CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
1.3.1. Tổng quan về công tác quy hoạch và mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của một số nước trên thế giới
1.3.1.1. Quy hoạch ở Cộng hoà Liên bang Đức
Quy hoạch không gian hay quy hoạch tổng thể vùng lãnh thổ ở Đức là loại quy hoạch tổng hợp về sự phát triển giữa các vùng và các ngành của toàn bộ lãnh thổ.
Trong đó, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng là bộ phận của quy hoạch không gian. Một trong những chức năng của quy hoạch không gian là điều phối các loại hình quy hoạch, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh từ sự tranh chấp sử dụng đất đai của vùng lãnh thổ. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng là một bộ phận của quy hoạch không gian, do chính quyền địa phương thực hiện ở mức độ chi tiết tương ứng với cấp quận.
Chính vì vậy, mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Đức thể hiện trong quy hoạch không gian hay quy hoạch tổng thể vùng lãnh thổ. Nhiệm vụ chính của quy hoạch lãnh thổ là xây dựng những chương trình và kế hoạch phát triển lãnh thổ, gồm:
- Xây dựng bản phúc trình về trật tự không gian lãnh thổ: Xác định ranh giới giữa các vùng đô thị, vùng nông thôn, vùng tụt hậu; phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa.
- Xây dựng bản đồ địa chính lãnh thổ: Thể hiện được tất cả hiện trạng, kế hoạch và biện pháp cần thiết cho quy hoạch lãnh thổ. Đó là các sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến mặt bằng sử dụng đất. Tư liệu địa chính như vậy là nguồn thông tin quý giá cho các báo cáo, các chương trình và các kế hoạch. Các dữ liệu được thu nạp trong máy vi tính và gắn liền với hệ thống thông tin địa lý (GIS);
- Chương trình phát triển lãnh thổ là quan trọng nhất, do Chính phủ trung ương xây dựng;
- Kế hoạch phát triển lãnh thổ là bước cuối cùng của công việc quy hoạch lãnh thổ.
Như vậy, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Cộng hòa Liên bang Đức không phải là các quy hoạch riêng rẽ mà là các quy hoạch ngành, quy hoạch bộ phận trong hệ thống quy hoạch lãnh thổ và quy hoạch vùng. Vì vậy, mối quan hệ giữa hai loại quy hoạch này có sự thống nhất về không gian và thời gian quy hoạch; cơ bản phù hợp với nhau và hỗ trợ lẫn nhau về nội dung quy hoạch. Những mâu thuẫn, đối kháng lẫn nhau về mục tiêu và nội dung giữa hai loại quy hoạch được điều chỉnh, được hạn chế nhằm đạt mục tiêu chung là phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.
1.3.1.2. Một số đặc điểm Quy hoạch vùng ở Mỹ
Việc quản lý hành chính và quản lý đất đai ở Mỹ được thực hiện theo mô hình địa lý - hành chính: - Liên bang;
- Các bang: 50 bang và một số lãnh thổ đặc biệt;
- Các quận (County): có khoảng 3.500 quận;
- Các thành phố, thị trấn, hoặc các đơn vị đô thị nhỏ hơn.
Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Mỹ là bộ phận của quy hoạch vùng. Về mặt lý thuyết, quy hoạch vùng ở Mỹ hiện nay có hai xu hướng chính:
Thứ nhất, đặt trọng tâm vào hiệu quả kinh tế thuần tuý, thường dựa trên việc đưa ra các mô hình toán và kinh tế định lượng rất phức tạp để phân tích hoạt động kinh tế vùng và từ đó đề ra các hướng đầu tư hữu hiệu nhất; thứ hai, nghiên cứu quy hoạch vùng mang tính chất phát triển kinh tế - xã hội hơn là nhấn mạnh hiệu quả kinh tế thuần tuý; xu hướng quy hoạch này mang tính công bằng xã hội nhiều hơn tính hiệu quả kinh tế, nên chú ý nhiều hơn đến yếu tố môi trường và phát triển bền vững nên hay được áp dụng trong thực tế hơn.
Mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Mỹ thực chất thể hiện chủ yếu ở mối quan hệ giữa quy hoạch xây dựng ngành của các tập đoàn kinh tế với quy hoạch sử dụng đất của chính quyền các địa phương. Mặc dù là một nước phát triển, các quy hoạch này được thống nhất trong quy hoạch phát triển chung là quy hoạch vùng nhưng giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Mỹ trong thực tế thường vẫn có những mâu thuẫn nảy sinh cần giải quyết mà nguyên nhân chính là do quyền lợi chính trị, kinh tế của các chủ thể thực hiện quy hoạch rất khác nhau. Thực tế ở Mỹ, mỗi địa phương có một hệ thống rất phức tạp các cơ quan quy hoạch, đưa ra nhiều biện pháp quy hoạch chồng chéo trên địa bàn địa phương.
