3.6 HỢP ĐỒNG VỚI CÁC NHÀ TRUNG GIAN TIÊU THỤ .1 Khái niệm
3.6.4 Đại lý mua bán hàng hoá
3.6.4.1 Khái niệm đại lý mua bán hàng hoá
Đại lý mua bán hàng hoá là một hành vi thương mại, theo đó một thương nhân nhân danh chính mình mua hoặc bán hàng hoá cho một thương nhân khác để hưởng thù lao.
Thương nhân tiến hành dịch vụ mua bán hàng hoá được gọi là bên đại lý. Thương nhân giao hàng hoặc tiền cho đại lý bán hoặc mua được gọi là bên giao đại lý.
Quan hệ đại lý mua bán hàng hoá khác với quan hệ đại diện thương mại ở chỗ: người đại diện không nhân danh chính mình mà nhân danh người được đại diện để giao dịch, còn bên đại lý tham gia các giao dịch với danh nghĩa của chính mình.
Tuy có nhiều điểm giống nhau song đại lý mua bán hàng hoá khác với uỷ thác mua bán hàng hoá. Bên đại lý và bên giao đại lý đều phải là thương nhân. Quan hệ đại lý mua bán hàng hoá thường không mang tính vụ việc đơn lẻ mà là một quá trình hợp tác kéo dài, trong đó các bên đại lý đều chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và có nghĩa vụ báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý. Sự phụ thuộc về vốn, công nghệ, đường lối tiêu thụ sản phẩm của bên đại lý vào bên giao đại lý đạt đến một mức độ chặt chẽ hơn so với quan hệ uỷ thác.
Tuỳ theo những tiêu chí khác nhau mà đại lý mua bán hàng hoá có thể được chia thành nhiều loại khác nhau:
- Đại lý hoa hồng là hình thức mà bên đại lý thực hiện các hoạt động mua bán hàng hoá theo giá do bên giao đại lý ấn định để hưởng thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm do các bên thoả thuận trên cơ sở giá đã ấn định. Khoản thù lao tính theo cách này được gọi hơi lạ song khá phổ biến là hoa hồng.
- Đại lý bao tiêu là hình thức mà bên đại lý thực hiện việc mua bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá theo giá do bên giao đại lý ấn định để hưởng thù lao. Thù lao được hưởng là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán thức tế so với giá do bên giao đại lý ấn định.
- Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định, bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số hàng hoá nhất định.
- Tổng đại lý: là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá cho bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
3.6.4.2 Hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá
Giống như các quan hệ uỷ thác mua bán hàng hoá, các quan hệ đại lý mua bán hàng hoá cũng được tổ chức trên cơ sở hợp đồng. Xét về bản chất hợp đồng đại lý cũng là một
hợp đồng dịch vụ. Hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá phải được lập thành văn bản. hai bên tham gia hợp đồng đều phải là thương nhân được phép kinh doanh mặt hàng dự định là đối tượng của quan hệ đại lý.
Ngoài các nội dung như: tên địa chỉ của các bên, hàng hoá đại lý, hình thức đại lý, thù lao đại lý, thời hạn hiệu lực của hợp đồng đại lý, trong thực tiễn, hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá còn bao gồm nhiều điều khoản quan trọng khác nữa như: chủng loại, quy cách, số lượng, chất lượng hàng hoá, thời gian địa điểm giao hàng, giá mua bán tối đa tối thiểu, các bảo đảm thực hiện hợp đồng như ký quỹ, thế chấp, bảo hành hỗ trợ kỹ thuật cho bên đại lý tổ chức quảng cáo, tiếp thị, thời hạn hợp đồng có hiệu lực, thời gian thông báo chấm dứt hợp đồng, nghĩa vụ thông tin bảo mật của các bên.
Quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên được quy định trong LTM.
Bảo đảm thực hiện hợp đồng. Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng như ký quỹ, thế chấp tài sản được LTM thiết kế như là một thứ quyền hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng.
Quyền sở hữu đối với hàng hoá. Khi hàng hoá được giao cho bên đại lý, phát sinh những vấn đề pháp lý liên quan đến quyền tài sản và trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Quan hệ đại lý khác với mua bán hàng hoá ở chỗ, bên đại lý không phải là người mua hàng của bên giao đại lý. Hàng hoá được giao cho bên đại lý để người này tiếp tục bán cho người thứ ba. chỉ khi hàng hoá được bán, quyền sở hữu hàng hoá mới chuyển từ bên giao đại lý cho bên thứ ba. Trong quá trình thực hiện hợp đồng đại lý bên giao đại lý là chủ sở hữu hàng hoá, nếu các bên không có thoả thuận khác. Các bên cần thoả thuận phân chia việc gánh chịu rủi ro đối với hàng hoá đã giao cho bên đại lý.
