V Hình 3.15: Tiêu bản buồng trứng GĐ V Quan sát trên tiêu bản thấy các hạt trứng tròn đều, rời nhau. Màng túi mầm tan biến và trở thành vô định hình, xuất hiện nhiều hạt noãn hoàng màu đỏ có kích thước lớn, các không bào dần tiêu biến.

Một phần của tài liệu nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản của cá ngạnh (cranoglanis henrici vaillant, 1893) (Trang 42 - 45)