Chỉ có các dự án ngành như giao thông, thủy lợi - thủy điện, truyền tải điện,,… hoặc các dự án phát triển tổng hợp (bao gồm cả hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế,…) trong đó Chính phủ Liên bang giúp đỡ tài chính cho các chính quyền địa phương nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan - mới có sức hấp dẫn và có thể hiện thực hoá tốt.
1.3.1.3. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Trung Quốc
Bên cạnh Luật đất đai, Trung Quốc đã ban hành Luật Quy hoạch nông thôn và đô thị (có hiệu lực từ ngày 01/01/2008). Công tác quy hoạch ở Trung Quốc hiện nay chịu sự điều chỉnh chủ yếu của hai Luật này. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Trung Quốc là các quy hoạch độc lập nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tương đối thống nhất với nhau.
Quy hoạch sử dụng đất ở Trung Quốc bao gồm các loại hình: Quy hoạch tổng thể (bắt buộc theo luật mang tính chiến lược, toàn diện, quy định chính sách); quy hoạch chuyên ngành (mang tính chuyên đề, đặc thù); quy hoạch chi tiết (quy hoạch bố trí trên thực địa).
Quy hoạch xây dựng ở Trung Quốc được điều chỉnh chủ yếu bởi Luật Quy hoạch nông thôn và đô thị. Chính phủ Trung Quốc đã đề ra chính sách phát triển chăm lo nhà ở cho nhân dân lao động là chính sách trung tâm. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã đặc biệt chú trọng công tác cải tiến quản lý ngành xây dựng và nhà đất, quản lý thị trường bất động sản.
Giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của Trung Quốc có sự thống nhất cơ bản về mục tiêu, nội dung quy hoạch. Quy mô sử dụng đất của quy hoạch xây dựng phải phù hợp với quy mô được xác định trong quy hoạch sử dụng đất đai. Việc quản lý thực hiện quy hoạch ở Trung Quốc được quy định tương đối chặt chẽ, thể hiện ở các khía cạnh: các quy hoạch phải xác định những nội dung có tính bắt buộc; quy định chặt chẽ những trường hợp được phép thay đổi, điều chỉnh quy hoạch;
nguyên tắc bảo vệ đất nông nghiệp, bảo vệ nguồn tài nguyên, di sản văn hóa, bảo vệ môi trường,…
Các quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch ở Trung Quốc là một trong những nhân tố chính bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng.
1.3.2. Một vài kinh nghiệm quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của một số nước trên thế giới
Qua nghiên cứu tình hình về mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của các nước trên thế giới, đại diện là quy hoạch của các nước được trình bày ở trên, chúng ta có thể rút ra một số nội dung cần được xem xét để áp dụng nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở Việt Nam.
Hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển (như Đức, Mỹ) và đang phát triển (như Trung Quốc), có quy trình quy hoạch sử dụng đất đai mang tính đặc thù riêng. Trước hết họ chú trọng về quy hoạch tổng thể không gian (hay còn gọi là định hướng phát triển tổng thể - Master Plan), trên cơ sở quy hoạch không gian người ta tiến hành phân vùng sử dụng đất, sau đó tiến hành quy hoạch chi tiết cho từng khu vực.
Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng ở các nước, nhất là ở các nước phát triển thường là quy hoạch bộ phận của quy hoạch tổng thể không gian nên về cơ bản có sự thống nhất, đồng bộ với nhau về không gian, thời gian, nội dung quy hoạch;
cả hai loại quy hoạch đều hướng tới mục tiêu chung là phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Trong quy hoạch lãnh thổ cũng như quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất, các nước đều quan tâm giải quyết việc sắp xếp không gian, các biện pháp hạ tầng không gian lớn, xác định những vùng ưu tiên, từ đó thực hiện các hoạt động của quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch vùng.
Việc lập các quy hoạch thường do các cơ quan công quyền của Nhà nước thực hiện, có sự tham gia của các tập đoàn, tổ chức kinh tế ở mức độ khác nhau và thường có sự tham gia rộng rãi của người dân. Ở các nước phát triển, về cơ bản các cơ quan nhà nước chỉ tham gia sâu vào quá trình duyệt quy hoạch tổng thể không gian và phân vùng sử dụng đất. Quy hoạch chi tiết phát triển từng vùng thông thường được đấu thầu cho các cơ quan phát triển bất động sản tư nhân.
Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội ở từng nước mà mức độ chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng có khác nhau nhưng nhìn chung giữa hai loại quy hoạch này cơ bản có sự thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau theo nguyên tắc quy hoạch xây dựng là sự cụ thể hóa, chi tiết hóa của quy hoạch sử dụng đất.