LTM quy định bên đại lý chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng và quy cách hàng hoá sau khi nhân. Song song với quy định đó, LTM cũng quy định trách nhiệm của bên giao đại lý đối với những vấn đề nêu trên. Sự chống chéo này có lẽ là một khiếm khuyết trong kỹ thuật lập pháp chứ không bao hàm một vấn đề pháp lý đáng kể nào. Để đơn giản hoá vấn đề này có thể mô tả các quan hệ trong đại lý mua bán hàng hoá một cách giản lược như sau:
Bên giao đại lý Bên đại lý Bên thứ ba (Nhà sản xuất) (Bên bán) (Bên mua)
Hình 3.8. Các quan hệ phát sinh trong quan hệ đại lý mua bán hàng hóa
Trong quan hệ mua bán với bên thứ ba, bên đại lý xuất hiện với tư cách là người bán, do vậy phải thực hiện các nghĩa vụ giao hàng đúng số lượng, chất lượng, quy cách và các
thoả thuận khác trong hợp đồng mua bán. Nếu có lỗi vi phạm những nghĩa vụ đó, bên đại lý chịu trách nhiệm trước bên thứ ba.
Trong quan hệ với bên giao đại lý, bên đại lý có trách nhiệm bảo quan hàng hoá. Bên giao đại lý có trách nhiệm giao hàng cho bên đại lý đúng số lượng, chất lượng và các thoả thuận khác. Nếu vi phạm những nghĩa vụ hợp đồng đó, bên giao đại lý có trách nhiệm trước bên đại lý.
3.6.5 Môi giới thương mại
3.6.5.1 Khái niệm môi giới thương mại
Người môi giới là thương nhân thực hiện dịch vụ trung gian giữa các bên khác để hưởng thù lao. Bản thân người môi giới không trực tiếp giao kết các hợp đồng mà để cho các bên mà mình đã chắp nối tự giao kết hợp đồng với nhau
Thông thường người môi giới tiến hành các hoạt động trung gian đó một cách thường xuyên, các bên mà người môi giới chắp nối lại với nhau không nhất thiết phải là thương nhân. Song khác với đại diện thương mại, người môi giới không có một quan hệ uỷ quyền liên tục đối với một trong các bên mà mình chắp nối. Người môi giới có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực như môi giới môi giới hàng hoá, môi giới bất động sản, môi giới chứng khoán, môi giới bảo hiểm, môi giới vận chuyển, môi giới việc làm. LTM chỉ điều chỉnh các hành vi môi giới trong lĩnh vực mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ thương mại (môi giới thương mại). Việc môi giới bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm và các loại môi giới khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của LTM.
3.6.5.2 Hợp đồng môi giới thương mại
Hợp đồng môi giới phải lập thành văn bản. Khó có thể xác định hợp đồng môi giới thuộc loại hợp đồng nào theo cách phân loại của BLDS, mặc dù nó có những đặc điểm như hợp đồng dịch vụ. Song khác với bên làm dịch vụ, người môi giới không có nghĩa vụ phải làm một công việc cụ thể nào cả. Mọi hành vi của anh ta nhằm vào việc tìm và tác động để cho khách hàng giao kết hợp đồng với người nhờ môi giới. Việc làm và chắp nối quan hệ như thế nào do anh ta tự liệu. Người nhờ môi giới không phải trả thù lao nếu sự chắp nối đó không thành công.
Nghĩa vụ của người môi giới: thông thường người môi giới không có nghĩa vụ phải thực hiện một hành vi cụ thể nào cả mà sự hấp dẫn của thù lao hứa hẹn sẽ trả cho môi giới thành công là động cơ cho hành động của anh ta. Nếu một thương nhân có nghĩa vụ cụ thể, ví dụ nhận hàng của người gửi, đàm phán và ký hợp đồng, thì quan hệ đó không còn là quan hệ môi giới nữa. Nói cách khác, các hoạt động cụ thể do người môi giới tự nguyện tiến hành không mang tính bắt buộc
Quyền của người môi giới. Quyền hưởng thù lao của người môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới đã giao kết hợp đồng. Cách quy định này của LTM chỉ căn cứ